21/10/11

Tôn giáo ở Việt Nam


I.Mở đầu:
          Tôn giáo là một thực thể khách quan của xã hội, luôn gắn liền với đời sống chính trị, văn hoá, xã hội  của một nước là nhu cầu của đại bộ phận nhân  dân, như C.Mác đã viết : “ngay trong một nước mà giải phóng chính trị đã hoàn  thành, tôn giáo  không những vẫn tồn tại  mà còn  biểu hiện sức sống và sức mạnh, thì điều đó chứng tỏ rằng  tồn tại của tôn giáo  không mâu thuẩn với tính chất hoàn thiện của  nhà  nước”. Tôn giáo do con người  sáng tạo ra, sinh ra và tồn tại với xã hội loài người .
           Đảng và nhà nước ta đã nhận thức được điều đó, đã mở ra một hướng đúng theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh  về chính  sách tự do  tín ngưỡng tôn giáo, thoả mãn  nhu cầu chính  đáng  về tôn giáo của bộ phận quần chúng nhân dân, đã thấy đạo  đức  tôn giáo có những điều phù hợp nhất định với chủ nghĩa xã hội. Điều đó được quán  triệt trước sau như một, thể hiện ngày càng đầy đủ vả cụ thể  trong các văn kiện  đại  hội Đảng, trong Hiến  pháp của  nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong các văn kiện khác của Đảng và  Chinh phủ .
           Với  nhận thức đầy đủ về tôn giáo của Đảng và nhà nước, với  một đất nước Việt Nam bốn nghìn năm văn hiến, tiếp thu nhiều  nguồn  văn hoá trên thế giới. Cho nên trên đất nước ta có  rất nhiều tôn giáo. Từ tôn giáo  truyền thống bản địa: Đạo thờ Tổ tiên, đến các  tôn giáo  tiếp thu từ văn minh Trung Hoa  như Nho giáo, Đạo giáo, đến  các  tôn giáo tiếp  thu từ văn minh Ấn độ như Bà la môn giáo, Phật giáo, tiếp thu từ nền văn minh Ả rập như Hồi giáo, và  sau cùng  là văn  minh phưong Tây với  Ki tô  giáo. Tin lành .
           Ngoài việc tiếp thu các tôn giáo thế giới, người Việt Nam cũng đã sản sinh ra một số tôn giáo bản địa  mang ý thức  dân tộc, mang đậm  nét truyền thống của dân tộc Việt Nam  như đạo Cao Đài, Hoà Hảo .
         Đạo thờ Tổ tiên là một tôn giáo truyền thống, chi  phối tất cả các tôn giáo  khi vào Việt Nam. Hiện tượng "Việt Nam hoá" các tôn giáo ngoại sinh là một hiện tượng khá phổ biến. Đạo Thiên Chúa  khi không chấp nhận thờ Tổ tiên thì chưa có một vị trí đàng hoàng   trên đất nước Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc, về lĩnh  vực tôn giáo, có tính đa thần, phiếm thần, cho nên các tôn giáo đến Việt Nam đều được  tiếp  thu, chưa bao  giờ có chiến tranh tôn giáo hay những tranh chấp tôn  giáo  trên đất nước  ta .
Những hiện tượng tôn giáo mới  cũng  bước đầu có  xuất hiện trên  đất nước ta, hiện nay chúng ta đang nghiên cứu  để có chính sách thoã đáng, tạo điều kiện cho nhân dân có cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo ”.
Nội dung  đề tài trình bày các tôn giáo  ở Việt Nam, tình hình  sinh hoạt của các tôn giáo, những chủ trương, chính sách của Đảng  và nhà nước đối với  các tôn giáo.     
II. Các  tôn giáo ớ Việt Nam :
1. Hệ thống  tôn giáo dân tộc : Đạo thờ Tổ tiên.
Một đặc điểm của xã hội cổ truyền miền Viễn Đông và cũng là của Việt Nam, là  việc thờ Trời, vị đứng đầu  các siêu  linh quan  hệ  đến Đất, hai yếu tố Âm Dương, vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Tục thờ Trời  trong lịch sử xưa  dành riêng  cho nhà vua, người được coi là con Trời ( thiên tử ), người dân không được phép  thờ. Người dân  coi Trời là môt siêu linh  gắn liền với việc sản xuất nông nghiệp. Từ xưa ở Nam bộ có tục thờ Ông Thiên, đơn giản  mà sâu sắc, thường được thực hiện vào đêm giao thừa, với một bàn thờ và lễ vật giản dị .Tập tục đó hiện nay  phổ biến trong cả nước, vua Hùng được cả nước  suy tôn là người  có công dựng nước, thường tổ chức giỗ vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm được  nhà nước coi là Quốc lễ, người lao động được nghĩ làm việc trong  ngày. Đền Hùng là điểm hành hương lớn nhất, là nơi được các địa phương về bái vọng đất Tổ .

Nhà thờ Dòng họ Đoàn - Đâu Kênh - Quảng Trị
Nho giáo có công hệ thống lại thành giáo lý những điều đã có trước trong xã hội các làng xã  Việt Nam cổ truyền, đặt ra các nghi thức  để suy tôn một cách có hiệu quả  vai trò “con trời”, các thần linh các  địa phương. Hàng năm, trên mãnh đất thiêng liêng  nơi đươc coi là trung tâm của giang sơn đất nước, nơi giao lưu giữa Trời và trần gian bằng một sợi dây vô hình, thay mặt cho  toàn dân nhà vua cầu xin trời, vị thần bản mệnh của toàn dân, của bản thân và dòng họ nhà vua, một năm tốt lành.  Nhà vua đích thân làm chủ lể, không nhường quyền đó cho một ai, cũng như ông Tiên chỉ trước bàn thờ Thành hoàng làng  hay người Tộc trưởng, người con cả  trước bàn thờ  dòng họ hay gia đình. Nhà vua cũng tự mình cày luống đất  tượng trưng  đầu tiên, mở đầu cho một năm sản xuất nông nghiệp.
Trong phạm vi làng xã, có tục thờ  Thành hoàng làng, thần bản mệnh của cộng đồng. Những vị thần nầy có  nguồn gốc khác nhau tuỳ từng làng, có thể là các vị thần tự nhiên như: thần núi ,thần sông , thổ thần; các nhiên thần nguồn  gốc lá  cây, đá, thuỹ sản, dã thú ….  Có khi là các thần  vì một lý do gì đó  có quan hệ vô hình  cộng đồng  nhưng mang đậm tính  thiêng. Có thể lại là các vị tổ sư  các nghề, người lập làng, dựng làng, những người có công với nước, các danh nhân văn hoá, nhân vật các tôn giáo … Nên có khi trong một làng  có vị thành hoàng do vua cử, có vị do dân suy tôn, thậm chí có hiện tượng một làng có hai ba vị thần hoàng, thậm chí có đến 7 vị thành hoàng. Vị thần làng với chức năng  bảo hộ và phát triển cộng đồng, được  thờ trong ngôi đình làng. 
….  Dù dược  dân tôn hay vua phong, hoặc cả hai, cũng đều là sợi day liên kết  mang tính thiêng liêng  giữa các thành viên đã khuất  ,cũng như những người còn sống  của đơn vi cơ sở xã hội của đất nước .
Ở Nam bộ, tuc thờ  thần  làng có những nét khác biệt, nhưng nội dung và lễ thức  cơ bản vẫn có cùng ý nghĩa. Nơi đây các vị thần có sắc phong không nhiều, và cũng chỉ mới có từ thời Gia Long. Các vị thần hoàng có nguồn gốc đa dạng, nhưng cơ bản phải là ngưòi có công với nước, với làng, các tiên hiền, hậu hiền, tổ sư các nghề, các tiên sư, đặc biệt có cả các vị anh hùng thời cận hiện đại, thậm chí các anh hùng liệt sĩ ngày nay, cũng như các nhân vật của các  tôn giáo khác .
Đáng lưu ý là, nếu như các lễ thức của triều đình chịu ảnh hưởng  của Nho giáo thì ngược lại, nôi dung và  nghi  thức thờ thành hoàng  lại rất đậm đà  sắc thái  dân tộc đồng quê. Đó là vốn quý giá của dân tộc  cần gìn giữ và phát huy. Cũng vì lẽ đó, với chủ trương giữ gìn và phát huy bản sắc  dân tộc nhà nước có chủ trương cho phép tổ chức hội làng, tổ chức các lễ hội  nhân dịp giỗ các anh hùng có công với nước, các danh nhân văn hoá. Từ Nam chí Bắc, không khí nhộn nhịp tổ chức vào các ngày đầu xuân, đánh thúc dậy hồn thiêng dân tộc, một tâm thức trở về cội nguồn. Việt Nam là một đất nước của lễ hội, hàng năm có hơn 7000 lễ hội trên đất nước ta.
Ý niệm liên kết cộng đồng  về phương diện huyết thống  được thể hiện trong phương diện  tôn giáo  ở đạo  thờ tổ tiên  hay thờ những người đã khuất cùng huyết thống. Tổ tiên  được coi như thần bản  mệnh  của dòng họ, tông tộc, gia  đình. Với quan  niệm ông bà tổ tiên  can  thiệp  đến vận mệnh con cháu, nên con cháu vừa chịu  ơn sinh dưỡng, vừa sợ bị quở phạt. Do đấy, tổ tiên được con cháu còn  sống  tưởng niệm tôn thờ,  có trách   nhiệm lo lắng, chăm  sóc  theo tục lệ  để  được  yên vui bên  kia thế giới, được về quây quần sum  họp , “ăn uống” cùng con cháu  và che chở con cháu  được nên người, nhằm bảo vệ và duy trì  dòng họ và gia đình.  Con cháu, theo quan niệm “sống gửi ,thác về ”,cũng mong được tổ tiên phù hộ, để làm tròn trách nhiệm nơi trần gian. Đến lượt họ, khi về chín suối, lại được con cháu  tôn thờ, hương khói. Khác với phương Tây, con người chỉ  là thờ Chúa, kính các thánh thần, ở phương Đông  con người vừa là người thờ  cúng các siêu linh, tổ tiên, ông bà  lại vừa được con cháu tôn thờ. Nếu  ai  có  công với nước,  với  làng, còn được dân làng dân nước thờ cúng. Mối liên kết giữa người đã khuất  , ngưòi đang  sống  với ngưòi sẽ sinh ra, về phưong  diện tôn giáo là tâm thức của tôn giáo Viễn Đông  nói chung và của Việt Nam nói riêng .
Đạo thờ Tổ tiên của cộng đồng  người Việt thể hiện không chỉ riêng  trong việc cúng  bái ngày giổ chạp, ngày mồng một, ngày rằm, mà còn  ở mọi phong tục, tập quán liên quan  đến  những  thời điểm quan trọng nhất  trong  chu kỳ đời sống  của một con người:  sinh đẽ, hôn nhân, lên  lão cũng như sau khi đã khuất: săn sóc phần mộ, lo lắng  cho cuộc sống  thế giới bên kia. Nên Hổ Chí Minh đã nhận xét, ở Việt Nam,  đạo Tổ Tiên đã trở thành một hiện tượng xã hội, Đạo  cũng có tác động bảo vệ danh dự  cho những  ngưòi cùng cộng đồng, về  phương diện đạo đức, khích lệ con cháu làm điều tốt  ,gắng trở nên những người có công với  dân, với  nước  để  làm vẽ vang cho  gia đình, dòng họ .Nếu lược bỏ dần  những yếu tố lỗi thời : động  mồ, động  mã, tìm chổ mả phát, xem  hướng đất …,  cũng  như giảm bớt những nghi thức phức tạp, tốn kém thời gian, tiền của một cách vô  ích và phi lý, thì đó là một đạo trong sáng tích cực, nói như J. Délumeau, đạo đó “biểu hiện một tính độc đáo  không thể nào xoá bỏ được ”.
Đạo Tổ tiên  hầu như được mọi ngưòi Việt Nam, bất kể  theo  tôn giáo nào thực hiện. Có thể nói không sợ sai  rằng, nó là nền tảng cho  những tôn giáo khác như đạo  Hoà Hảo ( một trong tứ ân ; Ân tổ tiên ) , như đạo Cao Đài  ( việc ma chay ), nhất là đạo Nho  với chữ Trung và chữ Hiếu. Đạo Phật phát triển một phần nhờ đưa bát hương lên  chùa, hoá thân hoàn vũ ( lễ Vu Lan ).
Theo  điều tra xã hội học  tôn giáo,  gần như tất cả gia đình  bộ phận không Ki tô giaó  đều lập bàn thờ tổ tiên  trong nhà, thắp hương hàng ngày, hàng tuần. Phổ biến nhất là ngày rằm, ngày  mồng một, trong các dịp giổ chạp hay trong nhà có việc vui như  cưới xin ,cổ bàn. Người theo đạo Phật, Cao Đài, Hoà Hão  cũng không bỏ tục lệ thờ cúng tổ tiên. Khi con cháu mắc bệnh nan y, ngoài việc điều trị bằng Tây y hay Đông y, số ngưòi cầu xin cho tai  qua nạn khỏi  chiếm tỷ lệ 20.7 % , cao hơn cầu Trời, Phật  : 15.3 % , hay bói toán : 2.6 % .
Bộ phận Ki tô giáo ( Công giáo ) trước đây không cho phép tín đồ giữ đạo Tổ tiên, cũng  như  thờ cúng các vị thần thánh tôn giáo khác, hay các anh hùng liệt sĩ  vì họ quan niệm sai lầm rằng, tất cả đều là “ma, quỹ”, nếu ai thờ tổ tiên phải dứt phép thông công. Các tín đồ  phải nin lặng để trong lòng, hoặc thờ “chui” bằng cách  gữi bát hương sang  nhà bên “lương ”, hay cất giấu vào hòm thóc … Năm 1964, giáo  hội  mới cho phép giáo  dân Việt Nam tôn kính tổ tiên  và các anh hùng liệt sĩ  theo tinh thần của Huấn thị Plane Compertumest ( 8/12/1939 ) của Giáo hoàng Piô XIII. Tinh thần đó được các  tín đồ Nam Bắc hoan nghênh. Hiện nay người Công giáo  thờ   cúng tổ tiên có tỷ lệ  khoãng  92 , 2 %. Có người  vừa xin lễ ở nhà thờ, vừa tổ chức lễ giổ  ở nhà. Người Công giáo  không quên đạo Tổ  tiên. Tin thần của Huấn thị và  Nghị quyết của Công đồng Va ti căng II  chỉ ít lâu sau đã ảnh hưởng khắp nước ta. Một điều đáng mừng  là nhờ nhận thức lại đạo Tổ tiên,  nhu cầu tình yêu và gia đình hạnh phúc,  được người Công giáo  quan tâm  và đưa lên nhu cầu hàng đầu .
Nếu ngày xưa dưới chế độ  gia trưởng phụ quyền, con cái sợ  bố mẹ trừng phạt, nên việc thờ phụng  chủ yếu là cầu mong  việc che chở, hiện nay  việc thờ cúng chủ yếu lả để tỏ lòng biết ơn và để mong điều tốt lành .
Cùng với đạo thờ vua Hùng, người có công dựng nước, thờ những  người có công với nước, với  làng, đạo thờ những nguời đã khuất  cùng huyết thống đã tạo thành một  liên kết tâm thức tôn giáo  giữa những thành viên sống trong môt cộng đồng lãnh thổ và những cộng đồng huyết thống . Nó tạo nên  một hệ thống tôn giáo dân tộc  phản  ảnh  mối quan  hệ trong  thực tiễn xã hôi. Trong mỗi con người Việt Nam, có hai con người thuộc về hai  cộng đồng: dòng máu và lãnh thổ.  Nhưng  đặc biệt  là có  hiện tượng đồng nhất  quan hệ  huyết thống  với quan hệ xã hội  thông qua việc đồng nhất các thuật ngữ xưng hô  trong dòng  họ và ngoài xã hội.Hay có thể nói, người  Việt Nam kéo các quan hệ xã hội về quan hệ gia đình  hay ngược lại  mở rộng quan hệ gia đình  ra xã hội .
Trong thời đại hiện nay, xu thế toàn cầu hoá  tạo nên mợt nguy cơ  ,một tai hoạ của sự đồng hoá dân  tộc  cho bất cứ một  dân tộc nào ,một  đất nước nào, chứ không riêng ta hay các  nước   đang phát triển.  Cùng với các  yếu tố văn  hoá  dân tộc khác, hệ thống tôn  giáo  dân tộc  góp  phần khơi lại đạo lý, tình nghĩa cho con người Việt Nam, nhằm góp phần không tự đánh mất mình, tạo  nên  một  con đê ngăn chặn  xu thế đồng hoá dân tộc . J.M. Azas  nhận xét rất đúng, trong giao đoạn  hiện nay, sự đồng hoá dân tộc  là tiếp  nối  của sự diệt chủng, tôi nói thêm không bằng  súng đạn  mà bằng văn hoá. Cái chết về thể xác là điều đáng sợ đối với đời sống trần tục  vật chất  nhưng, với người Việt Nam, khi nghĩ đến nó là nghỉ trở cội  nguồn, nơi ông bà, tổ tiên đang sống, trở về cái thiêng liêng của cộng đồng  : Gia đình – Làng nưóc. Đạo thờ tổ tiên mang ý nghĩa tích cực là vì thế .Nó  làm cho  con người  hiện tại  thấy mình là cái dấu nối  của lịch sử mỗt cộng đồng, dấu nối  từ quá khứ đến tương lai ,và lại là cái phần thiêng liêng  và đáng trân trọng nhất, để thấy tự có trách nhiệm với  cuộc sống, trưóc khi về với tổ  tiên .
Ngày nay, hệ thống tôn giáo dân tộc gọi  tắt là đạo  Tổ tiên, được  làm  phong phú thêm  bởi những ngày  kỷ niệm, tuy không mang tính tôn giáo, nhưng cũng có quan hệ với thế giới vô hình, như những ngày tưởng niệm  các anh hùng liệt sĩ, các ngày kỷ niệm chiến thắng …  ở đó gợi cho mỗi người nhớ đến  những người đã ngã xuống vì nưóc vì dân, vì xóm  làng thân  yêu. Nên có thể nói rằng, đạo  Tổ tiên  là bộ phận “thiêng liêng ” của Tổ quốc – Quê hương - Gia đình.
2. Đạo Phật:
Có thể nói Phật giáo là  là một tôn  giáo  truyền thống của  ngưòi Kinh, của  cả cư dân  miền núi phía Bắc  và Đông Bắc  dưới hình  thức là Pụt, Then. Phật giáo có ảnh hưởng hay hình như  không ảnh  hưởng  tới  các cư dân bản địa  vùng Trường  Sơn – Tây Nguyên,  miền núi Thanh Hoá – Nghệ An  và  Tây Bắc Việt Nam  vùng các dân tộc Thái  và dân toc Mường, Phật giáo ảnh hưởng rất mờ nhạt  ,kể cả những cùng giáp Trung Hoa và Lào .
Đạo Phật ở miền Bắc tương đối thuần khiết, theo dòng Đại thừa  ,càng vào phía Nam  lại chia ra nhiều tông phái: Đại thừa, Tiểu thừa,  Khất sĩ, Phật giáo cổ truyền. Đó  là chưa kể  đạo Phật của người Trung Hoa  và ngươi Khơ me  ở   Nam bộ .
Chùa Thiên Mụ - Huế



Hiện nay, đạo Phật là tôn giáo  có số tín đồ đông nhất, khoảng 7.204.380 tín đồ(1997 ), với 21.302 nhà tu hành.  Số lượng tín đồ Phật giáo thật khó đoán định.  Nếu chỉ tính những người quy y  tam pháp thì không đến số lượng trên còn   nếu  chỉ  dựa vào số người lên chùa, có niềm tin vào cái thiện cái ác, thuyết nghiệp báo, luân hồi …. thì con số 7 triệu e còn thấp. Ngày xưa đạo Phật chỉ tính những người  xuất gia hợp thành tăng đoàn và những cư sĩ tại gia. Những người ủng  hộ  nhà chùa và sư sãi thi được coi là thí  chủ . 
Theo  khảo sát của Viện Nghiên cứu  Tôn giáo  có tới 70.8 % ngưởi dân không Ki tô giáo  được hỏi là theo đạo Phật, 60.1 %  có thờ Phật, 71.2 %  tin Phật có khả năng cứu giúp, và 78.8 % đi lễ chùa ( 15.1 % thường xuyên ). Số gia đình có bàn thờ phật tại nhà  lên đến 70.5 %, nhưng khi kê khai lại nói không theo đạo Phật.  Điều nầy cho  thấy  đạo Phật đã đi vào trong từng gia đình người Việt Nam, nhất là ở phía Nam, nơi đã gắn liền với đạo Tổ tiên . 
Phật giáo lấy chữ “tâm ” làm gốc, vậy nên ngay cả khi tín  đồ đã quy y, nhưng chưa xuất gia,  cũng không bị ràng buộc theo một giới luật chặt chẽ, xu hướng thế tục hoá ngày càng tăng dần. Nếu một tín đồ vì một lẽ gì không theo giới luật nữa, cũng không bị “khai trừ ” như tín đồ Ki tô giáo bị rút phép thông công. Tính tự nguyện, tự giác, với tổ chức mềm  dẽo, lại làm cho người Việt  Nam gần với đạo Phật, nên phải chăng, trong  Giáo hội Phật  giáo  chỉ có sự phân biệt rõ rệt người xuất gia và không xuất gia, còn giữa các tín đồ và quần chúng tín đồ  thì ranh giới  không có sự rạch ròi .
Tính hoà nhi bất đồng  của các tôn giáo  truyền thống  trong khối người không Ki tô giáo  làm cho việc thống kê  tín  đồ phật giáo thêm khó khăn. Những tín đồ Cao Đài, Hoà Hảo cũng thấy  Phật trong tôn giáo của họ. Ngược lại, người theo  đạo Phật  cũng thấy trong mình có đạo Nho, Đạo giáo, thấy trong chùa cũng  thờ các vị  thuộc các tôn giáo khác .
Theo thống kê của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, hiện nay nước  ta có 13.923 ngôi chùa, chùa tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng  quanh Hà nội, ở thành phố Hồ Chí Minh, Huế, vùng Khơ me. Có khoảng 450 chùa của phái Tiểu thừa  và gần 100 tịnh  thất  thuộc phái Khất sĩ, bên cạnh đó có những “ chùa”  của người Hoa, họ thường thờ Quan Công hay Ngọc Hoàng  hoặc các vị khác không phải Phật .
Càng vào phía Nam các hệ phái Phật giáo càng đa dạng, từ đó dẫn đến đa dạng về kiến trúc, về bố cục trong chùa, về giáo  lý có tính hiện đại và canh tân, về năng lực các chức sắc  có phần cao hơn. Tính  đa dạng là một thực thể khách quan cần lưu ý .
Giáo hội Phật giáo Việt Nam  toàn quốc  đã ra đời với một Hiến chương  chấp nhận  cho các hệ phái  hay nhóm  vẫn được duy  trì  truyền thống của hệ phái mình  về phưong diện tu hành theo đúng chính pháp của bản thân.Điều duy nhất cần  thống nhất là  sự trong sạch của đạo, không bị các thế lực chính trị  cũng như đồng tiền  lũng đoạn. Lợi ích tôn giáo  thống nhất với lợi ích dân tộc  trên  nguyên tắc: đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội .
Trong những năm sau đổi mới, vai trò cuả đạo Phật, có phần tăng tiến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này :1. Chính sách tôn giáo ngày càng cụ thể và có phần khích lệ những điều tốt đẹp có trong giáo lý tôn giáo, vì nhận thức tôn giáo còn là một nhu cầu ; 2.Đạo Tổ tiên có phong trào đưa bát hương lên chuà, hoá thân hoàn vũ ;3. Phổ biến hiện tượng trong các chuà có những hoạt động tôn giáo khác nhất là thờ Mẫu ;4. Các bà trung niên lão niên, các cán bộ về hưu “già vui cảnh chuà ” , đặc biệt là Hội các bà qui y  tham gia công tác từ thiện và chăm lo việc đau ốm, tang tế cho những người trong chòm xóm ;5. Đặc biệt với xu thế thế tục hoá ,Phật giáo hướng vào việc phục vụ đời, nhập thế làm không khí đời sống tôn giáo sôi động .
Sự gia tăng cuả Phật giáo vẫn theo lối bình dân. Một số trí thức đi sâu nghiên cưú giáo lí  cuả đạo Phật, một số thanh niên ham học tìm hiểu đạo. Nhưng nhìn chung quần chúng theo Đạo Phật, có thể qui y hay tu tại gia, sự hiểu biết đạo Phật còn chưa thấu đáo. Tính thực dụng cuả  những người theo đạo lên chuà biểu hiện khá rõ .Hầu hết sự cầu mong cuả họ chủ yếu là cho trần thế ,chứ chưa hẳn đã muốn sau này thành Phật ,hay về bên Tây Trúc ,kể cả những người tu hành  .Theo kết quả điều tra cuả viện Nghiên cưú Tôn giáo ở ba tỉnh thành:48,7% người được hỏi trả lời là họ theo đạo Phật nhằm tai qua  nạn khỏi, phát tài, phát lộc; 56,8%để phúc cho con ;2,5 %để vợi nỗi đau trần gian .Số muốn thành Bồ Tát ,La hán chỉ có 2,5%(đặc biệt thành phố Hà Nội: 0%);để được về nơi Tây phương cực lạc 5,1%; để thoát khỏi nghiệp báo 9.4%; để lên Niết bàn 2,6%;không phải xuống điạ ngục 4,3%,Khi hỏi về lý do quy y hay xuất gia ,số người được hỏi trả lời do giác ngộ vì được nghe kinh và đọc kinh tỉ lệ cũng chỉ chiếm 14,4% ;trong khi đó theo đạo Phật do bạn bè lôi kéo là 38,5%;do hoàn cảnh gia đình 27,2%; vì bản thân gặp bất hạnh 5,4%;đời nhiều đau khổ 11,9%;do thiện tâm 22.3%.Khi được hỏi :Lên chuà hay khi tụng kinh thì cầu ai ?,ở Huế 58,3% và thành phố Hồ Chí Minh, có 49,8%người được trả lời cầu Phật Tổ ;Ở Hà nỘi ,cầu Tam Bảo tỷ lệ là 77,11%,còn cầu Phật Tổ chỉ có 24,1%.Tỷ lệ người được hỏi cầu cho đức Ong 7,7%(Hà Nội 33,1%; Huế 0,3%,thành phố Hồ Chí Minh 2,2%) ;Đức Thánh 3,8%;Mẫụ,7%(Hà Nội 41,6%).Qua con số trên ,có thể thấy ở Huế và thành phố Hồ Chí Minh ,tín đồ hiểu Phật giáo hơn tín đồ Hà Nội .
Những tín đồ tham gia các hội đoàn đông nhất là Hội Bà Vãi ở Hà Nội tỷ lệ là 60.24%, ở Huế và thành phố Hồ Chí Minh  tỷ lệ tương ứng là 0,9%và 1%.Hội thiền mang tính trí thức nhất định chiếm tỷ lệ thấp ;0.7%.Gia đình Phật tử ở Huế và thành phố Hồ Chí Minh đông người tham gia hơn Hà Nội. Đáng chú ý là có tời 59,1% số người được hỏi không tham gia một hội đoàn nào . 
Đội ngũ tăng ni có khỏang trên dưới 2500 (lấy giưã hai con số cuả một Giáo hội, một cuả Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ).Trong đó ,khoảng 1000 các vị hoà thượng, thượng toạ .ni trưởng và ni sư cho thấy lực lượng còn mỏng, so với nhu cầu còn thiếu và yếu, không đủ sức trụ trì các chuà. Còn khá nhiều tín đồ thuận thành thiếu sự hiểu biết về Phật học. Qua điều tra cho thấy, một số người chủ trì các chuà chưa có những hiểu biết cần thiết về đạo, giảng kinh nhưng chưa thật hiểu kinh.Thậm chí có chuà không do các nhà sư trụ trì ,mà do cán bộ phường xã và cán bộ về hưu phụ trách với mục đích “kinh doanh ”.
Gần đây ,ở các thành phố và một số tỉnh đã có những lớp đào tạo trình độ đại học ,phổ biến là trung cấp, các ni, sư được học các ngành khoa học  xã hội nhân văn. Các sách kinh được dịnh. Các sách cũng như các tạp chí bàn luận về đạo Phật  khá nhiều. Trình độ hiểu biết của các chức sắc và quần chúng tín đồ Phật giáo  được nâng cao một bước. Tuy nhiên, muốn để đạo  Phật trở thành một yếu tố văn hóa chính  trị, ngoài việc nâng cao đạo đức phẩm  hạnh của các tăng ni, việc nâng cao trình độ học vấn nói chung  và trình độ hiểu biết về Phật giáo nói riêng  cần được lưu ý.  Một đòi hỏi  cần thiết là  sư  ra sư, chùa ra chùa. Từ sự   giác   ngộ  về giáo  lý,  hiểu biết về văn hoá, những hiện tượng mê tín xung quanh ngôi chùa sẽ giảm bớt. Nhà chùa cũng làm tròn những điều Phật dạy, gần với đạo đức của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu xét đến cùng, đạo Phật nguyên thuỷ vẫn là một đạo không có thần linh, và con đường của Phật  cũng vì mục đích cứu khổ cho nhân loại.
Bên cạnh việc ăn chay, niệm Phật, các  tín  đồ vẫn  quan  niệm  rằng  cống hiến nhiều lễ vật, tiền công đức  góp phần tu sữa chùa chiền  là một phương tiện để  xoá được tội lỗi. Hoặc một số rất ít  không chỉ  cầu xin tai qua nạn khỏi  thực sự, mà còn xin  qua khỏi  những việc làm ám muội, phi pháp. Ngược lại, các chùa cũng tăng phần chay đàn cầu siêu, cúng sao, giải  hạn, cầu  an, cúng cô hồn,  thậm chí cả xóc  quẻ, bói toán, mở hàng quán, tổ chức  văn nghệ  trong chùa để kinh doanh, tăng  hòm  công đức  để mưu  lợi .
Tinh thần  đạo pháp, dân tộc, xã hội chủ nghĩa  hướng tăng ni, Phật tử  đoàn kết, xây dựng và bảo vệ đất nước,  chăm  lo tu hành cần được quán triệt.Phát huy tinh thần khoan  dung hỉ xả, tránh những việc làm trái với đức  tin của Phật, trái với lợi ich của Tổ quốc, vi  phạm hiến pháp và pháp luật, đồng thời không biến nơi thừa tự thành nơi buôn thần ban thánh, nơi  thực hành mê tín. Đó  là điều mong muốn của nhân dân cả nước, một dân tộc  mà đời sống văm học nghệ thuật đã đưọc bén sâu tư  tưởng Phật giáo .
3. Đạo Công giáo :
Công giáo vào Việt Nam  cách đây khoảng 500 năm, mở đường  và tiếp theo đó gắn liền  với quá trình  xâm lươc  của thực dân Pháp.
Trong hai cuộc  chiến  tranh vừa qua, ta không thể phủ nhận sự phân rẽ trong hàng ngũ chức sắc và tín đồ Công giáo. Đại bộ phận muốn dung hòa quyền lợi tôn giáo và dân tộc, đứng về phía kháng chiến. Một bộ phận khác chiếm số ít, cả tin về lời tuyên truyền về cuộc xung đột giữa hai ý thức hệ cộng sản vô thần và tôn giáo, theo giặc. Một bộ phận không ít phải băn khoăn giữa lòng yêu nước và niềm tin tôn giáo. Thực ra, như D. Marr cũng đã thấy: “ Người theo Kitô giáo không cảm thấy đe dọa bởi cộng sản…có lẽ chính vì người ta cho rằng cuộc đấu tranh giữa vô thần và hữu thần tại đây không có ích lợi gì”. Hay như Sainteny trong cuốn Đối diện với Hồ Chí Minh cũng đã viết: “ Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi, hoặc chế giễu đối với một tôn giáo bất kỳ nào”.
Không cần nhắc lại quá khứ nhiều lắm, nhưng một số số liệu điển hình dưới đây cũng cần thấy người lãnh đạo Giáo hội thời đó đứng về phía dân tộc hay phiá quân xâm lược. Qua lời hù dọa và vận động có tổ chức, 40% tín đồ, tức là khoảng 543.000 người và 72% linh mục, tức là khoảng 809 người di cư lánh nạn cộng sản vào Nam năm 1954-1955. Linh mục Trần Tam Tỉnh cho biết 100 linh mục và 250 tu sĩ bỏ nước ra đi đợt đầu vào năm 1975 vì sợ cộng sản “tắm máu”.
Thánh địa La Vang

Số tín đồ Công giáo gia tăng nhanh dưới thời Pháp thuộc và ở vùng tạm chiếm trong hai cuộc kháng chiến. Lúc đầu chưa chắc đã vì niềm tin, mà vì muốn  an thân hoặc những lợi ích phi tôn giáo, sau dần dần thành thói quen, do chủ trương tạo những làng Công giáo toàn tòng, do cha truyền con nối. Đến nay, theo con số thống kê củ Uy ban Mặt trận Tổ Quốc ( 1997) Công giáo có 5.072.969 tín đồ, với 9.595 chức sắc và 13.554 chức việc ( không phải tu hành) với 34 giám mục ( trong đó có 1 hồng y); 2.162 linh mục, trong đó có khoảng 250 linh mục dòng; có 75.000 tu sĩ, trong đó có 6000 là nữ; có 84 dòng tu ( trong đó có 51 dòng tu nữ); có 3 giáo tỉnh gồn 25 đia phận, trong đó Hà Nội: 10 địa phận, Huế: 6 địa phận, thành phố Hồ Chí Minh: 9 địa phận với 2.030 xứ đạo và 5.390 nhà thờ.
Số tín đồ chủ yếu tăng tự nhiên, số gia nhập thêm không đáng kể. Các tín đồ nói chung là đậm đạo, nhưng cũng đã có dấu hiệu các tín đồ có thái độ tự tin hơn trong các vấn đề trần thế. Điều này đã được rút ra từ kết quả điều tra xã hội học – tôn giáo, và cũng qua những nhận thức từ thực tiễn cuộc sống.
Trên tinh thần đổi mới, với chỉ thị 37 của Bộ chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới ( 2-7-1998) và Nghị quyết 26/1999/NĐCP của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo ( 19-04-1998), các hoạt động của nhà thờ được khởi sắc, tín đồ đỡ mặc cảm, yên tâm sản xuất, làm nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Nổi bật là trật tự an ninh xã hội ở vùng Công giáo được giữ gìn tốt hơn. Đó là do sự chỉ đạo và kết hợp tốt đẹp giữa chính quyền địa phương và các tổ chưc Công giáo. Khẩu hiệu Sống Phúc âm trong lòng dân tộc được hưởng ứng. Đại đa số giáo dân muốn yên ổn làm ăn, không muốn có sự phân biệt giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, muốn hòa nhập chung vào cuộc sống ngày một được cải thiện. Nhiều người đã nhận ra về phần đạo nhà thờ là chỗ dựa, về phần đời phải là Nhà nước, là chính quyền, là do bản thân quyết định.
Hoạt động của nhà thờ là tổ chức các buổi lễ giảng, là tu bổ sửa sang và xây dựng mới nhà thờ, là đào tạo, bồi dưỡng các linh mục, tăng cường hoạt động tôn giáo, phát triển hội đoàn, tổ chức hành hương… Những việc làm đó nhằn thỏa mãn nhu cầu tâm thức tôn giáo của giáo dân, vừa nhắm củng cố uy tín nhà thờ. Nhà thờ cũng hướng phục vụ việc đời: từ thiện, y tế, văn hóa, giáo dục.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nhà thờ còn bị trói buộc bởi nghi thức rườm rà, các tiêu chí xác nhận niềm tin, mà từ lâu các nhà thờ trên thế giới đã để con chiên tự nguyện thực hành. Nhà thờ đã rất cố gắng cho con chiên thấy việc học tập là cần thiết, nên vị trí của nhu cầu học vấn đã được chú ý . Ngược lại, cần chú ý đến việc kế hoạch hóa gia đình, cho gia đình Công giáo đỡ đông con, lâm vào cảnh nghèo túng.
Trong việc đạo như việc đời, việc phối hợp với chính quyền địa phương là cần thiết, tránh để những kẻ xấu bên ngoài, cũng như bên trong dùng tiền vào mục đích không trong sáng. Việc hợp tác cần cả hai bên, bên đạo và bên đời, thực sự chân thành, đảm bảo đòan kết vì tương lai dân tộc.
Xu thế hướng về dân tộc thể hiện như một quy luật tất yếu, cùng song song với xu thế toàn cầu hóa. Điều này được các linh mục và các tri thức Công giáo công nhận và đã thực hiện, cũng như một đại bộ phận người Công giáo đã chấp nhận ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bài phát biểu của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội lần thứ III ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh có trích lại nội dung của một bài hát : “ Trước khi tôi là người Công giáo, tôi đã là người Việt Nam”, nói lên đầy đủ tấm lòng của người Công giáo. Việc tuyên truyền Cộng sản là vô thần, cộng sản coi tôn giáo là thuốc phiện, mà ở đây thuốc phiện, được hiểu như thuốc độc, ma túy, không còn “hấp dẫn” và còn phản tác dụng, vì tín đồ ngày nay cũng đã hiểu  và thấy rõ qua những thực tiễn lịch sử của đất nước. Người Công giáo hiện nay cũng đã thấy văn hóa dân tộc là giá trị cơ bản của con người, mà bất kỳ tôn giáo nào cũng không thể phủ nhận được, nhất là đối với con người Việt Nam kiên cưòng bất khuất trước bao kẻ thù xâm lược, xưa cũng như nay. Các tín đồ Công giáo, cũng như các tôn giáo khác, cần ý thức được mình là con Rồng cháu Lạc và đều là chủ nhân của đất nước này. Ai cũng mong muốn đưa nước Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, hội nhập với toàn cầu với một tấm căn cước sáng giá. Trong bức thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 có viết : “ Là Hội thánh trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống Dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện đại của Đất nước. Cộng đồng dạy rằng: “ Hội thánh phải đồng tiến tới toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới”. Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên chúa mời gọi để làm con Người. Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần của Chúa”.
Các tín đồ Công giáo cũng nhận thấy chính nhờ nước nhà được độc lập, các địa phương ở Việt Nam mới được thành lập các tòa giám mục, mới có một Hội đồng Giám mục Việt Nam, không có sự cai quản trực tiếp của các giám mục và các hồng y giáo chủ người nước ngoài. Các bài giảng được giảng bằng tiếng mẹ đẻ, các lễ thức được sử dụng trên nền tảng văn hóa dân tộc: rước kiệu, dùng cờ hội dân tộc, dàn nhạc bát âm, làn điệu dân ca… Kiến trúc nhà thờ cũng mang tính Việt Nam, tiêu biểu như nhà thờ Phát Diệm. Bức thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, năm 1992, nêu rõ: “ Làm sao cho sắc thái văn hóa được diễn trong lời Kinh, tiếng hát, trong cử hành Phụng vụ, trong đời sống hàng ngày, cũng như trong suy tư ngôn ngữ thần học”. Công giáo có đi được với dân tộc hay không chính là ở sự hoà đồng vào văn hóa dân tộc, làm sao có một bộ phận văn hóa Công giáo Việt Nam nằm trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Việc tìm lại những đóng góp của các tác giả Công giáo vào nền văn học nghệ thuật nước nhà, đánh giá lại những nhân vật lịch sử người Công giáo có cống hiến cho đất nước cần được khích lệ. Cần có thêm các nhà khoa học, chính trị, văn hóa, nghệ thuật người Công giáo, cũng như những tác phẩm viết về con người tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng.
Vấn đề làm sao hai cái Thiêng: Đất nước và Công giáo sóng đôi và cùng được tôn trọng. Đấy là sự hội nhập của Công giáo vào văn hóa Viêt Nam, là sự “ nhập thể” của người Công giáo vào tâm hồn Việt Nam.
4. Đạo Tin lành:
Là môt bộ phận  tách ra từ  phong trào cải cách  và li khai với Giáo  hội Roma  vào thế kỷ XVI  .Đạo không có tổ chức  giáo  hội chung  mà chia ra nhiều và ngày càng chia ra nhiều tông phái  rất đa dạng  , mỗi hệ phái  có  tổ chức khác nhau. Nhưng các  giáo phái chính  đều thống nhất ở những điểm sau đây: phủ nhận vai trò của Giáo hoàng  , chỉ nhận quyền uy duy nhất là Kinh Thánh, được xác nhận qua đức tin của mỗi con ngưòi  , bãi bỏ việc thờ các thánh thần , chỉ chấp nhận hai thánh  lễ : Lễ báp – tem và lễ ban thánh thể ,  chấp nhận mục sư lấy vợ. Vậy nên, từ thập kỷ 60,70  của thế kỷ XX  đến nay  ,xuất hiện nhiều hệ phái quá xa  với giáo lý ban đầu  và bị ngay chính các hệ thống chính thống  của đạo Tin lành  coi như ngoài lề, thậm chí bị phê phán là mang tính  cuồng tín, phản văn hoá.  Đạo Tin lành vào Việt Nam chủ yếu là qua các hệ phái của Mỹ, đầu tiên là do Hội Liên  hiệp truyền bá Phúc Am Mỹ ( CMA )  do A.B. Sampson, người gốc Canada sáng lập  ngày 18-12-1893, một hội truyền giáo bảo thủ, luôn ủng hộ chính sách của  chính  phủ  Mỹ .từ cuối thế kỷ XIX, CMA đã chú  ý đến Đông Dương. A.B.Sampson đã  viết :”Bán đảo Đông Dương đã bị lãng quên quá nhiều . Đại vương quốc An nam,  phải được chinh phục  cho đấng Christ”. Nên ngay sau đó, năm 1911 ,CMA củ ba mục sư là G.L. Hughes , R.A.Jeffrey vbà  P.M.Husler tới Việt Nam truyền đạo .Do bị thực dân Pháp chèn ép, nên ba lần đạo  bị cấm, tuy có phát triển nhưng không đáng kể. Trong kháng chiến chống Pháp ,có một bộ phận tín đồ của đạo Tin lành theo kháng chiến. Số còn lại trong vùng tạm chiếm,  hoặc nếu không di cư vào Nam  trong năm 1954-1955  cũng bị xem là người ngoài đạo, vì  giáo sĩ R.A. Jeffrey ra Bắc  tuyên bố khai trừ  Hoi thánh miền Bắc. Tuy nhiên, Hội thánh vẫn  tiếp tục hoạt động  với gần 10.000 tín đồ  và hơn 10 mục sư  với tên gọi là Tổng hội Tin lành miền Bắc  nằm trong Tổng liên hội Tin lanh  Việt Nam .
Dưới  thời tạm chiếm, ở miền Nam, Tổng liên  hội  Tin lành Việt Nam  và các giáo  phái Tin  lành khác  đều bị khống chế bởi  các  cơ quan đầu não  tổ chức  đạo ở nước ngoài, nhất là  ở Mỹ, trong  mọi hoạt động,vì mọi hoạt động của họ phụ thuộc vào tài chính cũa nước ngoài. Đạo phát triển nhanh và rộng trong khoảng 20  mươi năm  chiến tranh  1955-1975,và thường co  liên quan đến hoạt động chính trị đương  thời,  đặc biệt là chống phá kháng chiến.  Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có trụ sở các tổ chức đầu não  và các cơ quan khác  của  khoảng 20 giáo phái  Tin  lành, với mục  sư truyền đạo Việt Nam, cùng các mục sư nước ngoài, chủ yếu của Mỹ chốt ở những vùng trọng yếu. Đạo Tin  lành  có hằng ttrăm cơ sở tôn giáo  ,kinh tế , văn hoá khắp nơi. Đạo chú trọng phát triển lên vùng Trường Sơn – Tây nguyên  ( 2 trong số 7 địa hạt )  lập ra “cơ quan truyền đạo ngưòi Thượng ”đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp  của các giáo sĩ   Tin  lành người Mỹ .
ĐạoTin lành chù trọng đào tạo mục sư và người truyền đạo ( một loại chức sắc ), nâng trường Kinh Thánh lên thành  Viện  Thánh Kinh thần  học, mở hai trường Trung cấp Kinh thánh ở Tây Nguyên, liên hệ với Viện ngôn ngữ mùa hè  xây dựng chữ viết cho người Thượng với mục đích truyền đạo. Đạo cũng chú trọng thành  lập một hệ thống tuyên  uý trong quân đội, tuyển chọn và đưa gần 100 mục sư vào truyền đạo trong nguỵ quân .
Ngoài Tổng liên  hội Tin lành Việt Nam ( miền Nam  ), trước năm 1975, còn có Cơ đốc phục lâm vào Việt Nam  từ năm 1929,  hoạt động cả ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Ngoài ra còn có phái Báp- tít , phái Trưởng Lão, phái Mennomit,Hội thánh đấng Ki tô, Chứng nhân Jehovah, Ngũ tuần nói  tiếng lạ …  các giáo  phái trong thời gian chiến  tranh  hoạt động  ,tranh chấp tín đồ, thiên về hoạt động chính trị, xã hội , giáo  dục. Sau ngày hoà bình  lập  lại, Tổng liên hội Tin lành Việt Nam miền Bắc  hoạt động yêu nưóc phát triển bình thường. Hội thánh  Tin lành Việt Nam miền Nam  mời được chính  phủ công  nhận tư  cách  pháp nhân .
Đạo Tin lành có nhiều xu hướng hoạt động rất khác nhau. Các giáo  phái  có tổ chức độc lập, có sắc  thái  riêng, mặc du  cũng lấy cơ  sở dức tin chung là Kinh Thánh, lòng tin và ân điển của Chúa  ,nhưng lại hiểu khác nhau. Đó là mặt tích cực cho phep các  tín đồ  ít phụ thuộc vào một tổ chức  hay phải  qua trung gian những hàng giáo  phẩm.Nhưng ngược lại, chính vì vậy, nếu bị lợi dụng cả phần đạo lẫn phần đời, hoặc  do niềm tin tự  do, trực tiếp  dựa  vào ân điển Chúa ban, nhiều khi lại dẫn đến chổ cuồng tín  hay hiểu kinh thánh theo cách cắt nghĩa riêng của bản thân, nhấn  vào một điểm  tự cho là  quan trọng, như  vào lời nói của Chúa vào ngày Phục sinh. Như tin vào ngày chúa  Phục lâm, ngày Tận  thế. Có thể nhận biết qua sự thông cảm với Chúa …
Tín đồ đạo Tin lành hiện nay ở Việt Nam  có khoảng  400.000 người với 159 mục  sư  và 456 người truyền đạo, khoảng gần   500 cơ sở thờ tự. Họ là những  người sùng đạo . 
Ngoài việc truyền đạo trực tiếp, các   giáo hội Tin  lành  thường  qua cac hoạt động khoa học, văn hoá, xã hội,  y tế  ,giáo  dục  tranh thủ cãm tình của quần chúng.Việc dùng tiền bạc để phát triển   đạo trái phép  ở vùng miền núi còn phổ biến. Sự cuồng tín  dẫn đến chổ người truyền đạo bất chấp mọi  đạo  lý, kể cả  hù doạ nói dối … để truyền đạo .
  Do  không chấp  nhận  những điều  gì  trái  với  Kinh Thánh ,đạo  tuyệt đối  cấm các tín đồ  can dự  vào các  hoạt đông tôn giáo  khác ,cũng  như  việc thờ  cúng tổ tiên,  hương hoả, bói  toán, tử vi …  mà họ cho  là khác điều  Chúa dạy. Chính  vì vậy,  đạo xúc phạm  đến truyền thống  và văn hóa của dân tộc của chính các tín đồ,  gây ra những  đối  kháng vô ích …
Tuy nhiên, đạo khuyên con người  sống có lương tâm, ngăn  cản làm  những  điều  tội lỗi. Trong khi đó, đạo  lại  chấp nhận  những tín điều  của Chúa, nhiều  khi  có tính mê tín. Giáo  luật Tin  lành ghi  chín điều  cấm kỵ, trong  đó có những  điều  ai  có  lương tâm  đều có thể tán  thành:  không thông  gian trai  gái, rượu chè, hút thuốc, ma  tuý  và sống bất  chính .
Gần đây,  cùng  với trào lưu đổi mới, Tổng liên hội  đang gắng đi  đúng  đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, hướng  về dân  tộc, loại trừ  tư tưởng   lệ thuộc  ngoại  bang. Đồng thời cũng cần phải cảnh  giác  trong việc  một số  phần  tư  xấu  truyền đạo trái phép bằng  cách   lừa dối  những  ngưòi dân cả tin, đặc biệt ở  miền núi, cũng  như tung tin đồn nhảm  làm cho các tín đồ lo ngại, vi phạm an ninh  hay  những hành vi  la hét  điên loạn  mang tính mê muội  nhằm  củng  cố đừc  tin, chữa bệnh, hoặc thỉnh thoãng  có trường  hợp  dẫn đến  chết  người  như phái  Ngũ tuần .
5. Đạo Hồi: ( Islam )
Đạo Hồi là một tôn giáo độc thần, sớm  chia ra nhiều dòng khác nhau  do sự phát triển quá nhanh, hội nhập với các tôn giáo của các dân tộc bị lệ thuộc và do sự phân rẽ của các thủ lĩnh. Sự phân rẽ lớn nhất là giữa phái Sunnit ( truyền thống) và phái Shiít. Tuy nhiên, các tín đồ đạo Hồi cho dù thuộc ngành nào cũng phải tuân thủ 5 tín điều thường được gọi là 5 điều cốt lõi của đạo Islam. Đó là : 1/Biểu lộ đức tin vào một vị Thánh duy nhất là thánh Allah ( chaheda). Chỉ có một Chúa là Thánh Allah, và Mahomed là sứ giả của Thánh. Từ Allah xuất hiện 2700 lần trong kinh Coran; 2/ Cầu nguyện ( salat) hướng về phía La Mecque, trung tâm đạo Hồi 5 lần trong ngày: sáng sớm, trưa, chiều, hoàng hôn và nửa đêm. Ngày thứ sáu , cầu nguyện tập thể tại thánh đường vào chính ngọ.; 3/ Tháng ramadan vào tháng 9 theo Hồi lịch và từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn phải nhịn ăn, uống, hút và quan hệ tình dục. Tháng đó được đánh dấu vào đêm thứ 27 của tháng, một đêm mà những tín đồ trung thành nhất cầu kinh suốt đêm; 4/Bố thí ( zakat) một hình thức tỏ lòng trung thành bằng cách hiến tiền theo giáo luật một cách tự nguyện, 1/10 phần thu nhập của mình cho những người nghèo đói khó khăn trong cộng đồng Islam; 5/ Hành hương ( hadji) về la Mecque một lần trong đời nếu có thể, nhằm được thanh thoát khỏi mọi tội lỗi.
Giáo lý của Đạo hồi đơn giản, nghi lễ không cầu kỳ, lại  dễ hòa nhập vào đời thường để thành một tập quán. Do vậy, sự khác nhau của đạo chỉ là ở biểu hiện qua từng dân tộc, từng địa phương, từng nền văn hóa, chia thành nhiều phái. Với sự cuồng tín thần phục ( Islam nghĩa đen là thần phục vào một Chúa duy nhất), Đạo Hồi có sức mạnh bành trướng bằng máu, nước mắt của các tín đồ, gây nên những cuộc tàn sát đẫm máu trong lịch sử. Hiện nay, đạo Hồi là một tôn giáo đáng ngại, một khi cuộc thánh chiến được phát động. Đạo đang được dùng làm lá cờ chinh phục hay bảo vệ cộng đồng. Có những phái Hồi giáo cực đoan là mối lo ngại cho nhiều quốc gia, nhiều tôn giáo.
Đạo Hồi có mặt ở Việt Nam cùng với các dân tộc Chăm, có thể cùng thời với sự bành trướng của nó sang Đông Nam Á, không sớm hơn thế kỷ XV. Một bộ phận người Chăm hiện nay vẫn còn theo đạo. Ơ Nam Trung Bộ, Đạo Hồi được gọi là Bàni. Tại đây, đạo có khoảng 25000 tín đồ, nội dung của đạo đượm sắc thái của những yếu tố sinh hoạt và tôn giáo bản địa.
Các lễ thức được tiếp biến cho phù hợp với chế độ gia đình mẫu hệ, với đạo thờ cúng tổ tiên, với các lễ thức liên quan đến chu kỳ của đời sống một con người và các lễ thức nông nghiệp. Ơ đây, có thể xem đạo Bàni như một biến thái của đạo Hồi.
Bộ phận Hồi giáo ở miền An Giang, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sông Bé lại có một nguồn gốc khác. Đó là một bộ phận thường gọi là Chà và ( Java Kur), một nhóm người lai giữa người Mã Lai ( Inđônêxia), người Khơ-me với người Chăm từ Campuchia sang vào thế kỷ XVIII-XIX. Lúc đầu tín đồ có khoảng 2000, rồi từ đây phát triển lên. Tại đây, yếu tố tôn giáo gốc của Hồi giáo đậm hơn. Các giáo luật, lễ thức phong tục Hồi giáo được tôn trọng. Tuy nhiên, trong cộng đồng vẫn giữ lại không ít các yếu tố tập quán tín ngưỡng bản địa, cụ thể là chế độ mẫu hệ vẫn được duy trì, các lễ hội nông nghiệp vẫn được tổ chức.
Hiện nay, ở nước ta, riêng với người Chăm có chừng 94.000 tín đồ Hồi giáo, với 454 các chưc sắc và khoảng 90 thánh đường nằm rải rác ở vùng  Hồi Chà và. Do những nguyên nhân lịch sử để lại, các tín đồ dễ quyện vấn đề tôn giáo vào vấn đề dân tộc, không chỉ trong giới trí thức, giới chức sắc mà trong cả các tín đồ. Tuy nhiên, ta thấy  chính quyền và đạo Hồi đã có sự thông cảm và người dân Chăm cũng hiểu điều đó, muốn yên ổn làm ăn, bên cạnh các dân tộc anh em, cùng xây dựng tổ quốc. Người Chăm hiểu rằng, ngay dưới chế độ Mỹ-ngụy, cuộc sống họ cũng không những không tốt đẹp, ngược lại, họ còn bị lợi dụng vào những mục đích chính trị có hại cho bản thân và dân tộc họ. Cho nên, muốn giải quyết tốt vấn đề Hồi giáo, cũng như Phật giáo vùng Khơ me, cần đặt chúng trên cơ sở quan hệ bình đẳng, tin cậy giữa các dân tộc trong một quốc gia, tôn trọng và thực sự tương trợ giúp đỡ họ tiên bộ. Dân tộc Chăm, cũng như dân tộc Khơ-me, đều có một bề dày lịch sử văn hóa. Do đấy, việc bảo vệ phát triển văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống kinh tế, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo là hướng chủ yếu và đã được thể hiện rõ rệt từ sau ngày giải phóng.
  6.   Đạo giáo
Xuất phát từ Trung Quốc  từ thời  Đông Hán, lại nằm trong  trào lưu tư tưởng phương Nam, vùng nam sông Dương Tử, Đạo giáo  vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ thời Bắc thuộc. Đạo  giáo  quyện  vào các hoạt động của phù thuỷ  và phương thuật vốn có của Việt Nam  tạo nên hai dòng Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thuỷ. Đây  là một phức hợp tôn giáo rất khó` tách bạch, khó xác định yếu tố Đạo giáo  với các yếu tố tôn giáo khác, cũng như khó xác định yếu tố nào nội sinh hay ngoại nhập. Ở nước ta, Đạo giáo  thần tiên chỉ le lói  trong những thời kỳ lịch sử nhất định  như thời Bắc thuộc, thời Lê mạt,vì không có điều kiện  phát triển .
Đạo giáo phù thuỷ chủ yếu phát triển theo con đường bình dân  ,thông qua các  trí thức  vào quần  chúng. Bởi lẽ, Đạo  giáo suy tôn những ngưòi có công nửa hư nửa thực. Nên ta thấy trên điện  thần của Đạo giáo  không chỉ  có những Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão  Quân, Nam Tào ,Bắc  Đẩu ….  Mà còn  thấy Quan Vân Trường, Quan Am Thánh Mẫu, vốn  có nguồn  gốc  từ Phật giáo, Trần Hưng Đạo một anh  hùng diệt giặc Nguyên Mông .
Đạo giáo phù thuỷ có nhiều nét tương đồng với Đạo  giáo  của các  dân  tộc nam Trung Hoa  và Đông Bắc Việt Nam, như ở các dân tộc thiểu số: Nùng, Tày, H' mông, Dao … Rõ rệt nhất là việc thờ các vị Mẫu trong Tam phủ, Tứ phủ  với các vị Mẫu  Thiên, Mẫu Đia, Mẫu Thuỷ  và đặc biệt  là Mẫu Nhạc và Mẫu Thượng Ngàn. Ở đây,  rõ ràng Đạo Mẫu được tách ra từ  các điện  thờ  các thần của Đạo giáo  ban đầu  với  việc thờ các vị đại  diện  khác nhau: Mẫu Liễu Hạnh  thay chổ Ngọc Hoàng,Mẫu Địa thay thế cho Diêm Vương, Mẫu Thuỷ thay thế cho Long Vương, Mẫu Nhạc thay thế cho  Sơn Thần hay Hạch Hỗ. Đạo Mẫu đi vào phương Nam  sinh ra Tiên Thiên Thánh Mẫu ( ở Huế ),Thiên Yana  hay Bà Chúa Ngọc ( Nha Trang ) Bà Chúa Xứ, Chúa Bà Đen ( nam bộ ) .
Đạo  Mẫu, một hình  thức nổi bật hiện nay, không loại trừ một số người Công giáo  tin theo ( hiện  tượng Đức Mẹ Maria  hiện   hình ,một thứ  Mẫu không xa lạ với  họ ). Hiện tượng Bà Chúa Kho, một biến tướng thần tài, mang dáng dấp Đạo giáo, một bà Mẫu  với các cô, các cậu xuất hiện  gần đây thu  hút nhiều người .
Trần Toàn khai sinh Nội đạo thời Lê mạt, đạo có thể xem như một bước ngoặc  trong việc tiếp  biến Đạo giáo. Nội đạo  suy tôn  các vị Đức Thánh Trần, Chúa Liễu  làm  bậc tôn sư, nhưng vẫn mượn  hai vị Huyền Đan và Độc Cước  đã đươc bản địa hoá. Đạo thấm nặng vào tâm thức  tôn giáo  qua các hành vi: lên  đồng,  yểm  bùa, trừ tà,  bói toán…. Liên  quan  đến mọi  lĩnh vực đời  sống  thường ngày, có quan  hệ chặt chẻ  với  phong thủy,  âm dương,  bát quái …. Đạo  suy tôn 4 vị : Thánh Gióng, Sơn Tinh, Chữ Đồng Tử,Liễu Hạnh lên hàng Tứ bất tử .
Ở Trung Quốc  Đạo giáo thường  gắn  liền  với việc cầu mong đổi đời, Đạo giáo  đã châm ngòi cho  một số cuộc  khởi  nghĩa  nông dân như:  phong trào Ngủ đầu me của Trương Đạo Lăng, phong trào Thái bình  đạo  của Trương Giác, Thái bình thiên quốc của Hồng  Tú Toàn.  Ở Việt Nam, theo  Phan Ngọc, có vài cuộc khởi  nghĩa ảnh hưởng của Đạo giáo, tuy quy mô   không lớn và không rõ rệt như Trung Quốc. Rõ  rệt nhất là trong thời chống Pháp  vói  cuộc khởi nghĩa  của Kỳ Đồng, Trần Cao Vân, Phan Xích Long  và đặc  biệt là phong trào “Hội kín ”ở Nam kỳ .
Đạo giáo không có tổ chức, hay noí đúng  hơn  là tổ chúc rất lỏng lẻo. Ở các  vùng  ngưòi  Kinh,  các  ông đồng bà cốt tự coi mình  có căn, có  theo thầy cô để học, các con đồng tự nguyện tổ chức hầu đồng. Ngược  lại, ở vùng miền núi, cùng  với hệ thống  thầy  tào, mo, then hay  pụt, Đạo  giáo  đươc tổ chức quy củ  hơn. Người  làm tào, mo, then, pụt  được một thầy tào dạy dỗ. Ở người Dao, Sán Chay, Sán Dìu,  hô  phải qua một thời kỳ cấp sắc, từ đó  cắp tráp theo hầu, học  dần và được cấp   sắc cao  hơn.Tuỳ theo  sắc  phong  ,họ  được chủ  trì những buổi lễ cúng to, nhỏ khác nhau  và phụ trách khu vực rỗng hẹp  khác nhau. Ở vùng Tày, Nùng những người muốn làm  then ,mo ,pụt phải là người có căn nhẹ viá, hoặc ốm đau ,hoặc gia   đình  gặp  hoạn nạn .Những ngưới này,người   Tày gọi  là cồng pựt  ,người Nùng gọi  là hệt then ,hệt mo. Có  nơi  khi  xin học ,đêm  trước họ phải ngâm  mình, rồi sáng  dậy qua cửa nhà thầy  ,phải  dẫm  qua đưốc lữa, tiếp theo là  làm lễ nhập môn ,lạy bàn tổ sư, chịu  chui qua nách thầy ba lần  với  hàm ý được thầy cô  đẽ ra, sau đó mới được công nhận  là   lục sở ( học trò ). Từ đó trong nhà ho phải lập bàn thờ thầy cô ,thờ sống hồn thầy cô. Suốt kỳ học, ho phải kiêng khem.Hết hạn mới được mở mắt  thì  họ mới được hành nghề. Ở ngưòi Hmông ,có  tích ngưòi xưa sống lâu như tiên  trên trời : Nhu Há ( Trời )tức giận  lừa Xí Di  ,một người thông minh hay cứu người  Hmông, bắt lên trời. Trước  khi lên, thương  người Hmông, Xí Di ném một chiếc gậy xuống đất, hứa ai nhặt được một khúc  ,được làm Chí Minh  cứu giúp người H'mông  khi vận  hạn, ốm  đau ,bệnh tật .nay một   số phần tử xấu trong đạo Tin  Lành lừa người dân  H'mông, coi Xí Di  hay Chí Minh là Giê su…
Tuỳ theo cấp bậc, tào, then… được thực hành lễ to nhỏ khác nhau. Người được tào, then… chữa khỏi bệnh được làm con nuôi ( lục liệng) của tào, then… Ai có căn phải theo học. Riêng ở người Dao, Sán Chay, Sán Dìu… tùy từng vùng, từng nhóm, tất cả con trai đều là đệ tử của Đạo giáo và phải chịu lễ cấp sắc, một biến thể của lễ thành đinh. Lễ đó khẳng định từ lúc đấy người con trai đã không chỉ còn là đứa con của cha mẹ, mà là đứa con của cộng đồng người Dao, đồng thời là con của Đạo giáo. Lễ cấp sắc chỉ được thực hành khi tuổi đã đôi tám và sau một thời gian theo thầy. Còn ở các dân tộc khác, ai muốn làm tào, then, pực mới phải thực hiện nghi lễ này, hình thức giống nhau, nội dung là một. Ơ người thái, Khơ mú, nơi không chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, cũng có hình thức saman tương tự. Tổ sư của mo là phi một, người làm mo là mo một. Những người được mo chữa khỏi bệnh phải thờ mo. Người Khơ-mú ngoài mo một, còn có thêm chương. Chương là người hùng trên trời muốn cứu dân tộc khi khổ đau, nhập vào một người nhất định. Người đó trở nên có sức mạnh, kêu gọi dân nổi dậy đấu tranh mang tính thần bí, gọi là sấc Chương( làm chương chính là chốn lại bọn quý tộc Thái hay Lào).
Nếu vạn thần của các dân tộc vùng Đông bắc là các thần thánh của Tam giáo: đứng đầu là Ngọc Hoàng thượng đế; Phục Hy, Nữ Oa là cặp đôi sinh ra loài người, tiếp theo là Thái Thượng lão Quân, Phật bà Quan Am, Khổng Tử cùng các chư vị của ba vị.Thái Thượng Lão Quân có Ngọc Thanh do chó đẻ ra, Thượng Thanh do người đẻ ra, Thái Thanh do trâu đẻ ra. Khổng Tử có Quan Vân Trường và Quan Bình, Châu Xương. Quan Am có các pựt. Có Liễu Hạnh, con Ngọc Hoàng, có Bụty em, cô Ngọc Hoàng. Nữ Oa dạy dệt vải, Huyền Đàn tức Huyền Vũ dạy trừ tà, Phục Hy dạy đạo vợ chồng, Thần Nông dạy cày cấy có khi là Nùng Chí Cao, Toại Nhân dạy ăn chín. Đặc biệt là hoa Nương tiên cô hau Hoa Nương Thánh Mẫu hay Mẹ Oa tức bà Mụ làm nhiệm vụ đưa người xuống cõi trần và coi sóc trẻ em. Ngoài ra, có Tam phủ hau tứ phủ và không ít nhân vật rút ra từ các truyện Phong thần, Tam quốc chí, Tây du ký… tùy theo sắp xếp của các dân tộc, các địa phương. Đặc biệt, nhân vật Khương Tử Nha được người Tày mời trấn giữ cửa nhà, chống hoả hoạn.
Nếu đọc các sách then, pực mà các nhà văn học dân gian và dân tộc học đã sưu tầm, tuy chưa nhiều, và so sánh các nhân vật, ta thấy nội dung không thua kém những yếu tố mà đạo Cao Đài và Hoà Hảo tham khảo. Tam xoáy ở đây xoay quanh trục của Đạo giáo, chứ không phải Phật hay Nho giáo, hơi hướng phảng phất không khí tôn giáo của Nam Bộ. Đạo Nho, nếu có, thì chiếm một vai trò nhỏ bé, tác động đến lớp nho sĩ người Tày, mới được định hình rõ nét từ thời nhà Mạc chạy lên CaoBằng. Vậy nên các văn bản Then, Pựt, Mo hay nhắc đến Đại Việt Cao Bằng quốc ( tức vương triều họ Mạc), khác các văn bản Tào nhắc đến địa danh vùng Lĩnh Nam, Quý Châu và Lưỡng Quảng.
7. Đạo Cao Đài:
Đạo  Cao Đài ra đời từ năm 1926, do tầng lớp trí  thức công chức ,các chủ điền sản đứng ra tổ chức.Những  ngưòi lập đạo tự  cho tôn  giáo  của mình  là tôn giáo của nhân loại,  hợp nhất  các tôn giao đương  thời  đưới sự chỉ đạo cua đấng tối cao vo hình.Đạo dựa trên nguyên lý  Tam giáo đồng nguyên, Ngũ chi  hợp  nhất, lấy đạo giáo  làm  trung tâm cả về nội dung lẫn phương pháp. Trong đạo Cao Đài  ,đạo Ki tô  chiếm một địa vị khiêm  tốn, đạo  Hồi vắng mặt. Đạo   Cao Đài được tổ chức  chặt chẽ từ trung  ưong  đến địa phưong theo  kinh nghiệm của đạo Công giáo. Đạo Cao Đài  đáp  ứng nhu cầu tôn  giáo của người  nông dân đương thời: yêu nước và hy vọng đổi đời, nên đạo  phát triển khá nhanh chóng.Và cũng vì thế, đạo cũng nhanh chóng chia thành các  phe phái. Đạo  Cao Đài  gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động chính trị ( trừ nhóm Ngô Quang Chiêu chủ trương vô vi ).  Vì vậy, từ khi ra đời đến nay, đạo  bị  phân  rẽ ngay trong một chi  phái, tuỳ theo thái đô ch1nh trị của những người  cầm  đâu.Trong đạo có bộ phận yêu nước  theo  cách mạng  đi kháng chiến, có bộ phận thân Pháp, thân  Nhật, thân Mỹ  mang tính cơ hội  , gió chiều nào  theo chiều đó.  Tình  hình   đó kéo dài  đến sau năm 1975  và còn tàn dư đến hiện nay .
Hiện nay, đạo Cao Đài  có  khoảng 1.200.000 tín đồ  trong đó co  hệ  phái Tây Ninh chiếm số  đông. Các hệ phái đáng  kể khác có Minh Chân đạo, Tiên Thiên,  Chỉnh  đạo Bến Tre, Cao Đài  truyền giáo Đà  nẵng … Những năm qua, nhà nước đã lần lượt công nhận tư cách pháp nhân từng hệ phái  của đạo Cao Đài. Khi nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đến thăm toà thánh  Tây Ninh, một luồng gió mát thổi làm cho các tín  đồ phấn khởi, đỡ mặc cảm, yên tâm  làm ăn  .Họ đang đấu tranh sao  cho nội bộ lãnh đạo  từng hệ pháo đoàn kết thống nhất  để phát triển đạo, không để xâu xé bên ngoài lợi dụng .
    8.   Đạo Hoà Hảo
Thừa kế truyền thống của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương  ( 1848 ) và Tứ ân hiếu nghĩa, đạoHoà Hảo ra đời năm1939  tại làng Hoà Hảo,  phát triển trộng rãi khắp đồng bằng sông Cửu Long. Giao lý của đạo  dựa vào  truyền thống của các  tôn giáo dân tộc  và đạo  Phật được bình  dân hoá vớĩ  4 điều ( ơn tổ tiên,  ơn  tổ quốc,  ơn Pháp bảo,  ơn đồng bào nhân loại ), được thể hiện bằng  những bài sấm truyền  theo hình thức thơ lục bát của Huỳnh Phú Sổ  được coi như ngưòi có phép  thần  thánh, được Trời đưa xuống để cứu  thế, trước là chữa bệnh về thể chất, sau là chữa bệnh  về tâm hồn. Triết lý của ông đơn  giản dễ hiểu  dựa theo quan niệm tu nhân  học Phật và Tâm nguyên kỷ, một thuyết tiến hoá lộn  ngược.  Nhân  loại từ thuở Thượng ngyên  rơi xuống Trung nguyên  và đến nay rơi  xuống  thời Hạ nguyên đầy tăm  tối, bất công …. , cần  một người  đứng ra  cứu  đời trở lại thời Thượng nguyên trong sáng ,hạnh  phúc. Đó là triết lý cổ Trung Hoa mang tư tưởng yếm thế ,máy móc siêu hình,nhưng lại thích hợp với  tình cảnh người nông dân đồng bằng sông Cưủ Long  xưa bị nhiều áp bức, khó khăn, mong được giải phóng .
Lễ thức của đạo đơn giản ,chỉ cần thờ một mãnh  trần điều, không co nơi thờ tự của cộng  đồng, thờ tại gia với  hương hoa ,nước lã . Tổ đình  được dựng ở làng Hoà Hảo, nơi sinh ra giáo chủ cũng là nơi mở đạo. Hiện nay, đây là nơi  hành hương của các  tín đồ Hoà hảo.
Đạo  phát triển nhanh nhưng chỉ hạn  chế  trong khu vực đồng  bằng sông Cưủ Long. Hiện nay ,đạo có khoảng 1.200.000 tín đồ  ,chi   sẻ quần chúng với đạo Phật, đạo  Cao Đài là   chính. Đạo  phát triển được vì  kế thừa  tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối,vì gắn liền  với những hành vi  thần  bí  quen thuộc của người  dân  ,trước cho thuốc cứu  bệnh, sau cho đạo cứu đời, thích hợp  với tâm thức  tôn giáo của người dân đồng bằng sông Cửu Long, nơi các tôn giáo khác ảnh hưởng  chưa sâu sắc .
Cũng như đạo Cao Đài,  đạo Hoà Hảo cũng bị dẫn dắt qua những người cầm đầu  từ chổ chống Pháp thành thân Pháp, rồi  lại theo  cách mạng, rồi lại theo Mỹ, cuối cùng trở về với Tổ quốc. Hiện nay, một số ít người cầm đầu  trong và ngoài nước cũng còn thái độ không trong sáng .
Năm 1999, nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân của đạo, cho phép đạo hoạt động công khai.Việc làm  trên giải  toã  tâm lý đồng bào  theo đạo  và đồng  bào  càng  phấn  khởi  được nhà nước cho  phép  hành hương  về nơi  tổ đình  trong không khí trang nghiêm và vui vẻ.
Giải  quyết vấn đề đạo Cao Đài và Hoà hảo thực chất la giải quyết vấn đề nông dân.Vấn đề chủ yếu là giải quyết về  chính sách ruộng đất, là nâng cao đời sống kinh tế, tôn trọng nhu  cầu tôn giáo, phát triển văn hoá dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước ,yêu  quê hương trong nhân dân, là nâng cao dân trí, trình độ học vấn cùng với việc  chấp nhận những yếu tố tích cực  trong nội dung của đạo, cần giáo dục người dân từ chổ  hạn chế của đạo  đi đến chấm dứt những hành vi mê tín hủ tục: cơ bút sấm truyền,thiên cơ ,bùa yếm, phù chú … giải toã những mặc cảm đối với cách mạng, thể hiện  trên những nhiệm  vụ cụ thể ở địa phương, phê phán những hành vi xấu  của môt số rất ít người còn lại, thực hiện đúng đắn chính sách tự do tôn giáo.
Đạo cao Đài và đạo Hoà Hảo cùng chung một mục đích là  phổ độ chúng sinh, tức hướng  về trần thế ,giúp đời  vi   đạo,cần   hướng hai  đạo vào những  việc thiện,trừ ác ngay trên quê hương của đạo,với  sự giúp  đở của các cơ quan  đoàn thể .
        9. Đạo Bà la môn:
          Những  người Ấn độ  đầu tiên đã đến Việt Nam  theo đường biển ngay từ đầu Công nguyên, dấu vết của họ có ở  Oc Eo ( An Giang ), ở ven biển miền Trung và cả ở Luy Lâu ( Bắc Ninh ) . Họ mang theo cả Bà la môn giáo và Phật Giáo .
         Từ khi ngưòi chăm  thoát khỏi ách đô hộ của  Trung Hoa  và lập quốc vào thế kỷ II, liên hệ với Trung Hoa  cũng hầu như không còn. Thay vào đó là sự tiếp xúc văn  hoá với Ấn độ, do văn hoá Ấn độ không mang theo chiến tranh, nên nó được người Chăm vui vẽ tiếp nhận. Anh hưởng của văn hoá An độ  đôi với  văn hoá Chăm phát triển mạnh mẽ  trong khoãng  từ thế kỷ VII đến thế kỷ  XV, khi quốc gia Chăm pa chấm dứt sự tồn tại của mình. Trong từng ấy thế kỷ ,ảnh hưởng nầy để lại lớn đến mức  nhiều người chỉ nhìn  thấy    những yếu tố An độ trong văn hoá Chăm.
          Nói đến ảnh hưởng của An độ  đối với văn hoá Chăm  thì Bà la môn giáo  là yếu tố quan trọng nhất. Bà la môn  giáo( Brahmanism ) hình  thành trên cơ sở kinh Vê đa do người Aryen  từ phiá Tây Bắc di cư tới An độ  đưa vào ,là tôn giáo thờ Brahma ( nghĩa là : Đạihồn )  một ý niệm trừu tượng của kinhVê đa. Brahma  là chua tể của các  thần, nguồn  gốc của vũ trụ, hiện ở ba ngôi như thể thống nhất  của  một ba vị thần: Brahma ( thần sáng  tạo ) Visnu ( thần bảo tồn ) và Siva ( thần huỹ diệt ). Sau khi đạo Phật lụi tàn trên đất An độ. Bà la môn giáo được  chuyển  hoá dần  thành  Ấn độ giáo ( Hinduism ).
        Nguồn ảnh hưởng của Ấn độ, tuy đóng  một  vai trò  quan trọng  trong  sự  hình thành văn hoá Chăm, nhưng  không  phải là  tất cả. Kế  thừa di sản của văn hoá Sa Huỳnh,văn hoá Chăm còn là sự tổng  hoà  của cả nguồn  ảnh  hưởng khu vực  của  bản địa .
        Đặc trưng  điển hình của  nguồn bản địa  là chất  dương  tính trong tính cách Chăm. Người Chăm sống  trên dãy đất nhỏ hẹp miền Trung, giữa một bên là dãy Trường Sơn cao vút  và  bên kia là biển Đông sâu thẳm  , môt bên là cực  dương và một bên là cực âm . Sự đối chọi đó của thiên  nhiên đã tạo ra những sản  vật đặc  biệt  ( như trầm hương , vàng …) nhưng  đồng thời cũng  tạo nên một kiểu khí hậu  khắc nghiệt, đất  đai hết sức  khô cằn. Sống  trong  khung cảnh đó, con  người phải  vật lộn với thiên  nhiên và, mặt khác, giành giật với láng giềng xung quanh. Chính cuộc sống  ấy đã rtèn luyện  cho người Chăm  trong  lịch sử  một tính cách cứng rắn và cương  nghị , thượng võ và có phần hiếu chiến .
        Tuy chất dương tính có mạnh, nhưng sống trong vùng Đông Nam Á  nông  nghiệp, người Chăm tất yếu  kế thừa ảnh hưởng  của  văn hoá khu vực  mà đặc  trưng điển hình  là khuynh hướng hài hoà  âm dương  có phần  thiên về âm tính, với triết lý âm  dương  trong  nhận thức  và tục sùng bái sinh  thực khí trong tín ngưỡng .
        Như vậy, trong ba nguồn gốc văn hoá Chăm, nguồn ảnh hưởng của Ân độ có vẽ nổi bật nhất về hình thức ,nhưng về thực chất  thì nguồn bản địa  và khu vực  mới giữ vai trò quan trọng  .Thực tế,có lẽ phần lớn người Chăm bình dân  không hề biết đến triết lý Bà la môn giáo  cùng các vị thần, các truyền thuyết An độ xa lạ. đó là việc của các tu sĩ Bà la môn. Tu sĩ Bà la môn  thì chỉ đạo  xây đền tạc tượng theo khuôn mẫu An độ, còn người nghệ sĩ  dân gian  thì xây và tạc  theo cảm hứng  và những khuôn mẫu  truyền thống của nhân dân mình .
         Từ chổ cả ba vị thần Bà la môn  đều được dựng tháp  thờ  khi mới du nhập, dần dần chỉ còn một mình  tháp thờ  Siva  được đề cao , bởi lẽ Siva  phủ hợp hơn cả  với tính cách bản địa của người Chăm .Và trong Siiva muôn mặt  với rất nhiều tên, chỉ có Siva dưói  dạng Linga  là được phổ biến  bởi lẽ tục thờ cột đá  vốn là truyền thống lâu đời của người nông nghiệp. Cuối cùng, Siva  thì được hình dung thành người  Chăm  ( ngay cả con bò thần Nandin của siva  cũng được thể hiện dưới dạng con trâu quen thộc ), còn Linga  thì ở chổ nầy  được thay bằng ông vua – anh hùng dân tộc Chăm, ở chổ khác  thì được thay bằng nữ thần Mẹ quê hương xứ sở. Thành ra trên thực tế , thần Siva cùng bạn bè ông   với những lí lịch An độ xa lạ  chỉ còn tồn tại trong ý nghỉ của  tần lớp trí thức  và tu sĩ Bà la môn ,đối với số đông người dân Chăm, thần Siva, tượng Linga. Chỉ là hình thức, còn ước vọng phồn thực và lòng sùng kính các nữ thần địa phương, các anh hùng dân tộc mới là nội dung. Đạo Bà la môn xa lạ  được người Chăm biến cải thành đạo Bà Chăm gần gũi ,đạo Bà Chăm nầy đã không còn là  Bà la môn giáo An độ nữa  mà chỉ co  thể xem  như một biến thể của nó .
  10.    Những hiện tựợng tôn giáo ma thuật khác
Trong đời sống tôn giáo, bên cạnh những hoạt động các tôn giáo kể trên, đã có mặt các tôn giáo mới, như đạo Bahaie, hoạt động ở nước ta.
Ngoài ra , nổi lên   hiện tượng ma thuật,bói toán, cúng bái, cũng như  “hiện tượng  tôn giáo mới” ….Những  hiện tượng  đó  làm cho  không khí tôn giáo trở  nên  nhộn nhịp, nhưng lại cũng dẫn những con  ngưòi cả tin đi đến chổ  mê tín  ,phục hồi hủ tục, chạy theo  những  đạo lạ, không  lợi gì cho đức tin tôn giáo trong  sáng, dẫn đến một số người lợi dụng tôn giáo với nhựng  mục đích khác nhau .  Bên  cạnh đó, tại một số đền  chùa  còn có hiện tượng  vừa diễn ra việc  cầu cúng, vừa pha  trộn  những hành vi  mê tín.  Các đền, phủ ,điện với  những ông đồng, bà đồng, thầy cúng, thầy bói,thầy phong  thuỷ  ,nhựng người tự xung có phép lạ, những  nhà tiên tri, ngoại  cảm ,thấu thị, cả những  phương pháp dưỡng sinh,thiền. Yoga, khí công  mang tính hư hư, thực thực, những   phưong pháp  chữa bịnh không cần thuốc, nửa giả, nửa thật khó  phân biệt thi nhau mọc lên .
Những hình thức “tôn giáo ”  nầy thật đa  dạng. Phổ biến  la những ông thầy mở hàng bói  tuỳ theo ý thích của đồi tượng, những “nhà  bách khoa”  biết và khuyên đủ loại  từ vận mệnh người sống, người chết  cho đến xem giờ,bòi quẻ ,hướng  nhà ,hướng mộ.Các cuộc hành hương  cũng thu hút nhiều  người  với đông cơ khác nhau  , khó giữ được không khí trong sáng của đạo. Bà Chúa Kho  tiếp  tục lên ngôi, chuyện trả vay,vay trả  vẫn mang tính“kinh tế thị trường ”.
Những hiện tượng  mê tín còn được giới thiệu công khai trên một số phương tiện thông tin đại  chúng. Bát  hương không chỉ còn ở chợ  mà đã lan vào một số cơ quan  tư nhân, liên doanh hay nhà nước .
Do đức tin  vào Chúa cao nên bộ phận Công giáo  ít tin và thực hành  những hiện tượng tôn giáo thường đưọc quy gọi là “mê tín” hơn bo phận không Ki tô giáo. Tuy nhiên, số ngươi  theokhông phai  la  không  đáng  kể. Phần đông  những người lalên chùa ,thămđền ,đi đi hành hương  lànhằm thoãmãn những  như cầu tín ngưỡng  phần  lớn liên quan  đến việc thế gian, ít liên quan đến lý lẽ của đạo Ki tô ,đạo  Phật hay  đạo Tổ tiên. Các địa điểm hành hương nổi tiếng như  chùa Hương, đền Kiếp Bạc,đền Hùng …. Thu hút hàng vạn lượt người  trong các dịp lễ hội  ,mỗi nơi hàng năm  thu hàng tỷ đồng  ,không khí trần tục xen lẫn không khí linh thiêng  ,làm giảm  vẽ trang nghiêm  cần thiết .
Sư  dung  tục hoá còn thấy ở các nghi thức,cách bày biện  hầu hết không đúng quy cách  ở những nơi thờ tự. Các đệ tử đua  nhau đốt vàng mã,có loại đắt tiền như biệt thự , ô tô , có cả Đôla  hay xe Dream bằng giấy.Có hiện tượng quay lại hủ tục  mượn danh “dân tộc hoá ”. Nhưng thật ngịch lý ,đáng lý theo lệ tục ,  đồ dâng lễ phải thuộc loại  xưa hơn đồ thường dùng ,thì nay lại  là đồ ngoại : bia lon , rượu tây ,thuốc  lá ngoại … Dường  như  một số người muốn khoe  giàu ,khoe  sang  hơn là biểu lộ tấm lòng thành.
Hiện tượng tôn giáo mới đươc bùng lên từ năm 2000, năm bước  vào thiên niên ky mới, với quan niệm về một ngày tận thế  hay một kỷ  nguyên mới ra đời. Có những  loại nội sinh từ truyện cả nhà hoá Phật  của Trịnh Thái Bình,một trí thức đứng ra lập  Trường  ngoại cảm Tố Dương, Hội Lăng Hoa Di Lặc, nhóm Đức Ngọc Phật Hồ Chí Minh, mượn danh  Chủ tịch Hồ Chí Minh hành đạo ,  đạo Nami Bồ tát, đạo Quang Minh, Chân  Không, đạo Bạch, Quốc tổ Lạc Hồng, đạo Trứng ,đạo Khăn Vàng ….Có những đạo ngoai nhập như Thanh  Hải VôThượng Sư ( Đài Loan ), Vi vôkhoa học thần bí ( Pháp ) ,Khổng Mạnh thánh đạo hội ( Đài Loan ), Địa Mẫu ( Trung Hoa ) …Những đạo nầy  theo quy luật chung  nổi  lên hay lặn tắt ,tuỳ thuộc  vào niềm  tin  của quần chúng  tín đồ vào người khởi  xướng .Hầu hết  các hiện tượng  trên  đều pha lẫn đạo với  đời .
Bên cạnh  những hiện tượng trên còn  có phong  trào   ngoại  cảm ,thấu thị, khí công, thiền …hay các  việc mượn danh một tôn giáo xưa  truyền bà trái  phép gây  mất trật tự , gây chia  rẽ trong nội bộ  dân  tộc, làm ảnh hưởng đến sư lành  mạnh của một nền văn  hoá Việt Nam  lâu đời .
IV . Kết luận :        
                Tôn giáo  là một thực thể khách quan của xã hội, luôn gắn liền với đời sống chính trị ,văn hoá ,xã hội  của một nước, là nhu cầu của đại bộ phận nhân  dân  Tôn giáo do con người  sáng tạo  ra, sinh ra và tồn tại với xã hội loài người. Do đó, cần đặt ra chính sach thích hợp, chính sách đó phải được quy định trong Hiến pháp và pháp luật  ,bao quát toàn bộ các hình thái tôn giáo, phải được điều hành và chỉ đạo  bằng một nhà nước thống nhất, không chỉ  dưới góc độ  chính trị ,an ninh, mà cả các góc độ xã  hội, văn  hoá, đạo đức .
Nước ta là  một nước có nhiều tôn giáo, có những tôn giáo có  tổ chức, có lý thuyết giáo lý, có nơi thừa tự. Nhưng cũng có những tôn giáo tổ chức còn lõng lẽo,chứa có hệ thống giáo  lý. Có  những tôn giáo xen kẽ, đan xen giữa tôn giáo nầy với tôn giáo khác. Có tôn giáo mới nãy sinh từ nguồn nội sinh hoặc ngoại nhập, chúng ta cần tìm  hiểu để có biện  pháp quản lý . 
Theo chủ trương của Đảng và của Chính  phủ, mọi tổ chức tôn giáo đều phải sống“tốt đời .đẹp  đạo ”, hoạt động theo luật pháp và làm phong phú thêm nền văn hoá nước nhà .
Chúng ta cần có một tổ chức  thích hợp, tập hợp được các ban ngành  dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng và nhà nước, với một đội ngủ cán bộ quản lý có tri thức, có năng lực công tác, đời  sống  tôn giáo  sẽ đi  vào nề nếp lành  mạnh, khối đoàn  kết giữa các  tín  đồ  các tôn  giáo  khác nhau, giữa những  người có tín ngưỡng và không có tín  ngưỡng được củng cố bền chặt trên cơ sở cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước  mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh ”.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                
V.    Tài liệu tham khảo :
1) Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam – GS. Đặng Nghiêm Vạn – Nhà xuất bản chính trị Quốc gia – 2001.
2) Về  tôn giáo và tôn giáo ở Việt Nam – Tạp  chí Nghiên  cứu tôn giáo ,Viện nghiên   cứu  tôn giáo  - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2004
3) Cơ sở văn hoá Việt Nam –Trần Quốc Vượng chủ biên –Nhà xuất bản Giáo dục - 2004
4) Cơ sở văn hoá Việt Nam –Trần  Ngọc Thêm  –Nhà xuất bản Giáo dục - 2000
5) Đại cương văn hóa phương Đông –GS Lương Duy Thứ  chủ biên – Nhà xuất bản Giáo dục.
6) Mối quan hệ  Thời đại- Dân tộc –Tôn giáo –PGS. Bùi Thị Kim Quỳ – Nhà xuất bản Khoa học xa hội – 2002
7) Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên  Chúa  trong lịch sử  Dân tộc Việt Nam – Ban tôn giáo  chính phủ  và Uỷ ban khoa học xã hội  - 1988
8) Mấy vấn  đề văn  hóa  Đồng bằng  sông Cửu Long – Viện  Văn hoá - 1987


                                                               TP.HCM năm 2005



Không có nhận xét nào: