25/7/11

Quan hệ giao lưu văn hoá Pháp - Việt


I.  Mở đầu
              Tiến trình  văn hoá Việt Nam, cho  đến nay, đã trải qua nhiều biến động, nhưng do những hoàn cảnh  địa lí – khí hậu  và lịch sử xã hội  riêng  nên dù biến  động tới đâu, nó vẫn mang trong mình những nét  bản sắc không thể trộn lẫn được  với một tiến trình  tạo thành ba lớp văn hoá rõ rệt :
-         Lớp văn hóa bản địa :  hình thành trên nền văn hoá  Nam Á và Đông Nam Á
-        Lớp thứ hai :  hình thành trong quá trình giao lưu văn hoá khu  vực, trươc hết là từ Trung Hoa  .
-      Lớp thứ ba : hình thành trong qua trình giao lưu với  văn hoá thế giới, đặc biệt là  giao lưu với văn hoá phương Tây.
           Từ khi văn hoá phương Tây bắt đầu thâm nhập, cùng lúc văn hoá Trung Hoa suy thoái  đi, các yếu tố thuộc bản  sắc  truyền  thống  của văn hoá Việt Nam  được  dịp phát huy tác dụng. Tuy  nhiên, dù Việt Nam  có ngày càng  hội nhập sâu hơn  vào  thế giới,  một  số yếu tố văn hoá Trung Hoa  đã mãi mãi trở thành  một bộ phận  của truyền thống văn hoá Việt Nam .
               Giai đoạn từ 1858 đến 1945, nhìn  ở diễn  trình văn hoá, là một sự đứt gãy chưa từng  có . Non  một trăm năm, bắt đầu từ các  đô thị, từ Sài Gòn  đến Hà Nội, từ Nam  đến Bắc  ,từ thành thị đến  nông thôn ,văn hoá Việt Nam có những biến  thiên   ghê gớm. Từ  cách ăn, mặc ,đến các phương  tiện đi lại, từ điêu khắc ở  đình làng  đến  tượng  đài ở   những  nơi công  viên, từ   thơ Đường  sang  thơ mới, từ văn vần sang văn xuôi, tiểu thuyết, từ  chữ Hán chữ   Nôm   sang  chữ  Quốc ngữ, tất  cả đều  đi tới  hoà  nhập với thế  giói hiện đại .Tuy nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc  vẫn  không  mất đi , không  bị thay đổi . Nói các  khác, đó là văn hoá Việt  Nam , là sự không chối từ về văn hoá  trong việc tiếp thu các yếu tố ngoại sinh  .
            Sự tích  hợp  và  kế thừa liên  tục  làm  cho  văn hoá Việt Nam trở thành  một khối  vững chắc  biết  ứng xữ khéo  léo  với tự nhiên  và  luôn  luôn chiến thắng  những  thế  lực  mạnh hơn mình gấp  bội . Truyền  thống là ổn định, còn hiện tại phải là phát triển.  Sức mạnh văn  hoá bốn nghìn năm  đó  cũng  chính là động lực  phát triển  cho  xã  hội ngày  hôm  nay .
           Nội dung đề tài  xin trình bày bối cảnh  của quá trình   giao lưu văn hoá Việt –Pháp , Nội dung giao lưu văn  hoá Việt – Pháp trong  thời kỳ Pháp thuộc . Đây là quá trình đồng hoá của thực dân Pháp và chống đồng hoá của  nhân dân ta  . Nội dung các  quá trình  giao lưu văn hoá  đã  tạo nên     nền văn hoá Việt Nam  hiện đại, đậm   đà bản sắc dân tộc.
      II.       Bối cảnh lịch sử  văn  hoá
           1. Người Pháp xâm lược và dân tộc Việt Nam chống xâm  lược
                Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam với lý do triều đình Huế ngược đãi các giáo sĩ và cự tuyệt không nhận quốc thư của Pháp đòi tự do buôn bán. Năm 1859, khi không thắng nổi quân dân Việt Nam, dươí sự lãnh đạo của nhà Nguyễn, thực dân Pháp đã quay vào Nam Bộ và tiến công thành Gia Định. Triều đình nhà Nguyễn phân vân, có phái chủ chiến, có phái chủ hòa. Năm 1862, thực dân Pháp  đã chiếm được các tỉnh thành như Định Tường, Biên Hòa,Gia Định, Vĩnh Long v.v…Năm 1867, chúng lại chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, đặt ách cai trị ở Nam Bộ. Năm 1873, người Pháp bắt đầu đánh ra Bắc Bộ. Năm 1874, triều Nguyễn lại ký với Pháp một hiệp ước đầu hàng ( còn gọi là hiệp ước Giáp Tuất), gồm 22 khoản, trong đó có những khoản chủ yếu là công nhận chủ quyền của Pháp ở cả Lục tỉnh, thay đổi chính sách đối với đạo Thiên Chúa, mở cửa cho Pháp tự do buôn bán. Năm 1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội. Năm 1883, chúng lại đánh vào kinh thành Huế. Ngày 25-8-1883, triều Nguyễn đã phải kí tại Huế một “ Hiệp định hòa bình” ( còn gọi là Hiệp ước Hácmăng), với người Pháp, thừa nhận Pháp đặt quyền thống trị trên toàn bộ đất nước Việt Nam. Từ đây, triều đình Huế thừa nhận Nam Kì là thuộc địa của người Pháp, còn lại Trung Kì, Bắc Kì thuộc chế độ bảo hộ. Phần đất từ Bình Thuận trở vào Nam là thuộc địa : Côsanhsin (Cochinchine) tức Nam Kì; phần đất từ Khánh Hòa tới Đèo Ngang là theo chế độ nửa bảo hộ: An Nam tức Trung Kì; phần đất từ Đèo Ngang ra Bắc là theo chế độ bảo hộ của Pháp: Tôngcanh ( Tonkin) tức Bắc Kì. Đồng thời người Pháp cũng tước bỏ hoàn toàn quyền ngoại giao của triều đình Huế. Nói như cách nói của F. Angghen: dân tộc Việt Nam đã mất hành động độc lập trong lịch sử.
           Đứng trước vận mệnh lớn lao của lịch sử, nhân dân Việt Nam đã liên tục đứng lên chống Pháp. Những quan lại của triều đình Huế như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết v.v…, những lãnh tụ nghĩa quân như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực ở Nam Kì, như Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Cầm Bá Thước v.v…, ở Bắc Kì, Trung Kì , liên tục đứng lên đánh Pháp, bằng lòng yêu nước nồng nàn của mình. Tất cả các phong trào yêu nước chống Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc, tuy rất kiên cường, anh dũng nhưng đều bị thất bại.
             Công cuộc bình định Việt Nam của thực dân Pháp căn bản hoàn thành và chúng bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa.
             Bắt đầu từ Pôn Đume ( Paul Doumer) với nhiệm kỳ toàn quyền Đông Dương ( 1897- 1902), cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương bắt đầu. Viên toàn quyền Đông Dương này đã tổ chức và kiện toàn cơ chế phủ toàn quyền, đẩy mạnh việc khai thác thuộc địa trên mọi lĩnh vực. Tác động của công cuộc  khai thác thuộc địa này với xã hội cổ truyền rất mạnh mẽ. Những năm hai mươi của thế kỉ XX, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương được đẩy nhanh về tốc độ lẫn bề rộng và bề sâu. Theo ý đồ của Anbe Xarô  ( A. Sarraut) , tư bản Pháp đầu tư rất nhiều vào nông nghiệp.
             Tuy nhiên, cả hai lần khai thác thuộc địa, thực dân Pháp không hề chủ trương xóa bỏ các quan hệ kinh tế cổ truyền mà chủ trương duy trì các quan hệ ấy. Diện mạo xã hội Việt Nam thời kì này sẽ bao gồm cả quan hệ tư bản thực dân và cả các quan hệ phong kiến.
           2.Chính sách văn hoá của người  Pháp
          Bộ máy thống trị thực dân đã thực thi một chính sách văn hóa nhằm củng cố địa vị thống trị của chúng ở Đông Dương.
          Ở lĩnh vực văn hóa, tổ chức đời sống xã hội, chính sách văn hóa nhằm củng cố địa vị thống trị của chúng ở Đông Dương.
          Ơ lĩnh vực văn hóa, tổ chức đời sống xã hội, chính sách chia để trị của thực dân Pháp chỉ tác động tới phần nổi ở bên trên với cả ba vùng: Bắc, Trung, Nam. Cơ cấu xã hội cơ sở: làng xã vẫn tồi tại, thậm chí, người Pháp còn duy trì tổ chức làng xã nhằm sử dụng bộ máy kì hào phong kiến để làm các công việc cho chính quyền thuộc địa. Ý đồ này bộc lộ rất rõ qua lời của viên Toàn quyền Pôn Đume (Paul Doumer): “Theo tôi, duy trì trọn vẹn, thậm chí tăng cường cách tổ chức cũ kĩ mà chúng ta đã thấy, đó là một điều tốt. Theo cách tổ chức cũ kĩ mà chúng ta đã thấy, đó là một điều tốt. Theo cách tổ chức này thì mỗi làng sẽ là một nước cộng hòa bé nhỏ, độc lập trong giới hạn những quyền lợi địa phương. Đó là một tập thể được tổ chức rất chặt chẽ, rất có kỉ luật và rất có trách nhiệm đối với chính quyền cấp trên về những cá nhân thành viên của nó, những cá nhân mà chính quyền cấp trên có thể không cần biết tới, điều đó rất thuận lợi cho công việc của chính quyền. Tác động ngoài ý muốn của chính quyền cai trị đối với văn hóa từ thái độ này lại là sự tạo điều kiện để văn hóa, nhất là văn hóa dân gian của người Việt được giữ vững. Bởi lẽ, cơ cấu tổ chức làng xã không bị phá vỡ.
          Ơ lĩnh vực giáo dục, ban đầu người Pháp duy trì Nho học với chế độ khoa cử đã lỗi thời nhằm lợi dụng Nho giáo để duy trì trật tự xã hội. Việc này kéo dài mãi đến dầu thế kỉ XX, ở Trung Kì năm 1918, ở Bắc Kì mới bãi bỏ chế độ thi cử bằng chữ Hán.
          Tuy nhiên, để có công chức cho chính quyền thuộc địa, thực dân Pháp vẫn phải mở các cơ sở đào tạo loại naỳ. Năm 1897, chúng mở trường Hậu bổ ở Hà Nội, cải tổ trường Quốc Tử Giám ở Huế, mở trường Sư phạm sơ cấp ở Hà Nội. Đồng thời, đối phó với các phong trào yêu nước như Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, Duy Tân, người Pháp cùng với Nam triều thành lập bộ Học, sửa đổi quy chế thi Hương và Thi Hội. Năm 1908, viên toàn quyền Klôbuycốpxki vẫn bắt đóng cửa trường đại học cho đến năm 1917, viên toàn quyền Anbe Xarô mới cho mở cửa trở lại. Tuy là trường đại học nhưng các văn bằng của trưòng này không có sự tương đương với văn bằng ở chính quốc.
          Ngoài các trường học, người Pháp còn mở một số cơ sở nghiên cứu khoa học như Viện vi trùng học ở Sài Gòn (1891), Nha Trang (1896), Hà Nội (1900), trường Viễn Đông Bác Cổ (1898) v.v…
          Mục đích giáo dục của chính quyền thuộc địa không hoàn toàn là vì nâng cao dân trí cho người dân thuộc địa, mà chủ yếu nhắm đào tạo ra một đội ngũ công chức, để phục vụ cho nhà nước bảo hộ. Một tầng lớp trí thức mới xuất hiện sẽ thay thế địa vị của lớp Nho sĩ cũ trong xã hội, trên văn đàn.
          Đồng thời, nếu như trong suốt hơn hai thế kỉ cho đến năm 60 của thế kỉ XIX, chữ Quốc ngữ chỉ dùng trong nội bộ đạo Thiên chúa, để in các sách đạo, thì sau khi chiếm được Nam Kì, người Pháp đã nhìn thấy chữ Quốc ngữ là công cụ thuận lợi cho việc cai trị và đồng hóa văn hóa, vì thế, họ khuyến khích học chữ Quốc ngữ.Trong trường học ở Nam kì, chữ Quốc ngữ được dạy trong các trường học, trong các công văn giấy tờ bên cạnh chữ Nho. Như vậy là, ban đầu, đi từ thứ chữ dùng trong nội bộ đạo Thiên chúa tới chỗ phổ cập, chữ Quốc ngữ được truyền bá bằng phương pháp cưỡng chế.
          Mặt khác, để thông báo các chính sách thực dân, và ca ngợi “công ơn khai hóa, truyền bá văn minh Đại Pháp”, thực dân Pháp cho báo chí phát triển ở Nam Kì sau rộng ra trên cả đất nước.
          Tựu trung, chính sách về phương diện văn hóa của người Pháp nhằm phục vụ cho sự cai trị và các công cuộc khai thác thuộc địa của chính quốc. Nằm ngoài ý định của kẻ đi xâm lược, tác động của những chính sách này đối với diễn trình văn hóa Việt Nam giai đoạn này không phải là không có.
      III.      Nội dung giao lưu  văn hoá Việt – Pháp thời Pháp thuộc
1.  Văn hoá vật chất
          Ngay từ đầu, người Pháp  đã triển khai phát triển đô thị, công nghiệp  và giao  thông. Đương nhiên là với muc đích rất rõ ràng  là khai thác thuôc địa
- Trong lĩnh vực đô thị ,  từ cuối thế kỷ XIX  ,đô thị Việt Nam  từ mô hình cổ truyền  với chức năng trung tâm chính  trị  đã chuyển  theo mô hình đô thị công nghiệp – thương nghiệp  chu trọng chức năng  kinh tế . Nhiều nhà máy , xí nghiệp  hình thành trong các đô thị , Ở đô thị lớn  hình thành  một tầng lớp tư sản dân tộc  ; Các  trường trung học và đại học cũng ra đời trong các đô thị . Nhiều đô thị và thị trấn nhỏ cũng dần dần phát  triển .
        Xuất hiện  các kiến trúc đô thị kết hợp khá tài tình  phong cách phương Tây  với tính cách dân tộc ,phù hợp  với điều kiện thiên nhiên Việt Nam , chẳng hạn ,các  toà nhà của Trường Đại học Đông Dương , Bộ Ngoại giao , Trường Viễn Đông Bác cổ …. Đã sử dụng  hệ thống mái ngói  ,bố cục kiểu tam quan  , lầu hình  bát giác … làm nổi bật tính dân tộc . Ở thành phố Sài Gòn  ,  toà Đô  Chánh (  nay là trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố ) ,được xây dựng từ năm 1898 , Toà án được xây từ năm 1873 … Các công trình kiến trúc đô thị Sài Gòn được chia làm hai gai đoạn : giai đoạn bình định bằng bạo lực  ,kiến trúc được “bê nguyên xi   nghệ thuật địa phương mà họ khinh miệt ” . Nhưng ở giai đoạn sau  các công trình kiến trúc  ,văn hoá , xã hội  đã chú ý hơn  đến yếu  tố địa lý ,khí hậu và nghệ thuật địa phương .
- Về công nghệp :  nhiều ngành công nghiệp  khác  nhau ra đời  như khai mỏ, chế biến nông lâm sản , công nhgiệp thực phẩm … làm cho bộ mặt kinh tế Việt Nam trước đây chủ yếu là nông nghiệp thì bây giờ có thêm các ngành  khác.   Truyền thống lâu đời của dân Việt Nam là nông nghiệp trồng luá nước ,đến nay xuất  hiện các  loại cây  công nghiệp   từ nước ngoài mang vào như cao su  … phát triển một số cây công nghiệp trong nước  đay , cói , đậu lấy dầu …
-Về  giao thông  : hàng chục vạn dân đinh  đã được huy động  xây dựng hệ thống  đường bộ  , đường sắt , sân bay , bến cảng  …. Những con đường xuyên rừng núi , đến các đồn điền hầm mỏ . Toàn bộ Đông Dương  không nơi nào không có đường giao thông nếu ở  đó có  những tài nguyên quý giá . Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhât  đã tạo ra những con đường liên tỉnh  dài tới 20 ngàn Km . Đường thuỷ  , nhất là ở Nam bộ được tu bổ  ,khai thông  tới năm 1914  tổng số độ dài đường thuỷ đã tới 1745 Km. Hệ thống đườngsắt hoàn thành vớichiều dài 2059 Km  được đưa vào sử dụng vào năm 1936. Những phương tiện giao thông hiện đại   đang từng bước thay thế các phương tiện giao thông   truyền thống của Việt  Nam . Nhiều chiếc cầu sắt hiện đại ,rất dài cũng được bắc qua những con sông lớn ở nước ta ( Cầu Long Biên ).
       Hệ thống  đường sá và đô thị  phát triển  tạo cho diện mạo văn hoá  vật chất  giai đoạn nầy   có những  khác biệt  so với các giai đoạn trước.
2.   Văn hoá tinh thần:
a)     Kitô giáo với văn hoá Việt Nam:
        Lớp văn    hoá  giao lưu với phương Tây  hình  thành  tư  khoảng thế  kỷ  XVI - XVII ,song  những  ngưòi phương  Tây  đầu tiên đã tới  Việt Nam và Đông Nam  Á  sớm hơn  nhiều  ,vào khoảng  đầu công  nguyên  họ đem đến cac  đồ trang  sức, pha lê , vũ khí , áo giáp …. Đổi lấy  các đồ quý hiếm  của Đông  Nam   Á  như trầm hương ,kỳ nam ,  vàng  , đá quý  , yến sào  ,đồi  mồi , ngà voi  , tê giác …  và đặc biệt là hồ tiêu  và  các loại  gia vị  dùng  để  bảo quản thịt  . Không  phải ngẫu  nhiên mà giới  nghiên cứu   đã gọi tuyến đường  biển  từ Địa Trung Hải  đến Việt Nam  và Đông Nam Á  thời đó   la   Đưòng hồ tiêu.
        Sau thời Trung cổ nặng nề  khiến cho sự giao lưu bị gián đoạn  ,sách  Khâm định Việt sử thông giám cương  mục  ghi nhận “vào năm Nguyên Hoà thứ I  đờivua Lê Trang Tông  (1533 )  có môt người Tây dưong tên là I-nê – khu ( Inatio )  theo đường biển lẻn vào  giảng  đạo Gia tô  ở các  làng  Ninh Cường  ,Quần Anh ,Trà  Lũ ( thuộc Nam  Định cũ ) ”. Từ đó các giáo sĩ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tìm đến ngày càng đông  . Ban đầu ,do chưa quen phong thổ ,chưa  thông  thạo ngôn ngữ  nên việc truyền giáo ít thu được kết quả .Dần dần công  việc  tiến triển  ngày  càng khá hơn . Theo tài iiệu của giaó hội  thì đến  năm 1593 ,  ở Nghệ  An đã có  đến 12 làng Công  giáo toàn tòng  . Ki tô giáo đã  mở  đầu cho sự giao  lưu văn hoá giữa Việt Nam  với phương  Tây.
        Ki- tô giáo ( hay Cơ đốc giáo ,Thiên Chuá giáo )  là tên gọi chung  cho tất cả các tông  phái  cùng  thờ chúa  Jesus Christ . Ki tô giáo ra  đời như một nhánh của Do thái giaó  ở   vùng Palestin ,rồi nhanh chóng phát triển  thành một tôngiáo độc lập  - tôn giáo của  những  người bị áp bức  .Ban đầu , do bị  giới chủ  nô La Mã  ngăn  cản  và bức  hại . Đến thế kỷ IV ,hoàng  đế Constanti đệ  nhất  ra  chỉ  dụ  tha đạo  và  công  nhận Ki tô gáo  là quốc giáo .
        Trong quá trình phát triển , đến khoãng năm 974-1054 ,Ki tô giáo đã tách  ra thành hai giáo hội : giáo hội phía Tây gọi là Công giáo  ( có nghĩa là  đạo chung cho toàn thế giới ), lấy Roma  làm trung tâm   ( nên còn gọi là Công giáo La Mã , đôi khi gọi là La Mã giáo )  và giáo  hội phía Đông  gọi là Chính thống giáo  lấy   Constantism    làm trung tâm.
         Đến  năm 1520 , cùng  với  sự phát  triển của giai cấp tư sản  , phong trào cải  cách tôn giáo  do mục sư Đức tên  là M. Luther cầm đầu  dẫn đến  một cuộc phân liệt  thứ  hai  , từ khối Công giáo La Mã đã tách ra  một  dòng  mới là đạo Tin  lành .  Đạo Tin lành  chiu ảnh  hưởng  đậm nét của  tư tưỏng dân chủ tư sản  và khuynh hưóng  tự  do  các nhân  : phủ  nhận  quyền lực  của  toà thánh và  công đồng  chung  , chỉ  thừa  nhận  Chúa Jesus  và kinh thánh  ,cho rằng  bà Maria  chỉ đồng trinh  đến  khi sinh  chủa Jesus ( do sự phản đối giáo quyền  La Mã  ,cho nên có tên gọi là  Protestanism , nghĩa là Thệ phản ) . Vào thế kỷ XVI  còn diễn ra cuộc ly khai thứ ba : Anh giáo  ,tách ra khỏi Công giáo La Mã .
           Sự tiếp xúc  văn hoá trong  giai đoạn đầu  diễn ra trên phương diện tôn giáo và  thương  mại . Vươn cánh  tay tới  phương  Đông xa xôi nầy , nhà truyền giáo và nhà tư bản  tất yếu  có nhu cầu  liên kết chặt chẻ với nhau. Nhà truyền giáo  muốn mở rộng  nước chúa   cần phương tiện để đi xa . Nhà tư bản muốn kiếm lời cần  người  am hiểu  thị trường  nên sẳn  sàng  giúp đở tài  chính  cho  các giáo sĩ  và chở họ đi bất  cứ nơi đâu  . Bù lại , khi đến  nơi  ,các giáo sĩ sẽ vừa đi  truyền  đạo  , vừa tìm sẳn các nguồn  hàng  quý hiếm , nhiều khi các  giáo sĩ  giúp nhà buôn  bằng  cách  can  thiệp  với chính quyền  địa  phưong  cho phép  họ  buôn bán .
         Trong việc buôn bán và  truyền đạo trong giai  đoạn  nầy ,  các  giáo sĩ và thương nnhân  phưong Tây  thường phục tùng  nghiêm  chỉnh các quy định của nhà nưóc phong kiến  . Đổi lại ,  các chính quyền phong kiến Việt Nam rất niềm nở đón tiếp họ  . Cả chúa Nguyễn , chúa Trịnh  và vua Lê  đều  muốn tranh  thủ lực lượng nầy  để củng cố  thế lực ,phát triển kinh tế và tăng  cưòng tiềm lực quân sự  để kiềm chế và chông lại đối phương  . Trong  khi đó thì ở châu Âu , chủ nghĩa  tư bản  phát triển mạnh  và  đi vào con  đường  thực dân  , chi phối  mọi hoạt động  của xã hội .
       Cuối năm 1624 , giáo sĩ   ngưòi pháp  Alxandre de Rhodes ( 1591 – 1660 ) , thường phiên âm là Á lịch sơn Đắc Lộ ,  thuộc giáo hội Bồ Đào Nha  ,sau mấy năm truyền giáo ở đàng Trong  và Đàng Ngoài  , đã trở về châu Au vận động toà thánh   Rô ma  giao cho Pháp quyền truyền đạo  ở Viễn Đông .Kết quả  là năm 1658 ,giáo  hoàng  đã phong cho hai giáo sĩ  Pháp là Francois Pallu và Lambert de la Motte  làm  giám  mục cai quản hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài . Năm 1664 , Hội thừa sai Pari ,thường gọi lả Hội truyền giáo nước ngoài của Pháp được thành   lập .
        Cuộc nội chiến Nguyễn Anh – Tây Sơn  vào  thế kỷ XVIII  là một cơ hội tốt cho  cho sự bành trướng  của Hội truyền giáo   nước ngoài của pháp  và sự can thiệp  cuả thực dân  Pháp . Giám mục Pièrre  Pigneaux de Béhaine ( 1741 – 1799 ) , thường  được phiên âm là Bá Đa Lộc, còn gọi là cha Cả  ,  đại diện của toà thánh ở Đàng Trong  ,đã trở thành người đỡ đầu tích cực cho Nguyễn Anh .Ong đã đưa hoàng tử Cảnh đi Pháp  ,và năm 1787  đã đại diện cho Nguyễn Anh  kí với Pháp hiệp ước Versailles . Sau đó ,  do xãy ra cách mạng Pháp 1789  ,hiệp ước Versailles không được hiện .  Bá Đa Lộc đã tự mình mộ quân  và sắm vũ khí  giúp Nguyễn  Anh đánh Tây Sơn .  Hoạt động của Ba Đa Lộc  đã giúp  cho nước Pháp  có được một chổ đứng  vững  chắc ở Việt Nam  về tôn giáo và chính trị .
       Sau khi  lên  ngôi vào năm 1802 , lấy niên hiệu là Gia Long  , Nguyễn Anh   lâm  vào một tình  thế nước đôi : Môt mặt chịu ơn các giáo sĩ và   ân nhân Pháp , do vậy  ông đã ban thưởng hậu  và sử dụng một số làm   cố vấn  và quan  lại trong triều ;  mặt khác  lại lo ngại sự phát triển của Ki to  giáo  trước mắt  sẽ ảnh hưởng xấu  đến truyền thống đạo đức  và thuần phong mỹ tục  cổ truyền  , sau nữa có thể làm mất ổn định chính  trị  và dẫn đến nguy cơ mất nước .
       Để đối phó với tình hình nầy , Nhà Nguyễn chủ trương “bế môn toã cảng ” trong giao lưu  và giữ nguyên hiện trạng đạo  Ki tô  chứ không khuyến khích phát triển . Trong chiếu ban hành tháng giêng năm 1084  , nhân nói với dân chung Bắc  Hà  về việc thơ thần  Phật ,vua Gia long đã tuyên bố :” dân các  tổng nào có  nhà thờ Gia tô  đổ nát thì phải đưa đơn  trình quan trấn  mới được tu bổ  , dựng nhà thờ mới thì đều cấm”.Để bảo tồn văn hoá   và tạo điều kiện giữ ổn định  chính  trị  ,nhà Nguyễn đã khôi phục Nho giáo là Quốc giáo ,Gia Long từng căn dặn Minh Mạng :”Hãy biết ơn ngưòi Pháp ,nhưng đừng bao giờ để họ đặt chân vào triều đình của con”.
        Dưới thời Minh Mạng ( 1820-1840 ), ý đồ xâm lược của Pháp  càng lộ rõ . Qua thời Thiệu Tri ( 1841- 1847 ) ,sang thời Tự Đức ( 1848 – 1883 ) , cuộc leo thang xâm lược của Pháp ngày càng gia tăng .Những người Pháp làm quan tại triều  đình nhà Nguyễn  và nhiều cha cố  đã  báo về chính phủ Pháp  nhiều tình báo quan trọng , một số giáo  sĩ theo tàu chiến Pháp xâm nhập Việt Nam ….. Không phân biệt được bọn thực dân đội lốt tôn giáo  và tay sai với con chiên nhẹ dạ cả tin  và những giáo dân lương thiện , Minh Mạng , rồi Thiệu Trị  và Tự Đức  đã ra một loạt chỉ dụ cấm đạo . Việc cấm đạo và giết giáo dân  đến lượt mình lại tạo ra   một cớ  rất mủi lòng  cho bọn thực dân can thiệp  vũ trang  ráo riết hơn  .cái sai nầy kéo theo cái sao khác .  Trước sức ép của Pháp , tháng  5/ 1862  Tự Đức buộc phải ký với Pháp Hoà ước Nhâm Tuất , theo  đó  thì  triều đình  phải nhượng cho  Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ  và bỏ cấm  đạo .  Sự  kiện nầy đã khiến nhiều nhà Nho yêu nước  phản ứng quyết liệt , họ dấy lên phong trào “Bình   Tây sát tả” ( dẹp giặc Tây , giết tả đạo )  kéo  dài tới thời kỳ Cần Vương .
        Trong  khi gây nên cảnh cốt nhục tương tàn đó  , bọn thực  dân không quan tâm gì  đến đời sống  của giáo dân .Ngay cả giữa các giáo sĩ thừa sai   với giáo sĩ  bản xứ  cũng  luôn có một sự phân biệt đối xử  nhiều  khi  tới tàn nhẫn  ( mãi năm 1933  toà tòa   thánh  Roma  mời  phong  chức  giám mục  cho người  bản xứ  đầu tiên là  Nguyễn Bá Tòng ) . Năm 1954 , khi Pháp đã thất bại ỡ Điện Biên  Phủ ,  bọn thực dân đội lốt  tôn giáo còn tung tin “Chúa đã vào Nam”  để lội kéo một số lớn tín đồ  từ Bắc vào Nam , gây  nên sự xáo trộn  lớn  trong  cuộc sống  của lương dân .
        Sau bốn thế kỷ truyền đạo ,tới nay Ki tô giáo  đã có chổ  đứng vững chắc ở Việt nam với khoãng hơn 5 triệu tín đồ  và nửa triệu tín đồ Tin Lành  , song con số nầy chưa phải là lớn  . vào Việt Nam khi chế độ phong kiến đang khủng hoảng trầm  trọng ,Phật giáo thì suy đồi  và Nho giáo thì không bàn đến kiếp sau , Ki tô giáo  đã có nhều cơ hộ trở thành  chổ  dựa tinh thần  cho ngưòi dân  đang cần niềm an ủi . Nhưng  Ki tô giáo đã không  tranh thủ được hoàn cảnh thuận lợi   ấy  mà trở thành đạo của số đông  là  bởi hai lý do chủ yếu :
      Thứ nhất ,  khác với phương Tây , trong quá trình thâm nhập vào Việt Nam  xa xôi , hoạt động truyền giáo đã  dính líu  và thoã hiệp  với hoạt động của kẻ thực dân xâm lược . Trong luận án tiến sĩ quốc gia khoa học chính trị   bảo vệ tại tại đại học Pari năm 1968 ông Cao Huy Thuần đã viết :”Khi khảo cứu lịch sử thực dân  của châu Au vào thế kỷ XIX , chúng ta chú ý ngay  đến sự đi đôi  giữa hoạt động truyền giáo  và hoạt động quân sự …. Nhưng chữ “đi đôi “  vẫn còn phải bàn cãi , vì  như một nhà ngoại giao Pháp đã nhận xét  một cách mĩa  mai  “đó là những con đường song song  mà trái với mọi định  luật hình  học  lại thường gặp nhau”. Nói cách khác , Phúc âm được truyền  bá trong khắp  thế giới Á, Phi  là nhờ vào sự chinh phục xâm lăng của người Au châu ”  , “Mỗi bước tiến của sự xâm lăng  thuộc địa  tương ứng với một bước “leo thang” của đạo Gia tô ,và ngược lại . “  Trong cuốn Bản án chế độ thực dân  Pháp ,   Nguyễn Ai Quốc  đã phải dành cả một chương  viết về Chủ nghĩa giáo hội :”Hàng giáo sĩ thuộc địa không  những  phải chịu trách nhiệm  gây ra chiến tranh thuộc  địa  , mà còn  là  bọn kéo dài  chiến tranh   , bọn  chủ trương  đánh  đen cùng  , không  chịu điều đình “non” … Một hoà ước  với người  Việt Nam  dù có lợi bao  nhiêu cũng  chẳng  thoã  mãn được  lòng  ham  muốcn của các  ông ấy . Họ muốn đánh chiếm  hết cả nước  và  lật đổ  triều đại đang trị vì  .Giám mục Pellerin  đã nhiều lần  nói như thế  và  đó cũng là ý kiến  của giám  mục Lefebvre ”,  Người Việt Nam  với truyền thống  bao  dung  ,vốn dễ chấp  nhận mọi  tôn  giáo ngoại lai  , miễn  là  nó đến  với  thiện  chí hoà bình  , ấy  vậy mà vào  thời kỳ nầy  lần đầu tiên đã xuất hiện sự đối lập  giữa “bên giáo ”  vời “bên  lương ”.
      Thứ hai , khác với các tôn giáo được hình thành ở Á Đông  đã vào Việt Nam trước như Phật giáo , Đạo giáo ,  Ki tô giáo là tôn giáo  mang  đậm tính cách cứng rắn  của truyền thống văn hoá phương Tây  , do vậy mà ,  trong một thời gian dài  ,khó hoà đồng  được với văn hoá Việt  Nam .  Klhi  truyền giáo ở các nước gần gũi  về địa  lý  và  tương đồng về văn hoá  , những tính cách nầy ít dẫn đến xung đột . Nhưng  khi đến phương Đông  nói chung và Việt Nam nói riêng  , nó gây nên một sự tương phản rỏ nét  . Ông Nguyễn Tử Lộc đã viết :” Sự  truyền đạo Công giáo  vào Việt Nam  và sự phát triển của đạo …  có một tính  cách rất  ngoại quốc  đối với  phần còn lại của  dân tộc . Tính cách ngoại  quốc  gồm  cả hình thức đến  nội dung  , từ lễ nghi , nghệ thuật đến lối sống  ,tín  ngưỡng . Đạo Công giáo có vẽ rất Tây , từ cầu kinh La tinh  đến ảnh tượng thờ  , đến kiểu kiến trúc giáo đường  , đến quan niệm con người và vũ trụ ”.
        Nổi bật trong  mối quan hệ  nầy  là  mâu thuẩn giữa  một bên là  truyền  thống  thờ cúng tổ tiên  của người  Việt Nam với bên kia là  tính độc tôn của Ki tô giáo  không chấp nhận việc thờ  cúng ai ngoài Chúa . Không chỉ việc thờ cúng tổ tiên mà  cả Tam giáo ( Nho , Lão , Phật )  cũng  bị các giáo sĩ coi là “mê tín dị đoan”  và phủ nhận .Ngay từ thời đó , cũng đã có không ít giáo sĩ  nhận ra rằng  quan niệm cực đoan nầy là “lạc đường và gây trở ngại  không thể vượt qua được  cho việc truyền đạo”.  Cho  tới Công đồng Va ti căng II ( 1962-1965 ) ,những sự khác biệt và các sắc thái văn hoá địa phương   mới được hoà đồng .
        Trong quá trình  tiếp thu  văn hoá  , Người Việt Nam bao giờ  cũng thâu hoá linh hoạt , tiếp nhận những gì có ích  và biến đổi cho phù hợp. Ngay trong lĩnh vực Ki tô giáo, với những ngôi nhà thờ cao vút  có đỉnh nhọn thoắt, thì nhà thờ Phát Diệm lại xuất hiện dạng kiến trúc dân tôc  thấp, trãi rộng và có mái cong . Hiện nay người Ki tô hữu Việt Nam  đang thực sự hoà mình với dân tộc, ở trong lòng dân tộc, vì dân tộc, xây dựng cho mình truyền thống “kính Chúa ,yêu nưóc” và đề cao tình thần Sống phúc âm trong lòng dân tộc 
b)                Văn tự – ngôn ngữ  
       Khi truyền đạo sang Việt Nam , khó khăn  đầu tiên mà các giáo sĩ mắc phải  là sự khác biệt về ngôn ngữ  và văn tự . Bởi vậy ,họ đã dùng bộ chữ cái La tinh  thêm  các dấu phụ  để ghi âm   tiếng Việt , tạo nên  chữ Quốc ngữ. . chữ Quốc ngữ  là thành quả tập thể của nhiều giáo sĩ Bồ Đào Nha , Ý , Pháp … và những ngưòi Việt Nam đã giúp  họ học tiếng Việt . Song công lao lớn nhất thuộc về linh mục Alexandre de Rhodes ( 1591-1660 ) , ngưòi đã kế thừa các công trình  của Gaspar  d’Amaral     và  Antonio  Barbosa,  biên soạn và xuất bản ơ   Roma vào năm 1651 cuốn từ điển Annam – Lusian- Latin   ( thường gọi là từ điển Việt – Bồ – La )  và cuốn Phép giảng tám ngày  in song ngữ Latin – Việt . Tuy chữ Quốc ngữ ban đầu chỉ là công cụ truyền   đạo  của các giáo  sĩ  , nhưng do có ưu điểm  là dễ học ,nên được các nhà Nho tiến bộ tích cực truyền bá  để phổ cập giáo dục  và nâng cao dân trí  ( hội truyền bá chữ quốc ngữ ) .
     Sự tiếp xúc  với phương Tây cũng khiến cho tiếng Việt  có biến động mạnh  :  hàng loạt từ ngữ  được vay mượn  để diễn tả những khái niệm mới  đã đi vào đời sống thường ngày như  xà phòng / xà bông ( savon ) kem ( crème ) ga  ( gaz ) ….  Có những  hiện tượng ngữ pháp  vốn đặc thù cho các ngôn ngữ phương Tây  ( như thể bị động ,  kiến trúc danh từ ….) ở những mức độ nhất định  cũng đã du nhập vào tiếng Việt .
c)                 Văn học – nghệ thuật  :
          Sau khi đã phát triển tới đỉnh cao rực rỡ ở thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX, văn học ở nửa sau thế kỉ XIX, đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này. Cùng với ông là một thế hệ các nhà văn thơ yêu nước như Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Đoàn Hữu Trưng, Phạm Văn Nghị v.v… Sau đó là thế hệ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương v.v…
          Sau thế hệ này là thế hệ các nhà Nho như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền v.v… về phương diện chính trị lúc này là một thứ vũ khí của quần chúng để chống kẻ thù cướp nước, cổ động cho sự tiến bộ xã hội. Do tác động khách quan, văn học giai đaọn này đã có bước phát triển nhanh chóng cả về hình thức và nội dung.
          Trước hết là sử dụng chữ Quốc ngữ để sáng tác văn học. Với việc phổ biến chữ Quốc ngữ, mảng văn học bằng chữ Quốc ngữ đã phá triển. Ban đầu, chữ Quốc ngữ được dùng để phiên âm các sách chữ Nôm, chữ Hán, chữ Pháp. Hàng loạt các tác phẩm chữ Hán như Đại học, Kinh thi, Minh tâm bảo giám v.v…, các truyện thơ Nôm như Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên v.v…, các truyện dân gian, câu hò, câu hát, được ra mắt bạn đọc bằng chữ Quốc ngữ ở Nam Bộ. Không thể không ghi công đầu cho một số trí thức ở Nam Bộ cuối thế kỉ XIX như Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, Trần Phong Sắc, Phụng Hoàng Sang, Bùi Quang Nho, Khẩu Võ Nghi v.v… trong lĩnh vực này.
          Mặt khác là sự phát triển của những sáng tác bằng chữ Quốc ngữ, như kí sự là thể loại sớm ra đời với tác phẩm Chuyến đi Bắc Kì năm At Hợi (1876) của Trương Vĩnh Kí; tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ cũng ra đời ở Nam Bộ sớm nhất. Đầu tiên phải kể tới Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, nếu coi đây là một truyện dài, một tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ thì nó đã ra mắt bạn đọc từ năm 1887. Sau đó là Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản ra mắt bạn đọc vào năm 1910. Cũng năm này Trần Chánh Chiếu có tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ Hoàng Tố Anh hàm oan. Thập niên hai mươi của thế kỉ XX, tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ có khá nhiều tác giả: Phạm Duy Tốn với truyện ngắn Sống chết mặc bay (1918). Đó là Tân Dân Tử với Giọt máu chung tình (1926), và Lê Hoàng Mưu với Hà Hương phong nguyệt (1915), Oán hồng quần (1920), Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920), Oan kia theo mãi (1922), Cay đắng mùi đời (1923), Tỉnh mộng (1923), Nhơn tình ấm lạnh (1925). Những tác giả này ở Sài Gòn, trong khi đó, ở Hà Nội, Nguyễn Trọng Thuật có Quả dưa đỏ (1925), Hoàng Ngọc Phách có Tố Tâm (1925).
          Vào thập niên ba mươi, bốn mươi, văn xuôi bằng chữ Quốc ngữ đã có một bước tiến bộ vượt bậc. Nhóm Tự lực văn đoàn với Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo v.v…, đã cho ra mắt bạn đọc một loạt tác phẩm như Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Bướm trắng v.v… Bên cạnh nhóm Tự lực văn đoàn là các nhà văn hiện thực phê phán như Ngô Tất Tố với Tắt đèn, Nam Cao với Chí phèo, Vũ Trọng Phụng với Giông tố, Số đỏ v.v… Sự trong sáng của tiếng Việt trong các tác phẩm này là bước tiến của văn xuôi bằng chữ Quốc ngữ. Cùng với kí, tiểu thuyết là thơ. Phong trào thơ mới xuất hiện với một loạt tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử v.v…, khẳng định sự chuyển mình của văn học Việt Nam theo hướng hiện đại, sự thay thế vẻ vang của văn học bằng chữ Quốc ngữ trong đời sống văn hóa.
          Mặt khác, sự chuyển mình của văn học Việt Nam giai đoạn này không chỉ ở phương diện hình thức. Cái tôi cá nhân, sự ý thức về cá nhân, tình yêu lứa đôi xuất hiện trong các tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn, trong các tập thơ của các nhà thơ mới là một hiện tượng mới trong văn hóa Việt Nam. Chưa bao giờ tiếng nói từ hạnh phúc cá nhân lại cháy bỏng như vậy trong văn học Việt Nam:
          Mau lên chứ. Vội vàng lên với chứ
          Em, em ơi tình non sắp già rồi.
Tuy nhiên, nhìn ở phương diện công dân,sáng tạo của nhóm Tự lực văn đoàn, của phong trào thơ mới, quả có ý nghĩa như đồng chí Trường Chinh nhận định: “một tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa”.
Cùng với những tác giả, tác phẩm này, sự xuất hiện của hệ tư tưởng Mác xít trong đời sống văn hóa đã dẫn tới sự xuất hiện của bộ phận các tác giả cách mạng. Thời kì từ 1931-1935 là cuộc đầu tranh giữa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và các quan điểm đối lập. Trên tờ Phụ nữ thời đàm, đồng chí Hải Triều đã viết nhiều bài về nguyên lí, quan điểm của chủ nghĩa Duy vật. Chính vì vậy, bản Đề cương có ý nghĩa như một cương lĩnh văn hóa dân chủ mới. Về sáng tác, thơ Tố Hữu và đáng kể hơn cả là các sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng nói tiêu biểu cho dòng văn học cách mạng này.
Rõ ràng, non một trăm năm, văn học Việt Nam đã có bước chuyển biến quan trọng đi từ phạm trù văn học trung đại sang phạm trù văn học hiện đại.
Trong nghệ thuật hội hoa  thì xuất hiện những thể loại vay mượn từ phương Tây như tranh sơn dầu , tranh bột màu với bút pháp tả thực . Bút pháp tả thực của phương Tây còn xuất hiện ngay cả trên sân khấu  với thể loại kịch nói   và tác động   tới sự ra đờ của  nghệ thuật cải lương . Nghệ thuật thanh sắc  tổng hợp  cổ truyền bắt đầu phân hoá thành hàng loạt bộ môn như  ca , muá , nhạc , kịch …
d.    Báo chí  :
Khởi điểm để báo chí ra đời ở Việt Nam là từ ý đồ của thực dân Pháp cần có một thứ vũ khí nhằm tuyên truyền cho chính quyền thuộc địa. Do vậy, báo chí ra đời ở Sài Gòn trước tiên. Lúc đầu là tờ báo bằng tiếng Pháp Le Bulletin officiel de (Expédition de la Cocinchine và tờ Le Bulletin des commune bằng chữ Hán). Ngày 15-4-1865, tờ Gia Định báo ra đời. Sau tờ Gia Định báo là tờ Phan Yên báo. Năm 1888, tờ Thông loại khóa trình của Trương Vĩnh Ký được phát hành. Năm 1901, tờ báo thứ ba bằng chữ Quốc ngữ ra mắt bạn đọc là tờ Nông cổ mím đàm. Sau đó tờ Lục tỉnh tân văn ra mắt bạn đọc thế giới, ở Sài Gòn. Báo chí ra đời rất nhiều như Nữ giới chung, Phụ nữ tân văn, Đuốc nhà Nam v.v…
          Ơ Hà Nội, có các bào bằng chữ Quốc ngữ như Đăng cổ tùng báo, Hữu Thanh, Thực nghiệp dân báo, Nam phong, Trung Bắc tân văn v.v…
          Nói chung, những tờ báo bằng chữ Quốc ngữ ở cả ba miền trong thời kì này, dù vô tình hay hữu ý đều góp phần vào sự phát triển văn học chữ Quốc ngữ.
          Ngoài những tờ bào bằng chữ Quốc ngữ, một thế kỉ này ở cả ba đô thị: Hà Nội, Huế, Saì Gòn đều có những tờ báo bằng chữ Pháp nhằm phục vụ chính quyền đó, nhưng cũng có thể có những tờ báo tiến bộ chẳng hạn tờ L’Annam, tờ La Cloche fêlée (Chuông rè) ở sài Gòn, tờ Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), tờ Le Travail (Lao động), tờ Rassemblement (Tập hợp), Enavant (Tiến lên) ở Hà Nội trong thời kì 1936-1939.
          Trong giai đoạn từ năm 1858 đến năm 1945, việc dùng chữ Quốc ngữ để làm báo đã là bước đột biến của diễn trình văn hóa. Nhìn ở phương diện ngôn ngữ văn tự, đấy là một bước đột biến. Nhìn ở phương diện lịch sử báo chí, đây cũng là một bước đột biến.
e.      Giáo dục , khoa học :
        Để đào tạo người làm việc cho mình , thực dân   pháp  đã buôc học trò học tiếng Pháp ,  bắt theo hệ thống giáo dục kiểu  phương Tây . Năm 1898 ,  chương trình thi Hương có thêm hai môn Quốc ngữ và Pháp văn  . Năm 1906 lập ra Nha Học chính  Đông Dương  và định ra ba bậc học cơ sở là  ấu học ,tiểu học và trung học . Trong những năm nầy  , nhà cầm quyền lập ra môt số trường Cao đẳng  và đến năm 1908  thì mở ra trưòng Đại học Đông Dương . Hệ thống Nho học tàn lụi  dần . Đến  năm 1915 ở Bắc kỳ  và 1918 ỡ Trung kỳ  việc thi Hương bị bãi bỏ , chấm dứt nền Nho học Việt Nam .
       Hệ thống giaó dục mới  cùng với sách vở phương Tây  đã góp phần giúp ngườ Việt Nam mở rộng tầm mắt ,tiếp  xúc  với các  tư tưởng dân  chủ tư sản , rồi  sau là tưởng Mácxít . Truyền thống  đạo học cùng với lối tư duy tổng hợp  nay được bổ sung thêm  kiểu tư duy phân tích .  Nó được rèn luyện qua  báo chí, giáo duc và những hoạt động của những cơ quan như  Trường Viễn Đông Pháp ( thành lập 1901 tại Hà Nội ) Viện vi trùng học ( thành lập ở Sào Gòn 1891 , Nha Trang 1896 , Hà Nội 1902 ) Nền  khoa học  hiện đại manh nha  từ thời thưộc Pháp này  đến khi  giao lưu với liên Xô  và hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa  , đã trở nên thực sự vững mạnh và phát triển .
f.      Hệ tư tưởng :
           Là  tấm gương phản  chiếu nhiều mặt  đời sống  và nếp sống của cộng đồng  , một dân tộc ,  ơ  trung tâm  của văn hoá quyển , hệ tư tưởng củng được  xem  như là một hệ văn  hoá .  Sự tiếp  xúc ,giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và   phương Tây  tạo ra  sự  chuyển mình   của hệ tư tưởng Việt Nam từ 1858-1945  diễn ra trong  một  thời  kì đầy  biến động   về  tư  tưỏng  và  chính trị .  Gần một  trăm  năm  ở Việt Nam  xuất  hiện và tồn  tại  nhiều hệ  tư  tưởng khác nhau , tác  đông lẫn nhau  , hoà  hợp lẫn  nhau , tự  biến dạng do khúc  xạ  qua  môi trường  xã hội …  tạo  nên một  trường  tư  tưởng rất  phức  tạp.
          Trên  mặt  bằng lịch  sử , các hệ  tưởng vào Việt Nam từ hàng  nghìn năm trước  vẫn  tồn  tại ở xã  hội  mà  căn bản vẫn là xóm làng  với  những người nông  dân trồng lúa  nước . Dù  có biết bao biến động  trầm luân  trên bề mặt lịch sử  thì hệ  tư tưởng của họ  vẫn là hệ tư tưỏng thần thoại  với một hệ thống thần linh đa dạng .
         Nho giáo tồn tại  như một hệ tư tưởng  vì có vị trí đặc  biệt ở nhà hậu Lê , nhà Nguyễn bây giờ  không giúp  các Nho sĩ  trả lời được câu hỏi lớn của thời đại . Những phong trào Văn thân ,Cần vương  đưới ánh sáng của  tư tưỏng Nho giáo  không giúp các Nho sĩ tìm  được con đường cứu nước  . Nói cách khác ,  yêu nước chống Pháp kiểu nầy là bảo thủ  ,nên đã thất bại . Các Nho sĩ thế hệ sau với tấm  lòng   yêu nước của mình  đã tổ chức cuộc vận động giải phóng dân tộc  theo một hệ tư  tưởng khác . Trào lưu tư tưỏng dân chu tư sản  qua  tân thư và tân văn Trung Quốc  như Am băng thất , Trung Quốc hồn , Mậu Tuất chính biến ,Tân dân  tuỳ báo …  của Lương Khãi Siêu , Khang Hữu Vi , các thuyết về nhân đạo, dân quyền  của những nhà phát ngôn  của giai cấp tư sản Pháp  lúc đang lên như  Rousseau, Montesquiseu,Vonte… được đi vào Vệt Nam .  Tự cảnh  tỉnh để đổi mới ,tìm một con đưòng đi khác  , các nhà Nho  đã  từ biệt  hệ tư tưởng quen thuộc  của bao nhiêu thế hệ trưóc  . Phan Bội Châu ( 1867-1940 ) là  một nhân chứng tiêu biểu .Với Duy tân hội ,ông còn giử tư tưởng quân chủ . Với Việt Nam  Quang phục hội  ,ông  đã chuyển sang tư tưởng dân chủ . Sau khi gặp gỡ Nguyễn Ai Quốc , và ở  cuối  đời ông còn  viết sách về Chủ nghĩa xã hội . Đi từ hình mẫu nầy sang hình mẫu khác ,ước nguyện duy nhất của Phan Bội Châu  vẫn chỉ  là giành lại quyền độc lập dân tộc .
          Vượt ra ngoài ý đồ của bọn  thực dân, sự áp đặt thô bạo của chúng  dẫn đến hậu quả ngược lại  là khích lệ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước  và chống Pháp . Xuất hiện Nguyễn Trường Tộ với những bản điều trần, Phan Chu Trinh  với phong trào Duy Tân...
        Từ tấm lòng yêu nước ,  nhà các mạng Nguyễn  Ái Quốc  tiếp thu chủ nghĩa Mác Lê nin  rồi truyền bá vào Việt Nam .giai cấp công nhân Việt Nam  ngày càng phát triển   và ngày càng giác ngộ về mình . Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ngày càng lan rộng  và có tổ hức  .Ba tổ chức cộng sản ra đời ở Bắc kỳ , Trung kỳ rồi Nam  kỳ  ,để  rồi ngày 6/1/1930 , Nguyễn Ai Quốc  chủ trì hội nghị hiệp nhất  các tổ chức cộng sản  thành một đảng  cộng sản duy nhất . Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ,đánh dấu “một bước ngoặc vô cùng quan trọng   trong lich sử cách mạng nước ta . Nó chứng tỏ rằng  giai cấp vô sản đã trưởng thành  và đủ sức lãnh đạo cách mạng ”  , đồng thời  nó cũng khẵng định sự hiện diện  của một hệ tư tưỏng mới ở Việt Nam
     IV .      Kết luận :
               Giai đoạn từ 1858 đến 1945 , giai đoạn giao  lưu văn hoá Việt – Pháp trong thời Pháp thuộc, nhìn  ở  diễn  trình văn hoá ,  là một sự đứt gãy chưa từng  có . Non  một trăm   năm   ấy ,  bắt đầu từ Sài Gòn  đến Hà Nội, từ Nam  đến  Bắc, từ thành thị đến  nông thôn  ,văn hoá Việt Nam có những biến  thiên   ghê gớm . Tuy nhiên , bản sắc văn hoá dân tộc  vẫn  không  mất đi , không  bị thay đổi . Nói các  khác ,đó là văn hoá Viêt  Nam  mà J. Feray gọi rất hay  là sự không chối từ về văn hoá  trong việc tiếp thu các yếu tố ngoại sinh  . Bởi vậy ,  sau đứt gãy nầy  lại một lần nữa  ,văn hoá Việt Nam  phát triển tiếp nối mạch phát triển  ở các thời kì trước  ,với tầm vóc mới.
           Quá trình đồng hoá và chống đồng hoá đã xuất hiện  thường xuyên trong tiến trình văn hoá Việt Nam . Cho   nên người Việt Nam  biết cách  để tiếp thu các yếu tố hay của bên ngoài làm phong phú thêm  nền văn hoá dân tộc .  Sự tích  hợp  và  kế thừa liên  tục  làm  cho  văn hoá Việt Nam trở thành  một khối  vững chắc  biết  ứng xữ khéo  léo  với tự nhiên  và  luôn  luôn chiến thắng  những  thế  lực  mạnh hơn mình gấp  bội . Truyền  thống là ổn định  ,còn hiện tại phải là phát triển .  Sức mạnh văn  hoá bốn nghìn năm  đó  cũng  chính là động lực  phát triển  cho  xã  hội ngày  hôm  nay .
***$ $ $***

Tài liệu tham khảo :
1)    Cơ sở văn hoá Việt Nam –Trần Quốc Vượng chủ biên –Nhà xuất bản Giáo dục - 2004
2)    Cơ sở văn hoá Việt Nam –Trần  Ngọc Thêm  –Nhà xuất bản Giáo dục - 2000
3)    Đại cương văn hóa phương Đông – GS Lương Duy Thứ  chủ biên – Nhà xuất bản Giáo dục.
4)    Tiếp xúc và giao lưu văn minh trong lịch sử nhân loại – TS Ngô Minh Oanh – Nhà xuất bản giáo dục - 2005
5)    Đại cưong  Lịch sử Việt Nam , tập II– Đinh Xuân Lâm chủ biên- Nhà xuất bàn Giáo   dục – 1998
6)    Lịch sử châu Au – Đỗ Đức Thịnh biên soạn – Nhà xuất bản Thế giới – 2005.
7)    Lịch sử vương quốc Chăm pa  -  GS. Lương Ninh – Nhà xuất bản Đại học quốc gia  Hà Nội – 2004.
8)    Vương quốc Phù Nam – GS Lương Ninh – Nhà xuất bản Văn hoá thông tin – 2005.
MMM


Không có nhận xét nào: