I. MỞ ĐẦU :
Trong việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử, việc phân kỳ lịch sử là vấn đề rất quan trọng. Bất kỳ lịch sử của một dân tộc nào, của một địa phương nào hay của một chuyên ngành đều có những mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời, hình thành và phát triển. Với những thay đổi và thăng trầm, những đặc điểm, những tính chất riêng trong quá trình đi lên của nó. Song do nằm trong bối cảnh chung của lịch sử dân tộc, cho nên lịch sử của mỗi ngành, mỗi địa phương đều có sự gắn bó và bị chi phối bởi những sự kiện lớn và chung của đất nước. Vì vậy, việc nắm vững những đặc điểm tính chất và những mốc quan trong của lịch sử để từ đó hiểu và đặt các sự kiện của địa phương và chuyên ngành trong bối cảnh chung, mục tiêu chung của cách mạng, của cả nước là rất quan trọng, mang tính khoa học trong phương pháp luận sử học Mác- xit.
Hiện nay trên thế giới có nhiều trường phái sử học, mỗi trường phái có những cách phân ky lịch sử khác nhau, tuỳ quan điểm khác nhau mà có những quan niệm phương pháp phân chia các giai đoạn lịch sử khác nhau .
Dựa vào chủ nghĩa Mác Lênin, chủ yếu là học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội, chúng ta có một quan niệm khoa học và những nguyên tắc làm cơ sở chỉ đạo cho việc phân kỳ lịch sử .
II. Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC PHÂN KỲ LỊCH SỬ :
Con người và xã hội loài người đã xuất hiện trên quả đất hằng trăm triệu năm trước đây. Từ đó đến nay, xã hội loài người cũng như bản thân con người đã trãi qua biết bao đổi thay, đã có nhiều biến chuyển, đã từ trạng thái dã man tiến dần lên trạng thái văn minh, từng bước chinh phục thế giới tự nhiên để phát triển thành xã hội tiên tiến như ngày nay. Xã hội loài người đã trãi qua một quá trình phát triển lâu dài, từ thấp đến cao, từ thô sơ đến hiện đại, từ dã man lên văn minh. Đó là “một quá trình thống nhất đầy mâu thuẩn”. Quá trình thống nhất này lại bao gồm nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn khác nhau, là những bậc thang trong sự phát triển đi lên cuả xã hội loài người .
Để có được một nhận thức khách quan, khoa học, tính thống nhất và sự phân chia các thới kỳ lịch sử, chúng ta thường nói, phải đặt sự kiện lịch sử trong hoàn cảnh mà nó diễn ra để phân tích, đánh giá. Như vậy, chúng ta động chạm đến vấn đề phân kỳ lịch sử hay nói một cách khác, phân kỳ lịch sử là một vấn đề phương pháp luận .
Lịch sử loài người từ khi những người vượn đầu tiên xuất hiện trên trái đất , đã trãi qua hằng mấy triệu năm tồn tại và phát triển, nghĩa là đã trãi qua một quá trình tiến hoá lâu dài và đa dạng. Ngay trong thời đại nguyên thuỷ , xã hội loài người hầu như đứng yên một chổ, nhưng không phải thiên niên kỷ nào cũng giống như thiên niên kỷ nào, không phải vùng nào cũng giống như vùng nào ,do đó , không phải sự kiện nào xãy ra cũng giống như sự kiện nào . Theo những thành tựu của khảo cổ học, tuy các xã hội thời nguyên thuỷ đều trãi qua một thời đồ đá như nhau, nhưng mỗi khu vực cư dân đều có đặc điểm của mình. Xã hõi loài người ngay từ khi nhà nước xuất hiện, tuy cách đây khoãng 5000 năm, nhưng đã phát triển cực kỳ nhanh chóng về tất cả các mặt . Sự phát triển đó ban đầu diễn ra trong phạm vi một quốc gia, dần dần được mở rộng ra và chịu sự tác động của khu vực, và sau đó nữa cho đến ngày nay. Khi mà sự giao lưu quốc tế đã trở nên thường xuyên vời sự hổ trợ của hàng loạt phương tiện thông tin thì nó cũng mang ít nhiều tính chất quốc tế. Nhu vậy, có nghĩa là xã hội loài người, nhất là những thế kỷ sau công nguyên, đã trãi qua một quá trình tiến hoá cưc kỳ phức tạp và đa dạng. Mỗi một sự kiện lịch sử đều chịu sự tác động của nhiều mặt của quá trình tiến hoá phức tạp đó , không phải chỉ trong giai đoạn diễn biến của nó mà còn cả trong giai đoạn nãy sinh. Mỗi một con người , như chúng ta hiểu, là “sự tổng hoà của các mối quan hệ xã hội ” nên cũng phức tạp như vậy .
Nghiên cứu lịch sử không dừng lại ở những vấn đế lớn có tính khái quát mà còn mở rộng ra ở các sự kiện, các nhân vật, các cuộc vận động lớn nhỏ . Để có thể đạt được những nhận định, những luận điểm khách quan ,khoa học , người nghiên cứu không thể không đặt ra hai câu hỏi lớn :
Thứ nhất, xác định thế nào cho đúng mối quan hệ giữa chủ quan và khách quan trong sự nghiên cứu lịch sử ?
Vấn đề này được trình bày ở trên, song khi đề cập đế sự phân kỳ lịch sử cũng cần nhấn mạnh một số điểm chủ quan ở đây vừa là ở bản thân nhà nghiên cứu vừa là của sự kiện lịch sử được nghiên cứu. Khách quan ở đây vừa là bản thân sự kiện lịch sử vừa là những gì đã tác động đến nó. Tóm lại, phải xác định đúng những điểm cần nghiên cứu của hoàn cảnh tức là của thực triễn xã hội có quan hệ đến sự kiện cũng như đến nhà nghiên cứu.
Thực tiễn xã hội ở đây vừa có phần thuộc lĩnh vực vật chất, vừa có phần thuộc lĩnh vực tư tưởng .
Thứ hai, khi nói đến hoàn cảnh xã hội tức là nói đến một giai đoạn nhất định của quá trình tiến hoá phức tạp. Do vậy nãy sinh hai vấn đề cần giải quyết. Một là, sự phức tạp đó là hoàn toàn có tính cách ngẫu nhiên hay chịu sự chi phối của những quy luật chung ? Hai là, mỗi sự kiện lịch sử đều do một người hay một nhóm người tạo nên trong một hoàn cảnh nhất định về thời gian, không gian, đúng như người ta nói “không có sự kiện nào giống hết như một sự kiện nào ” nhưng có phải như vậy có nghĩa là xã hội loài người phát triển, tiến hoá một các tuỳ tiện và hổn loạn, không theo một quy luật chung nào hay không ?
Hai vấn đề trên đã xác định tầm quan trọng của việc phân kỳ lịch sử với tư cách là một vấn đề phương pháp luận. Sự phân kỳ lịch sử là một vấn đề cần phải làm và có thể làm được trên cơ sở một quan điểm khoa học, thống nhất .
Phân kỳ lịch sử không chỉ cần đối nhà nghiên cứu mà còn rất cần đối với người làm công tác giảng dạy. Lâu nay ,cán bộ giảng dạy các khoa học xã hội có thói quen dựa vào những ý có sẵn trong sách giáo khoa hay theo cảm hứng chủ quan của mình để phân tích, đánh giá các sự kiện, các nhân vật. Điều nầy tất nhiên khó tranh, nhưng nó sẽ hạn chế tính chủ động của người dạy và khã năng tư duy độc lập của học sinh, chưa kể những thiếu sót khác có thể vấp phải . Do đó, trong giảng dạy, đặc biệt là trong môn lịch sử, giáo viên cần phải khẳng định quan điểm của mình khi giảng dạy một giai đoạn , một thời kỳ lịch sử nào đó ở một nước nhất định nàođó. Nghĩa là , cần phải nắm được bản chất của một thởi kỳ hay một giai đoạn lịch sử , trong đó có sự kiện mà mình phân tích, đánh giá. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hiểu đúng và chủ động trong giảng dạy. Ý nghĩa tích cực nầy không chỉ có tác dụng đối với việc truyền thụ kiến thức mà còn cả đối với việc giáo dục tư tưởng .
Tóm lại, lịch sử loài người từ trước đến nay diễn ra hết sức phức tạp và đa dạng song không tiệm tiến trong những mối quan hệ bất biến mà theo xu hướng phát triển ngày càng nhanh với những thời kỳ, những giai đoạn có nội dung hoạt động và quan hệ khác nhau, lịch sử một quốc gia, dân tộc cũng vậy .Để nghiên cứu và giảng dạy lịch sử một cách khách quan, khoa học, cần phải phân chia lịch sử loài người cũng như dân tộc thành những thời kỳ, giai đoạn phát triển nối tiếp nhau, nghĩa là phải phân kỳ lịch sử. Phân kỳ lịch sử sẽ là một định hướng khoa học của nhà nghiên cứu và người giảng dạy .
III.NHỮNG NGUYÊN TẮC PHÂN KỲ LỊCH SỬ:
Mặc dầu giới sử học từ xa xưa đến nay đều nhận thấy tính phức tạp , đa dạng và không đồng đều của lịch sư loài người cũng như lịch sử một dân tộc , nhưng để xác định thời gian ( vì lịch sử là người nghiên cứu sự tiến hoá của xã hội theo năm, tháng) và tính chất, mỗi nhóm , mỗi thời đều thực hiện phân kỳ lịch sử theo quan niệm riêng của mình .
Ngày xưa, ở nước ta hoặc ở Trung quốc do xuất phát từ quan niệm cho rằng chế độ quân chủ là vĩnh hằng nên các nhà sử học đã phân kỳ lịch sử theo triều đại, theo các đời vua. Đó cũng là một nguyên tắc phân kỳ lịch sử, lấy chế độ chính trị làm cơ sở. Điều này dễ hiểu khi các nhà sử học đó chịu sự chi phối của tư tưởng ”thiên mệnh” và vua là “thiên tử ”, “thay trời trị dân ”. Tất nhiên, ở họ cũng nãy sinh tư tưởng “nước lấy dân làm gốc ”, “vua là thuyền, dân là nước, nước có thể đẩy thuyền đi mà cũng có thể lật thuyền ”… nhưng nước vẫn phải có vua, “không thể một ngày không vua ”… trong lúc đó , ở một số nước phương Tây trung đại theo chế độ quân chủ , mặc dù không chịu ảnh hưởng của tưởng ”thiên mệnh”, “thiên tử ”, giới sử học vẫn viết sử theo triều đại .
Ngoài ra còn có trường hợp, như Hêliốt ( Hy lạp ), lấy việc sử dụng kim loại để làm tiêu chuẩn phân kỳ lịch sử, họ chia xã hội thành “thời đại vàng ”, “thời đại bạc ”, “thời đại đồng ”, “thời đại sắt,” …
Từ thế kỷ XVII- XIX , sử học ngày càng phát triển , tính chất phức tạp và đa dạng của quá trình lịch sử càng chi phối giới sử học. Dù thừa nhận xu thế ngày càng phát triển tiến lên của xã hội loài người và hiểu rỏ sự cần thiết phải có một sự phân kỳ lịch sử , các nhà sử hoc vẫn đưa ra rất nhiều cách phân kỳ khác nhau. Trường phái nhân văn chủ nghĩa đi tìm nguyên nhân của sự phát triển xã hội trong bản chất của hoạt động con người và từ đó đưa ra quan niệm phân kỳ lịch sử loài người thành ba giai đoạn : cổ đại, trung đại và hiện đại . Lêvi Xtrốt, một nhà dân tộc học Pháp nổi tiếng, ủng hộ chủ nghĩa lịch sử nhưng lại phủ nhận quy luật phát triển lịch sử. Theo ông, mỗi dân tộc tự tìm thấy con đường phát triển riêng của mình , không bắt chước các nước khác. Sự phân chia thành ba giai đoạn nói trên chỉ có ý nghĩa về mặt thời gian ,… Công-đooc-xê thì khẳng định tính quy luật của lịch sử .
Như vậy có thể thấy rằng, vấn đề phân kỳ lịch sử đòi hỏi phải giải quyết hai vấn đề khác rất cơ bản của lịch sử loài người : một là lịch sử loài người có chịu sự chi phối của những quy luật phát triển khách quan không ,hay nói một cách khác, có hay không có những quy luật phát triển của lịch sử loài người ; Hai là: có sự thống nhất của quá trình lịch sử loài người hay không, hay như Lêvi Xtrốt , mỗi dân tộc có con đường phát triển riêng của mình .
Như vậy, phân kỳ lịch sử là một vấn đề phức tạp, khó và không thể thống nhất một cách dễ dàng được. Trong hoàn cảnh hiện nay khi mà trong giới sử học và xã hội học còn nhiều trường phái khác nhau càng chưa thể có một quan điểm thống nhất về phân kỳ lịch sử . Chính vì vậy mà giới sử học hiện nay nói chung, tạm giữ cách phân chia lịch sử loài người cũng như lịch sử dân tộc thành bốn thời đại lớn : cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Tất nhiên, đó là những thuật ngữ chỉ thời gian, dễ thống nhất. Còn bàn đến nội dung của những thời đại đó là gì thì các trường phái co quan niệm riêng của mình .
Có thể nêu lên một số nguyên tắc lớn cho việc phân kỳ lịch sử như sau :
1. Lịch sử loài người hay lịch sử của một dân tộc, trừ những trường hợp đặc biệt, dù có lúc lên lúc xuống, yếu mạnh khác nhau, đều phát triển theo xu hướng đi lên, ngày càng tiến triển .
2.Theo quan điểm của sử học Mác xít , sự phát triển đó của lịch sử loài người chịu sự chi phối của những quy luật khách quan , thống nhất . Những quy luật khách quan thống nhất này không phải sinh ra từ bên ngoài xã hội loài người , do “thượng đế ” tạo ra, mà là xuất phát từ sự tiến triển nội tại của sự vật được các nhà khoa học phát hiện và đúc kết .
Tất nhiên , quy luật khách quan vừa mang tính tất yếu vừa mang tính định hướng. Việc phân kỳ lịch sử, nhất là phân kỳ lịch sử dân tộc, không thể không tuân thủ nguyên tắc thống nhất có tính quy luật đó nhưng đồng thời không thể áp đặt một cách máy móc, cứng nhắc nguyên tắc đó vào bất kỳ đối tượng nào .luôn luôn cần nhớ rằng, quá trình tiến hoá của xã hội loài người hết sức phức tạp và đa dạng, chịu sự chi phối của hàng loạt nguyên tố khách quan cũng như chủ quan. Mọi quốc gia đang phát triển bình thường, tạm gọi là theo quy luật, có thể lập tức chuẩn bị chuyển hướng, thậm chí đứt đoạn, nếu nó bi một quốc gia hùng mạnh, hiện đại xâm chiếm bằng vũ lực . Trường hợp lịch sử các nước Đông Nam Á các thế kỹ XVII – XIX cho ta một ví dụ, đồng thời buoc chúng ta phải linh hoạt trong áp dụng nguyên tắc . Nắm vững nguyên tắc chung nhưng đánh giá đúng những chuyển biến đột xuất riêng .
3. Kết hợp một cách chặt chẻ và nhuần nhuyển hai phương pháp lôgic và lịch sử trong phân kỳ lịch sử. Như thực tế đã diễn ra , do tác động của những nhân tố hoàn cảnh và con người, ở cùng một thời điểm, các nước khác nhau trên thế giới có thể tồn tại ở những trình độ rất khác nhau với những quan hệ xã hội khác nhau . Hơn nữa, vì hoạt động của con người rất đa dạng .phong phú nên chúng ta dễ bị thu hút bởi những cái riêng muôn hình muôn vẽ đó, không nhận ra được những cái chung. Từ hai thực tế đó, việc phân chia thời kỳ lịch sử của chúng ta dễ bị mất phương hướng hoặc không thực hiện được. Và như vậy, chúng ta lại trở về với trường phái phủ định quy luật phát triển lịch sử và tính thống nhất của thế giới , vì vậy, cần tìm ra những mối liên hệ lôgic trong muôn vàn hiện tượng lịch sử phức tạp và đa dạng đó, phân biệt rõ cái chung và cái riêng .
4. Phải có thái độ khách quan khoa học trong phân kỳ lịch sử. Theo nhiều nhà sử học có uy tín, cách phân kỳ lịch sử hiện có đều mang tính chất quy ước. Mặc dầu vậy, nhà sử học không thể không phân kỳ một cách chủ quan , tuỳ tiện. Sử học là một khoa học, tri thức lịch sử không phải là một thứ đồ trang sức, một câu chuyện của quá khứ làm phong phú thêm cuộc sống của con người mà là một tri thức về thực tiễn xã hội , về con người , về dân tộc, về văn hoá cần cho cuộc sống ngày hôm nay và ngày mai. Phân kỳ lịch sử sẽ sẽ giúp cho sự hiểu biết đúng về tri thức lịch sử, do đó phải xuất phát từ việc tìm hiểu một cách toàn diện và khách quan thực tế lịch sử đã diễn ra cũng như phù hợp với quy luật phát triển khách quan. Tính khách quan khoa học là một nguyên tắc trong phân kỳ lịch sử Chỉ có trên cơ sở đánh giá một cách khách quan khoa học đâu là bản chất, đâu là hiện tượng, đâu là cái chung, đâu là cái riêng của một quá trình lịch sử, chúng ta mới có đuợc một cách phân định đúng các giai đoạn, các thời kỳ lịch sử khác nhau .
IV. TIÊU CHÍ PHÂN KỲ LỊCH SỬ XÃ HỘI
Như chúng ta đều biết, sự phát triển của khoa học lịch sử dẫn đến sự hình thành rất nhiều chuyên ngành lịch sử khác nhau như lịch sử chính trị , lịch sử kinh tế, lịch sử văn hoá, lich sử khoa học, kỹ thuật, lịch sử tư tưởng … Mỗi chuyên ngành lịch sử như vậy đều có nội dung riêng, có cách phân kỳ riêng, do đó, có tiêu chí phân kỳ riêng, mặc dầu đều có quan hệ với nhau và quan hệ chặt chẽ với lịch sử xã hội. Những tiêu chí bàn đến ở đây là tiêu chí phân kỳ lịch sữ xã hội nói chung, tức thông sử .
1. Phân kỳ lịch sử thế giới :
Cho đến nay , trong giới sử học, xã hội học đã hình thành hàng loạt lý thuyết về sự phát triển của xã hội loài người như lý thuyết khu vực, lý thuyết thời kỳ kinh tế, lý thuyết hội tụ … bên cạnh học thuyết Mác- Lênin. Những lý thuyết đó đã đã ảnh hưởng quan trọng đến cách phân kỳ lịch sử cũng như đến tiêu chí phân kỳ lịch sử. Một cách phân kỳ chung nhất được sử dụng khá phổ biến là phân kỳ lịch sử theo thời gian: cổ đại , trung đại, cận đại và hiện đại. Tuy nhiên, khi sử dụng cách phân kỳ đó, mỗi trường phái sử học lại gắn vào nó một nội dung khác nhau, phân chia theo những tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn, giới sử học phương Tây đã lấy sự phồn vinh của một số trung tâm văn hoá làm tiêu chí phân kỳ cổ đại ,trung đại … Cũng từ quan niệm đó, theo họ “thời hiện đại ” chỉ là giai đoạn hiện hành của xã hội “thời cận đại”, và điều nầy không chỉ dành cho phân kỳ lịch sử phương Tây mà là phân kỳ chung lịch sử nhân loại. Tư tưởng lấy châu Au làm trung tâm hay đúng hơn ,Tây Au , làm trung tâm đã chi phối họ.
Bên cạnh đó, phổ biến một quan niệm về phân kỳ lịch sử khác lấy các nền văn minh làm tiêu chí. Theo các nhà sử học chủ trương cách phân kỳ nầy, lịch sử văn minh là lịch sử toàn bộ các hoạt động của con người. Một trong số họ và nhà sử học tiêu biểu A. Toanbi ( A. Toynbee ) người Anh. Trong tác phẩm chủ yếu của ông “nghiên cứu lịch sử ”, ông cho rằng lịch sử là sự chắp nối của các nền văn minh khác nhau từ Đông sang Tây, từ thấp lên cao. Từ đó ông chia lịch sử xã hội loài người sau khi chế độ công xã nguyên thuỷ tan rã thành bốn xã hội “sống”: xã hội Thiên chúa giaó chính thống của Đông Nam Au và nước Nga, xã hội Hồi giáo, xã hội An giáo và xã hội Đông Au, mặc dù vẫn thừa nhận nền văn minh Trung Hoa, văn minh Viễn Đông …
Tiếp theo Toanbi, một số nhà xã hội học như R. Arông, W.Rotxtâu, J.K.Ganbrai, A.Tôpplơ… đã tuyệt đối hoá vai trò của nhân tố vật chất, kỹ thuât trong sự phát triển của xã hội loài người, lấy nó làm tiêu chí phân kỳ lịch sử ( phái gọi là phái “kỹ trị ”). Theo họ, lịch sử loài người phát triển dần từ xã hội nông nghiệp sang xã hội tiền công nghiệp, xã hội công nghiệp rồi đến xã hội hậu công nghiệp hay siêu công nghiệp … tất nhiên mỗi giai đoạn như vậy tương ứng với một nền văn minh .
Có thể nhận thấy được những mặt hạn chế của các quan niệm về phân kỳ lịch sử nói trên. Những vấn đề mà họ né tránh chính là vấn đề hình thái kinh te-- xã hội và vấn đề mâu thuẩn giai cấp .
Như đã nêu trên , một trong những nguyên tắc cơ bản để phân kỳ lịch sử là thừa nhận tính thống nhất của quá trình lịch sử thế giới . Vậy tính thống nhất đó do nhân tố nào quy định ?
Sự phát triển của xã hội loài người rất phức tạp và đa dạng nhưng không có nghĩa là không xuất phát từ một cơ sở thống nhất, có ý nghĩa quyết định. Như chủ nghĩa duy vật lịch sử mác xít đã xác định, vật chất quyết định tinh thần và nhân tố có ý nghĩa xã hội của cái “ vật chất” đó chính là cơ sở kinh tế. Cuộc sống của con người bắt nguồn từ việc “kiếm sống”, từ các nguồn “kiếm sống ” tức là từ hái lượm vươn lên sản xuất và từ sản xuất đến trao đổi , rồi từ đây mới tậo ra các hoạt đông tinh thần , bao gồm cả tổ chức và quan hệ xã hội . Nhưng nói đến “cơ sở kinh tế ” không có nghĩa là dừng lại ở sản xuất vật chất , ở kỹ thuật như quan niệm của phái “kỹ trị” mà còn phải nói đến mối quan hệ giữa người và người trong sản xuất . tức là “quan hệ xã hội ”. Chính xuất phát từ tiêu chí cơ bản đó , trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” xuất bản 1846 , Mác và Angghen đã chia lịch sử loài người thành những hình thức sở hữu nối tiếp nhau từ “thị tộc ”, “cổ đại ”, sang “phong kiến ”, “tư bản”. Và sau nhiều năm nghiên cứu sâu hơn những nhân tố chi phối sự phát triển của xã hội loài người, Mác đã đi đến chổ lấy “phương thức sản xuất” làm tiêu chí phân kỳ lịch sử loài người . Trong phần mở đầu của tác phẩm “Phê phán khoa kinh tế – chính trị ” xuất bản năm 1859 , ông viết :”Về đại thể, có thể xem các phương thức sản xuất Á châu , cổ đại , phong kiến và tư sản hiện đại là những thời kỳ phát triển nối tiếp nhau của hình thái kinh tế – xã hội ” Bẵng đi một thời gian, mãi đến năm 1881, trong bản thảo thứ ba của bức thư giửi V.Datxuhit , ông nói rõ hơn về các hình thaí “thứ hai ”( tức là sau thời kỳ nguyên thuỷ ) là ba thời kỳ phát triển : xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến và xã hội tư bản .
Quan điểm của Mác, Ang ghen lấy “cơ sở kinh tế ” và sau đó là “phương thức sản xuất” và “hình thái kinh tế – xã hội ” làm tiêu chí cơ bản để phân kỳ lịch sử xã hội loài người đã được giới sử học mácxít sau nầy thừa nhận . Trong các cuộc hội thảo quốc tế về phân kỳ lịch sử gần đây, mặc dầu còn những điểm khác nhau , giới sử học và xã hội học hầu như thừa nhận “hình thái kinh tế – xã hội ” là tiêu chí cơ bản của phân kỳ lịch sử xã hội loài người. Nội dung của những thời đại đó có tính chất quy ước như “cổ đại ”, “trung đại ”, “cận đại ” , “hiện đại ” ứng với những hình thái kinh tế – xã hội kế tiếp nhau trong lịch sử.
Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở tiêu chí chung. Một câu hỏi đặt ra là, một hình thái kinh tế xã hội không định hình hay mất đi trong một thời điểm nhất định, hơn thế nữa, cùng một khoãng thời gian nhất định trên thế giới không phải chỉ ngự trị mợt hình thái kinh tế xã hội. Sự phát triển của các nước, các dân tộc trên thế giới rất không đồng đều, ở cùng một thời điểm nước nầy đã là tư bản chủ nghĩa nhưng dân tộc kia vẫn đang là phong kliến, thậm chí trên phong kến … Vậy phải hiểu khái niệm “thời đại”. Có thể hiểu “thời đại” ở đây không có nghĩa là sự thống trị hoàn toàn của một hình thái kinh tế - xã hội nào đó đã hình thành và tất yếu sẽ thống trị và thống trị hoàn toàn trên thế giới với tư cách là hình thái kinh tế –xã hội tiên tiến nhất , tiêu biểu nhất. Quan điểm nầy không đòi hỏi, cùng trong một thời đại, tất cả các nước, các dân tộc đều phải trãi qua hình thái kinh tế – xã hội tiêu biểu đó .
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là, các hình thái kinh tế- xã hội đã được đúc kết như chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa … có hoàn toàn đúng với tiến trình phát triển xã hội của tất cả các nước trên thế giới hay không ? Đây là một vấn đề không đơn giản và dễ thống nhất, khi mà nội dung cơ bản của từng hình thái kinh tế xã hội chưa thống nhất và khi mà việc nghiên cứu lịch sử các nước phương Đông ngày càng phát triển. Từ năm 1859, Mác đã nêu lên khái niệm “phương thức sản xuất Á châu” và cuộc thảo luận về khái niệm đó trong những năm vừa qua vẫn chưa đạt kết quả mong muốn .
Một vấn đề cũng rất quan trọng đối với phân kỳ lịch sử là mốc thời gian mở đầu của một thời đại ( đồng thời cũng là mốc kết thúc thời đại trước đó ). Có những mốc thời đại dễ nhất trí như ở thời cổ đại . Đã có lúc người ta xem thời cổ đại bao gồm cả hai hình thái xã hội nguyên thuỷ và chiếm hữu nô lệ, song dần dần thời đại nguyên thuỷ được tách ra và sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở một nước phương Đông trở thành cái mốc mở đầu thời cổ đại .
Mốc mở đầu các thời đại tiếp sau, cho đến nay vẫn không có quan điểm thống nhất . Có những cách quan niệm khác nhau, hoặc lấy một số sự kiện biểu hiện sự ra đời của một phương thức sản xuất mới làm tiêu chí hoặc lấy một biến cố lớn nói lên sự thắng thế của phương thức sản xuất mới làm tiêu chí. Cuộc thảo luận mốc mở đầu thời cận đại đã thể hiện những cách nhìn khác nhau đó . Chưa nói đến các trường phái khác nhau mà chỉ riêng trong trường phái lấy cách mạng tư sản làm tiêu chí đã là như vậy. Ba nhóm có cách quan niệm khác nhau : nhóm lấy cách mạng tư sản Anh, nhóm lấy cách mạng Hà lan, nhóm lấy cách mạnh tư sản Pháp . Mốc mở đầu thời hiện đại còn có nhiều ý kiến khác nhau , đặc biệt trong những năm gần đây .
Bên cạnh đo còn có vấn đề phương Đông và phương Tây. Như đã nói ở trên, do sự phát triển không đồng đều ở các khu vực khác nhau, mốc mở đầu một thời đại mới ở các nước phương Đông và Phương Tây không gần nhau, thậm chí cách nhau hằng mấy thế kỷ. Đây là một vấn đề khó và chưa được trao đổi nmhiều , mặc dầu các bộ sử thế giới ở các nước khác nhau vẫn theo một sự phân kỳ khá gần giũi nhau, có tính chất quy ước .
Trong phân kỳ còn phải chú ý đến việc phân chia giai đoạn lịch sử .
Trong phạm vi một hình thái kinh tế xã hội tức là một thời đại sự phát triển của xã hội tuỳ theo một xu hướng nhất định nhưng vẫn gồm những giai đoạn khác nhau. Việc phân chia giai đoạn lịch sử này là một bộ phận của phân kỳ lịch sử chung .
Vấn đề tiêu chí phân chia giai đoạn cũng không đơn giản, cũng như việc phân kỳ lịch sử chung, nó phải lấy cơ sở kinh tế hay phương thức sản xuất làm tiêu chí . Trong trường hợp nầy, việc phân kỳ phải xuất phát từ sự hiểu và đánh giá đúng đặc điểm chủ yếu của phương thức sản xuất hay hình thái kinh tế – xã hội cần phân tích. Bên cạnh tiêu chí kinh tế, tiêu chí “đấu tranh giai cấp ” có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi xác định mốc đánh dấu giai đoạn suy vong của một hình thái kinh tế- xã hội .
Thông thường, giới sử học thường chia một hình thái kinh tế – xã hội thành ba giai đoạn : hình thái xác lập, phát triển và suy vong và mốc mở đầu của một giai đoạn được xác định bằng sự kiện đánh dấu bước phát triển mới theo các tiêu chí nói trên.
2. Phân kỳ lịch sử dân tộc
Những tiêu chí của phân kỳ lịch sử dân tộc không có gì khác cơ bản với phân kỳ lịch sử thế giới . Tuy nhiên, nếu như lịch sử thế giới là sự tổng hợp của hàng chục, hăng trăm quốc gia, dân tộc, thì lịch sử dân tộc chủ yếu liên quan đến sự phát triển xã hội của một quốc gia nhất định hoặc đối với một dân tộc nhất định ,dân tộc chủ thể , chiếm đa số trong cư dân .
Phân kỳ lịch sử dân tộc được đặt trong cai khung chung của lịch sử thế giới song không có nghĩa là phân kỳ đúng theo các thời kỳ, giai đoạn của lịch sử thế giới. Do đó, cần phải xuất phát từ quá trình phát triển riêng cụ thể của dân tộc có những nét chung của lịch sử thế giới lại có những nét đặc thù để xác định rõ các hình thái kinh tế – xã hội đã trãi qua , cũng như thời gian tồn tại của nó . Chẳng hạn , chế độ chiếm hữu nô lệ là một hình thái kinh tế – xã hội có tính phổ biến, nội dung chính của thời cổ đại trên thế giới, song có nhiều dân tộc tiến thẳng từ xã hội nguyên thuỷ sang chế độ phong kiến , không trãi qua thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên, đâu là nói đến việc phân kỳ lịch sử ở một nước ít chịu những tác động lớn từ bên ngoài, đôi khi rất xa chúng ta .
Vì lịch sử dân tộc mang tính đặc trương riêng của một dân tộc nhất định , đôi khi không theo những quy luật chung của thế giới ,cho nên hiện nay một số dân tộc trên thế giới co cách phân kỳ theo cách riêng của mình. Có dân tôc không co thời kỳ chiếm hữu nộ lệ, có dân tộc không có thời phong kiến và cũng có dân tộc không có thời ttư bản, vì vậy khi phân ky lịch sử dân tộc chúng ta phả ikết hợp giữa cái chung và cái riêng, kết hợp cái nội tại trong từng dân tộc với quá trình chung của lịch sử thế giới .
V. MỘT SỐ Ý KIẾN PHÂN KỲ LỊCH SỬ HIỆN NAY
1. Phân kỳ lịch sử cận đại thế giới :
Từ trước tới nay, hầu hết các sách của ta đều lấy mốc mở đầu thời cận đại thế giới là cach mạng tư sản Anh ( 1640 ) và kết thúc thời cận đại là cách mạng Tháng Mười Nga ( 1917 ) cùng với sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ nhất 1918. Nội dung cơ bản cuả lịch sử thế giới cận đại kéo dai gần 3 thế kỷ đó, nói một cách tổng quát là sự thắng lợi, phát triển và bước đầu suy vong của nhủ nghĩa tư bản thế giới .
Ở các nước Đông Au và Liên Xô cũ trước đây cũng có những quan điểm như vậy trong việc phân kỳ lich sử thế giới. Còn nhiều sử gia phương Tây thì cho rằng thời kỳ lịch sử thế giới cận đại phải bắt đầu từ sau những cuộc phát kiến địa lý thế kỷ XV. Còn Sách giáo khoa lịch sử hiện nay của ta thì coi cách mạng Hà Lan ( 1566 ) là mốc mở đầu của thời kỳ nầy . Vậy tại sao chúng ta chọn mốc nầy ?
Như chúng ta đã biết, ở các nước châu Au chủ nghĩa tư bản xuất hiện trong lòng chế độ phong kiến và trãi qua những bước phát triển mạnh mẽ, khá điển hình. Tuy nhiên lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng lớn lên đã bị kìm hãm bởi quan hệ sản xuất phong kiến . Mâu thuẩn giữa chế độ phong kiến phản động ngăn cản sự tiến hoá của nhân loại và chủ nghĩa tư bản đang trên đường phát sinh và phát triển đã nổ ra rất quyết liệt dưới nhiều hình thức, trong thời kỳ lịch sử lâu dài. Vào cuối thời trung đại giai cấp tư sản tiếp tục làm giàu và có điều kiện phát triển thế lực của mình qua việc buôn bán với nước ngoài, trong đó có việc buôn bán nô lệ và qua cướp bóc ở thuộc địa. Để gạt bỏ sự kìm hãm của chế độ phong kiến, giai cấp tư sản mới ra đời ở Tây Au, trước hết là Hà Lan đã liên minh với giới quý tộc tư sản hoá lãnh đạo nông dân và các tầng lớp nhân dân khác vùng dậy làm cách mạng lật đổ ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha, xây dựng quốc gia độc lập, mở đường cho chủ nghĩa Tu b?n phát triển . Cho nên, cách mạng năm 1566 ở Hà Lan thực chất là một cuộc cách mạng tư sản. Tiếp theo cách mạng Hà Lan là là cuộc chiến tranh mang tính chất tư sản của nông dân Đức , Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc Anh ở Bắc Mỹ, sau đó là cuộc Đại cách mạng tư sản Pháp 1789, dây là cuộc cách mạng điển hình nhất, triệt để nhất. Cuộc cách mạnh nầy lại thúc đẩy sự bùng nổ của hàng loạt những cuộc cách mạnh tư sản khác ở châu Au, châu Mỹ và cả ở Nhật và lần lượt nhiều nước châu Á khác .
Như vậy, đứng về mốc thời gian thì cuộc cách mạng tư sản Hà Lan nổ ra trước cách mạng tư sản Anh đến gần một thế kỷ. Hơn nữa, nó mở đầu cho sự phát triển của cách mạng tư sản khỏi sự kìm cặp của chế độ phong kiến . Chính vì thế mà cách mạng tư sản Hà lan mang một ý nghĩa vô cùng trọng đại là người mở đường đầu tiên cho một giai đoạn phát triển mới của lịch sử thế giới thời cận đại . Điều đó hoàn toàn hợp với logic phát triển của lịch sử . Do đó không thể lấy cuộc cách mạng tư sản Anh ( 1640 ) là cuộc cách mạng đứng thứ ba về thời gian để mở đầu thời kỳ lịch sử cận đại, dù ý nghĩa thế giới của nó sâu nặng hơn .
Lịch sử thế giới cận đại, thực chất là lịch sử của các cuộc cách mạng tư sản , lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản, lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản, lịch sử của nhân dân các nước phương Đông chống xâm lược và giải phóng dân tộc . Các cuộc cách mạng tư sản , trên những mức độ khác nhau đã lật đổ nền thống trị của gai cấp phong kiến, thiết lập hệ thống nhà nước tư sản. Từ khi lên cầm quyền, giai cấp tư sản xoá bỏ đặc quyền phong kiến, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ban hành chế độ tự do kinh doanh, thống nhất thị trường tiền tệ, đo lường và quan thuế .
Cách mạng Hà Lan là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên thắng lợi. Ach thống trị của phong kiến Tây Ban Nha ở Hà Lan bị lật đổ, nền cộng hoà được xác lập mở đầu cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Hà Lan và thế giới.
Vì vậy, cách mạng Hà Lan là mốc mở đầu của mọi biến động lịch sử châu Au và thế giới. Cũng phải thừa nhậnrằng, cách mạng Hà Lan lúc bấy giờ tuy diễn ra trên phạm vi không lớn về địa lý ,nhưng cũng gây ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần tư tưởng. Nó là tiếng kèn thúc giục mọi sự bùng nổ làm biến động thế giới . Sau đó, cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII có ảnh hưởng lớn hơn ở phạm vi toàn châu Au . Ngoài yếu tố chủ quan , cách mạnh tư sản Anh phát huy được ảnh hưởng rộng lớn còn nhờ kết quả của những cuộc phát kiến địa lý trong thời gian nầy. Những phát kiến địa lý đó có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử châu Au và thế giới. Nhiều biến động sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội ỡ châu Au cũng như như các châu lục khác, từ sau thế kỷ XVI đều diễn ra dưới ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của những phát kiến địa lý. Cách mạng tư sản Anh , dĩ nhiên được thừa hưởng thành quả to lớn đó, cho nên nhiều người lâu nay đã chọn sự kiện này làm mốc mở đầu cho thời kỳ cận đại, thời kỳ thống trị của chủ nghĩa tư bản. Song xét sâu hơn thì thấy rằng, nước Anh lại chịu nhiều tác động của cách mạng tư sản Hà Lan trên nhiều lĩnh vực, nhất làvề kinh tế .
Sau cách mạng tư sản thắng lợi, ở Hà Lan chế độ thống trị phong kiến Tây ban Nha bị lật đổ , chủ nghĩa tư bản đặc biệt phát triển ở Nêdeclan, đáng chú ý là thương nghiệp. Chỉ riêng 2000 tàu thuyền buôn của “các tỉnh liên hiệp” cũng đã hoạt động rất nhộn nhịp ở trên biển. Đến đầu thế kỷ XVII , Am-xtec-dam đã co trên 10 vạn dân, là thương cảng quốc tế của các tàu buôn Anh , Pháp, Nga, các công ty thương mại Hà lan như “Công ty Phưong Đông ”, “công ty Đông Ấn”….. được thành lập từ rất sớm. Các công ty nầy không chỉ mở rộng về buôn bán ở khắp thế giới mà còn xâm lược đất đai các nước làm thuộc địa . Chính nhờ có thắng lợi của cách mạng 1566 mà trên một thế kỷ , Hà Lan trở thành cường quốc thương mại số một thế giới . Điều đó đã góp phần làm cho sự phát triển phồn vinh của chủ nghĩa tư bản ở Hà Lan. Giai cấp tư sản ở các nước Tây Au đã sớm rút đươc bài học quý báu từ cách mạng Hà Lan .
Cách mạng tư sản Hà Lan đã vạch ra sơ đồ tổng thể nhiệm vụ chung của cách mạng tư ở các nước Au, Mỹ . Chính sự ra đời của thành thị , sự phát triển của sản xuất, các cuôc phát kiến địa lý đã dẫn đến sự phát triển của lực lượng sản xuất mới- Tư bản chủ nghĩa. Tuy vậy, sản xuất tư bản chủ nghĩa thời kỳ nầy chưa thoát khỏi khuôn khổ của chế độ phong kiến. Đại bộ phận sản xuất đều là thủ công, kinh tế tiểu nông vẫn chiếm ưu thế. Mặc dầu vậy , những mầm móng đầu tiên của chủ nghĩa tư bản đã có ãnh hưởng rõ rệt đến sinh hoạt kinh tế , văn hoá và xã hội lúc đó. quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời thì các giai cấp đại diện cho nó ( tư sản – vô sản ) cũng xuất hiện. Việc ra đời các giai cấp mới làm cho kết cấu xã hội phong kiến thay đổi. Đấu tranh giai cấp ngày càng quyết liệt . Từ thế kỷ XV – XVI trào lưu tư sản đã có hai đợt sóng lớn là : Văn hoá phục hưng và Chiến tranh nông dân Đức, thực chất đây là những hoạt của giai cấp tư sản hoặc do giai cấp tư sản hướng đạo, đều mang tính chất tư sản .
Về mặt ý nghĩa lịch sử thì cuối thế kỷ XVI , cách mạng Hà Lan đã bắt đầu tấn công trực diện vào chế độ phong kiến. Sau cuộc cách mạng nầy, giai cấp tư sản thế giới liên tiếp làm các cuộc cách mạng tư sản ở nhiều nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Các triều đại phong kiến kế tiếp nhau sụp đổ, các đặc quyền đặc lợi của chúng dần dần bị xoá bỏ . Chế độ phong kiến dần dần được thay thế bằng chủ nghĩa tư bản. Cách mạng Hà Lan dưới hình thức là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã đi tiên phong trong nhiệm vụ nầy .
Nhiệm vụ chung của các cuộc cách mạng tư sản là : Lật đổ chế độ phong kiến, chống ngoại xâm giữ độc lập ( Hà Lan , Mỹ , Pháp ) , thống nhất đất nước, tạo điều kiện kinh tế cho chủ nghĩa tư bản phát triển ( Đức , Ý )và đây cũng là quá trình hình thành dân tộc tư sản .
Xét những nhiệm vụ chung của các cuộc cách mạng tư sản ở Au, Mỹ, rõ ràng cách mạng tư sản Hà Lan là người khởi xướng, làm xáo trộn trật tự xã hội cũ của những thế kỷ trước, xây dựng một chế độ mới , đi tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ của cách mạng tư sản. Đó là cơ sở khoa học để chúng ta lấy cách mạng tư sản Hà Lan làm cột mốc khởi đầu thời lịch sử thế giới cận đại .
2. Phân kỳ lịch sử Việt Nam
Sự phát triển của lịch sử nước ta ngoài những nhân tố bên trong là chính còn chịu nhiều tác động từ bên ngoài. Từ xa xưa, Việt Nam là đối tượng xâm lược và đô hộ của các triều đại phương Bắc. Vào cuối thế kỷ XIX , đầu thế kỷ XX , Việt Nam lại là đối tượng xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp. Như vậy, khi phân kỳ lịch sử bên cạnh yếu tố phát triển nội tại cần tính tới các yếu tố tác động ngoại lai . Nếu chúng ta biết rằng các triều đại phương Bắc hay thực dân Pháp khi xâm lược và đô hộ nước ta đều đang tồn tại trong những hình thái kinh tế – xã hội cao hơn thì chúng ta không thể không xem ảnh hưởng của các nước đó đối với sự phát triển của nước ta là một thứ tiêu chí để phân kỳ lịch sử. Chẳng hạn , giới sử học nước ta đã từng hội thảo về vấn đề “Việt Nam có trãi qua thời chiếm hữu nô lệ hay không, nếu không thì nội dung kinh tế- xã hội của thời cổ đại là gì ”; hoặc “cuộc xâm lược của thực dân Pháp trong những năm 1858, 1884 có phải là mốc mở đầu thời cận đại của lịch sử Việt Nam không ”…Ở đây có thể đặt một câu hỏi , đưa thời cận đại của lịch sử nước ta sang thế kỷ XIX, sau mốc mở đầu thời cận đại của lịch sử thế giới ba thế kỷ có thích hợp không ? Tất nhiên ở đây là vấn đề đã đặt ra ở trên, phân kỳ lịch sử dân tộc không thể rập khuôn phân kỳ lịch sử thế giới, mà phải xuất phát từ thực tiễn phát triển lịch sử của dân tộc mình. Cũng có thể đặt câu hỏi, lấy một sự kiện chính trị, quân sự ngoại lai làm tiêu chí phân kỳ lịch sử dân tộc như trên có thích hợp không?
Hiện nay chúng ta tạm thời phân chia lịch sử dân tộc ra các thời kỳ :
- Thời công xã nguyên thuỷ – bình minh của lịch sử dân tộc
- Thời dựng nước và giữ nước : Thời Văn lang , Au lạc
- Thời Bắc thuộc và đấu tranh chống Bắc thuộc
- Thời kỳ phong kiến dân tộc độc lập, từ thế kỳ X – giữa thế kỷ XIX
- Thời kỳ Pháp thuộc và đấu tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc( 1858-1945 )
- Kỷ nguyên độc lập đi lên chủ nghĩa xã hội , từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay .
Đi vào phân chia giai đoạn của từng thời đại, nhất là ở thời cận đại và hiện đại của nước ta, lại cần suy xét nhiều hơn. Cho đến nay, giới sử học chúng ta vẫn phân kỳ thời cận đại theo lịch sử phong trào cách mạng, tức là lấy phong trào cách mạng làm tiêu chí. Đã từng có những ý kiến khác nhau về phân kỳ lịch sử các thời đại nầy nhưng không xuất hiện một tiêu chí nào khác .
Tóm lại, phân kỳ lịch sử dân tộc đòi hỏi những công trình nghiên cứu cụ thể về nhiều mặt của lịch sử nước ta. Phân kỳ lịch sử là một công việc cần thiết của sử học, đòi hỏi sự kiên trì, trung thực và tinh thần sáng tạo của nhà nghiên cứu, nghĩa là phải vừa đứng vững trên nguyên tắc chung vừa nắm chắc những những thành tựu nghiên cứu lịch sử cũ thể. Mọi sự máy móc, giaó điều, hoặc vô nguyên tắc, tuỳ tiện đều dẫn đến những hậu quả xấu đối với công tác nghiên cứu lịch sử và đặc biệt đối với việc giảng dạy lịch sử .
3. Vấn đề phân kỳ trong lịch sử “ Việt Nam Cận đại “
Đối với lịch sử cận đại thế giới thì thời kỳ nầy là thời kỳ ra đơi , phát triển và suy vong của chủ nghĩa tư bản, là thời kỳ của các cuộc cách mạng tư sản . Nhưng đối với Việt Nam và các nước Á, Phi thi đây là thời kỳ đấu tranh chống xâm lược và giải phóng dân tộc .
Hiện nay chúng ta không gọi là thời kỳ cận đại Việt Nam theo cách gọi chung của lịch sử thế giới ,chúng ta gọi là thời kỳ Pháp thuộc và đấu tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc 1958-1945. Do điều kiện cụ thể của lịch sử Việt Nam, đất nước ta từ 1958 bị thực dân Pháp xâm lược và sau đó biến nước ta thành thuộc địa của Pháp. Trong suốt quá trình vơ vét thuộc địa thực dân Pháp đã du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào nước ta, đồng thời duy trì phưong thức bóc lột phong kiến để bóc lột nhân dân ta. Vì vậy đây có thể coi là thời kỳ mà xã hội Việt Nam mang tính chất phong kiến nưa thuộc địa, mang những nét tính chất hoàn toàn khác so với thời kỳ cận đại của lịch sử thế giới.
Trước hết chúng ta chọn mốc mở đầu của thời kỳ nầy. Có ý kiến cho rằng chọn mốc mở đầu là 1858, năm thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta hoặc là năm mà nhân dân ta bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng có ý kiến cho rằng nên chọn năm 1884, năm mà triều đình Huế ký hiệp ước Pa tơ nôt, kết thúc vai trò lãnh đạo nhân dân cuả triều đình nhà Nguyễn , năm mà thực dân Pháp hoàn thành việc xâm lược chuyển sang khai thác bóc lột nhân dân ta . Nếu chúng ta xét theo vai trò của chế độ phong kiến Nguyễn thì năm 1884 là mốc kết thúc, nếu chúng ta xét theo quan điểm dân tộc thì cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược thì ta nên chọn mốc ta 1858 là năm bắt đầu cuộc kháng chiến . Hiện nay sách giáo khoa của ta chọn mốc 1858 để bắt đầu và kết thúc một thời kỳ lịch sử .
Còn mốc kết thúc thời kỳ nầy thì cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945 thì không phải tranh luận, mọi người đều nhất trí lấy sự kiện khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà làm năm mở đầu cho Kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội .
Thời kỳ Pháp thuộc và đấu tranh chống xâm lược , giải phóng dan tộc ( 1858-1945 ) được phân chia thành các giai đoạn như sau :
Phần I : Việt Nam từ 1858-1896
Phần II : Việt Nam từ 1897-1918
Phần III : Việt Nam từ 1918- 1930
Phần IV : Việt Nam từ 1930-1945.
Đây là giai đoạn chúng ta cần có những suy xét nhiều hơn, hiện nay các nhà sử học nước ta phân kỳ lịch sử không đi theo những cái chung của thế giới, chúng ta lấy phong trào cách mạng làm tiêu chí để phân kỳ lịch sử, để phân chia các giai đoạn .
4. Vấn đề phân kỳ trong lịch sử Việt Nam hiện đại
Lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại là lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ mới theo định hướng xã hội chủ nghĩ. Đó là nội dung và cũng là cơ sở cho việc phân kỳ lịch sử trong thời kỳ lịch sử hiện đại. Tuy vậy, lịch sử là quá trình phát triển liên tục, cho nên các giới hạn phân kỳ chỉ co ý nghĩa tương đối và quy ước. Như Lênin đã chỉ rõ : “Dĩ nhiên là những cách phân chia giới hạn đó cũng như nói chung những cách phân chia giới hạn trong giới tự nhiên và trong xã hội đều có tính chất quy ước và không cố định, đều là tương đối và không tuyệt đối”. Do đó giới hạn phân kỳ lịch sử chỉ có khi xác định được bằng sự kiện lịch sử với những năm tháng cụ thể, nhưng cũng có khi phải xác định bằng một quá trình kéo dài trong một thời gian nhất định .
Khái niệm lịch sử cận đại, hiện đại cũng như cổ trung đại vốn là những khái niệm có tính chất quy ước và tương đối. Trong nền sử học tư sản, những khái niệm đó chỉ dùng để chỉ đơn thuần một cách nhất định về thời gian giữa lịch sử và hiện thực. Đối với các nhà sử học Mác xít, khái niệm đó đã đưa vào một nội dung xã hội để chỉ các thời kỳ lịch sử nhất định tương ứng với các chế độ xã hội. Tuy nhiên các khái niệm đó đều có tính quy ước và tương đối khi vận dụng vào lịch sử của từng nước bao hàm nội dung và ý nghĩa khác nhau .
Đối với nước ta, đến nay trong giới sử học vẫn còn những quan điểm khác nhau về việc phân kỳ lịch sử hiện đại. Có ý kiến lấy mốc là 1930 , có người lấy mốc năm 1945, hoặc năm 1954 làm mốc phân chia lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam. Cũng có ý kiến chủ trương không nên sử dụng khái niệm cận đại , hiện đại vào lịch sử Việt nam mà nên lấy ngay nội dung lịch sử cụ thể của từng thời kỳ để đặt tên cho mỗi thời kỳ đó. Ví dụ, thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ …
Xu hướng chung của giới sử học chúng ta hiện nay coi vấn đề quan trọng của việc phân kỳ không phải là sử dụng các khái niệm để gọi các thời kỳ lịch sử mà chính là phải vạch ra cho được các thời kỳ và giai đoạn lịch sử với những nội dung và đặc điểm cụ thể của nó để phản ánh rõ sự phát triển vô cùng phong phú , phức tạp nhưng hợp quy luật của lịch sử từng nước, từng địa phương hay từng ngành .
Phân chia các thời kỳ và giai đoạn lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại chúng ta phải quán triệt nội dung và đặc điểm của lịch sử đất nước trong giai đoạn nầy. Lịch sử Việt Nam thời hiện đại (từ 1945 đến nay ) là lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ, bảo vệ và xây dựng nướcViệt Nam mới theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc phân kỳ lịch sử đòi hỏi chúng ta phải căn cứ vào sự phát triển và những bước chuyển biến của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thể hiện qua sự thay đổi về tính chất và hình thức, về vai trò của giai cấp lãnh đạo, về động lực và phương hướng của phong trào, của nội dung và mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước để phân chia các thời kỳ và giai đoạn lịch sử .
Tuy vậy, nghiên cứu lịch sử dân tộc trong thời kỳ nầy, chúng ta cũng cần chú ý đến đặc điểm của thời đại, ảnh hưởng và tác động qua lại giữa các nước trên thế giới. Song sự kiện bên ngoài dù quan trọng đến đâu cũng chỉ là điều kiện của sự vận động bên trong, do đó không thể lấy sự kiện bên ngoài làm mốc để phân kỳ lịch sử Việt Nam .
Sự kiện năm 1945 với thắng lợi của cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà đã “mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của nước ta ”, đã được giới sử học coi là mốc lịch sử có ý nghĩa vạch thời đại và lấy nó làm mốc phân chia giữa lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam .
Trên quan điểm đó, lịch sử Việt Nam từ 1945 đến nay được phân chia làm ba thời kỳ lớn như sau :
- Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hoà ( 1945-1954 )
- Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước(1954-1975 )
- Thời kỳ xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ( 1975 đến nay )
Trong từng thời kỳ, căn cứ vào đối tượng, mục tiêu và thành quả của sự nghiệp cách mạng của đất nươc, chúng ta có thể chia thành nhiều giai đoạn nhỏ:
a/ Thời kỳ thứ nhất: Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hoà tử 1945 đến 1954 có thể chia làm 3 giai đoạn với các tên gọi sau:
- Giai đoạn bảo vệ và xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hoà ( 1945-1946 )
- Sự bùng nổ và tiến triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong toàn quốc ( 1946 – 1950 ) .
- Cuộc kháng chiến phát triển mạnh me và kết thúc thắng lợi (1951–1954)
b/ Thời kỳ thứ hai :Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nmiền Bắc và kháng chiến chống Mỹ , giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ( từ 1954 đến 1975 ) có thể chia làm 5 giai đoạn như sau :
- Xây dựng miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam ( 1954-1960 )
- Đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chiến đấu chống “chiến tranh đặc biệt ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam ( 1960 – 1965 )
- Chiến đấu chống “chiến tranh cục bộ ” và chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, tiếp tuc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc( 1965 – 1968 ).
- Chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh ” và chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc ( 1969- 1973 ).
- Khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc , cả nước dồn sức giải phóng hoàn toàn miền Nam ( 1973-1975 ).
c/ Thời kỳ thứ ba :Xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ( 1975 đến nay ) có thể chia làm ba giai đoạn sau :
- Khôi phục và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh ( 1975-1985 )
- Việt Nam 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới ( 1985-1995 )
- Tiếp tục sự nghiệp đổi mới , đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước ( 1996 đến nay ) .
Việc phân kỳ như trên dựa trên tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ cũng như thành tựu mà cách mạng Việt Nam đã đặt ra và đạt được trong nửa thế kỷ qua . tên gọi của mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cũng phải căn cứ vào tình chất, mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ đó .
5. Phân kỳ lịch sử địa phương :
Việc phân kỳ lịch sử dân tộc là cơ sở, nền tãng để từ đó chúng ta có thể phân chia giai đoạn của lịch sử địa phương hoặc của ngành. Về cơ bản lịch sử đấu tranh cách mạng của các địa phương diễn ra theo đường lối và tiến trình chung dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó sự phân kỳ của lịch sử địa phương vể đại thể sẽ trùng với việc phân kỳ lịch sử dân tộc. Tuy vây, do điều kiện và hoàn cảnh riêng, ở từng địa phương có những sự kiện quan trọng trở thành một mốc lịch sử, đánh dấu một giai đoạn của lịch sử địa phương hay một ngành . Ví dụ sự ra đời của tổ chức đảng hay chính quyền cách mạng địa phương : sự thành lập, sự thay đổi tổ chức hay giải thể một ngành …
Về cột mốc của từng địa phương cũng có những thay đổi . Ví dụ : đến những thời điểm, địa phương thay đổi địa giới hành chánh, hoặc là địa phương có những mốc riêng trong phong trào cách mạng, chúng ta cũng cần lưu ý để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của địa phương
Do đó sự phân kỳ lịch sử địa phương hay của ngành trước hết phải dựa vào thực tế địa phương, của ngành trên cơ sở yêu cầu và nhiệm vụ chung của sự nghiệp cách mạng của đất nước. Cần lưu ý tránh tình trạnh tách rời sư phân kỳ hay nội dung của lịch sử địa phương ra khỏi lịch sử dân tộc , hoặc ngược lại bo qua những yếu tố cá biệt, điển hình của địa phương, của ngành mà chỉ dựa vào khuôn mẫu chung về sự phân kỳ hay nội dung của lịch sử dân tộc .
VI . KẾT LUẬN
Phân kỳ lịch sử sẽ giúp cho sự hiểu biết đúng về tri thức lịch sử, do đó phải xuất phát từ việc tìm hiểu một cách toàn diện và khách quan thực tế lịch sử đã diễn ra cũng như phù hợp với quy luật phát triển khách quan. Tính khách quan khoa học là một nguyên tắc trong phân kỳ lịch sử. Chỉ có trên cơ sở đánh giá một cách khách quan khoa học đâu là bản chất, đâu là hiện tượng, đâu là cái chung, đâu là cái riêng của một quá trình lịch sử, chúng ta mới có đuợc một cách phân định đúng các giai đoạn, các thời kỳ lịch sử khác nhau .
Mỗi chuyên ngành lịch sử chúng ta chọn cho mình những tiêu chí ,những nguyên tắc phù hợp để phân kỳ lịch sử .
Tóm lại, phân kỳ lịch sử đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu cụ thể về nhiều mặt của lịch sử. Phân kỳ lịch sử là một công việc cần thiết của sử học, đòi hỏi sự kiên trì, trung thực và tinh thần sáng tạo của nhà nghiên cứu, nghĩa là phải vừa đứng vững trên nguyên tắc chung vừa nắm chắc những những thành tựu nghiên cứu lịch sử cụ thể. Mọi sự máy móc, giaó điều, hoặc vô nguyên tắc, tuỳ tiện đều dẫn đến những hậu quả xấu đối với công tác nghiên cứu lịch sử và đặc biệt đối với việc giảng dạy lịch sử
Hiện nay có xuất hiện trường phái phân kỳ lịch sử dựa theo sự phát triển các giai đoạn của các nền văn minh của nhân loại , phân chia các giai đoạn lịch sử dựa theo các nền văn minh cũng có những nét tiến bộ, có lý, nhưng hiện nay vẫn còn giai đoạn thử nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới, chúng ta cần nghiên cứu thêm .
ÿÿÿ ÿÿÿÿÿÿ
VII. Tài liệu tham khảo :
1) Phương pháp luận sử học - Phan Ngọc Liên chủ biên - NXB Đại học sư phạm - 2003
2) Sử học những tiếp cận thời mở cửa - Viện thông tin khoa học xã hội – 1998.
3) Phương pháp lịch sử và phương pháp Logic – GS Văn Tạo - Viện sử học Việt Nam xuất bản – 1995
4) Vấn đề phân kỳ trong việc nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam – PGS.TS Nguyễn Văn Nhật - 2001.
5) Về mốc mở đầu thời kỳ lịch sử thế giới cận đại trong chương trình lịch sử trung học chuyên ban – Lê Tiến Giáp – Đại học sư phạm Vinh
6) Sử gia và thời đại – Viện thông tin khoa học xã hội - Hà nội -1999
7) Lịch sử là gì ? Ê rô phê ép – NXB Giáo dục - Hà nội 1981
8) Các trường phái sử học – Guy Bourdé – Hervé Martin – Viện sử học Việt Nam - Hà Nội 2001
9) Cải cách sử học - Viện thông tin khoa học xã hội – Nhiều tác giả – 1996
10).Sử học trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI – Viện thông tin khoa học xã hội – 1997.
õõõ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét