27/7/11

Luận văn : Vai trò của Mặt trận DTGPMNVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ- P5


KẾT LUẬN

Muốn đánh đổ kẻ thù, muốn thực hiện những nguyện vọng cơ bản của đông đảo nhân dân thì con đường duy nhất phải là con đường đấu tranh cách mạng. Vũ khí cách mạng của cuộc đấu tranh hoàn toàn giải phóng dân tộc là mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kế tục và hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc của toàn dân Việt Nam đã tiến hành nhiều năm trước đó. Mặt trận kế thừa những kinh nghiệm của quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam và vận dụng một cách sáng tạo vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam. Mặt trận đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, vạch trần thực chất của chính sách thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, cổ vũ và tập hợp mọi lực lượng dân tộc, kiên quyết đập tan ách thống trị của đế quốc Mỹ cướp nước và bọn tay sai bán nước [41].
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời theo chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng Lao động Việt Nam.  Sự ra đời của Mặt trận thể hiện bãn lĩnh và khôn khéo của Đảng Lao động Việt Nam. Ngọn cờ Mặt trận “độc lập, dân chủ , hòa bình, trung lập tiến tới thống nhất đất nước” đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân có tinh thần dân tộc, có tinh thần chống Mỹ, cả những người cộng sản và những người “không thích cộng sản” [5] đều gia nhập Mặt trận.  Việc hình thành Mặt trận, giương cao ngọn cờ dân tộc thể hiện bản lĩnh chính trị  của Đảng lãnh đạo trong giai đọan gian nan nhất của đất nước: kiên định đường lối chính trị, đồng thời rất mềm dẻo trong sách lược. Vì thế, đã đánh thắng được kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội về quân sự.
Mặt trận là người tổ chức và lãnh đạo của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ và tay sai. Từ 1960 đến 1968, Mặt trận đã có nhiều đóng góp cho cách mạng miền Nam:
1. Về chính trị, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng đã từng bước xây dựng chính quyền cách mạng từ không đến có, hệ thống ủy ban Mặt trận từ Trung ương đến khu, tỉnh, huyện, xã.  Và đến khi đầy đủ điều kiện thì thành lập chính quyền cách mạng. Và từ sau đại hội lần thứ nhất của Mặt trận “Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng thực sự là một chính phủ ở miền Nam, song song tồn tại với chính quyền Sài Gòn” [18].
Các đoàn thể trong Mặt trận tổ chức được hàng triệu hội viên, đông nhất là Hội Nông dân giải phóng, Hội Thanh niên giải phóng, Hội Phụ nữ giải phóng… Mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, hơn hai mươi tổ chức chính trị và tôn giáo. Từ đầu năm 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình ra đời và tuyên bố đoàn kết chặt chẽ với Mặt trận Dân tộc giải phóng.
Trên thực tế thì từ 1960-1968, Mặt trận Dân tộc giải phóng chính là chính quyền cách mạng, bởi vì các cấp của nó từ trung ương đến xã quản lý một vùng giải phóng rộng lớn, có nhiều triệu dân, nhân dân theo lệnh của Mặt trận, làng xã nào cũng có uỷ ban tự quản, uỷ ban Mặt trận để giải qưyết mọi công việc của nhà nước như chia ruộng đất, xử kiện tụng, thu góp tài chính, động viên thanh niên tham gia  Giải phóng quân hay đi làm dân công phục vụ chiến trường, phục vụ công tác xã hội. Mặt trận “có dân, có đất và có lực lượng vũ trang. Mặt trận có trách nhiệm phải giữ đất bảo vệ dân, Mặt trận làm chức năng chính quyền. Trong những vùng giải phóng, Mặt trận là một uy tín chính trị có tổ chức, là chính phủ có hiệu lực, là một tổ chức chính quyền quản lý một phần lớn đất đai ở miền Nam được giải phóng” [45, tr.55].
Mặt trận còn là người xây dựng vùng giải phóng, quản lý, tổ chức sản xuất và các họat động văn hóa, y tế, giáo dục trong vùng giải phóng. Đến năm 1968, vùng giải phóng rộng bốn phần năm đất đai, gồm hai phần ba số dân miền Nam Việt Nam. Mặt trận đã cấp 1.600.000 ha ruộng vườn cho nông dân. Mặc dù Mỹ nguỵ đánh phá dữ dội và liên tục nhưng diện tích và sản lượng của ruộng đất vùng giải phóng tăng liên tục, phong trào thi đua sản xuất đóng góp cho kháng chiến được đẩy mạnh.
Mặt trận Dân tộc giải phóng đã tổ chức và lãnh đạo các phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam. Từ khi thành lập đến năm 1968 “đã huy động được 140 triệu lượt người tham gia, 467.000 binh sĩ nguỵ đào ngũ, rã ngũ do binh vận của nhân dân” [26]. Các hình thức đấu tranh chính trị vô cùng phong phú, phong trào đấu tranh của công nhân, tiểu thương, sinh viên học sinh nổ ra liên tục. Nông dân kết hợp với du kích ngăn chận các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Việc kết hợp “hai chân, ba mũi”, đấu tranh trên cả ba vùng chiến lược là nét sáng tạo của cách mạng miền Nam trong những năm chống Mỹ.
Ấp chiến lược là “xương sống” của các chiến lược chiến tranh của Mỹ, Mỹ dự định xây dựng 16.000 ấp chiến lược trên toàn miền Nam, nhưng đến tháng 1-1968 Mỹ- nguỵ chỉ còn độ 2.300 ấp chiến lược, chủ yếu là ở quanh các căn cứ quân sự và dọc trục lộ giao thông, trong tết Mậu Thân, một phần trong số 2.300 ấp chiến lược lại bị phá.
2. Về ngoại giao, có lẽ đây là họat động tích cực nhất của Mặt trận. “Mặt trận đã triễn khai những họat động ngoại giao nhân dân rộng khắp, rất có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự hình thành phong trào các nước đoàn kết với Việt Nam” [4]. Hoạt động ngoại giao đi từ ngoại giao nhân dân đến ngọai giao nhà nước, xây dựng ba tầng mặt trận, huy động nhân dân miền Nam tham gia chống Mỹ, huy động nhân  dân Đông Dương chống Mỹ và cả một thế giới phản đối việc đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình thành nền ngọai giao “tuy hai mà một, tuy một mà hai” là “một nét  đặc thù, một ưu thế mà không nước nào trên thế giới có được trong cùng hoàn cảnh đất nước bị chia cắt” [5, tr.282].
3. Cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam chống chế độ Mỹ- Diệm đến năm 1959, làm sản sinh ra lực lượng vũ trang tự vệ của nhân dân, các lực lượng nầy phát triển nhanh chóng trong năm 1960 và đầu năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân là dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực cùng tiến hành cuộc chiến trên cả 3 vùng chiến lược: đô thị, nông thôn và rừng núi.
Tính đến tháng 10-1968, các cuộc chiến đấu quân sự ở miền  Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng đã :
- Giết, làm bị thương và bắt sống hơn 2 triệu lính Mỹ, nguỵ và chư hầu.
- Phá huỷ, bắn rơi 13.000 máy bay các loại.
- Phá huỷ, bắn hỏng 26.000 xe quân sự các loại.
- Bắn chìm, bắn hỏng 1.100 tàu các cỡ [26].
Lực lượng vũ trang của Mặt trận đông hàng chục vạn, dày dạn chiến đấu, sát cánh với nhân dân như cá với nước.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhận được sự chi viện rất lớn của miền Bắc. Tuy nhiên, ta có thể nói  Mặt trận đã cùng với cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta” [43].

          4.  Qua hoạt động về quân sự, chính trị và ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng từ 1960 đến 1968, ta thấy vai trò của Mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng to lớn. “ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam : ngọn cờ đoàn kết, ngọn cờ cách mạng, ngọn cờ chiến thắng của miền Nam anh hùng ” [6, tr.174]. Mặt trận vừa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng, là “tiền thân của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ”, vừa hoàn thành nhiệm vụ  của mặt trận là huy động toàn dân tham gia chống Mỹ, tạo điều kiện cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thắng lợi.
Đánh giá công lao của Mặt trận trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nêu:“Công lao của Mặt trận Dân tộc giải phóng sẽ đời đời được ghi nhớ” [63] vì dưới ngọn cờ chính nghĩa của Mặt trận nhân dân miền Nam đã từng bước làm thất bại các chiến lược chiến tranh  của Mỹ, bảo vệ được độc lập và thống nhất đất nước.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẫn, người tham gia chỉ đạo cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đánh giá về Mặt trận : “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, MTTQVN, MTDTGPMNVN, LMCLLDTDC & HBVN đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang là tăng cường khối đoàn kết toàn dân ở cả hai miền Nam – Bắc dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên CNXH” [ 44, tr. 7-10].
Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Trung ương Cục, người trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng đã có những đánh giá về vai trò của Mặt trận : “Năm tháng đã đi qua, song những gì nhân dân miền Nam ”đi trước về sau” được nhân dân cả nước kề vai sát cánh, những cống hiến vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dưới ngọn cờ Mặt trận Giải phóng ấy mãi mãi có chỗ đứng trang trọng trong lịch sử” [18].
          Hoạt động của Mặt trận trên 3 lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao đạt nhiều thắng lợi để lại cho chúng ta nhiều bài học.
Trong quá trình đấu tranh lâu dài, “đoàn kết chiến đấu đã trở thành một truyền thống rất quý báu và rất vững chắc của dân tộc ta” [9]. Khi bọn đế quốc đến xâm lược nước ta, chúng giày xéo non sông ta, áp bức dân tộc ta, nhân dân ta đã rất thấm thía ý nghĩa câu nói “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, cho nên đã kề vai sát cánh, triệu người như một, chiến đấu vì độc lập, tự do của mình, “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”[42].
Phát huy truyền thống 4000 năm lịch sử, “tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh soi sáng chiến lược đại đoàn kết toàn dân của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng, trong đó thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một điểm sáng chói lọi, đã đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho ngày nay” [67, tr.214], chỉ có đoàn kết toàn dân ta mới xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân, tiến công địch bằng “hai chân, ba mũi”, tấn công trên cả “ba vùng chiến lược”.
Cũng  xuất phát từ tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Đảng, Mặt trận đã xác định được rõ ai bạn, ai thù, từ đó xác định được nội dung chiến lược và sách lược tập hợp lực lượng rộng rãi nhất để cô lập kẻ thù. Xác định được nội dung chiến lược và sách lược là điều kiện cần thiết cho cuộc cách mạng thắng lợi.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng với đường lối đúng đắn và không ngừng hoàn thiện là yếu tố đưa cuộc cách mạng đến thành công. “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thể tập hợp đông đảo quần chúng và đóng vai trò hạt nhân của mặt trận  ấy khi bản thân Đảng “đã trở thành dân tộc”” [72, tr.442]. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng với dân gắn bó với nhau bằng quan hệ máu thịt, Đảng tin dân, dân tin Đảng, quân với dân một ý chí, cả nước một lòng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã làm nên một chiến thắng vĩ đại trong lịch sử.
Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc Đổi mới. Trước hết, vận dụng những kinh nghiệm của cuộc kháng chiến, Mặt trận thu hút vào tổ chức của mình tất cả những người tán thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn  minh”. Tích cực tham gia giải quyết những tiêu cực của nền kinh tế thị trường, đóng vai trò phản biện trong hệ thống chính trị của Đảng. Cần có những biện pháp thích hợp để phát huy những tiềm năng sẵn có của dân tộc để hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam: “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.

¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬ |||  ¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬


TÀI LIỆU THAM KHẢO

aíb
1.   Pierre Asselin (2005), Nền hoà bình mong manh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2.   Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (2000), Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội .
3.   Ban chỉ đạo và Ban biên tập truyền thống Tây Nam Bộ (2000), Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến (1945 - 1975).
4.   Nguyễn Đình Bin chủ biên (2002), Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội .
5.   Nguyễn Thị  Bình  chủ biên (2004 ), Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6.   Nguyễn Công Bình ( 1963 ), Mặt trận Dân tộc thống nhất  trong cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội.
7.   Nguyễn Công Bình -Cao Văn Lượng- Bùi Hữu Khánh (1964), Ngọn cờ chiến thắng của miền Nam anh hùng, Nxb Khoa học, Hà Nội .
8.   Phạm Thanh Biền- Nguyễn Hữu Nghĩa (2004), Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
9.   Trường Chinh ( 1975), Về công tác mặt trận hiện nay, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
10.   Thomas J Mc Cormick (2004), Nước Mỹ nửa thế kỷ, Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong và sau Chiến tranh lạnh, Nxb Chính trị Quốcgia , Hà Nội .
11.   PGS.TS.Trần Đức Cường chủ biên (2006), Biên niên lịch sử chính phủ Việt Nam 1945-2005 , tập 5, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
12.   Lê Duẫn (1970 ), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
13.   Lê Duẫn ( 1993), Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia,  Hà Nội .
14.   Lê Duẫn (1985), Thư  vào Nam, Nhà xuất bản Sự Thật , Hà Nội .
15.   Nguyễn Anh Dũng ( 1990), Về chiến lược quân sự toàn cầu của đế quốc Mỹ, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
16.   Văn Tiến Dũng (2005), Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội .
17.   TS.Phạm Huy Dương-ThS.Phạm Bá Toàn (2005), Ba mươi năm chiến tranh giải phóng -Những trận đánh đi vào lịch sử, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội .
18.   Trần Bạch Đằng chủ biên (1993 ), Chung một bóng cờ (Về MTDTGPMNVN), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia,  Hà Nội.
19.   Trần Bạch Đằng chủ biên (1995), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cả nước tôn vinh Anh, Nxb Văn học, Hà Nội.
20.   Daniel Ellsberg (2006), Những bí mật về chiến tranh Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
21.   Trần Văn Giàu (1964), Miền Nam giữ vững thành đồng, tập 1, Nxb Khoa Học xã hội, Hà Nội .
22.   Trần Văn Giàu (1966), Miền Nam giữ vững thành đồng, tập 2, Nxb Khoa Học xã hội, Hà Nội .
23.   Trần Văn Giàu (1968), Miền Nam giữ vững thành đồng, tập 3, Nxb Khoa Học xã hội, Hà Nội .
24.   Trần Văn Giàu (1970), Miền Nam giữ vững thành đồng , tập 4, Nxb Khoa Học xã hội, Hà Nội .
25.   Trần Văn Giàu (1978), Miền Nam giữ vững thành đồng , tập 5, Nxb Khoa Học xã hội, Hà Nội.
26.   Nguyễn Thanh Hải (1997), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960- 1975), luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Trường ĐH. Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
27.   Lê Mậu Hãn chủ biên ( 1998), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
28.   Goerge C. Herring(2004 ), Cuộc chiến đấu dài ngày của nước Mỹ và Việt Nam   ( 1950 - 1975 ), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
29.   Lê Phụng Hoàng ( 2007), Lịch sử quan hệ quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ hai, tập 1, khoa Lịch sử trường ĐHSP TP.HCM.
30.   Hội đồng biên soạn lịch sử Nam Trung Bộ kháng chiến (1995), Nam Trung Bộ kháng chiến ( 1945- 1975), Nxb Chính trị Quốc gia , Hà Nội.
31.   Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ(2003), Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ( 1945- 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội .
32.   TS.Trần Thị Thu Hương (2003), Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phá “quốc sách” ấp chiến lược của Mỹ-nguỵ ở mìên Nam Việt Nam ( 1961-1965), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội .
33.   PGS.TS.Trần Thị Thu Hương chủ biên (2006), Đảng Cộng sản Việt Nam chặng đường qua hai thế kỷ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội .
34.   Tường Hữu (2005), Sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam , Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
35.   Hồ Khang (2005), Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặc lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Công an nhân dân, Tp.Hồ Chí Minh.
36.   Cao Văn Lượng, Pham Quang Toàn, Quỳnh Cư ( 1981), Tìm hiểu phong trào Đồng khởi ở miền Nam Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
37.   Cao Văn Lượng ( 1993), “Về cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968”, Tạp chí NCLS, (1/1993), tr.1 – 6.
38.   Cao Văn Lượng chủ biên( 1996), Lịch sử Việt Nam  1954- 1965, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội .
39.   Cao Văn Lượng chủ biên (2002), Lịch sử Việt Nam 1965-1975, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội .
40.   Lê Hồng Lĩnh ( 2005 ), Cuộc đồng khởi kỳ diệu ở miền Nam Việt Nam ,Nxb Đà Nẵng , Đà Nẵng.
41.   Hồ Chí Minh ( 1967), Về nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, Nxb Sự Thật, Hà Nội .
42.   Hồ Chí Minh ( 1970), Vì độc lập tự do vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
43.   Hồ Chí Minh (1972), Về Mặt trận dân tộc thống nhất, Nxb Sự Thật , Hà Nội
44.   Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ( 1978), Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam ,Hà Nội.
45.   Hoàng Vĩ Nam (1970), “Sự ra đời của Mặt trận DTGPMNVN “,Tạp chí NCLS, (135), tr 41-58.
46.   Trần Nhâm (1978), Nghệ thuật biết thắng từng bước, Nxb KHXH, Hà Nội
47.   Nguyễn Phúc Nghiệp ( 2007),”Chiến thắng Ấp Bắc (1963) trong sự phát triển của cách mạng miền Nam Việt Nam ”, tạp chí NCLS, (369), tr. 10-19.
48.   Trần Thục Nga chủ biên (1987), Lịch sử Việt Nam 1945-1975, Nxb Giáo dục, Hà Nội .
49.   Nguyễn Tấn Phát chủ biên (2004), Giáo dục cách mạng ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội .
50.   PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc chủ biên (2003 ), Tìm hiểu lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam  qua các đại hội và hội nghị trung ương ( 1930-2002),  Nhà xuất bản Lao Động,  Hà Nội .
51.   Nxb Sự Thật (1961), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hà Nội.
52.   Nxb Sự Thật (1962 ), Đại hội Mặt trận DTGPMNVN lần thứ nhất , Hà Nội.
53.   Nxb Sự Thật (1963), Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận DTGPMNVN  ( Từ sau Đại hội lần I của Mặt trận đến tháng 10-1962 ), Hà Nội.
54.   Nxb Sự Thật (1966), Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận DTGPMNVN ( Từ tháng 11 -1964 đến tháng 12-1965 ), Hà Nội .
55.   Nxb Sự Thật ( 1966), Năm năm chiến đấu anh dũng, thắng lợi vẻ vang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hà Nội .
56.   Nxb Sự Thật (1967), Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận DTGPMNVN ( Từ tháng 1 - 1967 đến tháng 12- 1967 ), Hà Nội  .
57.   Nxb Sự Thật (1967), Cương lĩnh chính trị của Mặt trận DTGPMNN, Hà Nội .
58.   Nxb Sự Thật (1985),Văn kiện Đảng về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tập II,  ( 1945 – 1977 ), Hà Nội.
59.   Nxb Quân đội nhân dân (1967), Năm 1966, Quân và dân miền Nam thắng lớn Mỹ  nguỵ thua to, Hà Nội.
60.   Nxb Chính trị quốc gia (2003), Huỳnh Tấn Phát cuộc đời và sự nghiệp, Hà Nội.
61.   Hồ Sĩ Thành-Trần Thị Nhung (2005), Bộ tư lệnh Miền, Nxb Trẻ,TP.HCM.
62.   Nguyễn Hữu Thọ (1964 ), Báo cáo chính trị tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai, Nxb Sự thật, Hà Nội.
63.   Nguyễn Hữu Thọ (2005),”Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam -Mấy bài học lớn”, Việt Nam trên con đường lớn bản hùng ca thế kỷ XX, Nxb Lao Động, Hà Nội .
64.   Mai Chí Thọ ( 2005),”Chiến thắng Tua Hai phát pháo hiệu của Đồng khởi Nam bộ”, Chiến thắng Tua Hai hiệu lệnh của phong trào Đồng khởi, Thông tin tư liệu, Thư viện Khoa học tổng hợp Tây Ninh.
65.   Trương Thị Thu chủ biên (2006), Lịch sử phụ nữ Nam Bộ kháng chiến, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
66.   TS.Nguyễn Công Thục (2006), Phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến lược, Nxb Chính trị Quốc gia , Hà Nội .
67.   TS.Hoàng Trang (2005), Toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh ( 1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội .
68.    Trần Văn Trà (2005), Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội .
69.   TS. Nguyễn Xuân Tú (2003), Đảng chỉ đạo giành thắng lợi từng bước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thời kỳ 1965-1975, Nxb Lao Động, Hà Nội .
70.   Phạm Thành Vinh (1963), Các văn tự bán nước của Ngô Đình Diệm hay là các hiệp nghị xâm lược và bất bình đẳng của đế quốc Mỹ về Việt Nam, Nxb Khoa học, Hà Nội .
71.   Nguyễn Hữu Xuyến ( 2005),”Đánh giá đúng tầm vóc của chiến thắng Tua Hai và phong trào Đồng khởi vũ trang sau Tua Hai”, Chiến thắng Tua Hai hiệu lệnh của phong trào Đồng khởi, Thông tin tư liệu, Thư viện Khoa học tổng hợp Tây Ninh.
72.   Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM (2006), Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp TP.HCM.
73.   Ủy ban Trung ương Mặt trận DTGPMNVN (1965), Mặt trận Dân tộc Giải phóng là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam , Nxb Sự Thật , Hà Nội .
74.   Viện lịch sử Đảng ( 1998 ), Những sự kiện hoạt động của Trung ương cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1961- 1975), Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội .
75.   Viện Lịch sử quân sự (1995), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954- 1975 ),Tập II, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội .
76.   Viện Lịch sử quân sự (1997), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954- 1975 ),Tập III, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội .
77.   Viện Lịch sử quân sự (1999), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954- 1975 ),Tập IV, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội .
78.   Việt Nam Thông tấn xã ( 1971), Tài liệu mật Bộ quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam, Tập 1, Hà Nội.
hïg


PHỤ LỤC

PHỤ LỤC I

DANH SÁCH UỶ BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM  [18].

I.ĐOÀN CHỦ TỊCH :

1.Chủ tịch : Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
2.Phó chủ tịch :
- Kts. Huỳnh Tấn Phát, Tổng thư ký Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam, Chủ tịch uỷ ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định.
- Bác sĩ Phùng Văn Cung
- Ông Võ Chí Công, đại diện Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam .
- Ông Y Bih Alêô, dân tộc Ê đê, Chủ tịch ủy ban phong trào tự trị các dân tộc Tây Nguyên.
- Đại đức Thôm Mê Thê Nhem, dân tộc Khmer.
- Ông Trần Nam Trung, đại diện các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam .
      3.Uỷ viên:
  - Ông Phan Xuân Thái ( tức Phan Văn Đáng ), Chủ tịch Liên hiệp công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam .
  - Ông Nguyễn Hữu Thế, Chủ tịch Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam .
  - Ông Trần Bạch Đằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng miền Nam Việt Nam .
  - Bà Nguyễn Thị Định, Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam .
  - Ông Trần Bửu Kiếm, Chủ tịch Hội Liên hiệp sinh viên giải phóng miền Nam Việt Nam .
  - Hoà thượng Thích Thiện Hào, đại diện những người Phật giáo yêu nước miền Nam Việt Nam .
  - Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi , đại diện những người Cao Đài yêu nước miền Nam Việt Nam .
  - Ông Đặng Trần Thi ( tức Bùi San ), Phó chủ tịch Liên hiệp công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam .

II.BAN THƯ KÍ

1.Tổng thư ký : Kts. Hỳnh Tấn Phát về sau là Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu
2.Phó Tổng thư ký:
      - Giáo sư Lê văn Huấn, Chủ tịch Hội nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam.
  - Dược sĩ  Hồ Thu
        3.Ủy  viên:
  - Ông Ung Ngọc Ký, Phó tổng thư ký Đảng dân chủ miền Nam Việt Nam
  - Ông Hồ Xuân Sơn ( tức Hồ Văn Lộc ), nhà báo.

III.ỦY VIÊN:

1.          Thầy giảng Joseph Mari Hồ Bá Huệ, đại diện những người Công giáo kính Chúa yêu nước miền Nam Việt Nam .
2.          Bà Nguyễn Thị Bình tự Yến Sa, Phó hội trưởng hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam .
3.          Ông Rơ Chôm Briu, dân tộc Giarai, Phó chủ tịch Uỷ ban  Phong trào tự trị các dân tộc Tây Nguyên.
4.          Ông Lê Quang Chánh, đại diện Mặt trận DTGP tại Cộng hoà Indonesia.
5.          Dược sĩ Mã Thị Chu.
6.          Ông Huỳnh Cương , trí thức Khmer.
7.          Nữ bác sĩ Nguyễn Thuỳ Dương tức Dương Quỳnh Hoa.
8.          Giáo sư Nguyễn văn Hiếu, Tổng thư ký Đảng Xã hội cấp tiến miền Nam Việt Nam .
9.          Kỹ sư Lâm Kiết Chánh tức Trần văn Được, đại diện Việt kiều yêu nước ở Campuchia.
10.     Trung tá Võ Văn Môn , nhân sĩ Bình Xuyên.
11.     Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ.
12.     Ông Võ Oanh, nhà báo , nhân sĩ.
13.     Linh mục Chu Phát, tức linh mục Nguyễn Trinh Đoàn .
14.     Bà Lê Thị Riêng, Phó hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ GPMNVN.
15.     Ông Sắt, dân tộc Bana, Phó Chủ tịch Uỷ ban Phong trào tự trị các dân tộc Tây Nguyên.
16.     Ông Hoàng Bích Sơn, đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng tại Cuba.
17.     Ông Như Sơn tức Michel Văn Vỹ, nhân sĩ Sài Gòn.
18.     Ông Huỳnh văn Tâm, đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng ở Algéria.
19.     Kỹ sư Lê Văn Thả.
20.     Ông Nguyễn Thạch tức Đinh Xáng, nhà kinh doanh công nghiệp Sài Gòn.
21.     Ông Trần Văn Thành, đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng tại Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
22.     Ông Lê Văn Thịnh tức Lê Toàn Thư, đại diện Mặt trận DTGP tại Cuba.
23.     Giáo sư  Nguyễn Ngọc Thưởng, Phó tổng thư ký Đảng xã hội cấp tiến miền Nam Việt Nam .
24.     Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phái đoàn thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng tại thủ đô Hà Nội, sau là Trưởng phái đoàn đại diện đặc biệt Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
25.     Nhà soạn kịch Trần Hữu Trang, Chủ tịch hội văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam .
26.     Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước .
27.     Ông Vũ Tùng, Chủ tịch hội nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam
28.     Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tứ tức Nguyễn Hữu Ba ( Huế ).
29.     Hoà thượng Thích Hưng Từ tự Hồng Liêm.
30.     Ông Huỳnh Thiện Từ, đại diện những người yêu nước trong Phật giáo Hoà Hảo.
ïœ


PHỤ LỤC II

ĐOÀN ĐẠI BIỂU
MẶT TRẬN DTGPMNVN TẠI HỘI NGHỊ PARI
ĐOÀN TRÙ BỊ  [5]
( Từ ngày 4-11 đến ngày 16-12-1068)

1.      Nguyễn Thị Bình : trưởng đoàn
2.      Trần Văn Tư : đoàn viên
3.      Dương Đình Thảo : đoàn viên, người phát ngôn.
4.      Phạm Thanh Vân (Nguyễn Bình Thanh): thư ký trưởng đoàn, phiên dịch

hïg


PHỤ LỤC III .       

MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT  NAM
TẠI HỘI NGHỊ PARI  [5]
( Từ 16/12/1968 đến 6/6/1969 )
1.Trưởng đoàn :  Trần Bửu Kiếm
2.Phó trưởng đoàn :
                          - Nguyễn Thị Bình
                          - Trần Hoài Nam
3.Uỷ viên :
                          - Nguyễn Văn Tiến
                          - Đinh Bá Thi
                          - Đỗ Duy Liên
                          - Trần Văn Tư
4.Cố vấn phát ngôn:
                          - Dương Đình Thảo
                          - Lý Văn Sáu
     5.Chuyên viên:
                     - Nguyễn Ngọc Dung
                     - Phạm Thanh Vân
                     - Phan Nhẫn
                     - Đặng Ninh Đăng ( Hà Đăng ).

ŸŸŸŸŸŸŸŸÿŸŸŸŸŸŸŸŸ



PHỤ LỤC IV

CHƯƠNG TRÌNH CỦA MẶT TRẬN DTGPMNVN [ 18].

ïœ
Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, dân tộc Việt Nam ta đã chiến đấu không ngừng cho độc lập và tự do của Tổ quốc. Năm 1945, đồng bào cả nước đã đứng lên đánh đổ Nhật-Pháp giành chính quyền và đã anh dũng kháng chiến 9 năm , đánh bại xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, đưa cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc ta đến thắng lợi vẻ vang.
Tại hội nghị Giơnevơ tháng 7-1954, đế quốc Pháp buộc phải cam kết rút quân khỏi Việt Nam và các nước tham dự hội nghị đều trịnh trọng tuyên bố công nhận chủ quyền, độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam .
Đáng lẽ từ đó, chúng ta được an hưởng thái bình cùng với đồng bào toàn quốc xây dựng một nước Việt Nam độc lập dân chủ thống nhất và giàu mạnh .
Nhưng, đế quốc Mỹ trước đây đã tiếp sức cho thực dân Pháp tàn sát đồng bào ta, nay lại âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, nô dịch miền Nam nước ta với một chế độ thuộc địa trá hình, biến miền Nam thành căn cứ quân sự, chuẩn bị chiến tranh xâm lược Đông Nam Á. Chúng lại đưa  bọn Ngô Đình Diệm, tay sai của chúng, lên nắm chính quyền với chiêu bài quốc gia độc lập giả hiệu, dùng chính sách “viện trợ” và bộ máy “cố vấn ” để nắm tất cả các ngành quân sự, kinh tế, chính trị và văn hoá miền Nam .
Bọn cướp nước và bán nước lập lên một chế độ thống trị độc tài tàn ác nhất chưa từng có trong lịch sử nước ta. Chúng đàn áp khủng bố mọi phong trào dân chủ và yêu nước, thủ tiêu hết các quyền tự do của con người. Chúng nắm các độc quyền kinh tế, bóp nghẹt các ngành công nông thương nghiệp, bóc lột đến cùng kiệt mọi tầng lớp đồng bào. Chúng dùng  đủ mọi thủ đoạn đầu độc, ngu dân, truỵ lạc hoá để hòng tiêu diệt tinh thần dân tộc của đồng bào ta. Chúng ráo riết tăng cường binh bị, xây dựng căn cứ quân sự, dùng quân đội làm công cụ đàn áp nhân dân, và chuẩn bị chiến tranh theo chính sách của đế quốc Mỹ .
Hơn sáu năm qua, chế độ độc tài, tàn bạo của Mỹ- Diệm  đã gây ra biết bao tội ác: ở khắp miền Nam, tiếng súng khủng bố không lúc nào dứt, hàng chục ngàn đồng bào yêu nước bị chặt đầu, mổ bụng, moi gan, bắn giết, hàng trăm ngàn đồng bào bị tra tấn tù đầy, và chết mòn trong các trại giam; biết bao người bị đốt nhà, đuổi nhà, cướp đất, bị bắt đi phu, đi lính;  biết bao gia đình khốn đốn và tan nát vì chính sách tập trung dân vào các “khu trù mật”, các “dinh điền ”, nạn sưu cao thuế nặng, nạn ruồng bố bắt bớ, cướp bóc, vơ vét, tống tiền, nạn thất nghiệp nghèo đói lan tràn, đang uy hiếp nghiêm trọng đời sống của tất cả các tầng lớp nhân dân .
Phải HOÀ BÌNH!  Phải ĐỘC LẬP !  Phải DÂN CHỦ !  Phải CƠM NO ÁO ẤM !  Phải HOÀ BÌNH THỐNG NHẤT TỔ QUỐC!
Đó là nguyện vọng thiết tha cấp bách nhất của chúng ta. Nguyện vọng đó đã trở thành ý chí sắt đá, sức mạnh phi thường thúc đẩy đồng bào ta, phải đoàn kết lại, phải kiên quyết đứng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mỹ và bọn tay sai để cứu nước cứu nhà.
Vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc, quyết phấn đấu đến cùng cho những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thuận theo trào lưu tiến bộ của thế giới. MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG  MIỀN NAM VIỆT NAM ra đời. MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG  MIỀN NAM VIỆT NAM chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam Việt Nam  không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của Mỹ ở miền Nam  Việt Nam, thực hiện: ĐỘC LẬP, DÂN CHỦ, CẢI THIỆN DÂN SINH, HOÀ BÌNH, TRUNG LẬP Ở MIỀN NAM, TIẾN TỚI HOÀ BÌNH THỐNG NHẤT TỔ QUỐC.
Chương trình của Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam gồm 10 điểm sau đây:
I.   Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình  của đế quốc Mỹ  và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ.
Chế độ ở miền Nam hiện nay là một chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ. Chính quyền miền Nam là chính quyền tay sai, thực hiện mọi đường lối chính sách của Mỹ. Phải đánh đuổi chế độ đó và chính quyền đó, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ rộng rãi, gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các đảng phái, các tôn giáo và những nhân sĩ yêu nước, giành lại các quyền lợi kinh tế, chính trị xã hội, văn hoá của nhân dân, thực hiện độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hoà bình trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.
II.Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ
1.Bãi bỏ hiến pháp hiện hành của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ. Tiến hành bầu cử Quốc hội mới bằng phổ thông đầu phiếu.
2.Ban bố quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn, tư do đi lại, tự do tín ngưỡng và các quyền tự do dân chủ khác. Nhà nước không có sự phân biệt đối xử với các tôn giáo. Các đảng phái, các đoàn thể yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị đều được tự do hoạt động.
3.Toàn xá chính trị phạm, giải tán các trại tập trung dưới mọi hình thức. Bãi bỏ luật phát xít 10/59 và các luật phản dân chủ khác. Mọi người vì chế độ Mỹ -Diệm mà phải chạy ra  nước ngoài đều được tự do trở về nước.
4.Nghiêm cấm mọi sự bắt bớ giam cầm trái phép, tra tấn nhục hình. Trừng trị bọn gian ác tàn sát nhân dân mà không chịu hối cải.
III.Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thực hiện cải thiện dân sinh
1.Bãi bỏ độc quyền kinh tế của đế quốc Mỹ và của bọn tay sai. Xây dựng một nền kinh tế và tài chánh độc lập, tự chủ, lợi cho quốc kế dân sinh. Tịch thâu tài sản của đế quốc Mỹ và tập đoàn thống trị tay sai của Mỹ làm tài sản quốc gia.
2.Giúp đỡ công thương gia khôi phục và khuếch trương công nghệ và tiểu công nghệ, khuyến khích phát triển kỹ nghệ. Tích cực bảo vệ hàng nội hoá bằng cách bãi bỏ thuế sản xuất, hạn chế hoặc đình chỉ nhập cảng hàng  hoá trong nước sản xuất được, giảm thuế nhập cảng nguyên liệu, máy móc.
3.Chấn hưng nông nghiệp, canh tân nghề trồng tỉa, nghề cá và chăn nuôi. Giúp đỡ cho nông dân khai hoang và phát triển sản xuất, bảo vệ mùa màng, đảm bảo tiêu thụ nông sản.
4.Khuyến khích và đẩy mạnh việc giao lưu kinh tế giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, phát triển buôn bán với nước ngoài không phân biệt chế độ chính trị, theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.
5.   Thi hành chính sách thuế công bằng và hợp lý. Bãi bỏ phạt vạ vô lý.
6.Ban hành luật lao động: cấm sa thải, cúp phạt, đánh đập thầy thợ, cải thiện đời sống cho công nhân và viên chức. Quy định tiền lương và điều kiện bảo đảm sức khoẽ cho thiếu niên học nghề.
7.Tổ chức cứu tế xã hội:
  - Giải quyết công ăn việc làm cho những người thất nghiệp.
  -  Bảo trợ trẻ mồ côi, người già yếu, tàn tật.
  - Giúp đở những nơi mất mùa, những nơi hoả hoạn, thiên tai.
8.Giúp đở cho đồng bào di cư muốn về xứ sở, giải quyết công ăn việc làm cho những người muốn ở lại.
9.Nghiêm cấm việc đuổi nhà, đốt nhà, cướp đất, dồn dân. Bảo đảm cho đồng bào ở nông thôn và các giới cần lao ở thành thị được yên ổn làm ăn.
IV.Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân làm cho người cày có ruộng
1.Thực hiện giảm tô. Đảm bảo nguyên canh. Đảm bảo quyền sở hữu đất khai hoang cho người có công khai phá. Bảo đảm quyền sở hữu chính đáng về ruộng đất đã được chia của nông dân.
2.Bãi bỏ các “khu trù mật”, chế độ bắt dân đi “dinh điền”. Đồng bào đã bị cưỡng bức vào “khu trù mật” và “dinh điền” được tự do trở về sinh sống, làm ăn trên ruộng vườn của mình.
3.Tịch thâu ruộng đất của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để chia cho dân cày nghèo không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Chia lại công điền cho công bình hợp lý.
4.Bằng thương lựơng và giá cả công bằng hợp lý. Nhà nước mua lại ruộng đất của điền chủ có từ mức độ nào trở lên tuỳ tình hình ruộng đất của mỗi địa phương đem chia cho nông dân không đất hoặc thiếu đất. Nông dân được chia ruộng đất không phải trả tiền và không bị ràng buộc bởi một điều kiện nào.
V.Xây dựng một nền văn hoá và giáo dục dân tộc, dân chủ
1. Bài trừ văn hoá và giáo dục nô dịch, cao bồi theo kiểu Mỹ; xây dựng một nền văn hoá giáo dục dân tộc, tiến bộ, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
2. Xoá bỏ nạn mù chữ. Lập thêm các trường phổ thông, đảm bảo cho thanh niên và thiếu niên có đủ trường học. Mở mang các trường đại học và chuyên nghiệp, các trường dạy nghề. Thực hiện chế độ dạy bằng tiếng Việt trong các trường học. Giảm học phí cho học sinh và sinh viên; miễn học phí cho học sinh và sinh viên nghèo; cải cách chế độ thi cử.
3. Phát triển khoa học, kỹ thuật và văn học, nghệ thuật dân tộc; khuyến khích và giúp đỡ trí thức, văn nghệ sĩ có đủ điều kiện phát triển tài năng để phục vụ công cuộc xây dựng nước nhà.
4. Phát triển y tế để chăm nom sức khõe cho nhân dân. Phát triển phong trào thể dục thể thao.
VI.Xây dựng một quân đội dân tộc bảo vệ Tổ quốc , bảo vệ nhân dân
1.Xây dựng một quân đội dân tộc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Bãi bỏ chế độ cố vấn quân sự Mỹ.
2.Bãi bỏ chế độ bắt lính. Cải thiện đời sống vật chất, bảo đảm quyền lợi chính trị cho binh lính. Bãi bỏ chế độ ngược đãi đánh đập đối với binh lính. Có chính sách chiếu cố gia đình quân nhân nghèo.
3.Khen thưởng và trọng dụng các sĩ quan và binh lính có công trong cuộc đấu tranh chống ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của Mỹ. Khoan hồng đối với những người trước đã đi theo Mỹ- Diệm gây tội ác với nhân dân nhưng nay hối cải, phục vụ nhân dân.
4.Xoá bỏ các căn cứ quân sự của nước ngoài ở Việt Nam .
VII.Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào
1.Thực hiện quyền dân tộc tự trị:
  Thành lập các khu tự trị ở các vùng dân tộc thiểu số trong đại gia đình dân tộc Việt Nam .
  Bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Các dân tộc đều có quyền tự do dùng và phát triển tiếng nói, chữ viết của mình, tự do giữ gìn hoặc thay đổi phong tục tập quán của mình. Bãi bỏ chính sách ngược đãi, cưởng bức đồng hoá của Mỹ - Diệm hiện nay.
  Giúp đỡ các dân tộc thiểu số tiến kịp trình độ chung bằng cách phát triển kinh tế, văn hoá ở các vùng dân tộc thiểu số, đào tạo nhân tài người dân tộc thiểu số.
        2.Thực hiện nam nữ bình đẳng. Phụ nữ được hưởng quyền lợi như nam giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
3. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều sinh sống ở Việt Nam .
4. Bảo vệ và chăm sóc kiều bào ở hải ngoại.
VIII.Thực hiện chính sách ngoại giao hoà bình trung lập
1.   Xoá bỏ mọi hiệp ước bất bình đẳng xâm phạm đến chủ quyền của dân tộc do tập đoàn tay sai của Mỹ ký với nước ngoài.
2.   Đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị; theo những nguyên tắc chung sống hoà bình của hội nghị Băng-đung.
3.   Đoàn kết chặt chẽ với các nước yêu chuộng hoà bình và các nước trung lập. Mở rộng quan hệ hữu hảo với các nước Đông Nam Á, đặc biệt đối với các nước láng giềng Campuchia và Lào.
4.   Không tham gia khối liên minh quân sự nào, không liên minh quân sự với nước nào.
5.   Nhận viện trợ kinh tế của bất kỳ nước nào sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam không có điều kiện ràng buộc.
IX.Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc
Yêu cầu bức thiết của đồng bào trên toàn quốc là phải hoà bình thống nhất Tổ quốc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam chủ trương thống nhất nước nhà từng bước bằng phương pháp hoà bình, trên nguyên tắc hai miền cùng nhau thương lượng, cùng nhau bàn bạc mọi hình thức và biện pháp có lợi cho dân tộc, cho Tổ quốc Việt Nam .
Trong khi nước nhà chưa thống nhất, chính phủ hai miền cùng nhau thương lượng cam kết không tuyên truyền chia rẽ dân tộc, không tuyên truyền chiến tranh, không dùng binh lực đối với nhau. Thực hiện trao đổi kinh tế văn hoá giữa hai miền. Cho nhân dân hai miền được tự do đi lại buôn bán, thăm viếng, tự do gửi thư từ cho nhau.
          X.Chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hoà bình thế giới .
1. Chống chiến tranh xâm lược và tất cả các hình thức nô dịch của đế quốc. Ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước.
2. Chống tuyên truyền chiến tranh. Đòi tổng giải trừ quân bị, cấm vũ khí hạt nhân, sử dụng năng lực nguyên tử vào mục đích hoà bình.
3. Ủng hộ các phong trào đấu tranh cho hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới.
Hỡi toàn thể đồng bào!
Hỡi tất cả những người yêu nước!
Dân tộc ta đã tranh đấu gần một trăm năm và kháng chiến 9 năm, đã hy sinh biết bao xương máu, quyết không thể trở lại cuộc đời nô lệ !
Vì hoà bình, độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì vận mạng của dân tộc, vì đời sống của chúng ta, vì tương lai của ta và con cháu ta .
TẤT CẢ HÃY ĐỨNG LÊN !
TẤT CẢ HÃY ĐOÀN KẾT LẠI !
Hãy xiết chặt hàng ngũ, tiến lên chiến đấu dưới ngọn cờ của MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM để đánh đổ ách thống trị tàn ác của đế quốc Mỹ và tay sai  Ngô Đình Diệm để cứu nước, cứu nhà.
Chúng ta nhất định thắng, vì lực lượng đoàn kết của nhân dân ta là lực lượng vô địch, vì chính nghĩa thuộc về chúng ta, vì chủ nghĩa thực dân đã lỗi thời ngày nay đang tan rã và đi tới diệt vong. Trên thế giới, phong trào hoà bình dân chủ, độc lập dân tộc đang phát triển rộng rãi, mạnh mẽ và ngày càng thu được nhiều thắng lợi mới. Tình hình đó hết sức thuận lợi cho sự nghiệp cứu nước cứu nhà của chúng ta.
Đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ nhất định sẽ thất bại!
Sự nghiệp giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thành công!
Hãy đoàn kết, tin tưởng và phấn đấu anh dũng ! Tiến lên giành lấy thắng lợi huy hoàng cho dân tộc ta, cho Tổ quốc ta.
MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG  MIỀN NAM VIỆT NAM
                          20-12-1960
                                                                               ThS. Đoàn Luyến
ïœ

Không có nhận xét nào: