22/1/12

Sau 37 năm trở về Quảng Trị.



Bảo tàng Cổ Thành Quảng Trị


Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, vùng đất khó khăn nhất của đất nước, đặc biệt là trong hai cuộc chiến. Người nông dân Quảng Trị "Đập đất chai tay, nắng hè phỏng trán" trên vùng đất "cày lên sỏi đá", cuộc chiến nhiều ngày làm cho Quảng Trị càng hoàng tàn. Nắm 1972 trong tác phẩm Mùa hè đỏ lửa nhà văn Phan Nhật Nam đã nói về những người dân Quang Trị:....."rất nghèo, quá nghèo đến nỗi tên gọi của người Quảng Trị cũng không có chữ để lót.."  như Đoàn Luyến, Đoàn Huệ, Trương Giáo, Trương Ũy... Về sau tôi mới nhận thấy cả những vị lãnh đạo cũng "không có gì để lót" như Đoàn Khuê,Đoàn Thuý, Lê Duẫn...Sau nầy khi tái lập tỉnh Quảng Trị cũng tự giới thiệu là tỉnh "Có hai thị xã, hai con sông và... hai Nghĩa Trang", một địa phương chịu quá nhiều thiệt thòi trong chiến tranh.
Cái khổ thường xuyên từ bao đời của Quảng Trị là thiên tai, bão lũ , hình như không năm nào không có.  Chúng tôi ngay từ lúc nhỏ đã biết cách phòng chống, đứa nào cũng biết bơi, và bơi rất tốt , nếu không biết thì không sống đến ngày nay, năm học nào cũng có vài đứa bạn ra đi theo Hà Bá.
Vùng đất Quảng Trị có người Việt từ năm 1558 ( Khi Nguyễn Hoàng tiến về phương Nam mở cỏi ), có lẽ từ đó đến nay có quá nhiều cuộc chiến tranh, từ các cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa các dòng họ đến các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong cuộc chiến tranh Việt Nam thời hiện đại, đây là nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất, dấu vết để lại quá kinh hoàng khi ta đi qua Quảng Trị nhìn những nghĩa trang, nghĩa địa của vùng này.
Năm 2009, sau 37 năm tôi trở về Quảng Trị, nơi đầu tiên tôi đến là Mẹ La Vang, đây là nơi có nhiều dấu ấn tuổi thơ tôi tại vùng đất Quảng Trị, Thánh địa La Vang ngày nay đã được khôi phục nhưng dấu vết chiến tranh còn quá nặng nề.  Nếu nhìn La Vang với góc độ người làm kinh tế thì đây chính là một địa điểm du lịch hấp dẫn với hàng triệu khách có Đạo trong và ngoài nước, nhưng hiện nay chưa được quan tâm đúng mức.
Dân Quảng Trị có truyền thống hiếu học, có lẽ không phải học để làm gì  ghê gớm nhưng phải học để thoát nghèo, học để vươn lên trong cuộc sống. Đây là điều kiện thuận lợi nhất để Quảng Trị khôi phục và phát triển kinh tế. 

Thành phố Đông Hà, thủ phủ của Tình hiện nay khá hiện đại và đẹp. Nguyên nhân chính là vùng đất bị tàn phá hoàn toàn và làm lại toàn làm mới cho nên rất đẹp. Tuy nhiên thành phố  phát triển mang tính "Kế hoạch" hơi nặng, chưa có chút bùng phát  của một nền kinh tế thị trường, chưa thấy các trung tâm công nghiệp lớn xuất hiện.
          Nét văn hoá truyền thống của Quảng Trị là rất quan tâm đến việc xây dựng mồ mã cho người đã khuất, người sống như thế nào thì người chết cũng vậy, cho nên kinh tế càng phát triển thì mồ mã cũng được quan tâm nâng cấp, ông Việt kiều và ông Việt Cộng thi nhau nâng cấp mồ mã, lăng tẩm, đình miếu ... cho nên chúng ta thấy ở đây có những ngôi mộ bạc tỷ, không biết hậu quả sẽ như thế nào ? 


Tôi trở về làng cũ, làng Đại Độ, đi dọc theo sông Hiếu Giang, con sông mà ngày xưa khi còn đi học chúng tôi thường xuyên vui chơi nô đùa, ngày nay trở lại quá nhiều thay đổi, không còn dòng nước trong lành như ngày xưa. Làng cũ không còn luỹ tre, không có những "tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ reo", mà cả cái tên cũng sắp biến mất, phường, khu phố thay cho làng xã. Trong lịch sử nhiều nơi trong nước và trên thế giới, quá trình chuyển đổi từ làng xã thành phố thị là một điều tất yếu, nhưng khi đổi người ta cũng để lại tên phố, tên phường như tên của làng xã trước đây, nhất là các làng xã có truyền thống khá lâu đời như các làng ven sông bờ Bắc sông Hiếu ( Theo Hoàng Hữu Phong ). Thế nhưng! Thế nhưng!
       Với truyền thống chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai để bảo vệ cuộc sống chắc chắn trong tương lai không xa Quảng Trị sẽ trở thành một cửa khẩu quan trọng tiến ra biển Đông của vùng đất Miền Trung.
                                                                  Đoàn Luyến - 2009

5/12/11

Suy nghỉ về nền giáo dục Việt Nam hiện nay


Chuyên đề :
Lý luận dạy học Đại học

Đề tài tiểu luận:
              Có một số ý kiến cho rằng : Nên  chấn hưng  lại   nền  Giáo dục   Việt Nam. Anh  chị  nghĩ  gì  về những  ý  kiến đó ?  Tại sao ?

                                      Người hướng dẫn : PGS. Ts. Đoàn Văn Điều
                                      Người thực hiện   : Đoàn Luyến
                                                                      Học viên Cao học Khoá 15
                                                                      Ngành : Lịch sử Việt Nam

oOo...oOo...oOo

Mục lục

I. Mở đầu............................................................................................................ Trang 3
II. Những thành tựu của ngành Giáo dục:.......................................................... Trang 3
III. Những khó khăn của ngành giáo dục .......................................................... Trang 5
IV Những biện pháp khắc phục khó khăn của ngành ....................................... Trang 7
        1 Tăng cường nguồn lực cho giáo dục...................................................... Trang 7
        2. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo.............................. Trang 8
        3. Tăng cương cơ sở vật chất , đưa Tin học vào quản lý  ......................... Trang 8
        4.Đổi mới công tác quản lý giáo dục ........................................................ Trang 8
        5. Xây dựng đội ngũ giáo viên................................................................... Trang 9
V. Kết luận ....................................................................................................... Trang 10
VI . Tài liệu tham khảo .................................................................................... Trang 12



I. MỞ ĐẦU :
          Trong những năm gần đây, báo chí và dư luận xã hội nói nhiều về chất lượng Giáo dục, về chất lượng học sinh phổ thông, chất lượng sinh viên đại học .... Có nhiều ý kiến đề nghị cải cách, đổi mới, chấn hưng .... Thậm chí có ý  cho rằng nên tiến hành   cách mạng trong ngành giáo dục như ý kiến của Giáo sư  Hoàng Tụy. Cần chấn hưng   khi nền giáo dục đã có những  biểu hiện suy đồi, cần làm cách mạng khi nền giáo dục đã lỗi thời, lạc hậu. Nhìn toàn cảnh nền giáo dục Việt nam  hiện nay  có lẽ chưa cần tiến hành chấn hưng hoặc làm cách mạng. Có lẽ cải cách hoặc đổi mới là nhu cầu cần thiết trước mắt, nhưng cải cách như thế nào, đổi mới như thế nào  chúng ta cần thảo luận thêm .
                      Nội dung đề tài  Tôi  sẽ nêu một số vấn đề về tình hình giáo dục hiện nay , về những thành  quả mà ngành giáo dục đã làm được, về những khó khăn của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay, về những yêu cầu  cải cách đổi mới  để thực hiện nhiệm vụ của ngành  giáo dục .
II . NHỮNG THÀNH TỰU CỦA NGÀNH GIÁO DỤC :
          - Nước ta hiện nay là một trong những nước có tỷ lệ người biết chữ cao so với thế giới ,trên 90 % người biết chữ, có nhiều địa phương đã thực hiện phổ cập Trung học cơ sở, hiện nay một số địa phương đang thực hiện phổ cập Trung học phổ thông . Ngành giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp hiện nay chúng ta cũng khá phát triển, mặc dù hiện nay vào đại học vẫn là “khung cửa hẹp” nhưng  bước đầu  đã cung cấp  đủ nhân  lực cho  đất nước thực hiện công nghiệp hoá – hiện đại hoá  .
          - Qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, sinh viên, học sinh Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể ,đạt nhiều giải cao,  điều đó chứng tỏ rằng hướng  đào tạo nhân tài của chúng ta đang có kết quả
          -    Cung cấp nhân lực theo yêu cầu xã hội  qua các thời đại: Trong suốt quá trình lịch sử  ngành giáo dục nước ta đã và đang làm nhiệm vụ cung cấp nhân lực  theo yêu cầu của xã hội, đào tạo nhiều thế hệ Việt Nam  đủ sức để bảo vệ độc lập dân tộc , xây dựng đất nước. Dân tộc Việt Nam là dân tộc bị đô hộ trên 1000 năm vẫn giữ được nước, bị hàng ngàn cuộc xâm lược  vẫn bảo vệ được độc lập dân tộc. Đặc biệt trong 30 năm chiến tranh cách mạng ( 1945-1975 ) với hai kẽ thù mạnh hơn ta, hiện đại hơn ta nhiều lần  ta vẫn đủ sức để bảo vệ độc lập dân tộc . Sau khi giành được độc lập chúng ta bước vào giai đoạn xây dựng đất nước trong điều kiện  vô cùng khó khăn nhưng chúng ta cũng  từng bước xây dựng đất nước phát triển
- Có sự tác động  mạnh giữa gia đình và xã hội đến nhà trường : Trong nhiều năm qua  nhà trường chúng ta chủ yếu làm nhiệm vụ dạy kiến thức, còn giáo dục tình cảm và hành động còn nhiều hạn chế . Nhưng bên cạnh nhà trường chúng ta còn có yếu tố rất quan trọng là gia đình và xã hội. Chế độ làng xã trên đất nước ta tồn tại hàng nghìn năm, nước mất chứ làng không mất, giành lại nước bắt đâu từ làng ….Ý thức cộng đồng dân tộc bắt nguồn từ làng xã. Những yếu tố gia đình, dòng họ, làng xã …..đã  giáo dục cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam   tình yêu quê hương , lòng tự hào về “con rồng cháu tiên”, có ý thức “sánh vai cùng cường quốc năm châu”. Phải nói rằng : truyền thống tốt đẹp của dân tộc  ta là một vốn quý để nuôi dưỡng và giáo dục các thế hệ trẻ Việt Nam.
- Phục vụ  đắc lực cho nhiệm vụ dân tộc, cho quốc gia và cho chế độ  XHCN : Cac thệ hệ  thanh niên Việt Nam thừa hưởng tinh hoa của nền giáo dục truyền thống  đã nối tiếp  nhau  thực hiện khẩu hiệu : “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” . Trước nguy cơ xâm lược, chúng ta đã làm được  nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc lên hàng đầu , trước những kẽ thù mạnh hơn ta nhiều lần chúng cũng không thể biến dân tộc Việt Nam trở thành thuộc  địa được, đó là tinh hoa của nền giáo dục truyền thống của Việt Nam .
III  . NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA NGÀNH GIÁO DỤC HIỆN NAY:
1. Theo  Giáo sư Dương Thiệu Tống chất lượng giáo dục  của chúng ta hiện nay quá thấp so với yêu cầu (qua kết  quả của 2 kỳ tuyển sinh 2002 và 2003 ), Giáo sư đã nêu  lên 4 nguyên nhân  giả định :
-     Học sinh không chịu học
-     Thầy giáo kém
-     Phương pháp dạy học kém
-     Chương trình và sách giáo khoa dở
Cuối cùng Giáo sư Dương Thiệu Tống  đã có nhiều  lý luận chứng minh và đưa ra kết luận: Thành qủa của học sinh trung học  tuỳ thuộc chủ yếu vào khả năng và  phương pháp  giảng dạy của thầy giáo, nhưng phương pháp giảng dạy lại tuỳ thuộc  vào chương trình và sách giáo khoa. Vậy để tìm hiểu nguyên nhân  vì sao thí sinh có điểm thấp  trong hai kỳ tuyển sinh liên tiếp, vì sao  thầy giáo và học sinh phải dạy vẹt , học vẹt , ta cần phải tìm hiểu  các  nguyên nhân từ  chương trình  và sách giáo khoa , trước khi  đổ tất cả các trách nhiệm lên vai các thầy giáo .
           2. Theo Tôi , là một thầy giáo đã nhiều năm trong nghề  có một số nhận định về  một số nguyên  nhân  chất lượng giáo dục hiện nay quá thấp :
-Nội dung chương trình  và sách giáo khoa chưa phù hợp: Hiện nay đang từng bước thực hiện thay sách giáo khoa, đổi mới chương trình, có định hướng giáo dục toàn diện cho học sinh, khắc phục những thiếu sót trước đây chủ yếu dạy kiến thức, nặng về lý thuyết, chưa quan tâm đến giáo dục tình cảm và hành động cho học sinh .
                       Ngành giáo dục chậm đổi mới để theo kịp  nhu cầu đất nước : Sự phát triển kinh tế của đất nước tạo điều kiện cho truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam phát triển , hiện nay chúng ta có một xã hội học tập, người người đi học, gần 30 triệu học sinh các cấp là một con số khổng lồ, qua các kỳ thi đại học ta thấy có sự chen chúc  nhau quá mức, các trung tâm luyện thi, các thầy giáo dạy thêm, học thêm, học sinh cố học để tìm kiếm một trường học thích ứng.  Khi một đất nước có tốc độ phát triển khá cao và đều đặn như hiện nay, các nhà quản lý giáo dục phải có biện pháp đón  đường , dự kiến những nhu cầu của ngành, của nhân dân, của học sinh để có những biện pháp thích hợp.
-      Cơ chế quản lý  đối với ngành giáo dục  chưa phù hợp : Hiện nay ngành giáo dục các địa phương chịu sự tác động hàng ngang của địa phương nhiều hơn là chịu tác động hàng dọc của Bộ giáo dục – đào tạo. Các trường phổ thông dạy học, thi cử đúng như quy chế của Bộ giáo dục – đào tạo, nhưng  nếu học sinh thi rớt nhiều, lưu ban nhiều   thì  địa phương sẽ có ý kiến , thậm chí có những ý kiến chỉ đạo, “bệnh thành tích”có cơ hội  để phát triển  trong cơ chế quản lý giáo dục hiện nay .
-      Đời sống của ngưới Thầy còn nhiều khó khăn : Hiện nay giáo viên đang được hưởng mức lương thuộc nhóm cao, nhưng  thực tế xã hội ta hiện nay không sống bằng lương , các ngành khác lương thấp nhưng cuộc sống thoải mái hơn nhiều. Đây là vấn đề cần  phải xem lại chính sách lương bổng của chúng ta  đối với  thầy cô giáo. Nếu chúng ta  thử tính một gia đình nhà giáo , hai người dạy học, có hai con đúng tiêu chuẩn, nếu họ là nhà giáo chân chính, chuyên tâm dạy học  thì với đồng lương của họ nuôi con đi học tới lớp mấy ?
IV . NHỮNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN CỦA NGÀNH :
          Mục tiêu giáo dục của ta hiện nay là “Nâng cao dân trí , đào tạo nhân lực , bồi dưỡng nhân tài ” . Theo công bố của chương trình phát triển  Liên hiệp  quốc ( UNDP ) năm 1993  về chỉ tiêu  quy mô phát triển giáo dục  thì so với quốc tế  ta đều thấp hơn về chỉ tiêu phát triển giáo dục ở các bậc học. Về  giáo dục phổ thông, ta chưa đạt mức trung bình, về cao đẳng đại học  ta còn thấp hơn nước phát triển chậm. Vì vậy, muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục đề ra chúng ta cần tích cực  thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục :
        1- Tăng cường nguồn  lực cho giáo dục đào tạo: Trên thế giới và trong khu vực  hiện  nay tỷ trọng ngân sách  giành cho giáo dục – đào tạo  rất cao, chúng ta  do điều kiện đất nước còn nghèo , nguồn cung cấp ngân sách cho giáo dục- đào tạo còn hạn chế, đang  phấn  đấu  để đạt  con số 15 %   và sau đó cần phải tăng hơn nữa . Ngoài ngân sách nhà nước hiện nay chúng ta đang huy động  các nguồn lực ngoài ngân sách, xã hội hoá giaó dục để tăng nguồn lực cho giáo dục đào tạo .  Hiện nay có nhiều nước trên thế giới coi giáo dục  là một ngành kinh doanh, kinh doanh   công nghệ dạy học, chúng ta nên tạo điều kiện kêu gọi họ  tham gia  xây dựng cơ sở vật chất và nội dung  chương trình giáo dục cho ta. Ngoài ra ta nên có chủ trương cho các trường chuyên nghiệp, dạy nghề  lập cơ sở sản xuất và dịch vụ khoa học đúng với ngành nghề đào tạo
          2- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục: Từng bước đổi mới nội dung sách giáo khoa, loại bỏ những kiến thức không thiết thực, bổ sung  những nội dung cần thiết  theo hướng bảo đảm kiến thức cơ bản, cập nhật những tiến bộ khoa học, công nghệ, tăng nội dung công nghệ ứng dụng, tăng cường giáo dục  kỹ thuật tổng hợp  và năng lực thực hành. Tăng cường giáo dục công dân, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, coi trọng hơn nữa  các môn khoa học xã hội và nhân văn , nhất là tiếng Việt, lịch sử dân tộc, địa lý  và văn hoá Việt Nam. Tổ chức cho sinh viên, học sinh tham gia công tác  xã hội, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao phù hợp với yêu cầu giáo dục toàn diện.
3- Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, đưa Tin học vào quản lý và đổi mới phương pháp : Thay thế, bổ sung cơ sở vật chất  và thiết bị cho các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường đại học. Tích cực đưa Tin học vào giảng dạy, thay đổi phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Hiện nay trên thế giới đang  thực hiện những phương tiện dạy học hiện đại  như:  học với máy tính, với đèn chiếu   overhead, với giáo án điện tử …… Chúng ta từng bước tiếp cận, nhân rộng, từng bước đưa vào sử dụng để thay đổi phương pháp dạy học .
          4-Đổi mới công tác quản lý giáo dục : Xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo  với cơ quan quản lý  nhân lực và việc làm
          Hiện nay  ngành giáo dục đang lệ thuộc nhiều vào các  lực lượng  khác ngoài ngành, ví dụ tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ lên lớp,  lưu ban …. “bệnh thành tích”  đang làm cho ngành mất đi tính độc lập, chủ động, thậm chí quản lý nhân sự ở các ngành học phổ thông cũng không phải thuộc ngành giáo dục quản lý. Nên có định hướng quản lý ngành giáo dục theo ngành dọc  toàn bộ, độc lập chỉ đạo về chuyên môn, nhân sự , ngân sách, thanh tra kiểm tra, kể cả xây dựng cơ bản, cơ sở vật chất  thì ngành mới chủ động  thay đổi phương pháp giáo dục .
          Xữ lý nghiêm túc các hiện tượng tiêu cực trong ngành  giáo dục ( thi cử , luận văn , cấp bằng …) Không thể có chuyện: không ai giải thích được vì sao có chuyện dạy thêm học thêm, đây là nhiệm vụ của ngành giáo dục, nếu chủ trương của  Đảng và nhà nước cấm thì ngành phải có nhiệm vụ xử lý, tìm biện pháp xữ lý .
           Tăng cường sắp xếp lại hệ thống các trường phổ thông và đại học, hệ thống trường công, trường tư, trường bán công, trường dân lập. Gắn các trường đại học và trung học chuyên nghiệp với các viện nghiên cứu để  tận dụng tối ưu năng lực  của đội ngũ và cơ sở vẫt chất hiện có.
          Coi trọng hơn nữa công  tác nghiên cứu khoa học giáo dục  nhằm giải đáp những vấn đề lý luận  và thực tiễn trong giáo dục, các chủ trương, chính sách về giáo dục, những đổi mới về nội dung, quy trình, phương pháp giáo dục, đánh giá, thi …. Đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng  và trãi qua thực nghiệm, phù hợp với thực tiễn Việt Nam  và đưa vào nhà trường theo đúng quy định . Không  tuỳ tiện cải cách, đổi mới, chỉnh lý  sách giáo khoa  liên tục như những lần  vừa qua .
          Khó khăn nhất của chúng ta hiện nay là sự yếu kém của đội ngũ quản lý giáo dục , đây là hậu quả của chế độ quan liêu, bao cấp  đã tồn tại trên đất nước ta một thời gian dài. Hiện nay chung ta đang thực hiện công cuộc đổi mới ,nhưng ta chú trọng đổi mới kinh tế, còn chính trị sẽ từng bước đổi mới. Vì vậy hệ thống giáo dục và các ngành khác đều đổi mới sau chính trị. Vì vậy một số vấn đề tiêu cực đang diễn ra trong ngành giáo dục. Mặt  khác, giáo dục là ngành có nhiều quan hệ đến nhân dân, nên khi bộc lộ những điểm bất cập, ngành giáo dục sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên nếu không khẩn trương thực hiện  đổi mới tư duy trong giáo dục .
        5-Xây dựng đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho người dạy, người học :
Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, phải được xã hội tôn vinh, vì thế giáo viên có đủ đức, đủ tài. Muốn nâng cao chất lượng dạy và học trước hết phải nâng cao chất lượng đào tạo của các trường Sư phạm .
          Cả nước đang thực hiện thay sách, đổi mới chương trình sách giáo khoa khối  lớp 8 , có dự án Việt –Bỉ  hỗ trợ  thực hiện ở các tỉnh phiá Bắc, thiết kế chương trình thay sách bằng cách  đổi mới từ trường Cao đẳng sư phạm, là trường đào tạo  người dạy học cho trường trung học cơ sở, nhưng dự án vẫn không được nhân rộng trong cả nước. Trong khi cả nước ta vẫn thay sách, vẫn đổi mới sách giáo khoa ở trường trung học cơ sở nhưng không đổi mới ở trường Cao đẳng sư phạm .
          Hiện nay chúng ta đang thực hiện không thu học phí sinh viên các trường sư phạm, đào tạo giáo viên gắn với địa chỉ, thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn hoá đội ngũ, xếp lương giáo viên cao  và có nhiều chính sách đãi ngộ đội với giáo viên, nhất là giáo viên ở những vùng khó khăn .
          Việc nâng cao chất lượng đội ngũ thì ta đã làm nhiều, nhưng việc đánh giá đội ngũ thì không có một cơ quan  thanh tra chuyên nghiệp nào thực hiện, chủ yếu là lực lượng thanh tra  nghiệp dư, bán chuyên nghiệp. Hậu quả là không có một thanh tra không chuyên nghiệp nào dám loại trừ một giáo viên  không đủ trình độ phẩm chất ra khỏi ngành . Hậu quả của thời kỳ “………sư phạm bỏ qua ” đã để lại không ít tiêu cực.
V. KẾT LUẬN  :
          * Ngành giáo dục của ta hiện nay chưa phải là đang suy yếu đến mức suy đồi, chưa cần phải làm một cuộc chấn hưng hay cách mạng, chúng ta đã có những thành tựu đáng kể khi so sánh  với  giáo dục của nhiều nước trên thế giới, chúng ta cần có chính sách cải cách, đổi mới kịp thời để hoàn thành được nhiệm vụ đất nước giao phó.
  * Cần thiết có một số chính sách cải cách phù hợp với yêu cầu hiện nay của đất nước, đặc biệt phải  có chủ trương  kế hoạch mang tính chất đón đầu, không để tính trạng  giáo dục phát triển mất cân đối. Lưu ý  truyền thống hiếu học của dân tộc ta sẽ  tác động lớn đến giáo dục khi kinh tế phát triển .
*  Đã có nhiều lần sưa đổi, nhưng  chưa tích cực, có lúc càng sưả càng sai , chưa thực hiện được nhiệm  vụ đất nước giao phó.
                                              Đoàn Luyến - Năm 2004





                                        

VI . Tài liệu tham khảo :
1.     Lý luận dạy học đại học  - Ts Lưu Xuân Mới  - Nhà xuất bản  Giáo dục – 2000.
2.     Tổ chức quá trình dạy học Đại học  - PGS Lê Khánh Bằng  - Viện nghiên cứu Đại học và GDCN – 1993.
3.     Chuyên đề  môn Lý luận dạy học Đại học – Tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ – ĐHSP TpHCM – 1998.
4.     Giáo dục học đại cương  - Nguyễn An – Tài liệu lưu hành nội bộ trường ĐHSP Tp HCM-1998.
5.     Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại – Tiến sĩ Giáo dục Dương Thiệu Tống  - Nhà xuất bản  Trẻ – 2003.