CHƯƠNG 1. MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM RA ĐỜI
Máy chém thời Ngô Đình Diệm |
1.1.Hoàn cảnh quốc tế
1.1.1.Chiến tranh lạnh và âm mưu của Mỹ
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi. Trên thế giới hình thành một trật tự thế giới mới: “Trật tự hai cực ”, thế giới chia thành hai phe. Tất cả các nước trên thế giới dù lớn hay nhỏ đều bị cuốn vào cuộc “chiến tranh lạnh”.
Tháng 3- 1947, Tổng thống Mỹ, Truman đã đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ, chính thức đưa ra “ Chủ thuyết Truman”. Theo Truman thì các nước Đông Âu “vừa mới bị cộng sản thôn tính” và những đe doạ tương tự đang diễn ra trên nhiều nước khác ở châu Âu, ở Italia, ở Pháp và cả ở nước Đức nữa. Vì vậy, Mỹ phải đứng ra “đảm nhiệm lãnh đạo thế giới tự do ”, phải “giúp đỡ” cho các dân tộc trên thế giới chống lại “sự đe doạ ” của chủ nghĩa cộng sản, chống lại sự “bành trướng” của nước Liên Xô, giúp đỡ bằng mọi biện pháp kinh tế, quân sự. Tổng thống Mỹ Truman đã phát động cuộc “chiến tranh lạnh” chống Liên Xô và các nước XHCN.
Đầu những năm 1950, do còn độc quyền nắm giữ ưu thế vũ khí hạt nhân, với tham vọng bá chủ thế giới, đế quốc Mỹ cho ra đời chiến lược toàn cầu “Trả đủa ồ ạt “. Mục tiêu của chiến lược là : “Dùng vũ khí hạt nhân làm chiếc ô che chắn để bảo vệ chế độ tay sai của Mỹ, sẵn sàng đánh trả ồ ạt thẳng vào các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, trước hết là Liên Xô mà Mỹ coi là nguồn gốc của phong trào cách mạng và chiến tranh cách mạng trên thế giới ”[15]. Chổ dựa cơ bản cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược trên được xác định là : “lực lượng quân sự Mỹ, chủ yếu là lực lượng hạt nhân chiến lược, và hệ thống liên minh quân sự của Mỹ với các nước đồng minh, đặc biệt là tuyến căn cứ tiền tiêu ở xa nước Mỹ ” [15].
Với 800 căn cứ quân sự được thành lập ở 35 nước và khu vực hải ngoại, Mỹ hy vọng tạo được những bàn đạp tiếp cận để bao vây, tiến công Liên Xô và các nước XHCN khác. Đồng thời, với hơn 2 tỷ đôla viện trợ kinh tế và 3 tỷ đôla viện trợ quân sự cho các nước đồng minh hàng năm, Mỹ không chỉ muốn duy trì, mở rộng sự hiện diện các căn cứ quân sự của mình ở nước ngoài, mà còn nhằm “cột chặt ” chính phủ các nước nhận viện trợ vào cổ xe chạy đua vũ trang, tiến hành chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Mặc dù vậy, thực tế tình hình trên thế giới lại diễn ra trái với toan tính của Mỹ. Tháng 10 -1949 cách mạng Trung Quốc thành công. Tháng 7- 1953, Mỹ phải chấp nhận ký hiệp định chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tháng 7- 1958, cách mạng Irắc bùng nổ và tuyên bố rút khỏi khối xâm lược Batđa, gạt bỏ chủ nghĩa Eisenhower. Tháng 1- 1959, cách mạng Cu Ba thắng lợi. Năm 1960, 17 nước châu Phi giành được độc lập ở những mức độ khác nhau. Cũng trong khoảng thời gian nầy, so sánh lực lượng giữa Mỹ và Liên Xô cũng dần dần thay đổi. Liên Xô không những đã chế tạo được một số máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến đấu đánh chặn phản lực tối tân, nhiều loại tên lửa phòng không hiện đại, mà còn sản xuất được các loại tên lửa tầm gần, tầm trung. Đặc biệt, tháng 10-1957, phóng thành công vệ tinh nhân tạo, một tháng sau đó bắn thử nghiệm thành công tên lửa vượt đại châu. Tất cả những sự kiện trên đã “đánh đòn choáng váng, làm chấn động, hoang mang chính giới Mỹ ” [28].
1.1.2. Âm mưu của Mỹ ở Đông Nam Á
Trong những năm 1953 – 1954 cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bước sang giai đoạn phản công ở khắp các chiến trường, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp càng đánh càng thua. Vì thế, Pháp buộc phải tiến hành thương lượng.
Do đề nghị của Liên Xô, Hội nghị Giơnevơ về Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông Dương đã được triệu tập ngày 26-4-1954. Mỹ buộc phải đến dự hội nghị nhưng từ đầu đến cuối đã cố tình tìm cách phá hoại hội nghị.
Sau khi thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã tăng cường can thiệp vào Đông Dương. Âm mưu của Mỹ nhằm dần dần hất cẳng Pháp, biến các nước Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, đàn áp các phong trào dân tộc dân chủ của nhân dân các nước Đông Dương, lấy Đông Dương làm chổ dựa để khống chế các nước Đông Nam Á và làm bàn đạp để tấn công Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ còn tìm cách kéo dài và mở rộng chiến tranh để thay thế cho chiến tranh Triều Tiên và giải quyết nguy cơ khủng hoảng đang đe doạ nền kinh tế Mỹ.
Khi quân đội Pháp bị xiết chặt vòng vây ở Điện Biên Phủ và gặp rất nhiều khó khăn thì Mỹ càng tích cực lợi dụng thời cơ xông vào để nắm lấy Đông Dương. Mỹ đã dùng áp lực buộc pháp phải “trao trả độc lập” cho ba nước Đông Dương để Mỹ trực tiếp nắm lấy các nước nầy mà không qua Pháp. Mỹ đã tích cực chuẩn bị lực lượng hải quân và không quân trực tiếp can thiệp vào Đông Dương.
Khi quân đội Pháp gần bị thất thủ ở Điện Biên Phủ, Mỹ càng tích cực hơn nữa để quốc tế hoá chiến tranh Đông Dương. Mỹ hứa với Pháp sẽ sử dụng các lực lượng không quân Mỹ để “cứu nguy ”cho Điện Biên Phủ, thậm chí còn có ý định dùng bom nguyên tử chiến thuật trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mặt khác, tại Hội nghị Giơnevơ, Mỹ đã tìm mọi cách phá hoại. Ngày 16-5, Ngoại trưởng Mỹ Đa- lét bỏ hội nghị ra về. Tổng thống Mỹ Eisenhower đã chỉ thị cho Bơđin Smit tích cực phá hoại để nhanh chóng chấm dứt hội đàm ở Giơnevơ.
Hội nghị Giơnevơ đã tiến triển ngoài ý muốn của Mỹ. Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi của quân đội Việt Nam. Ngày 12-6-1954, chính phủ Lanien Biđô bị lật đổ và phái chủ hoà do Măng đét Phrăngxơ cầm đầu đứng ra lập chính phủ mới. Ngày 21-7-1954, Hiệp nghị Giơnevơ về vấn đề Đông Dương được ký kết ( Mỹ ngoan cố không chịu ký ). Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc với sự thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và nhân dân Đông Dương. Với thắng lợi nầy, miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà sau nầy.
Một ngày sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, Tổng thống Mỹ Eisenhower tuyên bố Hoa Kỳ không bị ràng buộc vào những quyết định của Hội nghị Giơnevơ.
Đối với Việt Nam, từ rất sớm Mỹ đã nhận rõ đây là một vị trí quan trọng, là tiền đồn của phe XHCN, đồng thời là “nền tảng của thế giới tự do ở Đông Nam Á’”. Theo học thuyết Domino, nếu “làn sóng đỏ “ tràn vào Việt Nam, quân cờ đầu tiên sụp đổ, thì các nước Đông Nam Á đều ngã về phe của Liên Xô, vì thế Mỹ không thể bỏ rơi khu vực nầy.
Sau khi đã tăng cường viện trợ quân sự cho thực dân Pháp tới 2,6 tỷ đôla (1950 -1954 ), nhưng không ngăn được sự thất bại của quân đội Pháp ở Đông Dương, Mỹ đã chuyển hướng xác định: Điều cơ bản đầu tiên là vạch ra một đường ranh giới mà cộng sản sẽ không vượt qua, rồi sau đó giữ vững vùng nầy và đấu tranh bằng cách viện trợ kinh tế và xây dựng một lực lượng quân sự mạnh, từng bước thiết lập chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.
Tháng 8/1954, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đưa ra ba chính sách lớn:
“Kinh tế : Đẩy Pháp ra khỏi các đòn bẩy chỉ huy, thống nhất chương trình cải cách ruộng đất và định cư dân di cư, cộng tác với Pháp nhưng “khuyến khích ” cho chuyển giao chức năng kiểm soát về tài chính, hành chính, kinh tế cho người Việt Nam. Giao viện trợ trực tiếp cho người Việt Nam không thông qua Pháp.
Quân sự: Chỉ cộng tác với Pháp ở mức cần thiết để xây dựng lại lực lượng quân sự bản xứ có thể bảo đảm an ninh nội bộ.
Chính trị: Pháp phải trao quyền độc lập hoàn toàn cho Nam Việt Nam ( kể cả quyền rút khỏi Liên hiệp Pháp ), và phải ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh. Diệm phải mở rộng cơ sở chính phủ, bầu ra quốc hội, thảo hiến pháp và phế truất Bảo Đại một cách hợp pháp, cần có sự ủng hộ của Pháp trong các chính sách nầy…
Ngày 8/9/1954, Mỹ lôi kéo các nước đồng minh Anh, Pháp, Oxtrâylia, Thái Lan, Philippin và Pakistan ký Hiệp ước Manila ( Philippin ) thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) đặt Việt Nam, Lào, Campuchia dưới sự bảo trợ của tổ chức nầy. Nói là Đông Nam Á nhưng chỉ có hai nước Thái Lan và Philippin là thuộc Đông Nam Á. Thực chất SEATO là liên minh chống cộng khu vực nằm trong hệ thống các tổ chức quân sự của Mỹ trong thời kỳ thế giới phân chia thành hai cực, nhằm làm chỗ dựa cho Mỹ xâm lược Việt Nam.
Ngày 24/10/1954, Eisenhower gửi thư cho Ngô Đình Diệm tuyên bố Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự trực tiếp, không đòi hỏi Việt Nam phải có những hành động đáp lại sự viện trợ nầy [29].
Ngày 8/11/1954, tướng J.Lewton Collins đến Việt Nam. Ông được giao quyền lực rộng để điều phối toàn bộ chương trình của Mỹ. Sau đó ngày 17/11/1954, ông được cử làm đại sứ ở Sài Gòn.
Tướng Collins đề ra kế hoạch sáu điểm [75, tr.53] nhằm thay chân Pháp, phá hiệp định Giơnevơ và biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ:
- Bảo trợ chính quyền Diệm, viện trợ trực tiếp cho chính phủ Sài Gòn.
- Xây dựng “Quân đội quốc gia Việt Nam ”gồm 15 vạn do Mỹ huấn luyện và trang bị.
- Bầu cử quốc hội, hợp pháp hoá chính quyền Sài Gòn.
- Định cư cho số Công giáo miền Bắc di cư và vạch kế hoạch cải cách điền địa.
- Thay đổi chế độ thuế khoá, dành ưu tiên cho hàng Mỹ vào miền Nam.
- Đào tạo cán bộ hành chính.
Pháp muốn duy trì ảnh hưởng của mình ở Việt Nam và Đông Dương thì cần phải có sự viện trợ của Mỹ, trong khi Mỹ lại có tham vọng là thay thế Pháp, nắm lấy Nam Việt Nam với chiêu bài ngăn chặn phong trào cộng sản phát triển xuống cả Đông Nam Á. Trong khi đó, tình thế nước Pháp ở chính quốc nền kinh tế kiệt quệ , chính trị rối ren, nội bộ chia rẽ, lại phải đối phó với cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Angiêry. Chính phủ Pháp đành phải nhượng bộ Mỹ, rút quân khỏi Việt Nam .
Ngày 13/12/1954 tướng Ê-ly ( Paul Ely ), tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp thoả thuận với tướng Collins trao lại quyền tự trị hoàn toàn cho “Quân đội quốc gia ” vào tháng 5/1955 để Mỹ huấn luyện và xây dựng lại theo phương hướng của Mỹ. Cùng thời gian đó, Pháp ký với Ngô Đình Diệm trao trả chủ quyền hoàn toàn cho Diệm. Từ đó, Diệm tuyên bố xoá bỏ luôn các hiệp định về kinh tế, tài chính đã ký với Pháp trước đó, buộc Pháp phải giao ngân hàng hối đoái và tiền tệ cho Diệm, từ bỏ mọi đặc quyền ưu tiên, chuyển giao khu vực đồng Phơ- răng sang đồng Đô-la .
Ngày 2/6/1955, Mỹ đã cho triển khai Phái bộ trang bị và cung cấp TERM (Temporary equipment recovery mission) tại miền Nam khi Pháp chưa rút hết quân.
Cuối tháng 4/1956, đơn vị cuối cùng của quân đội Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam .
Ngày 14/05/1956, Pháp gởi cho hai đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơ là Liên Xô và Anh thông báo quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam và kể từ ngày 24/08/1956 nước Pháp không còn trách nhiệm thực hiện Hiệp định Giơnevơ nữa. Pháp đã rũ bỏ trách nhiệm của một bên phải thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương [29, tr.295-296].
Phái bộ huấn luyện quân sự hỗn hợp về danh nghĩa của Pháp-Mỹ (TRIM ) trước đây chuyển thành Phái bộ huấn luyện tác chiến lục quân CATO ( Combat army training organisation ) gồm toàn người Mỹ. Cả hai tổ chức CATO và TERM đều đặt dưới quyền chỉ huy của Phái đoàn Cố vấn và viện trợ quân sự MAAG (Military Assistance and Advisory Group ). Từ đây MAAG chi phối mọi hoạt động quân sự của ngụy. Về sau MAAG đổi thành Bộ chỉ huy viện trợ quân sự ở Việt Nam MACV ( Military Assistance Command in Vietnam ) [70].
1.2.Hoàn cảnh trong nước
1.2.1. Miền Bắc sau Hiệp định Giơnevơ
Sau khi Liên hiệp Pháp rút khỏi Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và ta hoàn thành chuyển quân tập kết, miền Bắc Việt Nam với thủ đô là Hà Nội thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Miền Bắc trở thành hậu phương cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở tiền tuyền miền Nam. Không có hậu phương vững mạnh thì tiền tuyến không thể chiến thắng kẻ thù. Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch ngay từ đầu đã xác định miền Bắc là nền tảng của cuộc đấu tranh của cả nước. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 ( khoá II) đã chỉ rõ:”điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam”. Vì vậy, miền Bắc đã tiến hành nhiều kế hoạch củng cố và xây dựng kinh tế, quốc phòng [75].
- Hoàn thành cải cách ruộng đất- Khôi phục kinh tế (1955- 1957).
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 mở rộng đã quyết nghị: “Để củng cố miền Bắc, trước hết cần hoàn thành cải cách ruộng đất… vì có đẩy mạnh cải cách ruộng đất mới đoàn kết được đại đa số nhân dân, củng cố được liên minh công nông, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, mới có thể khôi phục kinh tế một cách nhanh chóng và có thêm điều kiện tăng cường quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng…”
Công cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành 5 đợt, tiến hành trong hơn 3.000 xã thuộc 22 tỉnh. Hàng vạn cán bộ, bộ đội được huy động về nông thôn tham gia các đoàn, đội vận động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất.
Nhà nước tập trung nguồn vốn, huy động lực lượng khôi phục đê điều, sửa chữa và làm mới các công trình thuỷ lợi, tu bổ hơn 3.000 km đê diều bị phá hoại trong chiến tranh, xây dựng một số công trình tưới tiêu, đào mương, khơi ngòi, khai hoang, phục hoá .
Được sự khuyến khích, giúp đỡ của nhà nước và nhờ sức sản xuất được giải phóng khỏi quan hệ sản xuất cũ, nông nghiệp miền Bắc trong 3 năm ( 1955- 1957) đã được khôi phục và có bước phát triển về cả diện tích và năng suất, cả trồng trọt, chăn nuôi và nghề phụ. Sau ba năm, nông thôn miền Bắc đã được hồi sinh, khởi sắc.
Về công nghiệp, hầu hết các nhà máy ở miền Bắc đều bị địch phá hủy hoặc mang đi. Đảng và nhà nước đã nhanh chóng khôi phục các cơ sở sản xuất, tập trung xây dựng một số ngành phục vụ dân sinh như sản xuất vải, giấy, xà phòng…Xây dựng và mở rộng các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống của nhân dân như nhà máy chè Phú Thọ, diêm Thống Nhất, thuốc lá Thăng Long…Các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc đã tích cực giúp đỡ vốn, kĩ thuật, chuyên gia.
Kết quả, có nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây mới, tổng sản lượng công- nông nghiệp 1,5% năm 1954 lên 24 % năm 1957. Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp năm 1957 đạt mức năm 1939.
- Cải tạo và phát triển kinh tế- văn hoá (1958- 1960).
Tháng 4-1958 trong kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: miền Bắc nước ta từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang cách mạng XHCN. Nhiệm vụ trước mắt của toàn dân ta là ra sức xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, nhằm xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Tháng 11-1958, Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) quyết định động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên miền Bắc tiến hành 3 năm cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế, phát triển văn hoá (1958- 1960) với 3 nhiệm vụ cơ bản:
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, lấy sản xuất nông nghiệp làm khâu chính, chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời rất chú trọng sản xuất công nghiệp, hết sức tăng thêm các tư liệu sản xuất và giải quyết phần lớn hàng tiêu dùng.
Ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo CNXH, khâu chính là đẩy mạnh hợp tác hoá nông nghiệp, đồng thời tích cực phát triển và củng cố thành phần kinh tế quốc doanh. Trên cơ sở sản xuất phát triển, nâng cao thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, nhất là nhân dân lao động và tăng cường củng cố quốc phòng.
Để cải tạo phát triển nông nghiệp, Đảng và nhà nước chủ trương tiến hành cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp, coi đó là con đường đưa nông dân miền Bắc đến ấm no hạnh phúc. Nội dung cuộc vận động gồm ba mặt: cải tạo quan hệ sản xuất, cải tiến kỹ thuật, giáo dục tư tưởng. Nguyên tắc xây dựng hợp tác xã là : tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho nông dân và tạo điều kiện cho hợp tác xã phát huy tính hơn hẳn so với sản xuất cá thể như: chính sách tín dụng góp vốn cho hợp tác xã phát triển sản xuất, chính sách mậu dịch ưu tiên mua hàng, bán hàng cho hợp tác xã, chính sách thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã, chính sách khuyến khích hợp tác xã phát triển nghề phụ …
Với sự nổ lực của toàn Đảng, toàn dân việc cải tạo nông nghiệp tiến hành thuận lợi. Đến tháng 11-1960, hợp tác xã hình thành hầu khắp nông thôn miền Bắc với 41.401 hợp tác xã chiếm 86% tổng số hộ và 76% diện tích đất canh tác .
Bên cạnh hợp tác xã, nhà nước tiếp thu các đồn điền của thực dân Pháp và những Việt gian bỏ lại, thành lập 15 nông trường quốc doanh, quân đội thực hiện nhiệm vụ khai hoang thành lập được 29 nông trường quân đội, cán bộ miền Nam tập kết tổ chức 10 liên đoàn sản xuất nông nghiệp. Phần lớn các nông trường phân bố trên những khu vực kết hợp được cả kinh tế và quốc phòng.
Cuối năm 1960, hợp tác hoá căn bản hoàn thành tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển, tổng sản lượng lương thực đạt mức 6 triệu tấn, giá trị sản lượng nông nghiệp hàng năm tăng bình quân 5,6%, góp phần vào công cuộc kiến thiết miền Bắc và sẵn sàng chi viện nhân tài, vật lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Sau 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, nền công nghiệp non trẻ ở miền Bắc đã có bước phát triển về nhiều mặt. Giá trị sản lượng công nghiệp trong tổng giá trị kinh tế quốc dân tăng từ 31,4% năm 1957 lên 41% năm 1960, tỷ trọng công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất 23,5% tăng lên 32,5%, công nghiệp hiện đại từ 12,8% lên 23,7%. Đặc biệt thời kỳ nầy công nghiệp quốc doanh tăng mạnh, từ 67% lên 90% ( không kể tiểu thủ công nghiệp) thực sự giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, cung cấp cho đất nước một khối lượng sản phẩm quan trọng, trong đó có những sản phẩm trước đây phải nhập từ nước ngoài với giá đắt.
Hoạt động tài chính, ngân hàng, ngoại thương do nhà nước độc quyền quản lý, điều hành đã phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng miền Bắc.
Hệ thống giáo dục hình thành trong ba năm khôi phục kinh tế, đến đây được củng cố, phát triển, bao gồm các nhà trường phổ thông (3 cấp), các trường bổ túc công nông, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp đưa tổng số trường đại học miền Bắc lên 8 trường với 50 ngành học.
Trên nền tảng của những biến đổi trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, miền Bắc tập trung xây dựng nền văn hoá mới, con người mới. Nền văn hoá kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đang từng bước hình thành. Đó là nền văn hoá yêu nước, yêu nhân dân lao động, yêu đồng chí, đồng bào, yêu thương miền Nam đang chịu nhiều thương đau, lòng căm thù giặc.
Mạng lưới y tế bảo vệ sức khoẻ nhân dân phát triển nhanh chóng, hình thành rộng khắp. Đến năm 1960, toàn miền Bắc đã có 263 bệnh viện, 3.000 trạm y tế, nhà hộ sinh. Các dịch bệnh được tích cực phòng trừ, phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh trong các trường học, các đơn vị quân đội góp phần nâng cao sức khoẻ và ý thức quốc phòng trong nhân dân.
- Củng cố chính quyền- Xây dựng quân đội.
Để củng cố chính quyền, việc nâng cao sức mạnh và khả năng lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định. Đảng đặc biệt coi trọng việc xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức. Về tư tưởng thời kỳ nầy Đảng coi trọng công tác lý luận. Về tổ chức coi trọng việc chỉnh đốn tổ chức Đảng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng, tích cực sửa đổi lề lối làm việc và phương pháp lãnh đạo, đi sát thực tế, gắn bó mật thiết với nhân dân, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình, mở rộng dân chủ nội bộ. Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng ( khoá II ) chủ trương: “Mạnh dạn cất nhắc cán bộ, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ công, nông một cách thường xuyên trong công tác hàng ngày; lựa chọn cán bộ cho thích hợp với từng công tác, tập trung lực lượng, bố trí cán bộ để đảm bảo thực hiện chu đáo những công tác chính trị. Thực hiện về thống nhất quản lý cán bộ. Cần lập Ban Kiểm tra Trung ương, và ngành nào cũng phải tổ chức việc kiểm tra của mình để kiểm tra một cách có trọng điểm việc thi hành những chính sách của Đảng và chính phủ”.
Đảng lựa chọn và bổ nhiệm các Đảng viên vào các chức vụ quan trọng của bộ máy Nhà nước và các cấp chính quyền. Đảng thông qua các tổ chức đảng đoàn ở Hội đồng Chính phủ và các cơ quan, bộ máy khác của Nhà nước, của Mặt trận để thực hiện sự lãnh đạo của mình. Chuyển sang thời bình, đòi hỏi đội ngũ cán bộ của Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo về kinh tế. Do đó các cấp uỷ viên các cấp và cán bộ của Đảng được học tập chính sách kinh tế, tài chính và nghiệp vụ ở trong và ngoài nước.
Các Uỷ ban kháng chiến- hành chính trong kháng chiến từ tháng 9-1954 được đổi thành Uỷ ban hành chính. Hệ thống chính quyền địa phương các cấp được chỉnh đốn một bước trong những năm đầu hoà bình lập lại. Từ tháng 7-1957, các địa phương ở miền Bắc tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và sau đó cử ra Uỷ ban hành chính các cấp.
Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc họp từ ngày 5 đến ngày 15-9-1955 tại Hà Nội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã bầu ra Uỷ ban Trung ương do đồng chí Tôn Đức Thắng làm chủ tịch, Đại hội thông qua Tuyên ngôn và Cương lĩnh Mặt trận thể hiện nguyện vọng, ý chí của mọi người Việt Nam yêu nước là đại đoàn kết để hoàn thành sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thi hành Hiến pháp mới. Tháng 5-1960, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II được tiến hành trên toàn miền Bắc, các đại biểu miền Nam trong Quốc hội khoá I được lưu nhiệm.
Kỳ họp Quốc hội khoá II đã bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao…
Về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954 đã chỉ rõ: Quân đội nhân dân là cột trụ chủ yếu nhất, chắc chắn nhất để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình. Vì vậy phải xây dựng Quân đội nhân dân thành một đội quân cách mạng, chính quy, tương đối hiện đại.
Những năm kháng chiến, bộ đội ta phân tán, chiến đấu trên các chiến trường nên biên chế, tổ chức, trang bị, điều lệnh của bộ đội thiếu thống nhất. Vì vậy, trong khi toàn Đảng toàn dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định tình hình, giúp nhân dân địa phương tháo gỡ bom mìn, phục hồi sản xuất, quân đội gấp rút chấn chỉnh mọi mặt.
Các đại đoàn trong kháng chiến đổi thành các sư đoàn bộ binh. Bộ đội miền Nam tập kết, bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia và một số đơn vị chủ lực khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện trên miền Bắc biên chế thành 8 sư đoàn và 5 trung đoàn bộ binh. Lực lượng pháo binh biên chế thành 3 sư đoàn, lực lượng phòng không biên chế thành một sư đoàn cao xạ. Các đơn vị chủ lực địa phương ven biển xây dựng thành 5 trung đoàn, 1 tiểu đoàn phòng thủ ven biển. Bộ đội địa phương các tỉnh biên giới chuyển thành các tiểu đoàn bộ đội biên phòng. Bộ đội địa phương các tỉnh Quảng Bình, Hà Tỉnh, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên,Tuyên Quang, Hải Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu biên chế thành 10 tiểu đoàn. 7 đại đội và 15 trung đội làm nhiệm vụ bảo vệ nội địa.
Tháng 3-1958, Bộ Quốc phòng quyết định thống nhất tổ chức biên chế, trang bị của lục quân và các đơn vị không quân, hải quân.
Bên cạnh bộ binh, các binh chủng pháo binh, phòng không, công binh, thông tin, vận tải, phòng hoá được biên chế thành các lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội.
Ngày 31-12-1959, Quốc hội chính thức thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ tòng quân tình nguyện trước đó.
Như vậy, trong gần sáu năm xây dựng, khắc phục những khó khăn, nhân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã khôi phục kinh tế, cải tạo XHCN đối với công nghiệp và nông nghiệp đưa miền Bắc phát triển một bước quan trọng. Kinh tế ổn định, đời sống văn hoá được nâng cao, Quân đội nhân dân được củng cố vững chắc. Miền Bắc đã trở thành căn cứ địa vững mạnh của cả nước, chổ dựa vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam [27],[40],[48].
1.2.2.Chính sách áp bức của chế độ Mỹ- Diệm
Ngày 7-7-1954, trước khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nước và buộc Pháp đặt làm Thủ tướng thay cho Bửu Lộc vốn là tay sai của Pháp.
Thực hiện Hiệp định Giơnevơ, quân đội và chính quyền ta chuyển quân ra phía Bắc vĩ tuyến 17, lực lượng Liên hiệp Pháp chuyển vào phía Nam vĩ tuyến 17. Lợi dụng cơ hội nầy Mỹ tiến hành thay chân Pháp, biến miền Nam Việt Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Tháng 7/1955 theo sự chỉ huy của Mỹ, Bộ Quốc phòng ngụy đề ra kế hoạch xây dựng một đội quân chính quy 155.000 người và đội quân bảo an đoàn 52.000 người .
Về quân sự huấn luyện cho “Quân đội quốc gia ”, Mỹ thực hiện phương châm “nhanh chóng, toàn diện, chú trọng thực hành ”. Về chính trị tâm lý từng đợt mở chiến dịch học tập “ bài Pháp, chống Cộng ”, đề cao danh hiệu “Quân đội quốc gia ”, mặc quân phục kiểu Mỹ, dùng tiếng Việt, tiếng Mỹ thay tiếng Pháp. Khi bước vào cải tổ Mỹ cho đề bạt và tăng lương hàng loạt, phong 4 cấp tướng, 20 đại tá, 60 trung tá, 5.600 sĩ quan và 27.000 hạ sĩ quan, đưa sĩ quan đi đào tạo ở Mỹ [40].
Đến tháng 6/1956 Mỹ hoàn tất việc xây dựng :
Lục quân : có 4 sư đoàn dã chiến, 6 sư đoàn khinh chiến, 13 trung đoàn địa phương, 5 trung đoàn giáo phái, 1 trung đoàn dù. Pháo binh có 7 tiểu đoàn và 9 đại đội. Cơ giới có 5 trung đoàn. Công binh có 6 tiểu đoàn, 14 đại đội. Vận tãi có 12 đại đội .
Không quân: máy bay chiến đấu có 100 chiếc, 132 chiếc dự trữ. Xây dựng 4 sân bay lớn ở Phú Bài, Đà Nẵng, Nha Trang, Tân Sơn Nhất với hàng trăm máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng, máy bay chuyên chở, xây dựng 58 sân bay nhỏ rãi rác ở khắp nơi.
Lực lượng hải quân có 121 tàu chiến trên sông, 25 tàu chiến trên biển, 96 tàu của lực lượng ở các căn cứ .
Lực lượng Bảo an đoàn 60.000 tên, mỗi quận có 1 đến 2 đại đội. Lực lượng dân vệ và phòng vệ dân sự được trang bị súng trường và lựu đạn, lực lượng công an, cảnh sát có mặt khắp nơi. Tổng cộng lực lượng bán vũ trang của Diệm lên đến trên dưới 30 vạn [40].
Ngày 23-10-1955, Diệm tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý ” dưới lưỡi lê của quân đội để công dân lựa chọn hoặc Bảo Đại hoặc Ngô Đình Diệm là người đứng đầu quốc gia. Mặc dù đa số công dân tẩy chay nhưng nhờ gian lận và người tổ chức trưng cầu dân ý ở các địa phương là người của Diệm nên kết quả là 98% số phiếu ủng hộ Ngô Đình Diệm, Bảo Đại bị phế truất, Ngô Đình Diệm tự xưng là Tổng thống Việt Nam cộng hoà.
Ngày 4-3-1956 Ngô Đình Diệm tổ chức tuyển cử bầu ra quốc hội. Tháng 10-1956 Ngô Đình Diệm ban hành hiến pháp của “nền Đệ nhất Cộng hoà”. Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ lập tức công nhận chính quyền Ngô Đình Diệm là “hợp hiến, hợp pháp”.
Từ 1955 đến 1956, Diệm dùng “Quân lực Việt Nam cộng hoà” diệt các lực lượng vũ trang giáo phái do Pháp xây dựng trước đây. Đến tháng 6-1956, lực lượng Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên lần lượt bị tiêu diệt.
Dưới sự giúp đỡ của Mỹ, Ngô Đình Diệm thực hiện chủ trương “Đả thực, bài phong, diệt cộng”, lập ra đảng cầm quyền, thành lập “Mặt trận quốc gia” làm cơ sở cho chính quyền của chúng.
Đến đây, bộ máy, công cụ quân sự, chính trị cho một chính quyền tay sai để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới Mỹ nhằm xâm lược miền Nam Việt Nam coi như đã hoàn chỉnh, vì chủ nghĩa thực dân mới cai trị “thông qua một chính quyền tay sai đại biểu quyền lợi cho giai cấp địa chủ phong kiến và tư sản mại bản khoác áo “dân tộc dân chủ ” giả hiệu ” [12, tr.18].
Để củng cố chế độ độc tài gia đình trị, trong quá trình thực hiện những chủ trương của Mỹ, Ngô Đình Diệm đã thực hiện nhiều “quốc sách” nhằm mục đích chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, thực hiện âm mưu của Mỹ chia cắt lâu dài đất nước ta:
- Quốc sách “tố cộng , diệt cộng” [36], [40].
Từ tháng 5/ 1955 khi quân đội ta hoàn thành tập kết ra miền Bắc, Mỹ - Diệm công bố “tố cộng ,diệt cộng là quốc sách ”, phát động “chiến dịch tố cộng ” trên quy mô rộng lớn toàn miền Nam.
Diệm thành lập “Hội đồng nhân dân chỉ đạo tố cộng ” gồm tất cả các bộ trưởng trong chính phủ do Diệm làm chủ tịch danh dự và Trần Chánh Thành làm chủ tịch hội đồng. Hội đồng chỉ định ra Uỷ ban chỉ đạo tố cộng trung ương, có ban thường trực gồm đại biểu các bộ Thông tin, Công an, Quốc phòng. Nhiệm vụ của uỷ ban chỉ đạo nầy là trực tiếp chỉ đạo phong trào tố cộng ở các tỉnh, các cơ quan đào tạo cán bộ cho phong trào. Giúp việc cho uỷ bàn này có các ban tuyên huấn, học tập, kiểm thảo, khai thác có sự phối hợp của các cơ quan Công an, Công dân vụ, Dân vệ đoàn .
Mỗi tỉnh có một uỷ ban chỉ đạo tố cộng. Mỗi bộ có một uỷ ban chỉ đạo hàng dọc xuống các cơ quan thuộc bộ mình. Thành phần uỷ ban chỉ đạo tỉnh giống như ở trung ương. Thành phần ở cơ quan thì gồm đại biểu cơ quan và Liên đoàn lao động công chức của “Phong trào cách mạng quốc gia ”.
Huyện, xã đều có ủy ban chỉ đạo tố cộng của huyện, xã. Mỗi xã lại chia ra nhiều liên gia tố cộng .
Mục đích của “chiến dịch tố cộng” được đặt ra là “gây uất hận trong dân chúng đối với Việt Cộng”, để cho nhân dân tố giác Việt Cộng ở lại hoạt động, khủng bố tinh thần Việt Cộng, làm cho Việt Cộng nghi ngờ quần chúng mà không dám hoạt động nữa, đánh lệch tư tưởng của các phần tử lưng chừng còn hướng về cộng sản phải ngả hẳn về Chính phủ quốc gia .
Mục tiêu đề ra cho suốt quá trình thực hiện quốc sách tố cộng là: đánh trên diện rộng ban đầu, sau đó đánh vào chiều sâu, đánh cả nông thôn và thành thị, trọng điểm nhằm vào nơi có phong trào quần chúng mạnh, đánh vào đảng Cộng sản và đánh vào tổ chức đồng thời đánh vào tư tưởng, tiêu diệt con người đi đôi với tiêu diệt tinh thần, ý chí. Tất cả để đạt mục đích tối hậu là người cộng sản hoặc bị tiêu diệt hoặc phải thuần phục quốc gia, quần chúng cách mạng hoặc chết hoặc trở thành người dân quốc gia .
Phương châm, khẩu hiệu là “từng bước, lâu dài nhưng kiên quyết và triệt để, tiêu diệt nội tuyến, diệt trừ nội tâm, đạp lên oán thù để thực hiện chủ nghĩa nhân vị quốc gia, giết lầm còn hơn bỏ sót ”. Trọng tâm của chúng là nhằm vào cán bộ, đảng viên và những vùng kháng chiến cũ, những nơi có phong trào đấu tranh của nhân dân, đánh đi đánh lại nhiều lần tới khi “triệt hạ được uy thế của cộng sản ”.
Từ tháng 5-1955 đến tháng 5- 1956, chiến dịch “tố cộng, diệt cộng ” giai đoạn I được tiến hành, trọng điểm là các tỉnh miền Trung, nội bộ cơ quan nguỵ quyền, đồng thời triệt hạ cơ sở kinh tế của cộng sản và thanh trừng số cán bộ cầu an của chúng ở cơ sở xã .
Ngày 20 - 7-1956, Diệm công khai tuyên bố không thi hành Hiệp định Giơnevơ.
Giai đoạn II tiến hành chiến dịch “tố cộng, diệt cộng ” trên toàn miền Nam, từ tháng 6 -1956 đến tháng 11- 1958 địch thực hiện 4 chiến dịch lớn càn quét các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Trung Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ và khu vực xung quanh Sài Gòn. Trong khi đó tại các chiến trường Cực Nam Trung Bộ địch tiếp tục chiến dịch đi vào chiều sâu, đánh “tận gốc” kết hợp với bắt lính xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố sư đoàn Nùng, tổ chức bảo an, dân vệ, phát triển đạo giáo, mở chiến dịch vận động người Thượng, lập khu dinh điền .
Biện pháp và thủ đoạn địch áp dụng trong các chiến dịch “tố cộng” là bạo lực phản cách mạng kết hợp lừa mị, lấy bạo lực phản cách mạng làm chính .
Lực lượng vũ trang bao gồm quân đội, cảnh sát, bảo an được sử dụng như lực lượng xung kích mở đường, càn quét đánh phá cả ở nông thôn, thành thị và khu căn cứ, lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, triệt hạ xóm làng, tiêu diệt cán bộ cơ sở, yểm trợ và làm lá chắn cho các đoàn tố cộng và bộ máy kềm kẹp ở cơ sở. Địch chia quân đi càn quét khắp nơi, chà đi xát lại nhiều lần xây dựng nhiều đồn bót làm điểm tựa cho bọn tề điệp hoạt động, tăng cường hoạt động thám báo, tận dụng bọn đầu thú, làm chỉ điểm .
Dưới sự yểm trợ của lực lượng vũ trang, bộ máy kìm kẹp, các đoàn tố cộng lưu động cùng mạng lưới tình báo gián điệp, các đoàn công dân vụ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm ” tấn công điên cuồng vào phong trào và cơ sở cách mạng bằng chiến tranh tâm lý, trong đó hình thức khủng bố giữ vai trò chủ yếu nhằm gieo không khí khủng khiếp trong nhân dân, uy hiếp tinh thần cán bộ .
Chúng tập hợp dân, tổ chức các lớp tố cộng, tiến hành phân loại dân, sau khi học tập, địch bắt mọi ngừơi phải tố giác cộng sản, chúng bắt những người bị tố giác hoặc tình nghi viết bản kiểm thảo, kê khai lý lịch, ly khai Đảng, xé cờ Đảng, xé ảnh Bác Hồ, viết cáo trạng tố cáo tộí ác cộng sản.
Tính đến cuối năm 1958, trên toàn miền Nam, Mỹ-Diệm đã giết hại khoảng 68.800 cán bộ, đảng viên, bắt giam 466.000 và tra tấn bị thương tật 680.000 người [40, tr.96].
- Cải cách điền địa [40].
Để giành nông dân với cách mạng, Mỹ - Diệm coi trọng việc cải cách điền địa. Ngay từ tháng 10- 1954 Tổng thống Mỹ Eisenhower đã gởi thư đốc thúc Ngô Đình Diệm làm cải cách điền địa. Lansdale cố vấn của Diệm cũng khuyên Diệm cần tiến hành ngay cải cách điền địa .
Ngày 8-1- 1955, chính quyền Diệm ban hành đạo dụ số 2. Nội dung đạo dụ số 2 khôi phục lại quyền sở hữu ruộng đất cho địa chủ, phủ nhận quyền sở hữu của nông dân đối với ruộng đất do chính quyền cách mạng cấp trong kháng chiến, buộc nông dân làm khế ước, đóng tô cho địa chủ với mức tô từ 15 % đến 25 % so với hoa lợi .
Ngày 8-2-1955 ra đạo dụ số 7 quy định đối với địa chủ vắng mặt, nông dân phải làm “ tờ tá điền” để đóng tô cho chính quyền Diệm .
Cả hai đạo dụ nhằm tranh thủ giai cấp địa chủ bằng cách công nhận quyền sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, công nhận quyền thu tô và cả quyền truy thu tô, đồng thời cũng nhằm tranh thủ nông dân bằng cách hạ mức tô. Địa chủ phấn khởi còn nông dân thì phản đối quyết liệt vì chúng xoá bỏ những quyền lợi to lớn về ruộng đất mà cách mạng đã đem lại .
Ngày 22-10-1956, Diệm đưa ra đạo dụ số 57 truất hữu ruộng đất đối với địa chủ có trên 100 ha. Mỗi chủ điền chỉ được quyền chiếm hữu tối đa 100 ha ruộng lúa, ngoài số đó chính quyền “truất hữu” bằng cách mua lại, trả cho chủ ruộng 10 % tiền mặt, còn 90 % trả bằng trái phiếu trong 12 năm với mức lãi 3 % / năm. Ngoài ra đại địa chủ có quyền giữ thêm 15 ha làm ruộng hương hoả. Những địa chủ nào có đồn điền trồng cây công nghiệp hoặc cây ăn quả thì không bị “truất hữu”. Ruộng “truất hữu” bán lại cho tá điền theo chính sách trả dần để mỗi tá điền có 5 ha ruộng để canh tác. Địch cho đây là chính sách “tư sản hoá địa chủ “ và “tiểu điền chủ hoá tá điền”.
Nói là “truất hữu” ruộng đất của địa chủ nhưng thực tế số địa chủ có trên 100 ha ruộng đất chỉ có 2.055 người, còn đại bộ phận địa chủ chiếm 2/3 đất không bị “truất hữu”. Nói bán cho tá điền mỗi người 5 ha ruộng đất nhưng có đủ ruộng đất đâu mà bán cho hàng triệu tá điền. Thực tế chính quyền Diệm chỉ đem ruộng đất bán cho bọn tay chân, bọn phản động trong xã, số còn lại mới bán cho nông dân.
Bằng cải cách điền địa, chính quyền Diệm không ngớt tuyên truyền lừa gạt nông dân là “bảo vệ quyền lợi tá điền”, “hữu sản hoá nông dân ”, “đem lại cho đồng quê một đời sống mới”. Thực tế là nông dân miền Nam bị tước đoạt ruộng đất mà cách mạng đã chia cho họ và người nông dân lại bị buộc đi làm thuê cho địa chủ, địa chủ lại chiếm hữu ruộng đất bóc lột tô tức, điều đã bị cách mạng xoá bỏ mà chính quyền Diệm khôi phục lại.
Rõ ràng cải cách điền địa của chính quyền Diệm là một chính sách phản động, một thủ đoạn thâm độc nhằm cướp đoạt quyền lợi ruộng đất của nông dân đã giành được trong cách mạng và kháng chiến, xoá bỏ ảnh hưởng của cách mạng trong nông dân, khôi phục và duy trì chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ và nhân viên chính quyền, hợp thức hoá việc thu tô, truy thu tô, thuế, gây ra sự xáo canh ruộng đất gây chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ nông dân.
Nhật ký Lầu Năm góc đã đánh giá:”Ngay về lý thuyết, toàn bộ chương trình cải cách của Diệm càng kém xa với những gì Việt Minh đã làm về cải cách ruộng đất ”.
- Khu dinh điền [40].
Mục đích chính sách lập khu dinh điền của Ngô Đình Diệm là để giải quyết vấn đề định cư cho dân di cư từ miền Bắc và khi tiến hành cưởng ép di cư Mỹ- Diệm thừơng rêu rao miền Bắc không có tự do và đưa dân Công giáo di cư vào làm cơ sở chính trị xã hội cho mình, nhưng việc ấy đã gây cho Mỹ -Diệm rất nhiều khó khăn vì số dân di cư quá lớn (860.000 người ) .
Tháng 4-1957, Mỹ- Diệm bắt đầu thực hiện chính sách “khu dinh điền”. Tổng uỷ Phủ di cư được giải tán và Tổng uỷ Phủ dinh điền thành lập. Tất cả phương tiện và nhân viên thuộc chương trình di cư được chuyển sang cho dinh điền sử dụng
Tổ chức bộ máy hành chính của dinh điền gồm: Tổng uỷ phủ đứng đầu là Tổng uỷ trưởng (ngang bộ trưởng) dưới là các vùng hoặc các dinh điền do một quản đốc vùng hay khu trưởng phụ trách, dưới nữa là trưởng trại dinh điền. Ở Tổng uỷ phủ dinh điền có các nha: Kỹ thuật, tài chính, định cư, chịu trách nhiệm điều hành và vạch kế hoạch hành động. Tại các vùng hoặc khu dinh điền có các nhân viên phụ tá các mặt giúp khu trưởng điều hành công việc. Chúng còn lập ra các ban trị sự “địa điểm” do “địa điểm trưởng ” điều hành và các nhân viên giúp việc ở những địa điểm cụ thể .
Một khu dinh điền được tổ chức thành nhiều liên gia. Một liên gia gồm từ 5 đến 7 gia đình. Liên gia trưởng chịu trách nhiệm điều động và kiểm soát những gia đình trong liên gia mình. Những phần tử “chống đối” hay bị tình nghi có liên quan đến cộng sản đều bị theo dõi, bị bắt giam giữ, tra tấn và thậm chí bị trục xuất ra khỏi liên gia. Mọi người ra hay vào địa điểm dinh điền phải được phép và chịu sự kiểm tra của nhân viên dinh điền. Thanh niên trong các khu dinh điền đều bắt buộc phải luyện tập quân sự và sẵn sàng tham gia quân dịch khi có lệnh.
Thông thường dân về khu dinh điền đi theo xứ đạo, họ đạo. Ví dụ như khu dinh điền Hố Nai là dân di cư Công giáo xứ Bùi Chu. Khu dinh điền Mường Mán ( Bình Thuận) là dân di cư thuộc các xứ đạo Thọ Ninh và Đông Tràng (đều thuộc hạt Nghĩa Yên địa phận Vinh trước đây ).
Vào khu dinh điền, mỗi hộ gia đình được cấp đất, cấp cây gỗ, tranh tre, sau lại có tôn để làm nhà trên đất được phân phối theo một quy hoạch nhất định. Chính quyền trợ cấp cho dân nhiều tháng để tiến lên sản xuất tự túc. Các gia đình được cho vay tiền để mua sắm dụng cụ, mua hạt giống, phân bón để tiến hành sản xuất và chi tiêu hàng ngày. Tuy vậy, chính quyền Mỹ- Diệm không thể thoã mãn được các yêu cầu của dân di cư bỏ đất miền Bắc để vào “thiên đường miền Nam ”.
Thực hiện chính sách dinh điền, chính quyền Mỹ Diệm cũng nhằm mục đích diệt cộng, Diệm - Nhu xác định: ”Khu dinh điền là biện pháp xẻ đường đưa dân vào chiến khu, mật khu Việt cộng, dùng dân để đẩy cộng sản ra khỏi vùng đó và dinh điền là nơi cung cấp tin tình báo, nơi xuất phát để hành quân ngăn chặn xâm nhập ”.
Từ năm 1957 đến 1960 , Mỹ- Diệm đã tổ chức xây dựng được 146 địa điểm dinh điền tập trung gần 20 vạn nông dân di cư. Các vùng dinh điền được thiết lập ở Tây Nguyên dọc theo biên giới Việt-Lào, Việt - Campuchia, vùng cao nguyên xung quanh Buôn Mê Thuột, vùng đồi núi cao nguyên dọc quốc lộ 14, 20, 13, vùng đồi núi phía Tây của tỉnh Bình Thuận .
Các khu dinh điền đều nằm ở các vùng chiến lược, nằm dọc các con đường giao thông tạo thành “hàng rào thịt” bảo vệ các con đường giao thông huyết mạch, hoặc tổ chức ngay trung tâm các căn cứ, các chiến khu trước đây của cách mạng. Đây là vùng “rừng thiêng, nước độc ” nên gây bất mãn lớn trong đồng bào di cư .
Lập các khu dinh điền Tây Nguyên chính quyền địch còn ép đồng bào các dân tộc phải nhường nương vườn cho dân di cư và dân di cư được thể chính quyền binh vực mình, tiến hành ăn hiếp người dân tộc nên gây ra sự chống đối lớn của đồng bào các dân tộc. Nhật ký Lầu Năm góc có ghi :”Chúng cũng nhanh chóng gây ra những phản ứng chính trị bất ngờ của những người dân vùng núi Tây Nguyên. Rút cục lại, do đưa người Kinh vào những vùng xưa nay vẫn là của người Thượng, và do tập trung người Thượng vào các khu có thể thể bảo vệ được, Chính phủ Nam Việt Nam đã tạo cho họ lý do để đấu tranh và hướng nổi bất bình của họ chĩa vào Diệm. Do vậy, chính phủ Nam Việt Nam đã tạo điều kiện chứ không phải ngăn chặn để sau này Việt cộng hoạt động lật đổ trong các bộ lạc ”.
Chính sách dinh điền đã gặp phải sự chống đối của nhân dân các vùng, nhất là nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và cũng chuốc lấy các sự bất mãn của đồng bào di cư. Tuy nhiên nó cũng giải quyết được những khó khăn về kinh tế chính trị cho gần một triệu người dân di cư miền Bắc .
- Khu trù mật
Mỹ -Diệm chủ trương xây dựng ”khu trù mật” là để xây dựng các khu dân cư trong đó ngừơi dân có cuộc sống vật chất và văn hóa cao trên cơ sở một nền kinh tế trù phú và một nếp sống dân chủ xã hội tốt đẹp. Mục đích là tạo sức hấp dẫn đối với người dân xưa nay “sống nghèo khô’” và “mất tự do” ở các vùng căn cứ kháng chiến. Đây cũng là sự thi đua kinh tế và chính trị đối với cách mạng. Ngày 14/03/1960, khi làm lễ khánh thành khu trù mật Vị Thanh- Hoả Lưu Ngô Đình Diệm đã tuyên bố: ”ý nghĩa của khu trù mật là xây dựng một xã hội mới để thực thi công bằng, bác ái , đồng tiến xã hội trong một nước kém mở mang” [3, tr.362-363].
Tuy vậy, bên cạnh tham vọng ấy chính quyền Mỹ - Diệm cũng vẫn nhằm mục đích khác là “diệt cộng ”. Báo Cách mạng quốc gia Sài Gòn số 18-2-1960 tiết lộ mục đích đen tối của khu trù mật là “tách quần chúng ra khỏi những phần tử cảm tình với cộng sản, lùa cộng sản vào rừng rồi bị diệt trừ ” [36, tr.23].
Toàn miền Nam, Mỹ- Diệm đặt kế hoạch lập trước 80 khu trù mật “xong khu trù mật nầy tiến tới khu trù mật khác, cứ làm, làm mãi cho đến khi nào nông thôn trở nên những pháo đài kiên cố của tự do ”[36, tr.23].
Đến năm 1960, địch lập được 42 khu trù mật trên toàn miền Nam. Nói chung các khu trù mật đều lập trong những vùng căn cứ kháng chiến để làm tủ kính mà thu hút người dân cách mạng.
Trong quá trình lập khu trù mật, ruộng đất của nhân dân bị cướp không, chúng bắt dân lao động vất vả nặng nề mà ăn uống phải tự túc. Ngoài ra bọn bảo an, dân vệ tổ chức càn quét, cướp của, giết người ở các vùng lân cận, gây nhũng nhiễu tai vạ cho nhiều gia đình, nhất là các gia đình cách mạng [40].
Chỉ có Ngô Đình Diệm là hết lời ca tụng ý nghĩa tốt đẹp của khu trù mật là xây dựng một xã hội thực thi công bằng và bác ái. Nhưng tờ Đại Việt xuất bản ở Pháp ( 3- 1960 ) viết :”Chỉ có ông Ngô Đình Diệm là hả lòng, hả dạ mỗi khi khánh thành khu trù mật, chớ các tỉnh trưởng, họ đều hiểu rõ sự thực hơn. Họ lấy làm lo sợ sự oán giận của nhân dân. Họ vừa họp lại, báo cáo cho bộ trưởng Lâm Lễ Trinh rằng khu trù mật là thất nhân tâm”.
Do sự mất nhân tâm gây oán hờn và sự chống đối của nhân dân, hầu hết các khu trù mật đều bị phá vào năm 1960 trong phong trào Đồng khởi của nhân dân .
Đánh giá bốn quốc sách của Ngô Đình Diệm, sứ quán Mỹ tháng 1- 1960 nhận xét : ”Tuy Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đáp ứng nhu cầu kinh tế và xã hội của nông thôn, song những chương trình này hình như chỉ phần nào gây được sự ủng hộ của Chính phủ trong thực tế chúng đã đem lại sự căm thù ở nhiều trường hợp. Chúng ta có thể tóm tắt tình hình như thế nầy: Chính phủ đối xử với dân chúng với thái độ nghi ngờ và doạ nạt, và đã được đền đáp bằng một sự thờ ơ và lòng căm thù ”[40].
Ở một đoạn khác Nhật ký Lầu năm góc lại ghi :”Ngô Đình Diệm cũng không lãnh đạo được dân chúng ở thành phố hoặc giới trí thức ”.
Như vậy là sử dụng chính quyền mạnh do Mỹ dựng lên và cả một bộ máy quân sự, chính trị, cảnh sát, gián điệp đồ sộ, với vũ khí và tiền bạc của Mỹ, Mỹ- Diệm đã thực thi bốn quốc sách lớn hòng thu phục nhân dân miền Nam theo chính sách thực dân kiểu mới của Mỹ. Nhưng các quốc sách của Mỹ - Diệm thực tế đem lại oán hận và lòng căm thù của nhân dân và đều đã thất bại thảm hại .
1.2.3.Chủ trương của Đảng và cao trào “Đồng khởi”
Năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, với luật 10/59, Mỹ- Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam ra sức tiêu diệt lực lượng cách mạng. Đảng đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn, mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân được giữ vững và phát triển các cơ sở cách mạng. Đảng kiên trì lãnh đạo và xây dựng khối đoàn kết toàn dân đấu tranh chống Mỹ - nguỵ.
Chính sách nô dịch và gây chiến của đế quốc Mỹ, hành động khủng bố và bán nước của Ngô Đình Diệm đã làm cho đời sống của các tầng lớp nhân dân miền Nam vô cùng cực khổ. Nhân dân ngày càng thấy rõ không thể nào sống dưới chế độ Mỹ - Diệm được nữa mà chỉ còn một con đường vùng lên đấu tranh một mất một còn với chúng.
Trước tình hình đó, tháng 1-1959 , Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 15 ( mở rộng ) ra nghị quyết : “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh để giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước ”[40],[45].
Nghị quyết xác định :”Chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, chế độ thực dân và nửa phong kiến ở miền Nam là một chế độ phản động tàn bạo và đen tối. Chính quyền miền Nam hiện nay là một chính quyền phản bội lợí ích dân tộc, nó đại biểu cho lợí ích của đế quốc Mỹ, của bọn phong kiến và tư sản mại bản phản động nhất thân Mỹ ở miền Nam. Chính quyền đó là một chính quyền độc tài hiếu chiến. Nó là công cụ xâm lược của đế quốc Mỹ ”.
Hội nghị xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Nghị quyết xác định phương hướng của cách mạng miền Nam là “khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ”. Vạch ra con đường cho cách mạng miền Nam là: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân ”[31],[45].
Nghị quyết còn thấy rõ chiều hướng phát triển của cách mạng miền Nam là cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam có khả năng chuyển thành một cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ .
Nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ 15 là một nghị quyết lịch sử rất quan trọng tạo nên bước chuyển biến lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước ta, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào hai miền Nam, Bắc : giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng đã góp phần hoàn chỉnh đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam. Nghị quyết phản ảnh sâu sắc nguyện vọng của nhân dân miền Nam cũng như nhân dân cả nước. Nó soi sáng con đường đi tới của cách mạng miền Nam và trực tiếp dẫn tới phong trào Đồng khời, tiến công mạnh mẽ và dồn dập vào đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai .
Dưới ánh sáng Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng, khối đoàn kết toàn dân ở miền Nam được củng cố chặt chẽ hơn, và cuối năm 1959 đầu năm 1960, nhân dân ta ở miền Nam đã vùng lên khởi nghĩa đồng loạt giành nhiều thắng lợi to lớn .
Từ cuối năm 1959 đến đầu 1960, ở Trị Thiên - Huế, các tổ chức vũ trang tự vệ của nhân dân đã đánh trả địch, vây đồn diệt ác ôn, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đấu tranh chính trị như ở làng Dút, sông Axép, Tam Dừa ( Thừa Thiên ), Truồi Muồi (Quảng Trị ). Đến tháng 10 -1960, quân dân miền núi Trị Thiên -Huế đã nổi dậy giải phóng vùng núi Thừa Thiên và 15 xã ven đường số 9 ( Quảng Trị ) hình thành một vùng giải phóng rộng lớn đến biên giới Việt -Lào. Đường hành lang chiến lược Bắc - Nam qua Trị Thiên - Huế được thông thương .
Đầu năm 1959, lãnh đạo liên khu V về đến chiến trường, phổ biến nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng bào các dân tộc miền núi đã hăng hái hưởng ứng, nhiều thanh niên đồng bằng đã thoát ly lên căn cứ tình nguyện chiến đấu.
Ngày 3 tháng 3 -1959, đơn vị vũ trang đầu tiên của Quảng Ngãi thành lập tại thôn Nước Xoay- Cà Nung, xã Trà Thọ, huyện Trà Bồng, lấy tên là đơn vị 339 [8, tr.64].Tiếp đó, hai đơn vị vũ trang cũng được thành lập tại huyện Sơn Hà, Ba Tơ và Minh Long lấy tên là đơn vị 89 và 229.
Ngày 28-8-1959, nhân dân các xã thuộc huyện Trà Bồng có sự tham gia của lực lượng vũ trang đã tấn công tiêu diệt bọn ác ôn cưởng bức nhân dân đi bỏ phiếu. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đến chiều quân ta làm chủ các xã trên toàn huyện Trà Bồng, quân địch chỉ còn cố thủ trong đồn Eo Reo, Eo Chim và quận lỵ.
Ngày 31-8 và 1-9-1959, ta đánh chiếm đồn Eo Reo và Eo Chim, toàn bộ huyện Trà Bồng được giải phóng trừ quận lỵ.
Hưởng ứng Trà Bồng, nhân dân các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long cũng lần lượt nổi dậy. Tại các vùng thấp, các nhóm vũ trang, các đội vũ trang tuyên truyền mở rộng hoạt động diệt ác trừ gian, đánh chiếm các trụ sở chính quyền, phá kìm kẹp. Ở các xã Sơn Hạ, Sơn Thành, Sơn Rinh, Trường Giang các uỷ ban tự quản trước đây bí mật thành lập, nay ra hoạt động công khai .
Như vậy, trong một tuần lễ, nhân dân ba huyện Sơn Hà, Ba Tơ và Minh Long đã giành quyền làm chủ vùng cao Sơn Hà và 20 xã của hai huyện Ba Tơ và Minh Long .
Ngày 1-1-1960, một hội nghị đặc biệt tại ấp Tân Huề, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày ( Bến Tre). Đồng chí Nguyễn Thị Định, phó Bí thư Tỉnh uỷ truyền đạt tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 và chủ trương cụ thể của Khu uỷ cho các Tỉnh uỷ viên và Bí thư Huyện uỷ các huyện Mỏ cày, Ba Cầu, Bảy Tranh, Minh Tân.
Hội nghị chủ trương phát động “Một tuần lễ toàn dân đồng khởi” [40], lấy huyện Mỏ Cày làm trọng điểm, ba xã Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh đột phá đi đầu, thúc đẩy phong trào.
Ngày 17-1-1960, cuộc Đồng khởi của nhân dân Bến Tre nổ ra ở cả ba xã Định Thuỷ, Phước Hiệp và Bình Khánh. Nhân dân vũ trang giáo mác, được sự hổ trợ của tiểu đoàn 502 đã tràn ra khắp các ngả đường, lùng bắt tề điệp, ác ôn, chiếm công sở, giải tán tề xã, thu nhiều súng đạn.
Đến ngày 20-1-1960, ba xã điểm hoàn toàn thắng lợi. Phong trào khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng trên toàn tỉnh Bến Tre
Từ ngày 17-1 đền ngàty 24-1-1960, 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú nhân dân đã nhất tề nổi dậy. 22 xã đã đập tan bộ máy kìm kẹp, giải phóng hoàn toàn. 25 xã khác đã vùng lên diệt ác , vây đồn , giải phóng nhiều ấp.
Đồng khởi Bến Tre đã bùng lên mạnh mẽ bằng nhiều đợt. Cuối năm 1960, trong 115 xã ở tỉnh Bến Tre đã có 51 xã giải phóng hoàn toàn, 21 xã được giải phóng một phần. Nhân dân làm chủ 300 ấp / 500 ấp. Hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn bị đập tan nát.
Sau thắng lợi của Bến Tre, phong trào Đồng khởi lan rộng khắp các tỉnh miền Trung Nam Bộ. Từ Long An, Kiến Tường, Định Tường, An Giang nhân dân đã vùng lên khởi nghĩa, diệt ác trừ gian, nhiều vùng nông thôn được giải phóng.
Tháng 3-1959, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ uỷ nhận được điện thông báo của Ban Bí thư Trung ương về Nghị quyết 15, kết hợp với hai Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một và Tây Ninh chuẩn bị phương án tấn công địch. Thường vụ Xứ uỷ quyết định thực hiện phương án đánh Tua Hai với lý do thắng Tua Hai có tác động thúc đẩy phong trào cách mạng của toàn miền Nam và làm chấn động tinh thần quân địch mạnh mẽ hơn, quyết tâm đánh một đòn chiến lược làm rung chuyển chiến trường và thúc đẩy phong trào nổi dậy khởi nghĩa trên toàn miền Nam.
Căn cứ Tua Hai được xây dựng trên một khoảng đất rộng tại Trảng Sụp nằm ở phía Đông quốc lộ 22 (từ Gò Dầu đi Xa Mát ) cách thị xã Tây Ninh 7 Km về phía Bắc (hiện nay là xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, Tây Ninh ). Đây là căn cứ quân sự lớn cấp trung đoàn nhưng không có công sự kiên cố, chưa có hàng rào. Trong căn cứ ta có lực lượng mật, có cả một chi bộ và một chi đoàn.
Lực lượng của ta tấn công gồm có 1 đại đội đặc công, 3 đại đội, 1 trung đội và 1 tiểu đội bộ binh, quân số 225 người . Lực lượng dân công tham gia khoãng 300 gồm chủ yếu là Đảng viên. Ban chỉ huy gồm có chỉ huy trưởng Nguyễn Hữu Xuyến, chính trị viên Mai Chí Thọ và chỉ huy phó Võ Cương và Lê Thanh.
Đúng 00 giờ 45 phút ngày 26- 01-1960 ta bắt đầu tấn công căn cứ Tua Hai [64].
Kết quả là ta tiêu diệt sở chỉ huy Trung đoàn 32 Sư đoàn 21 nguỵ, diệt và làm tan rã Tiểu đoàn 1 và 2, diệt đại đội pháo, chi đoàn thiết giáp, bắt giáo dục tại chổ và thả 500 tù binh. Ta thu gần 1.000 súng các loại, thu nhiều đạn, phá huỷ một số xe quân sự. Lực lượng ta hy sinh 7 đồng chí [71].
Trận Tua Hai là trận thắng lớn tạo ra bước ngoặc chuyển thế từ giữ gìn lực lượng sang thế tiến công đánh bại quân thù và cũng là trận thắng giòn giã đầu tiên của chiến tranh cách mạng Việt Nam đánh lại chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ.
Từ sau chiến thắng Tua Hai, khắp miền Nam đồng loạt vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền tạo nên phong trào Đồng khởi bùng nổ khắp nới từ Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ đến Tây Nam Bộ.
Tình báo Mỹ ở Sài Gòn thừa nhận :”Vào cuối năm 1960, toàn bộ vùng nông thôn Nam và Tây Nam Sài Gòn và một số vùng Bắc Sài Gòn đã bị cộng sản kiểm soát quá một nửa…” [78].
Phong trào Đồng khởi ở miền Nam đã phá vỡ từng mãng lớn hệ thống kìm kẹp của Mỹ - Diệm ở nông thôn, giành quyền làm chủ dưới hình thức tự quản, giải quyết những quyền lợi dân sinh, dân chủ của nhân dân .
Lực lượng chính trị của quần chúng đã đóng vai trò chủ yếu trong cao trào Đồng khởi và cũng là lực lượng phát huy tác dụng to lớn trong việc giữ vững và phát triển thắng lợi đã giành được. Khí thế của quần chúng trong Đồng khởi lên rất cao, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng phát triển nhanh . Các đoàn thể cách mạng của nông dân, thanh niên, phụ nữ, phát triển mạnh lại làm cơ sở cho việc phát triển các đội quân chính trị đấu tranh chống địch càn quét, khủng bố. Lực lượng chính trị phát triển làm cơ sở hình thành và phát triển lực lượng vũ trang tập trung ở tỉnh, huyện và dân quân du kích ở thôn, xã mà ở đâu cũng có sau cao trào Đồng khởi. Hai lực lượng chính trị và vũ trang đã kết hợp một cách hữu cơ trong đấu tranh chống địch .
Cao trào Đồng khởi làm cho phần lớn nguỵ quyền cấp thôn, xã ở vùng đồng bằng Nam Bộ tan vỡ. Đến cuối năm 1961,Trung Nam Bộ đã giải phóng được 350 / 480 xã, Tây Nam Bộ đã giải phóng 350 / 365 xã, Tây Nguyên, vùng giải phóng có tới 4.000 làng bản. Từ Nam sông Bến Hải đến Tây Nguyên cùng các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ, vùng giải phóng đã nối liền nhau thành một khối thống nhất .
Điểm nổi bật và sáng tạo của phong trào Đồng khởi ở miền Nam là trong sự khủng bố man rợ của kẽ thù, cách mạng bị tổn thất nặng nề, tựa hồ khó có thể gượng lại được, Đảng luôn tìm cách để nuôi dưỡng, giáo dục và xây dựng khối đoàn kết toàn dân, biết dựa vào dân, phát động và khơi sâu lòng căm thù, nuôi dưỡng lòng dũng cảm, thổi bùng ngọn lửa quật khởi trong toàn dân thành cao trào nổi dậy khắp nông thôn miền Nam, phá vỡ ách kìm kẹp của địch, mở ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam .
Đồng khởi mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng miền Nam, thời kỳ toàn dân tiến công liên tục và mạnh mẽ vào các chiến lược và chiến thuật của Mỹ - nguỵ. Cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị, giữ gìn lực lượng là chủ yếu sang kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự nhằm tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch, phát triển lực lượng của ta, tạo ra tiền đề, những nhân tố cơ bản bảo đảm cho cách mạng miền Nam từng bước tiến lên .
Trong khí thế chiến thắng của phong trào Đồng khởi, tại Hà Nội, từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tổ chức trọng thể. Trong lời khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Đại hội lần nầy là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Báo cáo chính trị chỉ rõ rằng: cách mạng Việt Nam trong giai đoạn nầy có hai nhiệm vụ, một là, tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, hai là, tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ cách mạng nầy thuộc hai chiến lược cách mạng và mỗi nhiệm vụ nhằm giải quyết những mâu thuẫn chủ yếu ở mỗi miền. Song cả hai nhiệm vụ đó đều nhằm giải quyết mâu thuẫn chung của cách mạng Việt Nam và cùng nhằm một mục tiêu chung là giành lại độc lập và thống nhất Tổ quốc. Hai nhiệm vụ nầy có quan hệ mật thiết và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau [50].
Đại hội xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Đại hội xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: ”đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện đôc lập dân tộc, các quyền tự do dân chủ cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới” [38].
Trong không khí sôi nổi và chiến thắng của cao trào Đồng khởi, dưới ánh sáng của Nghị quyết 15 và Đại hội III của Đảng, nhân dân miền Nam tiến lên giành thắng lợi mới. Tăng cường đoàn kết, phát huy truyền thống chiến đấu anh dũng của dân tộc, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
1.3.Mặt trận DTGPMNVN ra đời
Từ năm 1957, Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới đã xác định một đường lối đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc là thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất chống chủ nghĩa đế quốc và phong kiến, bao gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tư sản dân tộc và các lực lượng dân chủ, yêu nước khác. Mấy năm sau đó, quá trình đấu tranh quyết liệt của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc đã đưa đến kết quả là hàng loạt quốc gia mới có chủ quyền xuất hiện. Nhưng bọn đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, cố sức cướp lại những thuộc địa đã mất bằng cách tròng ách chủ nghĩa thực dân mới vào các dân tộc mới giành được độc lập [7, tr.9-10].
Trước âm mưu xâm lược miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Với âm mưu thâm độc và tàn bạo của gia đình trị Diệm – Nhu. Hội nghị 15 Trung ương Đảng chủ trương thành lập ở miền Nam một mặt trận riêng, nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc, phong kiến. Mặt trận dân tộc thống nhất miền Nam phải rất rộng rãi: “Đoàn kết tất cả các dân tộc đa số và thiểu số, các đảng phái, các tôn giáo và những cá nhân yêu nước, đoàn kết với ngọai kiều, đặc biệt là Hoa kiều, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo, chính kiến, điều cốt yếu là chống Mỹ- Diệm, tán thành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hòa bình thống nhất Việt Nam ”. Trung ương thấy rằng hiện nay khuynh hướng hòa bình, trung lập đang bắt đầu nảy nở trong một số tư sản dân tộc và trí thức lớp trên ở miền Nam, nên Đảng phải tranh thủ và sử dụng khuynh hướng ấy để mở rộng Mặt trận đoàn kết chống Mỹ - Diệm [75, tr.288-289].
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, hồi 8 giờ tối ngày 19-12-1960, đại biểu các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và các đảng phái đã họp Đại hội tại Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Châu Thành, Tây Ninh.
Lúc 1 giờ sáng ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức thành lập, Mặt trận đề ra tuyên ngôn và chương trình hành động mười điểm ( xem phụ lục IV ) [34], [51].
Nội dung của chương trình nêu rõ: đế quốc Mỹ và bọn bán nước lập nên một chế độ chính trị độc tài tàn ác nhất chưa từng có trong lịch sử nước ta. Hơn sáu năm qua, chế độ độc tài, tàn bạo của Mỹ-Diệm đã gây ra biết bao tội ác đối với đồng bào miền Nam. Trong hoàn cảnh đó “ Vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc, quyết phấn đấu đến cùng cho những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thuận theo trào lưu tiến bộ của thế giới. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời .
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam Việt Nam không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, thực hiện độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hoà bình trung lập ở miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc ”[18, tr.958-962].
Chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận DTGPMNVN vạch ra cho các thành viên trong mặt trận cùng nhau đoàn kết phấn đấu .
Đại hội kêu gọi:
“Hỡi toàn thể đồng bào!
Hỡi tất cả những người yêu nước !
Dân tộc ta đã tranh đấu gần một trăm năm và kháng chiến 9 năm, đã hy sinh biết bao xương máu, quyết không thể trở lại cuộc đời nô lệ !
Vì hoà bình, độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì vận mạng của dân tộc, vì đời sống của chúng ta, vì tương lai của ta và con cháu ta .
Tất cả hãy đứng lên !
Tất cả hãy đoàn kết lại !
Hãy xiết chặt hàng ngũ, tiến lên chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để đánh đổ ách thống trị tàn ác của đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm để cứu nước, cứu nhà ”[18].
Cương lĩnh và mười chính sách đối nội, đối ngoại của Mặt trận thể hiện những mong muốn tha thiết của mọi tầng lớp nhân dân, là hoà bình, độc lập, dân chủ, cơm no áo ấm, thống nhất Tổ quốc đã được sự hưởng ứng rộng rãi ở trong nước và sớm có tiếng vang trên trường quốc tế. Cương lĩnh của Mặt trận đã thu hút được sự đồng tình của đông đảo các lực lượng yêu chuộng tự do, công lý trong nước và trên thế giới kể cả người Mỹ tiến bộ và những người “không thích cộng sản”.
Đại hội đã bầu ra Uỷ ban trung ương Mặt trận lâm thời gồm nhiều nhân vật tiêu biểu, đứng đầu là các vị Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát và Võ Chí Công .
Mặt trận quyết định chọn cờ nửa xanh, nửa đỏ giữa có ngôi sao vàng 5 cánh làm cờ của Mặt trận, chọn bài “Giải phóng miền Nam” của Huỳnh Minh Siêng làm bài ca chính thức của Mặt trận [51].
Chương trình và tuyên ngôn của Mặt trận đã được tiếp đón một cách nồng nhiệt ở khắp miền Nam, đã gây nên một không khí nhộn nhịp phấn khởi trong đồng bào khắp nơi. Suốt tuần lễ đầu tháng giêng 1961, thành phố Sài Gòn - Gia Định và khắp các tỉnh thành miền Nam tràn ngập hàng triệu tờ truyền đơn in chương trình và cờ Mặt trận. Các xí nghiệp, trường học, trại lính, công sở, rạp hát, chợ búa, đâu đâu nhân dân cũng xôn xao bàn tán về Mặt trận [21].
Ở Tây Ninh, ngày 21-12-1960, một cuộc mít tinh lớn, có 2000 đồng bào tín đồ Cao Đài, binh sĩ và cựu sĩ quan nguỵ tham gia hoan nghênh Mặt trận ra đời, mọi người hứa sẵn sàng đứng trong hàng ngũ Mặt trận.
Ngày 2-1-1961, khắp nội ngoại thành Sài Gòn- Gia Định, đồng bào bãi công, bãi thị, tham gia mít-tin hoan nghênh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.
Tỉnh Sa Đéc, chỉ trong đêm 5-1-1961, có 17 cuộc mít tinh chào mừng Mặt trận, có khoảng 5000 người tham gia.
Tỉnh Bến Tre mở đại hội đại biểu các tầng lớp quần chúng để thành lập Mặt trận tỉnh, buổi lễ ra mắt có đến 10.000 người tham dự, có đầy đủ đại biểu từ nông thôn đến thành thị. Buổi lễ tổ chức cách thị trấn Ba Tri khoảng 5 kilômet, có đèn điện, có cờ Mặt trận tung bay làm xúc động lòng người .
Từ Trị Thiên đến Bình Thuận, đâu đâu cũng nổ ra những cuộc mít tinh lớn nhỏ nhiệt liệt hoan nghênh Mặt trận, hoan nghênh bản tuyên ngôn và chương trình 10 điểm của Mặt trận. Sau khi Mặt trận ra đời, các địa phương đều thành lập ủy ban Mặt trận từ tỉnh đến quận , xã.
Đánh giá về sự kiện lớn nầy, Bác Hồ đã nói :”Một mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ rộng rãi là một lực lượng tất thắng. Hiện nay trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ- Diệm, đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận Dân tộc giải phóng ” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà ”[18].
ïœ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét