27/7/11

Luận văn : Vai trò của Mặt trận DTGPMNVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ- P4


CHƯƠNG 3.      HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN DTGPMNVN  TỪ 1965 ĐẾN 1968


3.1. Hoạt động chính trị  

3.1.1. Đại hội bất thường của Mặt trận [56], [57]

Theo chủ trương của Đảng, để chuẩn bị cho bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ ngày 15 đến  20 - 8 -1967, tại vùng giải phóng phía Bắc Tây Ninh, tại một  địa điểm còn dày đặc hố bom đạn sau chiến dịch Junction City, Đại hội bất thường của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam  đã diễn ra trong một không khí sôi nổi, hào hứng  và tràn đầy niềm tin. Đó là đại hội bất thường thông qua cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chương trình 10 điểm của mặt trận đã ra đời 7 năm trước, đến nay  không còn phù hợp, cần phải có cương lĩnh cụ thể để lãnh đạo cách mạng miền Nam. Đây cũng  là đại hội chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích và nổi  dậy Xuân Mậu Thân  1968 .
Đại hội đã tổng kết những thắng lợi về chính trị, quân sự và ngoại giao của nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ của Mặt trận và nhận định rằng: “Những thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam gắn liền với đường lối, chủ trương đã được ghi trong chương trình 10 điểm của Mặt trận DTGPMNVN… Mặt trận đã thực sự trở thành người đại diện chân chính, duy nhất của nhân dân miền Nam” [57, tr.35].
Đại hội đã  thông qua Cương lĩnh chính trị  mới của Mặt trận nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc, động viên toàn thể đồng bào miền Nam thừa thắng xông lên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và cũng nhằm công bố với thế giới về toàn bộ đường lối, chính sách của Mặt trận ở thời kỳ mới. Cương lĩnh của Mặt trận là cơ sở hành động cho một chính phủ cách mạng lâm thời khi thời cơ đến.
Bản cương lĩnh chính trị chỉ rõ kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân miền Nam hiện nay là đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền tay sai bán nước, đồng thời nêu lên những nhiệm vụ trước mắt và mục tiêu chiến đấu của quân và dân miền Nam là : “Đoàn kết toàn dân, kiên quyết đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ nguỵ quyền tay sai của chúng, thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc và dân chủ rộng rãi, xây dựng miền Nam Việt Nam  độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập và phồn vinh, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc” [57].
Cương lĩnh của Đại hội thông qua gồm bốn chương, với nội dung:
Chương I: Đoàn kết toàn dân chống Mỹ cứu nước.
Chương II: Xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập và phồn vinh, trong đó nêu rõ  14 chính sách của Mặt trận.
Chương III: Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Nam Bắc , tiến tới hoà bình ,thống nhất Tổ quốc.
Chương IV: Thi hành chính sách ngoại giao hoà bình trung lập.
Đoàn chủ tịch  Đại hội nhấn mạnh: con đường trước mắt duy nhất đúng để nhân dân thực hiện Cương lĩnh Mặt trận là tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ, cứu nước cho đến khi không còn bóng quân xâm lược Mỹ trên dải đất miền Nam thân yêu .
Trong khi giới thiệu những vấn đề cơ bản trong Cương lĩnh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ nêu lên 5 đặc tính của Cương lĩnh chính trị:
- Cương lĩnh chiến đấu, chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc.
- Cương lĩnh đại đoàn kết toàn dân.
- Cương lĩnh dựng nước.
- Cương lĩnh tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
- Cương lĩnh đoàn kết với nhân dân thế giới vì hòa bình, đôc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ.
          Cương lĩnh xác định mục tiêu chiến đấu của nhân dân miền Nam: “Mục tiêu chiến đấu của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng là: độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập và phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Đó là nguyện vọng tha thiết nhất, chính đáng nhất và là ý chí săt đá của 14 triệu nhân dân miền Nam , hoàn toàn phù hợp với lợi ích của dân tộc và lợi ích của hòa bình ở Đông Dương, châu Á và thế giới” [24].
Bản cương lĩnh chính trị của Mặt trận DTGPMNVN đã có một ảnh hưởng chính trị sâu rộng ở trong nước và thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: ”Bản cương lĩnh chính trị của Mặt trận là ngọn cờ đại doàn kết toàn dân, một cương lĩnh quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước” [42, tr.295-296].
Xã luận báo Nhân Dân ngày 2-9-1967 nêu rõ: “Bản Cương lĩnh thể hiện mạnh mẽ ý chí quyết chiến quyết thắng của đồng bào miền Nam, thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết ruột thịt Bắc- Nam và ý chí thống nhất Tổ quốc. Bản Cương lĩnh cũng thể hiện mạnh mẽ tinh thần sáng tạo tài tình của Mặt trận, tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và tập trung trí tuệ của đồng bào miền Nam và đồng bào cả nước ta, kết hợp sự vững vàng về nguyên tắc với sự linh hoạt về sách lược, đề ra những chủ trương, chính sách sáng suốt, kịp thời”.

3.1.2. Xây dựng chính quyền và vùng giải phóng

* Xây dựng chính quyền

          Từ sau đại hội Mặt trận lần thứ hai ( 1964), hệ thống tổ chức của Ủy ban Mặt trận từ trung ương đến địa phương được tổ chức hoàn chỉnh, Ủy ban Mặt trận được tổ chức hoàn thiện từ xã, huyện đến Miền.
          Ngày  25-5-1968 Trung ương Cục miền Nam ra chỉ  13-CT NT ( NT là Năm Trường là biệt danh của cục R  lúc đó) với nội dung nhan đề: “Ra sức xây dựng chính quyền cách mạng các cấp theo kịp sự phát triển của tình hình”. Từ đây, “Uỷ ban Mặt trận  Dân tộc giải phóng được thống nhất đổi tên là Uỷ ban nhân dân cách mạng ở toàn miền Nam Việt Nam” [18, tr.411].
          Chỉ thị 13-CT NT đánh giá: “từ sau Đồng khởi cơ cấu tổ chức chính quyền cấp xã, ấp được hình thành và hoạt động nhưng chính quyền cấp xã chính thức mới thành lập đầu năm 1968 ở một số nơi. Còn phần lớn các xã, ấp giải phóng ta chưa lập chính quyền cách mạng hoặc có thành lập nhưng không chặt chẽ” [74, tr.121]. Chỉ thị nêu: “Nhiệm vụ của chính quyền cách mạng được xác định là tổ chức và lãnh đạo nhân dân miền Nam chiến đấu hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân miền Nam, hòa bình, thống nhất Tổ quốc tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Chỉ thị cũng nêu lên cấu tạo, số lượng, thành phần , lề lối làm việc và mối quan hệ giữa chính quyền với các ngành đoàn thể khác [74].
Năm 1968, số dân miền Nam do Mặt trận Giải phóng quản lý là 10 triệu / 14 triệu người, trong đó có “4 triệu người sống trong vùng giải phóng và ít nhất có 6 triệu rưỡi người nữa thuộc quyền cai trị bí mật của Mặt trận trong các vùng danh nghĩa là của Mỹ và Sài Gòn kiểm soát” [25, tr.201]. Vì số đông nhân dân do Mặt trận lãnh đạo nên không có ai cung cấp tin tức về nơi đóng quân của Quân Giải phóng, vì vậy Mỹ khó tìm được Việt cộng để mà đánh, Mỹ hoàn toàn bị cô lập với dân chúng. Mặt trận kiểm soát hoàn toàn các vùng xung quanh các trại lực lượng đặc biệt của Mỹ.
Về những vùng trên danh nghĩa là do Sài Gòn kiểm soát nhưng thực tế cũng do Mặt trận kiểm soát ở những mức độ khác nhau. Trong số khoảng 6 triệu dân do Sài Gòn kiểm soát, không thuộc quyền kiểm soát của Mặt trận cũng đóng thuế cho Mặt trận. Khoảng 70% viên chức cấp xã trong các vùng do  Sài Gòn kiểm soát không dám ở lại xã ban đêm, một số tề xã đóng trụ sở ở quận lỵ cách xã đến mấy dặm. Trên thực tế, từ năm 1968 về sau “Mặt trận là chính phủ mạnh nhất ở nông thôn Nam Việt Nam ” [25, tr.202].
Trong các thành thị, Mặt trận có cán bộ bí mật ở hầu hết các thành thị, các nhà kinh doanh thường xuyên đóng thuế cho Mặt trận. Khi Quân Giải phóng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân thì nhân dân ở 40 đô thị trong 28 tỉnh lỵ đã nổi dậy, cùng với Quân Giải phóng tiến hành đấu tranh chính trị và binh vận.
Về ban đêm, phạm vi kiểm soát của Mặt trận được mở rộng. Tối đến, hầu hết các trưởng thôn đều bỏ trụ sở chạy vào thành thị. Trong khi các viên chức chính quyền Sài Gòn đua nhau chạy về thành thị thì các cán bộ địa phương của Mặt trận công khai nắm lấy chính quyền .
Trên cơ sở phong trào kháng chiến chống Mỹ cứu nước phát triển cao nhất là từ đầu năm 1968, trên cơ sở lực lượng mạnh và uy tín lớn của Mặt trận, từ năm 1968, nhân dân miền Nam bắt đầu mở cuộc vận động thành lập chính quyền cách mạng. Cho đến cuối năm 1968, các Uỷ ban giải phóng đã thành lập ở nhiều địa phương, mạnh nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, căn cứ lâu đời của Mặt trận, và hầu hết cao nguyên Trung phần bắt đầu chuyển thành Ủy ban nhân dân cách mạng [25, tr.210].
Cuối năm 1968, nhiều địa phương ở miền Nam đã tổ chức bầu cử “Hội đồng nhân dân cách mạng”.
Tháng 12-1968, Tỉnh Quảng Đà có hơn 90% số xã và tất cả các quận trong tỉnh đã có chính quyền nhân dân. Việc bầu cử Hội đồng nhân dân cách mạng được tiến hành thắng lợi trong 134 xã và 12 quận.
Tính đến cuối năm 1968,  kết quả thực hiện chỉ thị nói trên: xây dựng chính quyền 516 xã/ 1800 xã, xây dựng chính quyền huyện 7/ 121 huyện, chính quyền cấp tỉnh xây dựng được  3/ 44 tỉnh (Gia lai , Cà Mau và Mỹ Tho) [74, tr122]. Hệ thống chính quyền cách mạng đã đem lại cho đồng bào quyền dân sinh, dân chủ, bình đẳng…trong đó quan trọng nhất là đem lại quyền lợi ruộng đất cho nông dân. Hệ thống chính quyền cách mạng thực sự trở thành một nhân tố thắng lợi cho cách mạng miền Nam.
Như vậy, Mặt trận “có dân, có đất và có lực lượng vũ trang. Mặt trận có trách nhiệm phải giữ đất bảo vệ dân, Mặt trận làm chức năng chính quyền. Trong những vùng giải phóng, Mặt trận là một uy tín chính trị có tổ chức, là chính phủ có hiệu lực, là một tổ chức chính quyền quản lý một phần lớn đất đai ở miền Nam được giải phóng” [45, tr.55].
* Tăng gia sản xuất.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ (1954-1975), miền Bắc là “hậu phương lớn” và vùng giải phóng là “hậu phương trực tiếp “ của Quân giải phóng miền Nam, cho nên Mặt trận chú  ý đến việc bảo vệ, xây dựng vùng giải phóng hơn lúc nào hết , động viên nhân tài vật lực cho tiền tuyến.
Mặt trận Dân tộc giải phóng đã chia cho nông dân 2 triệu héc ta đất trồng trọt. Người cày có ruộng là bí quyết lớn về việc củng cố, mở rộng vùng giải phóng, của việc bồi dưỡng sức dân, của việc động viên nhân tài vật lực. Hễ giải phóng đến đâu thì thực hiện chính sách ruộng đất của Mặt trận tới đó, chỗ thì chia ruộng đất, chỗ thì giảm tô, giảm tức. Chính sách ruộng đất của Mặt trận sớm làm cho bộ mặt nông thôn biến đổi: số bần nông hạ xuống nhanh, số trung nông tăng lên mau. Do nhu cầu kháng chiến, nhiều tổ đổi công vần công giúp nhau cày cấy được thành lập. Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân giải phóng, đồng bào vượt được mọi khó khăn. Nhân dân ra sức bám làng, bám đất để làm ăn, để sống và cũng là để duy trì và củng cố cơ sở du kích, cơ sở kháng chiến, chống mọi sự cướp bóc, phá hoại, càn quét của địch .
Trong vùng giải phóng nhiều giống lúa mới năng suất cao được phổ biến như :”lúa xiêm”, “sóc rô”, “lúa giáng”…cả những giống lúa từ miền Bắc gởi vào tặng như:”trà trung tử”, “nông nghiệp I”, ở nhiều nơi việc tăng vụ đã bù lại việc địch phá hoại.
Mặc dù địch phá hoại liên tục nhưng nhiều nơi vẫn được mùa, năng suất vẫn đạt mức cao. Ở miền Đông Nam Bộ nhiều vùng không còn xóm làng, nhà cửa, vậy mà, năm 1967, tới 85% diện tích rẫy được trồng trọt. Miền Trung Nam Bộ tiến hành thâm canh, tăng vụ, có nơi ở quận Cai Lậy đạt năng suất đạt 9 tấn thóc trên 1 hec ta.
Trong năm 1967, miền Trung Nam Bộ cấy 384.000 hec ta một vụ và 88.000 hec ta hai vụ, năng suất tăng từ 20% đến 80%. Tây Nam Bộ lúa hai vụ năm 1967 tăng bằng hai lần năm 1966, lúa một vụ tăng 20.000 hec ta. Các tỉnh bị càn quét hết sức nặng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vẫn giữ vững diện tích cày cấy, vượt chỉ tiêu 250 kilô bột đầu người hàng năm và vượt 12 ki lô thịt đầu người hàng năm. Nhiều vùng ở Tây Nguyên đạt từ 400 đến 600 ki lô bột mỗi người mỗi năm, dự trữ muối đầy đủ.
Mặt trận Dân tộc giải phóng hết sức chú ý đến công tác thuỷ lợi. Tại Cà Mâu, năm 1967, nông dân đắp và sửa 621 đập và 500 bờ ngăn nước mặn. Tại Trà Vinh, 6 tháng đầu năm 1967, nông dân đào được 75 kênh dài 120 kilômet, vét lại 440 kênh cũ. Trong thời gian đó, Bến Tre đào 20 kilômet kênh mới, vét 62 kilômet kênh cũ. Cả miền Tây đào 467 kilômet kênh mới, vét 263 kênh cũ, đào 3.295 kilômet mương, đắp 4.380 đập.
Đời sống nhân dân vùng giải phóng, nói chung, được cải thiện. Nhiều gia đình trong vùng giải phóng có máy thu thanh, máy may, xe đạp, xuồng máy. Sức đóng góp nhân tài, vật lực của vùng giải phóng cho kháng chiến ngày càng lớn, mặc dù chiến tranh tàn phá ngày càng dữ dội. Mỗi năm có hàng vạn thanh niên tham gia Giải phóng quân, kể cả những người có tuổi tác cũng tham gia phục vụ chiến trường. Thương bệnh binh về làng được nhân dân đùm bọc chu đáo.

* Hoạt động văn hoá, y tế, giáo dục

Theo Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam thì vùng giải phóng năm 1966 có tất cả 5.994 trường phổ thông, dạy 50 vạn học sinh. Mặc dù chiến sự ác liệt nhưng giáo dục vẫn phát triển. Năm học 1966-1967,vùng giải phóng miền Tây Nam Bộ có thêm 1.671 trường cấp 1, 10 trường cấp 2 với 100.000 học sinh. Không kể mẫu giáo và vỡ lòng thôn, ấp nào cũng có. Miền Trung Nam Bộ, niên khoá 1966-1967, mở thêm 1.250 lớp cấp 1 và cấp 2 với 1.250 giáo viên và 42.000 học sinh. Riêng tỉnh Bến Tre ,tỉnh đươc tặng huân chương Giải phóng hạng nhất về thành tích giáo dục nhân kỹ niệm 5 năm ngày thành lập Mặt trận, đã có 26.000 học sinh 3 cấp. Niên khoá 1966-1967, Bến Tre mở thêm 560 lớp. Quảng Nam, Quảng Ngãi, mỗi tỉnh đều có hơn 1.500 lớp phổ thông và gần 30.000 học sinh.
Phong trào bổ túc văn hoá trong vùng giải phóng phát triển mạnh. Cuối năm học 1965-1966, đã có 10.000 cán bộ các cấp của Mặt trận được bồi dưỡng về văn hoá đến trình độ lớp 3, lớp 4. Sang năm học 1966- 1967 thì tiếp tục lên lớp 5.lớp 6, có nơi như Bến Tre thì lên lớp 7. Tỉnh Quảng Nam có 4 trường văn hoá tỉnh chuyên bồi dưỡng cho các bộ người Kinh, Thượng, mỗi khoá 200 người. Nhân dân tham gia các lớp bổ túc văn hoá rất đông, riêng miền Tây Nam Bộ, năm học 1966-1967 có 10.000 người đi học, tỉnh Kom Tum có 192 làng có lớp bình dân học vụ.
Mỗi miền có trường sư phạm trung cấp để bồi dưỡng và đào tạo giáo viên. Trung Trung Bộ có trường sư phạm miền núi. Tây Nam Bộ có trường sư phạm Hoa kiều. Niên khoá 1966-1967 miền Tây Nam Bộ đào tạo được 2.028 giáo viên phổ thông, 1.541 giáo viên bình dân học vụ [24].

3.1.3. Lãnh đạo các phong trào đấu tranh chính trị

3.1.3.1. Lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tộc và phong trào văn  hoá, văn  nghệ [72].

Trên trận địa đấu tranh văn hoá tư tưởng diễn ra gay gắt. Chủ nghĩa thực dân mới không chỉ dùng những chiêu bài “dân tộc”, “dân chủ ” giả hiệu mà còn tuyên truyền, vu khống, nói xấu những người cộng sản, nói xấu miền Bắc và phe XHCN. Mỹ nguỵ dùng bộ máy truyền thông làm công cụ ”tâm lý chiến” chống lại cách mạng. Đấu tranh bảo vệ cách mạng là một yêu cầu bức xúc của những người yêu nước. Ban cán sự Đảng khu Sài Gòn - Gia Định đã chỉ đạo cho một số nòng cốt của tờ Tin Văn như Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Lương, Thái Bạch, Hà Kiều vận động các trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội hình thành một mặt trận đấu tranh mới. Sau một thời gian vận động, một tổ chức công khai rộng lớn do Đảng lãnh đạo đã ra đời vào giữa năm 1966 đó là Lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tộc.
Ngày 7-8-1966, Đại hội Lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tộc được tổ chức ngay Toà Đô chánh Sài Gòn. Ban chấp hành trung ương gồm có:
Chủ tịch danh dự : Giáo sư Dương Minh Thới
Á Nam Trần Tuấn Khải, thi sĩ, Chủ tịch Hiệp hội Văn học nghệ thuật.
Ban chủ tịch gồm có 24 người có tên tuổi, thi sĩ, giáo sư đại học, các linh mục, những văn sĩ, đại diện các tổ chức công khai, bán công khai Liên hiệp Giáo chức và Nghiệp đoàn Tư thục Việt Nam, Hội Phụ huynh học sinh, Hội Bảo vệ Luân lý, Hội Bạn trẻ Việt Nam, Hội  Ái hữu nghệ sĩ, Hội Bảo vệ Nhân phẩm và quyền lợi Phụ nữ, Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam, Đoàn Hương mùa Thu, Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga.
Chủ tịch Ban chủ tịch là giáo sư  Lê Văn Giáp. Trong Ban chủ tịch có Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, là giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc, Trường Đại học Vạn Hạnh, ủy viên Văn Mỹ Nghệ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, về bí mật ông là ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhà giáo Thiên Giang Trần Kim Bảng, sau xuân Mậu Thân ông ra vùng giải phóng tham gia Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ Hoà bình Khu Sài Gòn - Gia Định.
Ban cố vấn: có 28 người là những nhà trí thức, giáo sư đại học, văn nghệ sĩ… đại diện cho các tổ chức và các ngành đào tạo: Hội Chủ báo Việt Nam, Hội nghiên cứu Liên lạc văn hoá Á châu, Hội Đức Trí Thể dục, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Xưởng Mỹ thuật Thành Lễ, Viện Khảo cổ, Ngành Dân tộc học, Kinh tế học, Địa chất học, trong số uỷ viên có nhà văn Thiếu Sơn từng tham gia hoạt động cách mạng từ kháng chiến chống Pháp, giáo sư Nguyễn Văn Kiết, tháng 6-1969 ông tham gia chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Hảo, sau xuân Mậu Thân ông ra vùng giải phóng làm Phó chủ tịch Liên minh các lực ượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Huế.
Ban thư ký: có 14 người là những văn nghệ sĩ, nhà văn Vũ Hạnh làm Tổng thư ký.
Ủy viên có 23 người là các văn nghệ sĩ. Trong đó có nhà văn Nguyễn Ngọc Lương là một trong những nòng cốt của tờ Tin Văn.
Ban chấp hành Lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tộc được phân công vào 10 uỷ ban đặc trách 10 ngành hoạt động khác nhau, mười uỷ ban lại có nhiều tiểu ban phụ thuộc. Lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tộc hoạt động mạnh trên hai lĩnh vực giáo dục và văn nghệ, vận động quần chúng xây dựng văn hoá dân tộc song song với việc bài trừ các văn hoá phẩm đồi truỵ, lai căng. Lực lượng đã tổ chức nhiều cuộc nói chuyện, nhiều cuộc hội thảo ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, phát động một phong trào bảo vệ văn hoá dân tộc, phong trào sáng tác rộng rãi. Nguyệt san Tin Văn trở thành cơ quan ngôn luận, là vũ khí đấu tranh sắc bén của lực lượng. Lực lượng đã lập nhà xuất bản Đồ Chiểu, cho ra đời nội san Người Việt Bảo vệ Văn hoá Dân tộc, xuất bản “mười bài sử ca” tập hợp các bài hát thời kháng chiến chống thực dân Pháp của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Thẩm Oánh, Nguyễn Thành Nguyên, Nguyễn Hữu Ba…
Lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tộc là một tổ chức công khai tập họp đông đảo nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, đại diện các tôn giáo, các tổ chức văn hoá, giáo dục… hình thành một mặt trận đấu tranh chống văn hoá lai căng mất gốc, bảo vệ văn hoá dân tộc. Đến giữa năm 1967, chính quyền Sài Gòn khủng bố bắt nhiều người trong đó có giáo sư Lê Văn Giáp và nhà văn Vũ Hạnh.
Sinh viên, học sinh trên toàn miền Nam đã dấy lên một phong trào văn nghệ rộng khắp, hát những bài “sử ca”, kháng chiến ca, hát những bài nhạc tiền chiến ….đã làm sống lại khí thế của cách mạng Tháng Tám báo hiệu lịch sử sẽ tái diễn một cao trào cách mạng mới. Lồng vào nội dung văn nghệ yêu nước, tuổi trẻ học đường còn hát những bài dân ca, dựng các hoạt cảnh gây xúc động lòng người, thức tỉnh hồn dân tộc như: Tiếng trống hào hùng, Bà mẹ Gio Linh, Tiếng trống Hà Hồi….
Phong trào sáng tác thơ ca tranh đấu của sinh viên học sinh có bước phát triển mới. Tổng hội Sinh viên Sài Gòn nhiệm khoá 1966 -1967 lập Hội Những người sinh viên sáng tác, chủ tịch là Trần Quang Long. Hội ra tuyển tập thơ “Tiếng hát những người đi tới” quy tụ những cây bút tranh đấu của sinh viên học sinh: Trần Quang Long, Lê Hoàng Nguyên, Thảo Nguyên, Hải Hà, Chánh Sử….Trần Quang Long còn xuất bản tập kịch thơ “Tiếng gọi Lam Sơn”, Miên Đức Thắng ra tập thơ “Mặt trời hồng”. Những sáng tác trên góp phần khơi dậy lòng yêu nước trong quần chúng, đẩy lùi những làn sóng văn hoá đồi truỵ, nói lên tiếng nói của sinh viên học sinh có sự lãnh đạo của Đảng.
Về bí mật, trong những năm 1965,1966,1967 sinh viên có tờ “Suối thép”, “Lửa thiêng”, đặt thẳng những vấn đề dân tộc, dân chủ, không để quần chúng mơ hồ.
Truyện ngắn, phóng sự góp phần đấu tranh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Có nhiều bài viết, có nhiều tác phẩm phê phán thực trạng ở miền Nam lúc bấy giờ như “Mãnh lực đô la” của Dũng Tâm trên báo Tin Sớm, “Trên hè phố Sài Gòn ” của Nam Đình và Phan Châu trên báo Thần Chung, “Địa ngục trần gian”của Tiêu Dao Bảo Cư…Hoạt động phê bình văn học cũng diễn ra sối nổi với những cây bút như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Trần Triệu Luật…Một số nhà văn cách mạng cũng gởi bài đăng như Nguyễn Văn Bổng ( dưới bút danh là Lê Nguyên Trung, Vương Quế Tâm).
Trong 21 tờ nhật báo, 12 tờ tuần báo, nguyệt san có những tờ báo chống Mỹ như: Dân Chủ, Dân chúng, Tin Sáng; ở mức độ thấp hơn có : Chánh Đạo, Dân Tiến, Sống Mới, Tin Sớm….
Tháng 6-1966, Đảng uỷ Văn hoá cho ra đời tạp chí Tin Văn do Nguyễn Ngọc Lương làm chủ nhiệm, Tin Văn quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng như Á Nam Trần Tuấn Khải, Vũ Hạnh, Lữ Phương …
Ngày 1-7-1966, Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định đóng cửa báo chí trong một tháng để “chấn chỉnh báo chí ”. Các nhà báo ở thành phố đã tổ chức đại hội phản đối quyết định trên của chính quyền Sài Gòn, địch đã phải rút thời hạn đóng cửa xuống còn 3 ngày.
Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn đã tập họp các cây bút sinh viên trong tổ chức “Hiệp hội Báo chí sinh viên”, chủ tịch là Nguyễn Hữu Phước, ủy viên báo chí là Trần Triệu Luật. Sau đợt tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân ( 1968) của ta, tờ báo “Sinh viên” đặt thẳng những vấn đề dân tộc dân chủ, bày tỏ lòng hoài vọng quân giải phóng vào giải phóng thành phố. Mỹ nguỵ đã xử chủ bút Nguyễn Trường Cổn  5 năm tù, Nguyễn Đăng Trường 10 năm tù vắng mặt .

3.1.3.2. Đấu tranh trên lĩnh vực xã hội, văn hoá, giáo dục [72].

Trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội có nhiều tổ chức công khai, bán công khai đấu tranh bảo vệ truyền thống dân tộc, bảo vệ các quyền tự do dân chủ. Cuộc đấu tranh do các Đảng viên hoặc những trí thức tiến bộ lãnh đạo phong trào.
- Hội Bảo vệ Nhân phẩm và Quyền lợi phụ nữ [ 65].
Thực hiện chủ trương của Khu ủy Sài Gòn- Gia Định, ban Phụ vận Thành ủy phân công đồng chí Nguyễn Thị Tú, Hội trưởng Hội Phụ nữ Giải phóng Sài Gòn- Gia Định lập một tổ chức công khai hợp pháp có khả năng tập hợp đông đảo phụ nữ chống Mỹ -ngụy. 
Tháng 6-1966, Hội “Bảo vệ Nhân phẩm và Quyền lợi phụ nữ” ra mắt tại trường nữ trung học Tư thục Đức Trí, có khoảng 300 đại biểu tham dự. Hội nghị bầu bà Phan Thị Của làm Hội trưởng, Phan Bình làm Hội phó, bà Vân Trang làm Tổng thư ký và một số ủy viên.
Hội Bảo vệ Nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ ra lời kêu gọi, soạn một số tài liệu giáo dục, tổ chức các buổi nói chuyện với phụ nữ. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo có tiếng vang. Cuộc hội thảo ngày 13-11-1966 với nội dung “Phụ nữ Việt Nam với nạn mãi dâm”, cuộc hội thảo ngày 7-3-1967 với nội dung “Giá trị xác thực của nữ sinh viên hiện tại”, Ngày 5-8-1967, hội thảo với nội dung “Phụ nữ , xã hội và chiến tranh” lên án những kẻ gây chiến phá vỡ những luân lý cổ truyền, phá vỡ quan hệ gia đình.
Cuối năm 1966, Hội còn lập ra Liên đoàn Phụ nữ Phật tử đấu tranh cho tự do tín ngưỡng và hòa bình.
- Phong trào đấu tranh đòi chuyền ngữ Việt ở đại học
Ngoài một số trường Tây sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Pháp, còn các trường phổ thông ở miền Nam dạy bằng tiếng Việt, nhưng khi lên đại học sinh viên phải học bằng tiếng Pháp ở một số bộ môn, đây là một trở ngại lớn việc tiếp thu kiến thức của sinh viên.
Đến năm 1966-1967, Trường Đại học Y Khoa, ngoài hệ tiếng Pháp còn một hệ dạy tiếng Anh. Vì  vậy, ngòi pháo đấu tranh bùng nổ ở trường Đại học Y khoa. Cuối năm 1966, đầu năm 1967, 500 sinh viên y khoa đã tổ chức hội thảo phản đối chủ trương dạy đại học bằng tiếng nước ngoài, với khẩu hiệu :”Dân tộc Việt học tiếng Việt”. Sinh viên hai trường Đại học Sư phạm và Đại học  Khoa học liên tiếp tổ chức các cuộc hội thảo đòi dạy tiếng Việt ở trường đại học. Phong trào đòi chuyển ngữ Việt ở đại học lan ra ở một số trường đại học và các trường phổ thông khác và được một số nhân sĩ, trí thức hưởng ứng. Các lực lượng đấu tranh đã họp ở trường Đại học Sư phạm, lập uỷ ban Thanh niên, Sinh viên đòi chuyển ngữ Việt ở đại học, chủ tịch là Hồ Hữu Nhựt. Tờ báo chính thức của phong trào là tờ Chuyển Ngữ , in ronéo.
Ở Trường Đại học Khoa học, giáo sư Lê Văn Thới cùng các giáo sư khác soạn thảo cuốn Từ điển danh từ khoa học làm cơ sở cho việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở đại học.
Đầu năm 1967, các trường đại học đều dạy bằng tiếng Việt, ngoại trừ trường Đại học Y khoa còn một  hệ dạy theo chương trình Mỹ và dạy bằng tiếng Anh.
- Phong trào tự trị đại học
Nguyên nhân nổ ra phong trào đấu tranh đòi tự trị đại học là do chính quyền Sài Gòn thay thế cơ cấu lãnh đạo Trường Đại học Y khoa, thay lãnh đạo mới 5 người và biến Trường Đại học Y khoa thành Trung tâm Y Nha Dược trực thuộc Phủ Thủ tướng không còn trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Ngày bàn giao chức khoa trưởng, sinh viên biểu tình ngồi chặn trước văn phòng Khoa trưởng. Lực lượng cảnh sát đến đàn áp.
Một phong trào đấu tranh chống xâm phạm tự trị đại học nổ ra ở Đại học Y khoa rồi lan qua Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học và một số trường khác..
Tháng 3-1967, Đại hội Sinh viên Sài Gòn đòi tự trị ở bậc đại học ra mắt ban chấp hành Trung ương. Hồ Hữu Nhựt làm chủ tịch, Dương Văn Đầy làm Tổng Thư ký, có khoãng 2.500 sinh viên, giáo chức, nhà văn ở Sài Gòn tham dự. Đại hội ra tuyên ngôn chủ trương nền đại học tiến bộ, chống chính quyền Sài Gòn can thiệp vào khuôn viên đại học. Phong trào có ban cố vấn khoãng 30 giáo sư , giảng viên có cả Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn và Cần Thơ tham gia, phong trào ra tờ Tự trị đại học.
Các trường đại học tổ chức hội thảo về tự trị đại học và ra mắt Ban Chấp hành Phân bộ Tự trị đại học ở 8 trường.
Phong trào Tự trị Đại học là một tổ chức bán công khai tồn tại từ đầu năm 1967 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng song song với 5 nhiệm kỳ Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn do Đảng nắm và chi phối. Đây là một trong những tổ chức tập hợp quần chúng của sinh viên có trung tâm bán công khai bên trên, cơ sở bên dưới và có nhiều giáo sư, giảng viên đồng tình ủng hộ.
- Hội Liên hiệp Giáo chức.
Nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết trong giáo chức, ngày 10-11-1966, Đảng chỉ đạo thành lập Hội Liên Hiệp Giáo chức. Thành viên của Hội gồm có ”Hội Ái hữu Giáo chức Công lập”, “Nghiệp đoàn Giáo học Tư thục Việt Nam ”, “Hội Ái hữu Nữ sinh Sư phạm Đông Dương”, “Hội Ái hữu Giáo chức bậc tiểu học”, “Hội Phụ huynh và Ân nhân Học sinh các trường công lập đô thành”, “Hội những nhà giáo về hưu”. Hội ra tuyên ngôn lên án xã hội đồi truỵ, đòi phục hưng tinh thần và cứu vãn nền đạo đức dân tộc đang bị đe doạ và kêu gọi các nhà văn, nhà xuất bản, nhà báo, nhà giáo, sáng tác và in các tác phẩm sách giáo khoa nhằm giáo dục thanh thiếu niên.
Ngày 20-11-1966, Hội đã tổ chức diễn thuyết tại trường Quốc gia Âm  nhạc về đề tài: “Hướng về một nền giáo dục dân tộc”. Hội cũng phối hợp với lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tôc tổ chức diễn thuyết tại Gia Định, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Long Xuyên, Cần Thơ. Hội đã tổ chức nhiều lớp tu nghiệp giáo  viên bậc tiểu học và mẫu giáo. Lớp tu nghiệp giáo viên bậc tiểu học, ngày 20-10-1967 có trên 700 người dự. Trưởng ban : Trần Đình Sung, phó ban: Lưu Văn Lê, ban Thư ký : Lưu Văn Nam, Trần Văn Đẩu. Có nhiều Đảng viên trong ban tổ chức lớp, trưởng ban và phó ban đều là Đảng viên Cộng sản.
Ngày 20-11-1967, “Hội Ái hữu Giáo chức bậc Tiểu học”, “Nghiệp đoàn Giáo học Tư thục Việt Nam ”và “Hội Bảo vệ Nhân phẩm và Quyền lợi Phụ nữ Việt Nam ” tổ chức lớp huấn luyện có giấy chứng nhận tốt nghiệp, sau nầy được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh công nhận [72].

3.1.3.3. Đấu tranh chống đàn áp đồng bào miền Trung .

Phong trào chống đàn áp đồng bào miền Trung diễn ra với quy mô lớn, trên diện rộng. Phong trào bùng nổ từ Huế, Đà Nẵng, lan đến Đà Lạt, Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, phong trào mang tính bạo lực, bùng nổ khoảng 100 ngày, từ tháng 3-1966 đến tháng 6-1966, nguyên nhân nội bộ địch mâu thuẫn, viên tư lệnh vùng I chiến thuật bị cách chức, một số cán bộ nhân viên nguỵ quyền cùng nhân dân Huế  tuyên bố ly khai chính quyền Sài Gòn, đốt phòng thông tin Mỹ.
Thiệu, Kỳ phải huy động quân đội, có cả không quân tấn công lực lượng ly khai. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân miền Trung, thanh niên và nhân dân Đà Lạt đã nổi dậy làm chủ một phần thành phố. Tại Sài Gòn - Gia Định cũng nổ ra một phong trào đấu tranh mạnh mẽ chống nguỵ quyền đàn áp nhân dân miền Trung. Nổi bật là cuộc đấu tranh của sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn trong tháng 3 và 4 năm 1966, của sinh viên Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ,  Đại hội sinh viên nhiệm kỳ II  cũng hưởng ứng cuộc đấu tranh của đồng bào miền Trung đòi chủ quyền và hoà bình.
Thanh  niên và đồng bào Phật tử  đã góp phần đưa phong trào lên cao, đặc biệt  trong dịp lễ Phật Đãn ( 5-5-1966). Phong trào có nội dung bài Mỹ, đòi Mỹ, nguỵ phải rút quân đội khỏi Đà Nẵng, đòi Thiệu, Kỳ phải từ chức. Tuy Thiệu Kỳ hứa từ chức nhưng sau đó chúng lật lọng dùng lực lượng cảnh sát dã chiến bao vây, cô lập lực lượng đấu tranh trong Viện Hoá Đạo.
Bên ngoài, đồng bào đưa “bàn thờ Phật xuống đường” làm cản trở lưu thông, gây nên bầu không khí vô cùng căng thẳng.
Ngày 23-6-1966, chính quyền nguỵ bao vây Viện Hoá Đạo, tổ chức vây bắt 800 đồng bào có cả các nhà sư.

3.1.3.4. Đấu tranh chống bầu cử gian lận của Tổng hội Sinh viên  Sài Gòn ngày 3-9-1967 [72].

Tổng hội Sinh viên Sài Gòn là một tổ chức công khai hợp pháp, là cơ quan đại diện của sinh viên Sài Gòn. Trụ sở của Tổng hội tại số 4 Duy Tân (nay là số 4 Phạm Ngọc Thạch). Vì Tổng hội có số sinh viên nhiều nhất so với sinh viên các viện đại học khác ở miền Nam, trụ sở của Tổng hội đặt ở thủ đô của chính quyền Sài Gòn  cho nên tiếng nói của Tổng hội có tiếng vang ở trong và ngoài nước. Các thế lực chính trị kể cả lực lượng cách mạng và chính quyền Sài Gòn đều tìm cách nắm ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn,Tổng hội lúc đầu có 14 phân khoa : đại học Y khoa, Nha khoa, Dược khoa, Sư phạm, Văn khoa, Kiến trúc, Luật, Sư phạm kỹ thuật, Nông lâm súc, các trường Cao đẳng Điện học, Công chánh, Hàng hải, Công nghệ và học viện Quốc gia Hành chánh.
Tổng hội sinh viên Sài Gòn có hai tổ chức: Hội đồng đại diện sinh viên và Ban chấp hành Tổng hội sinh viên. Cuộc bầu cử ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn nhiệm khoá 1966 - 1967 đã diễn ra gay go, kéo dài nhiều tháng, đến cuối tháng 4-1967 thì liên danh Hồ Hữu Nhựt đắc cử, từ đây Đảng và Đoàn thanh niên đã chi phối và nắm các Ban chấp hành liên tiếp cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Ngày  lễ ra mắt Ban chấp hành, đại diện sinh viên đã tham gia cuộc mít tinh nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1967 với đông đảo thanh niên lao động và thành viên các tổ chức khác. Cuộc mít tinh đòi hoà bình, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi các quyền dân sinh, dân chủ .
Ngày 3-9-1967, chính quyền Sài Gòn tổ chức bầu cử bịp bợm lập ra “Đệ nhị Cộng hoà”. Ngày 24-9-1967, đại diện sinh viên Sài Gòn, Vạn Hạnh, Cần Thơ, Đà Lạt đã họp  Đại hội sinh viên liên viện lần thứ nhất tại số 4 Duy Tân đễ thống nhất đấu tranh, chống bầu cử bịp bợm, nêu khẩu hiệu bài Mỹ.
Ngày 30-9-1967, Đại hội sinh viên liên viện kỳ II, sinh viên xuống đường đập phá bảng công bố kết quả bầu cử.
Ngày 2-10-1967, Đại hội sinh viên liên viện kỳ III bị cảnh sát bao vây, sinh viên biểu tình ngồi. Ngày 7-10-1967, trong cuộc họp báo của Hội đồng sinh viên Liên viện. Địch ập vào bắt chủ toạ đoàn bao gồm : Chủ tịch hội Sinh viên Sài Gòn Hồ Hữu Nhựt, Tổng thư ký Tổng hội sinh viên Vạn Hạnh Phan Long Côn và Tổng thư ký Tổng hội sinh viên Cần Thơ Nguyễn văn Tư cùng một số sinh viên khác. Địch đưa tất cả 17 sinh viên đi quân trường. Từ trường Bộ binh Thủ Đức, Hồ Hữu Nhựt đã trốn ra vùng giải phóng.

3.1.3.5. Phong trào đấu tranh của công nhân.

Phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động là một mặt trận đoàn kết phối hợp hành động rộng rãi gây khó khăn tổn thất lớn cho địch. Ba tháng đầu năm 1966, tại Sài Gòn- Gia Định có 152 cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động, có nhiều cuộc hội thảo lớn liên tiếp được tổ chức từ các xí nghiệp đến các nghiệp đoàn, Tổng Liên đoàn, nội dung tố cáo chế độ Mỹ nguỵ dùng chất độc hoá học, chống khủng bố tàn sát ở nông thôn.
Có 3 cuộc hội thảo lớn tại Tổng Liên đoàn Lao động, mỗi cuộc có hàng ngàn người tham dự, các đại biểu đem các kiến nghị, yêu sách, bản tin, tài liệu về tổ chức các cuộc hội thảo nhỏ ở xí nghiệp mình.
Ngày 10-4-1966, các đại biểu không chỉ nêu những khó khăn về tiền lương giá cả mà còn tố cáo quân đội Mỹ vào miền Nam chiếm đất, đuổi nhà, bom đạn Mỹ đã buộc nông dân phải rời bỏ ruộng vườn vào thành phố, công nhân đòi mỹ rút quân, bãi bỏ nền kinh tế lệ thuộc ngoại bang, đòi tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Trong cuộc hội thảo ngày 25-4, công nhân yêu cầu quân đội đồng minh rút về nước, chấm dứt rải chất độc hoá học làm chết hoa màu, đòi hoà bình để thanh niên khỏi đi lính, tăng lương, đòi tự do nghiệp đoàn, tự do đình công, tự do báo chí…
Gần đến ngày Quốc tế Lao động 1-5 hàng ngàn xe có loa phóng thanh vào các xóm lao động kêu gọi đồng bào đi biểu tình ngày 1-5.
Ngày 1-5-1966, Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức 3 cuộc biểu tình lớn. Đoàn người biểu tình khoảng hai vạn người gồm công nhân lao động, sinh viên học sinh, nông dân, giáo chức, gia đình binh sĩ, tín đồ Phật giáo,Thiên Chúa giáo…đoàn người tuần hành từ đường Lý Thái Tổ ra Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, khi đến sứ quán Mỹ đoàn người đông lên đến 4 vạn.
Khẩu hiệu của đoàn biểu tình là đòi chấm dứt chiến tranh, phản đối chính sách phá sạch đốt sạch của Mỹ, phản đối độc tài phát xít bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, chống bắt lính bừa bãi, phản đối chính sách chia rẽ công nhân, chia rẽ tôn giáo, đòi mở nhà thương, trường học thay cho trại lính. Trước sứ quán Mỹ , sinh viên vẽ khẩu hiệu trên đường “American go home”( người Mỹ về đi ), “Stop the war”( Hãy chấm dứt chiến tranh ).
Tháng 11-1966, Thường vụ Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định đánh giá :“Trong vòng mấy năm nay, đây là lần đầu tiên quần chúng đô thị biểu thị một khí thế chống Mỹ, mạnh mẽ nhất, với nội dung đúng đắn nhất…Về thực tế, cuộc đấu tranh ngày 1-5 là cuộc đấu tranh của mặt trận  dân tộc và dân chủ do công nhân làm nòng cốt”
Cuộc bãi công ngày 21-6-1966 của 15.000 công nhân xưởng đóng tàu, 10 công trường thuộc hãng thầu RMK-BRJ chạy dài từ Tân Sơn Nhất, Biên Hoà, đến Cam Ranh, Quy Nhơn, Chu Lai, Đà Nẵng. Cuộc bãi công làm tê liệt hơn mười công trường xây dựng quân sự thuộc loại ưu tiên của Mỹ đã ảnh hưởng đến kế hoạch quân sự và hậu cần của Mỹ. Đích thân đại sứ Cabot Lodge và tướng Westmoreland phải can thiệp giải quyết các yêu sách của công nhân.
Ngày 22-11-1966, ở Sài Gòn, 5.000 công nhân bốc vác bến cảng lên tiếng tố cáo Mỹ và Thiệu-Kỳ âm mưu sa thải công nhân, anh em công nhân tố cáo chúng viện cớ “bảo vệ an ninh”, “ngăn chặn nạn cắp” để đuổi công nhân ra khỏi một số việc quan trọng và đưa tay chân của chúng vào thay. Toàn thể công nhân cảng nghị quyết rằng : nếu Mỹ, Thiệu- Kỳ không từ bỏ âm mưu sa thải đó thì sẽ tổ chức bãi công. Ngày 29-11, chúng sợ bãi công nổ ra trong khi cảng đang có quá nhiều hàng phải dỡ, bọn Mỹ-nguỵ đành phải nhận không đuổi công nhân nữa. Ngày 5-12, chúng quyết định sa thãi 600 công nhân cảng mà chúng tình nghi, công nhân tổ chức nhiều cuộc biểu tình, chuẩn bị bãi công, Mỹ ngụy co lại, nói rằng “có sự hiểu lầm” và ngưng lệnh sa thãi. Ba tuần sau, chúng lại quyết định sa thãi 600 công nhân , sáng ngày 26-12, hơn 5.000 công nhân bốc vác tuyên bố bãi công, 26 tàu chở hàng quân sự của Mỹ không bốc được hàng lên bến, cảng Sài Gòn hoàn toàn tê liệt. Cuộc bãi công nầy làm cho Mỹ - nguỵ lo sợ không kém gì cuộc bãi công của RMK-BRJ vừa qua. 
Ngày 27-12, một cuộc biểu tình được tổ chức tại lối vào cảng quân sự để nói lên ý chí của công nhân. Cuộc bãi công của công nhân cảng sang ngày thứ 5 thì tại Sài Gòn, các ngành điện, dệt, săm lốp, sơn, dược phẩm, ô tô, một số tiệm buôn đã bắt đầu bãi công để hưởng ứng công nhân cảng. Ba phần tư hệ thống giao thông công cộng Sài Gòn bị đình trệ, điện bị cắt ở nhiều nơi, các khu phố tổ chức quyên tiền giúp công nhân cảng.
Những cuộc đấu tranh lớn kể trên chứng tỏ rằng trong tình hình chiến tranh cục bộ vẫn tổ chức được phong trào bãi công thắng lợi và các cuộc bãi công về kinh tế đều có ý nghĩa và tác dụng chính trị sâu sắc. Đòi tăng lương, chống sa thãi, công nhân đấu tranh thực sự đánh vào hậu cần của quân Mỹ xâm lược.
Sang năm 1967, phong trào đấu tranh của công nhân phát triển mạnh hơn trước, bắt đầu xuất hiện đấu tranh có vũ trang, công nhân đấu tranh vũ trang  độc lập hoặc kết hợp với Quân giải phóng .
Tháng Giêng, bãi công của 2.700 công nhân tổng kho Long Bình, kho lớn nhất của Mỹ ở miền Nam.
Tháng hai, công nhân Long Bình tiếp tục bãi công, 42.000 công nhân RMK-BRJ tập họp ấy quyết nghị, cử đại biểu đi đưa yêu sách cho chủ yêu cầu từ bỏ âm mưu sa thải, nếu không tổ chức tổng bãi công, Mỹ lùi bước.
Tháng ba, công nhân hãng đường Hiệp Hoà đòi tăng lương 35% và tăng 100% tiền phụ cấp đắt đỏ.
Cuộc đấu tranh có ý nghĩa kinh tế và chính trị nổi bật là cuộc vận động của 5 vạn công nhân và tiểu thủ công ngành dệt. 500 đại biểu của  thợ và chủ nhỏ họp đại hội lên án Mỹ và  nguỵ quyền âm mưu bóp chết ngành dệt ở miền Nam. Đại hội kêu gọi đấu tranh đòi hạn chế việc nhập cảng hàng dệt, đòi bỏ thuế lợi tức đánh vào công nhân dệt.
Những tháng cuối năm 1967 có nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, tiêu biểu có cuộc biểu tình của 7.000 công nhân hãng giấy và văn hoá phẩm ở Biên Hoà, bãi công của 4 vạn công nhân cao su, cuộc bãi công của 2.000 công nhân Vimitex, chống bắt lính của công nhân Vinatexco, cuộc bãi công của 1.100 người Việt trong hãng máy bay của Mỹ phục vụ cho việc chuyên chở quân sự.
Ngày 11-1-1968, cuộc bãi công của công nhân điện nước chống cúp lương đã làm cho thành phố mất một nửa lượng điện. Cuộc bãi công nầy có sự hưởng ứng của 5.000 công nhân cảng, 5.700 công nhân xe buýt, công nhân dệt, cao su, diêm quẹt, nhà máy xay, xăng dầu Shell, Calten, ESSO… tổng số công nhân tham gia bãi công lên đến 17.000 người. Chính quyền nguỵ buộc phải chấp nhận tăng lương cho công nhân .
Từ 1966 đến 1968 có hàng nghìn cuộc đấu tranh của công nhân trên toàn miền Nam. Công nhân và lao động trong các thành thị có mặt trong các cuộc đấu tranh yêu nước và dân chủ, đấu tranh  giành những quyền lợi về kinh tế, chính trị, chống bắt lính, chống áp bức bóc lột. Công nhân luôn được các tầng lớp khác  trong xã hội ủng hộ.

3.1.3.6. Phong trào chống càn quét, bình định

Càn quét, bình định, chống càn quét, phá bình định có thể được xem là quy luật của chiến tranh ở miền Nam trong thời chống “chiến tranh cục bộ”.
Quá trình chống phá bình định luôn gắn với quá trình xây dựng làng, xã chiến đấu. Cán bộ, đảng viên, quân giải phóng và nhân dân kiên trì thực hiện phương châm “ba bám”, vận dụng linh hoạt phương châm “ba mũi giáp công”, tìm ra nhiều cách đánh phong phú, trừng trị bọn tề điệp, bọn tay sai ác ôn và các đoàn ”xây dựng nông thôn”. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 1967 quân và dân  Trị - Thiên tiêu diệt và làm tan rã 31 trong tổng số 64 đoàn bình định, diệt 500 tên ác ôn, giải phóng 100 xã với hơn 10 vạn dân [69, tr.45- 46].
Cuộc chống càn, phá bình định của  xã Anh Dũng, phía Nam thành phố Đà Nẵng được coi là một điển hình  của phong trào chống phá bình định. Xã Anh Dũng chỉ có 4.000 dân, thế mà trong một năm rưởi đã tiêu diệt 2.180 tên địch, bắn rơi 17 máy bay, trong xã có 70 dũng sĩ diệt Mỹ, trong đó có 17 nữ và 2 lão dũng sĩ trên 60 tuổi.
Ngày 5-9-1965, quân Mỹ tràn vào xã Anh Dũng, chúng sa vào một trận địa chông, mìn, bẫy, súng. Kết quã 75 tên bỏ mạng, 4 xe bọc thép bị phá huỹ. Hàng trăm các mẹ, các chị , thiếu nhi nắm tay nhau ra cản đầu xe bọc thép của Mỹ. Đây là một trong những cuộc đấu tranh chính trị trực diện với Mỹ đầu tiên ở miền Nam. Cuối cùng, 20 xe bọc thép bị cản đều phải quay trở lại. Đây là trận phối hợp đầu tiên giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị.
Mỹ tiến hành cuộc phản công mùa khô 1965- 1966 với chiến dịch “5 mũi tên”. Tại khu Sài Gòn - Gia Định, từ ngày 8-1-1966 đến ngày 5-2-1966, Mỹ mở cuộc hành quân Gờ-Rim đánh vào Hố Bò ( Phú Mỹ Hưng), An Nhơn Tây thuộc huyện Củ Chi. Chúng dự định tạo ra một vùng trắng và vành đai thép về phía Bắc để bảo vệ Sài Gòn. Cùng với lực lượng địa phương, nông dân Củ Chi vẫn bám trụ chiến đấu “một tấc không đi, một ly không rời “. Cuối cùng địch đã thất bại, Củ Chi trở thành “Đất thép thành đồng”.
Từ năm 1966, sư đoàn 25 Mỹ và trung đoàn thiết giáp, xe tăng, xe bọc thép với hàng vạn tấn bom đạn đã dội lên đất Củ Chi. Đi đến đâu lính Mỹ thực hiện chính sách “tam hoang” ( phá sạch, đốt sạch, giết sạch) đến đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng ngàn cuộc đấu tranh của nông dân đã nổ ra, có cuộc quy mô toàn huyện, hàng chục ngàn đồng bào tham gia chống bắt lính, chống gom dân vào ấp chiến lược. Địch cho cảnh sát, dân vệ đàn áp nhân dân, chúng cày ủi, cào nhà, dồn dân vào ấp chiến lược, dân bung ra, chúng đốt nhà, phá nhà, dân dựng lại nhà. Họ nói: “Thà chết ở đây chứ không vào ấp chiến lược ”. Lực lượng võ trang đã đánh địch hàng ngàn trận lớn nhỏ, buộc địch phải quay về đối phó, ta đã đưa được 8.000 dân về vườn đất cũ.
Nông dân còn làm công tác binh vận, họ vận động con em mình trong quân đội nguỵ phản chiến, đào ngũ trở về với nhân dân, với gia đình.
Công trình tiêu biểu nhất của quân và dân Củ Chi là đào hàng trăm cây số địa đạo, hàng vạn ụ chiến đấu, gài mìn, làm hầm chông, đặt cạm bẫy khắp nơi. Thanh niên còn tham gia tòng quân, có hàng nghìn thanh niên tham gia   lực lượng vũ trang, tham gia xây dựng “Vành đai diệt Mỹ” bao vây căn cứ Đồng Dù của Mỹ.
Cuối năm 1966, Mỹ tiến hành cuộc tấn công mùa khô lần thứ hai, chúng tập trung vào hướng Tây Bắc Sài Gòn nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và một phần quân chủ lực của ta, kết hợp “bình định” với lập vành đai bảo vệ xung quanh Sài Gòn.
 Từ ngày 8-1 đến ngày 26-1-1967, Mỹ mở cuộc hành quân Xê -da -phôn đánh vào khu “Tam giác sắt” ( Củ Chi- Bến Súc - Bến Cát ) với ba lữ đoàn quân Mỹ và ba chiến đoàn quân nguỵ nhằm đánh phá lực lượng cách mạng dọc theo sông  Sài Gòn, chúng đã xúc đi 15.000 dân Củ Chi và Bến Cát, bắt và giết nhiều trâu bò, cướp hàng trăm tấn gạo. Bộ đội địa phương, du kích xã, quân chủ lực đã diệt và làm bị thương trên 2.000 tên Mỹ và hơn 200 lính nguỵ, phá huỹ nhiều xe bọc thép và bắn rơi nhiều máy bay.
Sau cuộc phản công mùa khô lần thứ hai của đế quốc Mỹ, nông dân vẫn phát huy phong trào bám đất, giữ làng, sản xuất, nuôi quân.
Trong mùa khô 1966-1967, quân dân miền Nam đã giành thêm 390 xã, ấp, nâng số xã, ấp được giải phóng năm 1967 lên 700 xã và 6.750 ấp. Chính quyền Sài Gòn thống kê kết quả “bình định” năm 1967 đạt 13 % kế hoạch.
Tại vùng giải phóng nông dân vẫn tiếp tục đào địa đạo, từ 70 Km năm 1962, bây giờ đến 200 Km ở Củ Chi. Nông dân tiếp tục trốn về vườn cũ, sống dưới địa đạo tiếp tục sản xuất để  tiếp tế nuôi  quân.
Tại vùng ven, đồng bào bị gom vào khu tập trung  đã xé rào bung về vườn cũ, sản xuất ở các vùng căn cứ lõm để tiếp tục nuôi quân.
Tại vùng đô thị hoá và ấp chiến lược, Đảng tiến hành vận động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức đấu tranh chính trị, binh vận, xây dựng hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, tạo nơi ém quân khi có lệnh mở chiến dịch tiến công như xuân Mậu Thân.

3.2. Hoạt động ngoại giao của Mặt trận

3.2.1.Đấu tranh tại bàn đàm phán

Cùng với thắng lợi về quân sự và chính trị, trên mặt trận ngọai giao cũng có nhiều bước phát triển, xuất hiện một hình thức ngọai giao rất độc đáo: ngọai giao ”tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Ngày 16-3-1966, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: “Bây giờ ngoại giao của ta vừa là một mà vừa là hai; vừa là hai mà lại vừa là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa có ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng ” [4].
Đầu năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân của quân và dân ta nổ ra trên khắp chiến trường miền Nam. Đòn tấn công chiến lược hết sức bất ngờ của ta đã gây chấn động cả nước Mỹ, nhất là năm bầu cử Tổng thống và một phần Quốc hội nước nầy, nhiều cuộc biểu tình phản chiến nổ ra làm cho giới cầm quyền của Mỹ rất bối rối. Bộ trưởng quốc phóng Mc Namara phải từ chức, Tổng thống Johnson phải tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ hai và chịu xuống thang chiến tranh, hạn chế ném bom miền Bắc để nói chuyện với ta.
Từ ngày 13-5-1968, đại diện Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu cuộc gặp chính thức. Trong phiên họp không chính thức ngày 19/08/1968, phó trưởng  đoàn ngoại giao Mỹ là  Cyrus Vance  và phó trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  là Hà Thiệu Lâu, phía Mỹ đề nghị cần phải có sự tham  gia của chính quyền Sài gòn  và  đại biểu của  Mặt trận Dân tộc giải phóng [1]. Tại phiên họp ngày 26/10/1968, bộ trưởng Xuân Thuỷ đã đồng ý để Mặt trận Dân tộc Giải phóng  và chính  quyền Nam Việt Nam tham gia vào các cuộc đàm phán [5].
Ngày 31-10-1968, hai bên thống nhất: Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện và chấp nhận ngồi nói chuyện trực tiếp với đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị bốn bên tại Pari [5].
Sau gần 8 năm tìm mọi cách phủ nhận sự tồn tại và vai trò đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng, nhưng cuối cùng Mỹ cũng phải đến dự Hội nghị  bốn bên ở Pari mà đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng là một bên, ngang hàng và bình đẳng với đoàn Mỹ để giải quyết vấn đề Việt Nam nói chung và những vấn đề liên quan đến miền Nam Việt Nam nói riêng.
Bước vào cuộc đàm phán ở Pari, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhận định: “...Mỹ buộc phải nói chuyện với Mặt trận Dân tộc giải phóng tại Hội nghị bốn bên và đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng tham gia Hội nghị bốn bên với tư cách một đoàn độc lập là thắng lợi ngoại giao to lớn của cách mạng miền Nam”.
Bước và giai đoạn  “vừa đánh, vừa đàm”, ngày 3-11-1968, Mặt trận Dân tộc giải phóng công bố giải pháp 5 điểm:
1. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phấn đấu thực hiện độc lập ,dân chủ, hoà bình, trung lập, phồn vinh tiến tớit thống nhất Tổ quốc.
2. Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam .
3. Công việc nội bộ miền Nam Việt Nam phải do nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết theo Cương lĩnh Mặt trận dân tộc Giải phóng, không có sự can thiệp của nước ngoài, thành lập chính phủ dân tộc, dân chủ rộng rãi để tổ chức tổng tuyển cử tự do ở miền Nam.
4. Việc thống nhất Việt Nam sẽ do nhân dân hai miền giải quyết từng bước, bằng biện pháp hoà bình, nước ngoài không được can thiệp.
5. Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao hoà bình trung lập.
Ngày 4-11-1968, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng đến Pari chuẩn bị tham dự hội nghị, đoàn trù bị của Mặt trận gồm có 4 người, trưởng đoàn là bà Nguyễn Thị Bình ( xem phụ lục II )
Ngày 16/12/1968, ông Trần Bửu Kiếm trưởng đoàn  đại biểu chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ( xem phụ lục III ) tham dự hội nghị Pari [5].
Như vậy, trên mặt trận ngọai giao, trong giai đọan từ 1965 đến 1968, Mặt trận Dân tộc giải phóng đã chuyển dần từ “ngoại giao nhân dân” sang “ngoại giao nhà nước”. Bước sang năm 1969, khi chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời thì  công tác ngọai giao trên bàn đàm phán được chuyển giao cho chính phủ.

3.2.2. Đấu tranh  giành sự ủng hộ của nhân dân thế giới

Tại nhiều nước dân tộc chủ nghĩa, Mặt trận cũng có cơ quan đại diện: Angiêri, Tandania, Ai Cập, Xyri, Campuchia, Ấn  Độ, Inđônêxia, Lào. Ở các nước khác, Mặt trận Dân tộc Giải phóng có các phòng thông tin thực tế làm nhiệm vụ cơ quan đại diện: Thụy Điển, Na uy, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Chilê. Các cơ quan đại diện nói chung đều được hưởng quy chế ngoại giao; các phòng thông tin không được hưởng quy chế ngoại giao nhưng cũng được các chính phủ sở tại ưu đãi, có trường hợp được giúp đỡ về vật chất để hoạt động.
Nhờ có một hệ thống cơ quan đại diện và phòng thông tin tại các châu lục, có đại diện dự các cuộc họp của các tổ chức quốc tế và quốc gia và nhờ các cuộc thăm viếng, gặp gỡ quốc tế. Mặt trận đã triển khai những hoạt động ngoại giao nhân dân rộng khắp, rất có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự hình thành phong trào các nước đoàn kết với Việt Nam .
Việt Nam không có điều kiện tới nước Mỹ để trực tiếp vận động, nhưng tranh thủ gặp các đại biểu Mỹ tại các hội nghị liên hoan gặp gỡ quốc tế, để thông báo tình hình đấu tranh ở miền Nam và bàn việc phối hợp hành động.
Từ đầu năm 1965, ở Mỹ, một phong trào chống xâm lược ngày càng lên cao, mở đầu là phong trào của sinh viên, ngày 24-3-1965 tại Trường đại học Michigan, 3.000 sinh viên hội thảo về chiến tranh Việt Nam rồi lan ra hàng trăm trường khác, lôi kéo đủ các tầng lớp của xã hội Mỹ và keo dài hết đợt nầy đến đợt khác, hết năm nầy qua năm khác, với đủ các hình thức đấu tranh: mit tinh, hội thảo, chất vấn… và cả tự thiêu của 16 công dân Mỹ mà bắt đầu từ ngọn đuốc Norman Morisson, một trí thức tự thiêu ngày 2-11-1965 trước trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, rồi anh Rôgiơ Lapoto 22 tuổi, chị Xila Giancaoxki người mẹ trẻ của hai con nhỏ, cụ bà Henga Hécdơ… Hàng ngàn thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch và trốn ra nước ngoài không chịu đi lính sang Việt Nam . 22 triệu người Mỹ da đen là tầng lớp chịu hậu quả chiến tranh rõ nhất. Suốt từ tháng 8-1965 đến đầu năm 1968, họ đã nổi dậy, đã xãy ra xung đột đẫm máu giữa người da đen với chính phủ Mỹ, đặc biệt từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8-1967 cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra trong hơn 100 thành phố làm hàng trăm người chết, hàng vạn người dân da đen bị bắt.
Ngày 12-12-1966, Mặt trận Dân tộc Giải phóng lập phái đoàn đại diện đặc biệt ở miền Bắc, do ông Nguyễn Văn Tiến làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Phú Soái làm phó đoàn.
Ngày 22-6-1967, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã thiết lập cơ quan đại diện thường trực của mình tại Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia.
Ngày 30-6-1967, Chính phủ Cuba thành lập cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hoà Cuba bên cạnh Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng.

3.2.3. Tham gia các tổ chức quốc tế  ủng hộ hoà bình, chống chiến tranh

Mặt trận Dân tộc Giải phóng và các đoàn thể trong mặt trận như Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn. Hội Lục hoà (tức đại diện Phật giáo), Công giáo kháng chiến, hội Nhà báo, hội Nhà văn Giải phóng... đều tranh thủ tham gia các sinh hoạt quốc tế lớn hoặc có quan hệ với các tổ chức tương ứng của các nước. Đại diện của Mặt trận đã được tín nhiệm bầu vào cơ quan lãnh đạo của các tổ chức quốc tế: Liên hiệp công đoàn thế giới, Hội đồng hoà bình thế giới, Liên hiệp phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên hiệp thanh niên dân chủ thế giới, Hội luật gia dân chủ thế giới, Hội nhà báo, Uỷ ban đoàn kết ba châu, phong trào Không liên kết.
Ngày 15-1-1966, tại La Habana, Hội nghị đoàn kết nhân dân 3 châu : Á- Phi - Mỹ Latinh đã ra nghị quyết “ ủng hộ hoàn toàn và triệt để bản tuyên bố 5 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và lập trường 4 điểm của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” và cho rằng “đó là cơ sở duy nhất đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam ”. Hội nghị nầy đã hình thành Mặt trận Á- Phi- Mỹ Latinh giúp Việt Nam.
Cuộc chiến đấu anh dũng, lập trường đúng đắn, thái độ thiện chí của Việt Nam , và cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam hiện nay là điển hình của những hành động tàn bạo dã man nhất của bọn đế quốc xâm lược đã tác động mạnh mẽ tới nhân dân các nước Tây Âu và ngay cả nước Mỹ.
Ngày 15-11-1966, Toà án quốc tế Bertrand Russel đã ra đời theo sáng kiến của nhà bác học nổi tiếng người Anh, Huân tước Bertrand Russel. Toà án đã họp và nhất trí kết luận : Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác xâm lược; tội ác chiến tranh; tội ác diệt chủng ở Việt Nam. Tội ác của chính phủ Mỹ chẳng những ức hiếp nhân dân Việt Nam mà còn đe doạ nhân dân thế giới.
Những kết luận của toà án là một bản án, một lời kết tội về chính trị, về tinh thần, có ảnh hưởng sâu sắc trên phạm vi thế giới, góp phần làm thức tỉnh lương tri của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Mỹ đấu tranh chống tội ác xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
Ngày 18-10-1966, tại Hội đồng Liên hiệp quốc, trong tham luận kết thúc chung của 101 đoàn thì có 93 đoàn nói về Việt Nam, đòi chấm dứt chiến tranh  và đàm phán hoà bình; 19 nước chính thức đòi ngừng ném bom miền Bắc, ngoài các nước xã hội chủ nghĩa có 5 nước khác đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam.
Cùng thời gian nầy, có 30 tổ chức của 20 nước dân tộc chủ nghĩa lấy tên là “Ủy ban đoàn kết với Việt Nam ”, “Ủy ban ủng hộ Việt Nam ”, “Hội đoàn kết nhân dân ba châu” là tổ chức phối hợp hành động ủng hộ Việt Nam của nhân dân Á- Phi-Mỹ La tinh được thành lập. Tổ chức đoàn kết nhân dân Á- Phi đã tổ chức những “Tuần lễ ủng hộ Việt Nam ”.
Thật khó mà thấy được một cuộc cách mạng nào trên thế giới trong thời hiện đại mà đến nhà bác học Anh Bertrand Russell, nhà triết học Pháp J.P.Sartre, nữ nghệ sĩ Mỹ J. Fonda dứt khoát bảo vệ, nhiều người dân Mỹ tự thiêu theo ngọn lữa Morisson để bày tỏ sự ủng hộ, sinh viên, thanh niên Mỹ xuống đường rầm rộ như vậy.
Trong hai năm 1966 và 1967, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có 59 đoàn đại biểu đi di dự các hội nghị quốc tế, khu vực  hay các quốc gia khác. Năm 1966 có 27 đoàn, năm 1967 có 32 đoàn.
Cũng trong thời  đó, Mặt trận đã cử nhiều đoàn đại biểu đi thăm hữu nghị các nước trên thế giới. Năm 1966 có 29 đoàn đi thăm 16 nước, năm 1967 có 79 đoàn, đi thăm 29 nước. Như vậy, từ năm 1961 đến 1967, Mặt trận đã đi thăm 12 nước xã hội chủ nghĩa, 52 nước tư bản chủ nghĩa và 3 nước dân tộc chủ nghĩa.
Lên tiếng ủng hộ tuyên bố 5 điểm của mặt trận ngày 22-3-1965 có 28 chính phủ, 15 tổ chức quốc tế và khu vực, 471 tổ chức, hội quần chúng ở 92 nước, 28 nước có có quân tình nguyện sẵn sàng sang Việt Nam đánh Mỹ nếu Việt Nam yêu cầu.
Cho đến cuối năm 1967, đã có 41 chính phủ , 12 tổ chức quốc tế, 5 tổ chức có tính chất khu vực đã lên tiếng ủng hộ Cương lĩnh chính trị của Mặt trận [24].
Đến hết năm 1967, Mặt trận đã đặt cơ quan thường trú tại 12 nước ( Liên Xô, Hung-ga-ry, CHDCND Triều Tiên, Cộng hoà Ả- Rập thống nhất, Ba Lan, Cu-Ba, An-giê-ry, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Cam-pu-chia) và một phái đoàn đại diện ở Hà Nội .
Như vậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chẳng những được xem là một tổ chức yêu nước, dân chủ, hùng mạnh mà còn được đối xữ như một chính phủ, một nhà nước có đủ tính cách. Điều đó phù hợp với tình hình thực tế ở miền Nam Việt Nam : “Mặt trận lãnh đạo những lực lượng quân sự và chính trị có sức đương đầu thắng lợi trong suốt mấy năm dài với hàng triệu quân Mỹ, nguỵ và chư hầu. Mặt trận quản lý một vùng giải phóng rộng lớn bằng ¾ miền Nam, với dân số hơn 2/3 dân số miền Nam ” [24].

3.3.  Hoạt động quân sự 

3.3.1. Âm mưu của “chiến tranh cục bộ”

          Đầu năm 1965, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã ồ ạt đưa quân viễn chính cùng với vũ khí và trang bị kỹ thuật hiện đại vào Việt Nam, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Từ giữa năm 1965, Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
 "Chiến tranh cục bộ" là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới, được tiến hành bởi quân viễn chinh Mỹ, quân các nước thân Mỹ và quân của chính quyền Sài Gòn, trong đó quân Mỹ giữ vai trò quan trọng và không ngừng tăng lên về số lượng và trang bị.
Cuối năm 1965, có 200.000 quân Mỹ và quân các nước thân Mỹ  đến Việt Nam, trong đó chưa kể 70.000 quân Mỹ trên các căn cứ quân sự ở châu Á sẵn sàng tham chiến.
Mỹ thực hiện hai gọng kìm chiến lược “tìm diệt” và “bình định”, cố giành lại thế chủ động trên chiến trường và giành lại nông dân trong những vùng giải phóng.
Mỹ gây nên “sự kiện vịnh Bắc Bộ” [20], dùng máy bay ném bom miền Bắc và Lào nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc, đồng thời liên tiếp tổ chức nhiều cuộc hành quân “tìm diệt” trong các mùa khô 1966, 1967  tạo điều kiện cho lực lượng “bình định nông thôn” chiếm lại vùng giải phóng đã mất trước đây.
Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng, nhân dân miền Nam thực hiện chủ trương  “hai chân, ba mũi”, thực hiện tấn công địch trên cả ba vùng chiến lược, tấn công địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ. “Đối đầu với sự hung hăng tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, phải có sự khôn ngoan tài trí của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam ” [46, tr.42].

3.3.2.Những trận đánh Mỹ mở màn của Quân Giải phóng [68], [77]

Ngày 16-5-1965, táo bạo và bất ngờ, khi quân Mỹ mới đến Việt Nam, Quân Giải phóng đã tập kích sân bay Biên Hoà, phá huỷ 11 máy bay B57 và 4 máy bay phản lực, làm hư hại nặng 25 máy bay khác, 21 lính Mỹ bị chết, 64 bị thương. Đây là đòn cảnh cáo đầu tiên của của quân dân miền Nam đối với tập đoàn hiếu chiến Mỹ.
Cùng thời gian nầy, với chủ trương đánh giặc ngay từ khi chúng vừa kéo đến, Bộ Tư lệnh Quân khu V chỉ thị cho Tỉnh đội Quảng Nam, nơi quân Mỹ đã triển khai lực lượng ở Đà Nẵng- Chu Lai “Đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm  đánh Mỹ trong toàn khu”. Trận đầu tiên diễn ra ngày 26-5-1965 tại Núi Thành thuộc tỉnh Quảng Nam. Lực lượng Quân Giải phóng gồm đại đội 2 của Tiểu đoàn 70 thuộc tỉnh Quảng Nam cùng với một tổ đặc công nhận nhiệm vụ tấn công một đại đội lính Mỹ đóng quân trên hai mỏm đồi 49 và 50 của Núi Thành, xung quanh có hai lớp kẽm gai bảo vệ. Sau hơn một giờ chiến đấu, các lực lượng giải phóng đã hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 140 tên, thu toàn bộ vũ khí, quân dụng. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm .lược do Đảng bộ Quảng Nam trao cho Đại đội 2  trước giờ xuất kích phấp phới bay trên Núi Thành.
Chiến thắng Núi Thành có ý nghĩa to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, là trận đầu biểu thị ý chí quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của nhân dân Việt Nam. Từ chiến thắng Núi Thành đã xuất hiện khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đánh Mỹ đầu tiên của nhân dân Việt Nam .
Tiếp theo là trận Vạn Tường ngày 8-8-1965. Trong trận nầy, Mỹ dùng một lực lượng quân đội với hoả lực rất mạnh gồm sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ được tàu chiến, máy bay, pháo bình, xe tăng yểm trợ tấn công hòng tiêu diệt Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu V đóng tại Vạn Tường, một thôn ven biển thuộc xã Bình Triệu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc tấn công nầy được tướng Oetmolen, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam đặt tên là cuộc hành quân Ánh sáng sao (Starlight). Trước khi cho lính thuỷ đánh bộ tấn công với sự mở đường của hàng tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp, quân Mỹ dùng tàu chiến, tàu đổ bộ và máy bay nã pháo và dội bom xuống thôn Vạn Tường và một số khu vực lân cận. Song, Trung đoàn 1 Quân khu V phối hợp với Đại đội 21 bộ đội địa phương và du kích ở đây chiến đấu ngoan cường, mưu trí, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 900 lính Mỹ, diệt 22 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 13 máy bay.
Chiến thắng Vạn Tường làm nức lòng nhân dân cả nước và đã là một minh chứng có sức thuyết phục rằng quân và dân miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về binh lực, hoả lực, sức cơ động và chúng chủ động lựa chọn chiến trường tác chiến hợp với sở trường để xuất quân. Với ý nghĩa đó, chiến thắng Vạn Tường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã được đánh giá rất cao “….trận Vạn Tường đã chứng tỏ một cách hùng hồn khả năng của ta đánh bại được quân Mỹ trong điều


kiện chúng có ưu thế tuyệt đối về vũ khí, hoả lực” [14, tr.131].

3.3.3. Hai mùa khô 1965- 1966 và 1966- 1967 [15]

Bước vào mùa khô 1965-1966, với lực lượng 720.000 quân, trong đó có 220.000 quân viễn chinh, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất. Cuộc phản công được bắt đầu từ tháng 1-1966, kéo dài trong 4 tháng, với tất cả 450 cuộc hành quân lớn nhỏ, trong đó có 5 cuộc hành quân “tìm diệt” then chốt, nhằm vào hai hướng chiến lược chính chính là đồng bằng khu V và miền Đông Nam Bộ, với mục tiêu là đánh bại quân chủ lực giải phóng, thực hiện “bẻ gãy xương sống Việt cộng”, giành lại thế chủ động trên chiến trường, củng cố quân ngụy tay sai.
Quân dân ta với thế trận chiến tranh nhân dân, với nhiều phương thức tác chiến khác nhau, đã chặn đánh địch trên mọi hướng, tiến công chúng khắp nơi.
Bên cạnh những trận đánh chặn các cuộc hành quân càn quét của địch, như trận đánh ở Củ Chi (1 và 2-1966), ở Bắc Bình Định (28-1 đến 7-3-1966)…., Quân giải phóng còn bắn pháo, tập kích vào các sân bay, như sân bay Chu Lai, Tân Sơn Nhất, Phú Lợi…., vào các căn cứ Mỹ- ngụy, như căn cứ Nhà Đỏ- Bông Trang (Thủ Dầu Một), tập kich khách sạn Victoria ngày 4-1-1966, diệt 200 sĩ quan Mỹ.
Trong 4 tháng mùa khô 1965-1966, trên toàn miền quân dân ta lọai khỏi vòng chiến đấu 104.000 tên, trong đó có 42.500 tên Mỹ, 3.500 quân các nước thân Mỹ, bắn rơi và phá hủy 1.430 máy bay, phả hủy 600 xe tăng và xe bọc thép, 1.310 xe ô tô, 80 khẩu pháo và 27 tàu.
Trong hội nghị lần thứ 12 của Mặt trận, Uỷ ban Trung ương Mặt trận DTGP đã nêu rõ: “Những thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trong những tháng vừa qua đánh dấu sự lớn mạnh không ngừng của các lực lượng kháng chiến. Đồng bào và chiến sĩ miền Nam liên tục phát huy thế tiến công và quyền chủ động của mình” [59, tr.43].
Tháng 9-1966, Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc phản công mùa khô lần thứ hai với quy mô lớn hơn, tập trung tấn công vào khu vực xung quanh Sài Gòn và chiến khu Dương Minh Châu.
Ngày 14-9-1966, địch mở cuộc hành quân Attơnborơ với 3.000 lính Mỹ và quân Sài Gòn , đánh vào căn cứ Dương Minh Châu để tiêu diệt chủ lực, phá căn cứ,
kho tàng của ta. Dựa vào thế trận liên hoàn đã được bố trí sẵn trên những khu vực dự kiến địch sẽ tấn công, các lực lượng chủ lực, địa phương, dân quân du kích và tự vệ cơ quan liên tục chặn đánh, tiến công vào đội hình địch, đánh bại các mũi tiến quân, gây cho chúng nhiều thiệt hại về sinh lực và phưong tiện chiến tranh. Sau 72 ngày đêm, Mỹ và quân Sài Gòn không thực hiện được mục tiêu cuộc hành quân và ngày càng rơi vào thế bất lợi. Ngày 24-11, Oétmolen quyết định kết thúc cuộc hành quân cấp quân đoàn đầu tiên của Mỹ và quân Sài Gòn , toàn bộ kế hoạch phản công chiến lược của địch thất bại.
Ngày 8-1-1967, Mỹ mở cuộc hành quân Xêdaphôn, cuộc hành quân lớn cấp quân đoàn thứ hai đánh vào Củ Chi, Bến Cát, Bến Súc. Ý đồ của Mỹ là tiêu diệt chủ lực của ta, phá căn cứ du kích, bình định vùng tam giác sắt, nới rộng vành đai an ninh, chia cắt vùng giải phóng của hai tỉnh Gia Định và Thủ Dầu Một để phòng thủ chắc chắn Bắc Sài Gòn. Được chuẩn bị tốt về tinh thần, tư tưởng và tổ chức, quân chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định, dựa vào hệ thống địa đạo, công sự của các xã chiến đấu, chủ động chặn đánh địch, liên tục tổ chức các trận tập kích vào đội hình quân Mỹ, Mỹ và quân Sài Gòn đối phó lúng túng với lực  lượng vũ trang tại chổ, lại bị quân chủ lực quân khu Sài Gòn – Gia Định đánh vào bên sườn phía sau tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh.
Ngày 26-1 quân Mỹ phải chấm dứt cuộc hành quân sau gần một tháng càn quét đánh phá nhưng không đạt được mục tiêu dự định ban đầu, Thành uỷ, Bộ tư lệnh Sài Gòn – Gia Định và  Quân giải phóng vẫn tiếp tục đứng vững tại vùng “đất thép”Củ Chi ngay sát Sài Gòn – Gia Định.
Đầu tháng 2-1967, quân Mỹ chuẩn bị cuộc hành quân lớn thứ ba: Cuộc hành quân Gianxơnxiti, cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ ở miền Nam đánh vào căn cứ Dương Minh Châu.
Ngay sau cuộc hành quân Xedaphôn, Trung ương cục và Quân uỷ Bộ tư lệnh Miền đã nhận định Mỹ sẽ dốc toàn lực mở cuộc hành quân lớn hơn, đánh sâu vào căn cứ và cố giành thắng lợi quyết định. Trung ương cục và Bộ tư lệnh Miền chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chuẩn bị đánh địch. Căn cứ Dương Minh Châu được tổ chức thành 13 ”huyện”, 6 “huyện” do các cơ quan của Trung ương cục đảm nhiệm và 7 ”huyện” do các đơn vị của Bộ tư lệnh Miền phục trách. Mỗi “huyện” chia thành nhiều “xã”, ”ấp”. Các xã , ấp liên kết với nhau thành các khu vực trận địa có thể liên kết với nhau, chi viện cho nhau. Cán bộ, nhân viên các cơ quan dân-chính-Đảng có khoảng 10.000 người được tổ chức thành lực lượng vũ trang tại chỗ gồm ba thứ quân và tăng cường trang bị vũ khí.
Ngày 22-2-1967, Mỹ huy động 45.000 quân, 1.200 xe tăng xe bọc thép, hơn 250 khẩu pháo, 17 phi đoàn máy bay mở cuộc hành quân Gianxơnxiti đánh vào căn cứ Dương Minh Châu. Đây là một căn cứ rộng khoảng 1.500 km­2 thuộc tỉnh Tây Ninh, được hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp, tiếp tục được xây dựng trong kháng chiến chống Mỹ. Tại đây tập trung nhiều cơ quan trọng yếu như Trung ương Cục, Cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam , Quân uỷ Miền, Đài phát thanh Giải phóng, trường học, bệnh viện, kho tàng… nhưng chỉ có 800 dân.
Dựa vào thế trận đã được xây dựng trước, lực lượng vũ trang trong căn cứ bám trận địa, chủ động tiến công đánh địch rộng khắp bằng nhiều hình thức gây cho quân Mỹ và quân Sài Gòn bị tổn thất lớn ngay từ ngày đầu. Lực lượng chủ lực quân giải phóng miền Nam cơ động đánh vào những chổ sơ hở của địch làm cho chúng thiệt hại nhiều về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Trước tình hình đó, Oetmolen phải tuyên bố kết thúc cuộc hành quân vào ngày 15-5-1967.
Trong mùa khô 1966-1967, trên toàn miền Nam quân ta đã loại khỏi vòng chiến 151.000 quân, trong đó có 68.200 quân Mỹ, phá hủy 1.231 máy bay, phá hủy 1.627 xe tăng và xe bọc thép, 2.107 ô tô, 308 khẩu pháo và 42 tàu [17].

3.3.4.Tổng công kích- tổng khởi nghĩa mùa xuân 1968

Tháng 5-1967, ngay sau khi cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của Mỹ kết thúc, Bộ chính trị Trung ương Đảng đã họp dưới sự chủ toạ của Hồ Chủ tịch đánh giá tình hình, xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông –Xuân 1967-1968. Tiếp đó, tháng 6-1967, Hội nghị Bộ Chính trị lại được triệu tập và đã bàn bạc rất kỹ dự thảo chiến lược nầy. Hội nghị nhận định: quân dân hai miền đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện. Vì vậy Hội nghị đã chủ trương :”trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nổ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn” [40, tr.84]. Ngày 28-12-1967, Nghị quyết Bộ Chính trị quyết định: ”Tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước” [40, tr.93].
Đêm 28 rạng ngày 29-1-1968 (tức đêm 29 tháng Chạp, năm Đinh Mùi 1967) [39, tr.27], trước đêm Giao thừa một ngày, quân và dân các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt nổ súng tiến công vào các thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ và các căn cứ quân sự của Mỹ và quân đội Sài Gòn mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam.
Tỉnh nổ súng sớm nhất là Khánh Hoà, từ 23 giờ đêm 28-1-1968, pháo binh Quân Giải phóng ở Khánh Hoà đã bắn phá trung tâm huấn luyện hải quân Sài Gòn ở thành phố Nha Trang.
Đến 0 giờ 30 phút ngày 29-1-1968, Quân Giải phóng đồng loạt tấn công thị trấn Tân Cảnh, thị xã Kon Tum (tỉnh Kon Tum), thị xã Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắc Lắc), thị xã Plâycu (tỉnh Gia Lai), thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An (tỉnh Quảng Đà- Quảng Tín), thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)…
Quân dân Sài Gòn – Gia Định, Quảng Trị, Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Biên Hoà, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiến Phong, Kiến Tường, Gò Công, Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Bình, Châu Đốc, Tuyên Đức mở nhiều cuộc tấn công qưyết liệt vào quân địch.
Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng là trọng điểm tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, trong đó, Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất. Đây chính là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn . Vì vậy, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bố trí một hệ thống phòng thủ dày đặc ,nhiều tầng gồm cả quân Mỹ và quân đội Sài Gòn tham gia bảo vệ.
Lúc 2 giờ sáng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân, tức ngày 30-1-1968, cuộc tấn công và nổi dậy ở Sài Gòn – Gia Định bắt đầu. Quân Giải phóng đã nhanh chóng đánh vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất và Đài phát thanh Sài Gòn, Toà đại sứ Mỹ. Các trận chiến đấu đã diễn ra ác liệt, nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh nhưng không chiếm được Bộ Tổng tham mưu và sân bay. Tại Đài phát thanh Sài Gòn, Đội biệt động số 1 sau 3 phút tấn công đã loại khỏi vòng chiến đấu trung đội cảnh sát dã chiến bảo vệ ở đây và chiếm được đài, song, do nhân viên kỹ thuật và bộ phận chính trị phụ trách phát thanh của cách mạng không vào kịp nên không thực hiện được ý đồ sử dụng Đài phát thanh Sài Gòn làm công cụ tuyên truyền. Nhận ra tầm quan trọng của Đài phát thanh, quân đội Sài Gòn đã dùng một lực lượng quân sự rất lớn tấn công chiếm lại. Sau 3 ngày chiến đấu quyết liệt mà không được sự chi viện nào, các lực lượng tấn công hy sinh nhiều, quân ta rút lui sau khi phá hỏng một góc Đài phát thanh.
Lúc 2 giờ 30 phút ngày 30-1-1968, 17 chiến sĩ thuộc Đội biệt động số 11 đã vào được sứ quán Mỹ và chiếm gấn hết tầng 1, phát triển lên tầng 2 và tầng 3 sau khi diệt quân cảnh Mỹ gác ở cổng chính và dùng thuốc nổ phá tường bao của sứ quán. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, các chiến sĩ biệt động cách mạng lùng bắt đại sứ Mỹ Bâncơ nhưng viên đại sứ nầy đã kịp thời trốn thoát. Đến 9 giờ sáng ngày 30-1-1968, Mỹ đổ một lực lượng rất đông thuộc sư đoàn dù 101 Mỹ xuống sân thượng Toà đại sứ. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt và không cân sức. Lực lượng tăng viện của Quân Giải phóng không đến được theo hợp đồng. 17 chiến sĩ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng cho đến khi 16 người hy sinh và 1 người bị địch bắt. Trận đánh chiến Toà đại sứ Mỹ đã gây tiếng vang lớn trên thế giới và làm chấn động nước Mỹ.
Cuộc tấn công còn diễn ra tại Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn … Ngay trong đêm 30-1-1968, phối hợp với các đội đặc công và biệt động thành phố, các đội du kích, các nhóm vũ trang và các tổ chức quần chúng cách mạng đã chiếm lĩnh nhiều xóm lao động. Các tiểu đoàn mũi nhọn và địa phưong tiến công và làm chủ trại thiết giáp Phù Đổng, trại pháo binh Cổ Loa, phá huỷ nhiều pháo và xe cơ giới, nhiểu xưởng quân cụ, chiếm trung tâm huấn luyện Quang Trung, làm chủ nhiều ngày khu Bình Hoà, ngã ba Cây Thị, Trường nữ quân nhân Sài Gòn … Các lực lượng vũ trang  cách mạng cũng làm chủ khu vực giáp ranh giữa các quận 5, 6, 8, 10, 11, khu Minh Mạng, Ấn Quang, khu chợ Thiếc, khu cầu Chữ Y, cầu Muối, Bàu Sen, Hàng Xanh, Thị Nghè, Trương Minh Giảng…Nhân dân còn tổ chức nổi dậy, giành quyền làm chủ ở một số nơi thuộc quận 7,8, ngã ba Hàng Xanh, ngã năm Bình Hoà, chợ Trần Quốc Toản, khu vực trường đua Phú Thọ, Gò Vấp, Cầu Tre, Phú Lâm…[16], [35], [37], [68].
Tại Huế, cuộc tấn công của các lực lượng vũ trang cách mạng nổ ra vào lúc 2 giờ 23 phút ngày 31-1-1968. Pháo binh Quân Giải phóng đã bắn đồng loạt vào các mục tiêu của địch ở khu Tam Giác, khu Phan Sào Nam, Phú Bài, Động Toà, Đông Ba mở đầu cho cuộc tiến công đánh chiếm thành phố Huế. Sau đó. Quân Giải phóng chia làm hai cánh, đồng loạt đánh vào 39 khu vực và mục tiêu trong và ngoài thành phố.
Sau những trận đánh diễn ra ác liệt trên các đướng phố và khu dân cư, các căn cứ quân sự… hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn ở Huế đều bị Quân Giải phóng đánh chiếm. Sau một ngày chiến đấu, phần lớn thành phố Huế được giải phóng, trong đó có cả khu Đại Nội. Cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên đỉnh Phú Văn Lâu. Nhân dân đã tích cực phối hợp với Quân Giải phóng xây dựng các hệ thống phòng ngự chống địch phản công…
Quân Giải phóng và nhân dân Huế đã làm chủ thành phố 25 ngày đêm, đã tổ chức hàng trăm trận đánh địch phản kích. Đến ngày 22-2-1968, trước sự phản kích điên cuồng của địch và để bao tồn lực lượng, tránh bị bao vây, quân ta quyết định rút khỏi thành phố.
Quân và dân miền Nam mở cuộc tấn công lần thứ hai bắt đầu từ đêm 4 rạng ngày 5-5-1968. Ý đồ chiến lược trong đợt 2 là vây hãm Khe Sanh, kìm giữ và diệt địch ở Đường 9, Trị Thiên, Tây Nguyên. Trọng điểm tổng tiến công và nổi dậy là Sài Gòn – Gia Định. Điểm tiến công quan trọng là Huế và Đà Nẵng. Thời gian hành động toàn miền Nam là từ tháng 4 đến tháng 6-1968. Quân và dân trên khắp các chiến trường đã đồng loạt bắn phá bằng pháo binh, súng cối và tiến công bằng bộ binh vào 31 thành phố, thị xã, 58 quận lỵ, thị trấn, đánh vào 10 bộ tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện cùng các kho tàng quan trọng của Mỹ và quân đội Sài Gòn .
Tại Sài Gòn – Gia Định, pháo binh Quân Giải phóng tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Độc lập, Sứ quán Mỹ, Bộ tư lệnh Hải quân, Tổng nha cảnh sát, Biệt khu Thủ đô…
Các đội đặc công Quân Giải phóng và biệt động thành phố Sài Gòn đánh chiếm Đài Truyền hình, cầu Phan Thanh Giản. Các đơn vị bộ binh Giải phóng cùng các lực lượng vũ trang khác đánh sâu vào trung tâm thành phố, chiếm giữ ngã tư Bảy Hiền, trường đua Phú Thọ, quận lỵ Gò Vấp, cầu Chữ Y, bót cảnh sát quận 8, cầu Bình Lợi, cầu Bình Hoà…
Quân Mỹ và quân đội Sài Gòn có xe tăng và máy bay yểm trợ đã tổ chức phản kích rất quyết liệt. Các trận chiến đấu ác liệt diễn ra tại trường đua Phú Thọ, cầu Chữ Y, cầu Tre, bến Phạm Thế Hiền, đường Minh Phụng. Hai bên đều chịu nhiều tổn thất. Máu của Quân Giải phóng thấm đỏ trên đường phố Sài Gòn .
Ở ngoại vi Sài Gòn – Gia Định, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích các quận, huyện tổ chức phối hợp chiến đấu, tấn công các kho tàng, sân bay, cơ sở đóng quân và cơ sở hậu cần của địch.
Sau những ngày đêm chiến đấu ác liệt, ngày 12-5-1968, các đơn vị Quân Giải phóng rút khỏi Sài Gòn  [16], [68].
Phối hợp chặt chẽ với quân dân Sài Gòn – Gia Định, quân và dân miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, khu V, Tây Nguyên đều tiến công vào các thành phố, thị xã như Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi, Đà Lạt, Phan Thiết…trong các ngày 4 và 5-5-1968. Quân và dân  Quảng Nam đánh bại cuộc hành quân giải toả của địch ở ven sông Thu Bồn từ ngày 5 đến ngày 24-5-1968.
Trên chiến trường Đường 9-Trị Thiên, sau khi rút khỏi thành phố Huế, Quân Giải phóng tiếp tục vây hãm thành phố Huế, cụm quân Mỹ ở Khe Sanh và chặn các cuộc hành quân của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Bị vây hãm ở Khe sanh từ tháng 4-1968, Mỹ và quân đội Sài Gòn diều Sư đoàn kỵ binh không vận số 1, 3 tiểu đoàn dù và 1 tiểu đoàn biệt động quân Sài Gòn mở các cuộc hành quân Ngựa bay và Lam Sơn 207 để giải toả Khe Sanh. Các trận đánh diễn ra ác liệt, Quân Giải phóng bị thương vong nhiều, một số đơn vị phải rút ra để củng cố lực lượng. Sang tháng 5-1968, Quân Giải phóng được tăng viện thêm Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246, mở nhiều cuộc tấn công các vị trí quanh khu vực Tà Cơn, căn cứ Tà Cơn của quân Mỹ bị cô lập và rơi vào tình trạng có thể bị tiêu diệt. Ngày 26-6-1968, quân Mỹ được lệnh rút khỏi Khe Sanh, Quân Giải phóng tiến vào Tà Cơn.
Chiến dịch Đường 9- Khe Sanh thực sự kết thúc vào giữa tháng 7-1968, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn bị thiệt hại nặng nề: 11.900 binh lính và sĩ quan bị chết và bị bắt sống, 78 xe quân sự bị bắn cháy, 197 máy bay bị bắn rơi hoặc phá hỏng.
       Từ 17-8-1968, đợt 3 Tổng công kích- tổng khởi nghĩa bắt đầu, mục tiêu của đợt 3 vẫn được xác định là: Chiến trường Sài Gòn – Gia Định và miền Đông Nam Bộ, Khu V là hướng phối hợp, trọng điểm là Quảng  Đà.
Tại Sài Gòn, Quân Giải phóng tiến công Nhà Quốc hội và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Đồng thời, lực lượng vũ trang ở các nơi khác thuộc miền Đông Nam Bộ tiến công vào một loạt căn cứ quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ở Trãng Lớn, Cà Tum, Đài truyền hình của Mỹ ở núi Bà Đen, căn cứ Mỹ ở Chà Là, Bến Củi, vị trí đóng quân của Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ ở Lộc Ninh…
Trong tháng 9-1968, trên hướng Tây Ninh, Quân Giải phóng tiếp tục tấn công các vị trí của Sư đoàn bộ binh số 1 và 25 của Mỹ vừa từ Sài Gòn cơ động đến. Lực lượng vũ trang khu VI tiến công các chi khu quân sự Hoà Đa, Di Linh, Phan Thiết, Phan Rang, pháo kích sân bay Thành Sơn, Cẩm Ly. Ở  Khu V, Quân Giải phóng tiến công vào thị xã, quận lỵ  Hội An, Tam Kỳ, Hoà Vang, Vĩnh Điện. Pháo binh Quân Giải phóng tập kích mãnh liệt vào các căn cứ ở Chu Lai, Núi Ngang, Tuần Dưỡng, Phước Lâm, đồi Ông Sầm. Ở Đà Nẵng, Quân Giải phóng tấn công Sở chỉ huy đặc khu, đài phát thanh, sân bay Đà Nẵng… Trên chiến trường Tây Nguyên, Quân Giải phóng tấn công quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ở Nam Đắc Lắc, Tây Bắc Kon Tum. Ở Trị- Thiên, Quân Giải phóng đánh trả các đợt hành quân của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ở vùng giáp ranh, đồng thời tấn công địch ở Đường số 9…Ngày 30-9-1968, đợt 3 cuộc Tổng công kích- tổng khởi nghĩa kết thúc.
Qua 3 đợt tổng công kích- tổng khởi nghĩa, mặc dù Quân giải phóng bị tổn thất khá lớn, nhưng quân và dân ta đã “xoay chuyển được cục diện tình hình” mà trước đó ta chưa bao giờ có được. Cuộc tổng công kích- tổng khởi nghĩa đã tạo ra bước ngoặc chiến lược trên chiến trường miền Nam Việt Nam, làm chấn động nước Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị và xuống thang chiến tranh [35].
ï Như vậy, từ 1965 đến 1968, hoạt động của Mặt trận DTGPMNVN trên cả ba lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao đều có những bước phát triển vượt bậc.
Về chính trị, Mặt trận đã xây dựng được hệ thống  Uỷ ban mặt trận từ trung ương đến địa phương, chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng miền Nam, bước đầu xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng ở các địa phương [35], [37].
Về quân sự, từ năm 1965 đến 1968, Quân giải phóng đã diệt 30.268 quân Mỹ.  Quân nguỵ chết, bị bắt và bị thương 893.500 tên, phá huỷ 12.667 máy bay, 12.626 xe tăng, 1.463 tàu và 1.850 đại bác [2]. Đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ với một đội quân khổng lồ lên đến hơn nửa triệu quân, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị và tìm cách rút quân về nước.
Về ngoại giao, thúc đẩy phong trào chống Mỹ xâm lược Việt Nam phát triển mạnh trên thế giới, kể  cả nhân dân Mỹ. Một thắng lợi quan trọng của mặt trận ngoại giao là Mỹ buộc phải ngồi vào bàn hội nghị, nói chuyện với Mặt trận DTGPMNVN để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam.
Năm 1968, là năm đánh dấu "chiến tranh cục bộ" của Mỹ thất bại hoàn toàn, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn hội nghị, xuống thang chiến tranh.
ïœ

Không có nhận xét nào: