27/7/11

Luận văn:Vai trò của Mặt trận DTGPMNVN trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. P3


CHƯƠNG 2.       HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN

                       DTGPMNVN  TỪ 1960 ĐẾN 1965


2.1.Hoạt động chính trị

            2.1.1. Xây dựng hệ thống tổ chức Mặt trận

Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, chính quyền và quân đội tập kết ra Bắc, chỉ có Đảng ở lại miền Nam. Với chính sách đàn áp dã man những người kháng chiến cũ, với “quốc sách tố cộng , diệt cộng”,  với luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, phong trào cách mạng miền Nam có nguy cơ tan vỡ. Căn cứ vào tình hình cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẫn đã soạn ra bản Đề cương cách mạng miền Nam và ra báo cáo với Bộ Chính trị và Bác Hồ.
          Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng        ( khóa II) mở rộng được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị quyết định chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam, phải thành lập một tổ chức Mặt trận ở miền Nam, thành lập Đoàn vận tải quân sự 559 và 759 chi viện cho miền Nam, cử 1.500 cán bộ đã được huấn luyện đưa vào miền Nam.
          Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam từ khi ra đời, đã xây dựng hệ thống tổ chức của Mặt trận, xây dựng hệ thống lãnh đạo của Đảng, xây dựng Giải phóng quân, vùng giải phóng, các đoàn thể trong Mặt trận, tiến hành các đại hội, đưa ra những bản tuyên bố, Cương lĩnh của Mặt trận [40, tr.268].

          2.1.1.1.Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận.

          Từ tháng 10-1954, để phù hợp với tình hình mới, cơ quan Trung ương Cục chuyển thành Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẫn, ủy viên Bộ Chính trị là Bí thư Xứ ủy. Nhiệm vụ Xứ ủy lúc nầy là “giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam nhằm củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”.
          Từ tháng 1-1961, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 ( khóa III ) họp và quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Bí thư Trung ương Cục đầu tiên là đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhiệm vụ Trung ương Cục là lãnh đạo vùng cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ ( chiến trường B2), còn vùng khu V và Trị Thiên do Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo [61, tr.42].
          Khi cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng  sang tiến công cách mạng, trong hoạt động thực tế, Đảng gặp một số trở ngại trong  việc tuyên truyền, tập hợp quần chúng ở miền Nam. Vì Đảng ta là Đảng cầm quyền ở miền Bắc, đồng thời lãnh đạo cách mạng cả nước, nên địch vin vào cớ đó để xuyên tạc miền Bắc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam.
          Trước yêu cầu mới của cách mạng, tiếng nói của Đảng phải thường xuyên thâm nhập vào quần chúng, làm cho quần chúng không những chỉ biết có Mặt trận mà còn thấy rằng cách mạng miền Nam do Đảng lãnh đạo, nhằm thực hiện mục đích của Đảng là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Đảng bộ miền Nam phải có danh nghĩa công khai để tham gia và lãnh đạo Mặt trận, lãnh đạo cách mạng miền Nam, làm thất bại âm mưu xuyên tạc của kẻ thù.
          Căn cứ vào thực tiễn của cách mạng miền Nam  và đề nghị của Đảng bộ miền Nam : ”Đảng bộ miền Nam phải có tên riêng vì nếu giữ tên cũ công khai thì kẻ thù trong và ngoài dễ vin vào đó mà xuyên tạc, vu cáo miền Bắc can thiệp lật đổ miền Nam. Điều đó làm cho miền Bắc gặp khó khăn trong cuộc vận động đấu tranh  cho miền Nam trên phương diện pháp lý quốc tế. Mặt khác, đổi tên Đảng cũng tạo điều kiện  cho Đảng bộ miền Nam công khai hiệu triệu nhân dân miền Nam dùng mọi hình thức để đánh đuổi kẻ thù” [74, tr.20]. Trung ương Đảng đã quyết định Đảng bộ miền Nam lấy tên là Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam.
          Ngày 1-1-1961, Đảng bộ miền Nam lấy tên công khai là Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam  và tuyên bố cương lĩnh của Đảng.
          Trong tuyên bố nhân ngày thành lập, Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam đã nêu rõ: “Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là đảng của toàn thể nhân dân yêu nước miền Nam Việt Nam .
          Đảng tuyên bố nhiệt liệt hưởng ứng tuyên ngôn và chương trình hành động của Mặt trận DTGPMNVN. Đảng tuyên bố tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Mặt trận, đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với các đảng phái dân chủ, các tôn giáo và các đoàn thể yêu nước trong mặt trận để thực hiện chương trình của Mặt trận. Đảng nhấn mạnh vào sự thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp, các đảng phái, các tầng lớp yêu nước, giúp đỡ các dân tộc thiểu số, trên tinh thần bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ” [22].
          Nhiệm vụ trước mắt của Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam là đoàn kết lãnh đạo giai cấp công nhân, nông dân, nhân dân lao động và toàn thể đồng bào miền Nam Việt Nam, đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, hiện nay là đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, giải phóng miền Nam, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ rộng rãi, thực hiện độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân, làm cho người cày có ruộng, phát triển công thương nghiệp, mở mang khoa học giáo dục, làm cho mọi người được cơm no áo ấm, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà, góp phần bảo vệ hoà bình thế giới.
          Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam là một thành viên đặc biệt của Mặt trận DTGPMNVN, vừa là lực lượng nòng cốt của Mặt trận, vừa bảo đảm một cách chắc chắn cho cách mạng miền Nam đi đúng hướng, thực hiện nhiệm vụ cách mạng Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam đề ra.
          Sự kiện trên là một sách lược có ý nghĩa quan trọng, có tác dụng cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, tranh thủ được rộng rãi các tầng lớp và cá nhân vào Mặt trận dân tộc thống nhất, cô lập thêm đế quốc Mỹ và tay sai. Sách lược nầy cũng có tác dụng tranh thủ chính phủ một số nước trên thế giới đồng tình với cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhằm giải phóng miền Nam.

          2.1.1.2.Hệ thống tổ chức của Mặt trận

          Từ ngày thành lập đến đại hội lần thứ nhất của Mặt trận (1962) thì cơ quan lãnh đạo của Mặt trận là Uỷ ban trung ương lâm thời. Từ Đại hội Mặt trận lần thứ nhất cơ quan lãnh đạo của  Mặt trận  là Uỷ ban trung ương Mặt trận chính thức do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch Đoàn chủ tịch, Ban thư ký và  và 30 uỷ viên.
          Từ sau đại hội lần thứ nhất, hệ thống Uỷ ban Mặt trận từ trung ương đến thôn, xã được hình thành, Uỷ ban mặt trận làm nhiệm vụ của chính quyền cách mạng khi ta chưa có chính quyền.
          Ngày 19-3-1961, Uỷ ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Sài Gòn được thành lập [72, tr.299] do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, Kỹ sư Lê Văn Thả làm Phó chủ tịch. Lễ ra mắt được tở chức trọng thể ở xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi), có hàng vạn quần chúng tham dự, nhiều giới đồng bào từ nội thành ra tham gia [60, tr.357-366].
          Tháng 5-1961, trên 200 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Tây Nam Bộ [3]. Đại hội bầu ra Uỷ ban Mặt trận Khu gồm 32 uỷ viên. Ban thường vụ có các ông: Chủ tịch Dương Văn Vinh, Phó chủ tịch Trần Văn Bỉnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ngô Tâm Đạo. Cuộc mít tinh ra mắt Uỷ ban được tổ chức ở xã Trí Phải (Thới Bình, Cà Mâu), có 20.000 đồng bào tham dự, có đại diện các dân tộc, các tôn giáo, các giới, và cả đồng bào ở đô thị, nhân sĩ, trí thức tham dự.
          Tháng 7-1961, Ủy ban mặt trận 6 tỉnh miền Trung Nam Bộ và ủy ban các tỉnh, các vùng khác cũng thành  lập [6, tr.138].
          Cuối tháng 8-1962, Khu uỷ miền Đông tổ chức Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Đông Nam Bộ [31]. Đại hội tổ chức tại chiến khu Đ với gần 200 đại biểu tham dự. Đại biểu của đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, đại biểu của Quân giải phóng, các đoàn thể chính trị cách mạng (Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân…), các tôn giáo ( Phật, Thiên Chúa, Cao Đài). Uỷ ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Đông do đồng chí Lê Thành Long ( Mười Long) làm chủ tịch. Lê Đình Nhơn làm Tổng thư ký. Sự ra đời của Uỷ ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Đông Nam Bộ thể hiện được truyền thống đại đoàn kết dân tộc và quyết tâm kháng chiến của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân miền Đông.
          Giữa năm 1965, tại huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trên 200 đại biểu các ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng  tỉnh, thành phố, đại biểu các đoàn thể, đại biểu đảng bộ Nam Trung Bộ Đảng nhân dân  cách mạng Việt Nam, đại biểu phong trào tự trị Tây Nguyên… tham dự Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng Nam Trung Bộ [30]. Đại hội đã bầu 25 vị vào ủy ban Mặt trận do  nhà giáo Trần Hữu Duẫn làm chủ tịch, ông Trương Công Thuận làm phó chủ tịch, các ông Rơ Chôm Thép ( Gia Rai), ông Siu Tám ( Ê Đê), nhà báo Hồ Hiếu Dân, Đại đức Thích Giác Lượng, linh mục Gia cô bê Nguyễn Hữu Thiên là ủy viên.
          Tất cả các miền ( Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Sài Gòn –Gia Định, Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ) đều có Uỷ ban Mặt trận. Trong số 41 tỉnh, thành, từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mâu thì 38 tỉnh, thành đã có uỷ ban Mặt trận ra mắt nhân dân. Tất cả các xã ở vùng kềm kẹp và vùng giải phóng đều có cơ sở Mặt trận, có Uỷ ban Mặt trận làm nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, tổ chức chính trị, quản trị, quân sự, văn hoá và cả kinh tế nữa. Xét toàn bộ cơ sở và hệ thống của Mặt trận  ta thấy Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam như một Chính phủ.
          Theo báo cáo của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong Đại hội Mặt trận lần thứ hai :“Mặt trận vừa phải tiếp tục đảm đương nhiệm vụ chánh trị là động viên tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, lại vừa phải gánh vác vai trò của một chính quyền đang hình thành ...”[62].
          Cho đến Đại hội Mặt trận lần thứ hai (1964) thì các ngành trực thuộc trung ương được tổ chức và kiện toàn bao gồm các ban: ban Quân sự trung ương, ban Thông tin văn hoá và giáo dục, ban Liên lạc đối ngoại, ban Kinh tế tài chính, ban Y tế, ban Bảo vệ an ninh, ban Quản lý vùng giải phóng, ban Giao thông liên lạc [23].
          Trên mặt trận ngoại giao, từ năm 1962, Mặt trận Dân tộc giải phóng chủ trương đẩy mạnh các họat động đối ngoại, gắn cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân ta với phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ trên thế giới. Họat động ngọai giao của Mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đạt hiệu quả rất khả quan, có tác dụng xây dựng ba tầng Mặt trận bao vây đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh tạo điều kiện cho ta “đánh cho ngụy nhào”.
          Theo ông Nguyễn Hữu Thọ : trước khi có chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam “Mặt trận Dân tộc Giải phóng đồng thời làm chức năng nhà nước. Uỷ ban Trung ương Mặt trận thực tế là chính phủ cách mạng ở miền Nam, các uỷ ban tỉnh, quận, xã…thực hiện nhiệm vụ quản lý vùng giải phóng” [18].
          Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là Thông tấn xã Giải phóng, báo Giải phóng và Đài phát thanh Giải phóng cùng với trên 30 tờ báo trung ương và địa phương.

          2.1.1.3. Các đoàn thể trong Mặt trận

          Ngay từ khi mới ra đời, Mặt trận DTGPMNVN đã nhanh chóng trở thành trung tâm đoàn kết của tất cả các lực lượng yêu nước ở miền Nam. Uy thế của Mặt trận những ngày đầu cũng rất lớn, nhiều vùng rộng lớn ở miền Nam Việt Nam chính quyền Diệm không còn tồn tại, “nông dân chỉ biết có chính phủ bí mật “ [7] ( ý nói uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng ở các địa phương) tồn tại song song hoặc thay thế nhiều cấp chính quyền của Mỹ -Diệm. Nông dân thôi không nộp thuế, thôi không đi lính, thôi không đi bỏ phiếu cho chính quyền Diệm, và thôi cả việc giữ những thẻ kiểm tra của chính quyền Diệm.
          Thực hiện nghị quyết Bộ chính trị: “Mặt trận cần phải ra sức tăng cường lực lượng công nông, lấy công nông làm cơ sở, đoàn kết chặt chẻ với các tầng lớp trí thức, học sinh, tranh thủ lôi kéo các tầng lớp bên trên, đặc biệt là giới công thương và lôi kéo cả những người địa chủ yêu nước, hợp tác chặt chẻ với các đảng phái, tôn giáo yêu nước” [58]. Mặt trận Dân tộc giải phóng đã huy động tất cả các tổ chức, đoàn thể, đảng phái, tôn giáo, dân tộc ở miền Nam tham gia Mặt trận.
          Hơn một năm sau khi ra đời. Mặt trận DTGPMNVN đã tập hợp vào hàng ngũ của mình hàng triệu người ở nông thôn cũng như ở thành thị. Các uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng, các uỷ ban dân tộc tự trị và các tổ chức quần chúng khác lần lượt thành lập ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Nhân dân miền Nam, đủ các tầng lớp, không phân biệt chính kiến, tín ngưỡng, dân tộc đã tham gia vào các tổ chức của Mặt trận. Hơn hai mươi tổ chức chính trị, quân sự, tôn giáo đã gia nhập Mặt trận, trong đó có:
- Ngày 4-1-1961 : thành lập “Nhóm những người đấu tranh cho hòa bình thống nhất độc lập Tổ quốc Việt Nam ”, nhóm nầy bao gồm những binh sĩ yêu nước trong quân đội ngụy, sau khi thành lập nhóm nầy xin gia nhập Mặt trận [11, tr.21].
- Ngày 9-1-1961 : Hội Liên hiệp học sinh, sinh viên giải phóng, chủ tịch ông Trần Bửu Kiếm.
- Ngày 31-1-1961, đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam thành lập, đảng của giai cấp tư sản dân tộc ở miền Nam .
- Ngày 15-2-1961, thành lập Giải phóng quân miền Nam Việt Nam .
- Ngày 20-2-1961: Hội Nông dân giải phóng, chủ tịch ông Nguyễn Hữu Thế.
- Ngày 8-3-1961 :Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng, chủ tịch bà  Nguyễn Thị Tú, về sau bà  Nguyễn  Thị Định.
- Ngày 30-3-1961, Hội Chấn hưng Đạo đức của Phật giáo Hòa hảo thành lập, chủ tịch: Nguyễn Thị Biền.
- Ngày 31-3-1961, nhóm Công thương gia yêu nước miền Nam thành lập.
- Tháng 4-1961, Hội Những người Công giáo Kính Chúa yêu nước thành lập.
- Ngày 8-4-1961, Hội Lục hòa Phật tử miền Nam Việt Nam thành lập
- Ngày 24-4-1961 : Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng, chủ tịch ông Trần Bạch Đằng.
- Ngày 27-4-1961 : Hội Lao động giải phóng, sau đổi là Liên hiệp Công đoàn giải phóng, chủ tịch ông  Phan Xuân Thái tức ông Phan Văn Đáng .
- Ngày 19-5-1961 : thành lập Ủy ban Tự trị Dân tộc Tây Nguyên, chủ tịch ông Y Bih Alêô, dân tộc Ê-đê.
- Ngày 1-7-1961 : Đảng xã hội cấp tiến miền Nam Việt Nam, đảng của những trí thức yêu nước miền Nam, Tổng thư ký ông Nguyễn Văn Hiếu .
- Ngày 1-7-1961, Hội Những người kháng chiến cũ ở miền Nam Việt Nam gia nhập Mặt trận. Hội ra tuyên ngôn và tuyên bố cương lĩnh của Hội, chủ tịch : Phan Văn Đáng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký : Trần Bạch Đằng.
- Ngày 15-7-1961 : Hội Văn nghệ giải phóng, chủ tịch: ông Trần Hữu Trang, Tổng thư ký: ông Lý Văn Sâm.
- Tháng 9-1961 : Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của miền Nam Việt Nam , chủ tịch: Bác sĩ  Phùng Văn Cung.
- Ngày 11-11-1961 : Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam , chủ tịch ông Vũ Tùng, về sau ông Tân Đức.
- Ngày 1-1-1962, Đảng Nhân dân cách mạng thành lập, đây là đảng của những người theo chủ nghĩa Mác Lênin, có vai trò rất quan trọng trong Mặt trận .
- Ngày 1-1-1962, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam thành lập.
- Ngày 30-10-1962, thành lập hội Hồng thập tự giải phóng miền Nam Việt Nam , chủ tịch : Bác sĩ Phùng Văn Cung.
          - Ngày 20-11-1963, thành lập Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam [49, tr.36], Ban vận động thành lập  Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam đã ra bản dự thảo điều lệ và lời kêu gọi. Các địa phương nhiệt liệt hưởng ứng. Ở Sài Gòn - Gia Định thành lập một Khu hội để vận động giáo chức, đầu tiên là lực lượng của nghiệp đoàn giáo học tư thục.
Ngoài ra, còn có các Ủy ban đoàn kết Á – Phi, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới, Hội Luật gia dân chủ cũng ra đời và thống nhất hành động với Mặt trận ở khắp mọi nơi.
Sự phát triển các đoàn thể và tổ chức của Mặt trận Dân tộc giải phóng gắn liền với sự phát triển về nội dung và hình thức đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam. Qua cuộc đấu tranh nầy, đội ngũ cách mạng ngày càng được tôi luyện, lực lượng cách mạng ngày càng đông đảo, lực lượng cách mạng không ngừng củng cố và phát triển.

2.1.1.4.Các đại hội Mặt trận

* Đại hội Mặt trận DTGPMNVN lần thứ nhất [18, tr.406].
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam  về củng cố, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, từ ngày 16-2-1962 đến ngày 3-3-1962, tại vùng núi Kà Tum ( Tây Ninh ), khoảng 80 đại biểu các chính đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang giải phóng, đại diện các dân tộc, các tôn giáo đã họp Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất.
Đại hội đã kiểm điểm và đánh giá công tác chỉ đạo của uỷ ban Trung ương lâm thời. Đại hội đã nhất trí  hoàn toàn tín nhiệm sự chỉ đạo của Uỷ ban Trung ương lâm thời và biểu dương  công lao to lớn của  Uỷ ban Trung ương lâm thời  đã vượt bao khó khăn buổi ban đầu để đưa phong trào cách mạng miền Nam tiến lên  và đã từng bước tạo thế và lực vững chắc cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam .
Đại hội cử  ra Uỷ ban Trung ương chính thức gồm 52 vị. Đoàn chủ tịch gồm 15 vị, chủ tịch là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ban thư ký có 5 vị, Tổng thư ký là Kiến trúc sư  Huỳnh Tấn Phát, và 30  uỷ viên ( xem phụ lục I ). Trong đại hội bầu ra 31 vị, còn lại 21 vị để giành cho các tổ chức, cá nhân chưa có điều kiện tham gia đại hội.
Đại hội đã công bố 4 chủ trương cứu nước khẩn cấp trong tình hình mới :
- Thứ nhất: Chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách và hành vi xâm lược vũ trang miền Nam Việt Nam, phải giải tán bộ chỉ huy quân sự Mỹ (lập ở Sài Gòn), phải rút lui hết quân đội và nhân viên quân sự của Mỹ và của chư hầu, đồng minh Mỹ, phải đưa ra khỏi miền Nam các vũ khí Mỹ và phương tiện chiến tranh.
- Thứ hai: Các phái hữu quan ở miền Nam đình chỉ chiến tranh, lập lại hoà bình, và thực hiện an ninh ở khắp miền Nam trong tinh thần người miền Nam giải quết vấn đề nội bộ của mình. Chính quyền miền Nam chấm dứt các cuộc hành quân khủng bố, các cuộc tàn sát, đàn áp, bắn giết nhân dân, bãi bỏ lệnh khẩn cấp và ngừng ngay việc dồn dân lập ấp chiến lược, giải tán các khu ấp chiến lược đã được dựng lên.
- Thứ ba: Thành lập một chính phủ liên hiệp dân tộc gồm đại biểu của các đảng, các phái, các nhóm thuộc các khuynh hướng chính trị, các tầng lớp, các giới, các tôn giáo và dân tộc ở miền Nam. Chính phủ liên hiệp có trách nhiệm thực hiện và bảo đảm hoà bình, tổ chức tổng tuyển cử tự do để bầu một Quốc hội dân chủ ở miền Nam và thi hành những chính sách cấp bách, ban hành tự do dân chủ cho mọi đảng, mọi nhóm chính trị, mọi tôn giáo, trả tự do cho tất cả những tù chính trị, giải tán tất cả các trại an trí và mọi hình thức tập trung khác, đình chỉ việc bắt lính và việc quân sự hoá thanh niên, phụ nữ, công chức, học sinh, thi hành các  chính sách kinh tế nhằm bảo đảm tự do kinh doanh, độc lập kinh tế, bãi bỏ độc quyền và cải thiện đời sống cho mọi tầng lớp nhân dân.
- Thứ tư: Miền Nam Việt Nam sẽ thi hành đường lối ngoại giao hoà bình trung lập, đặt quan hệ hữu hảo với tất cả các nước, trước hết là các nước láng giềng, không gia nhập vào một khối quân sự nào, không thừa nhận cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở miền Nam, nhận viện trợ không kèm theo điều kiện chính trị của tất cả các nước. Một hiệp ước quốc tế cần thiết được ký gấp rút để các cường quốc thuộc các khối cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn và nền trung lập của miền Nam Việt Nam. Miền Nam Việt Nam sẵn sàng với Campuchia, Lào, hình thành một khu vực trung lập, cả ba đều có chủ quyền đầy đủ.
Bốn chủ trương khẩn cấp của Mặt trận nhằm cô lập đế quốc Mỹ và bọn tay sai đầu sỏ ở miền Nam Việt Nam, nhằm mở rộng hơn nữa phạm vi hành động thống nhất chống Mỹ và tay sai, mở ra con đường giải quyết vấn đề miền Nam, chấm dứt chiến tranh xâm lược  của đế quốc Mỹ.
Đại hội Mặt trận DTGPMNVN lần thứ nhất khẳng định: Nhiệm vụ chung của Mặt trận DTGPMNVN là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, giữ vững hoà bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới. Chủ trương “thi hành chính sách trung lập ” là một sách lược mềm dẻo, nhằm tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước chống Mỹ - Diệm [53].
Đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết về một số công tác quan trọng, trong đó công tác số 1 là “chống ấp chiến lược và gom dân”. Sau khi vạch trần âm mưu thâm độc của “quốc sách” ấp chiến lược, Đại hội chỉ rõ :”Đây là vấn đề trung tâm, then chốt của kế hoạch Stalay- Taylo, cho nên địch quyết sống chết và đang dùng đủ hình thức, đủ mánh khóe, thủ đoạn, nhất là dùng bạo lực để khủng bố, tàn sát để bắt sạch, cướp sạch, phá sạch, buộc nhân dân phải gom về đồn bót và xây dựng khu ấp chiến lược cho chúng”.
Từ phân tích trên, Mặt trận đã ra quyết nghị:”Chống phá kế hoạch khu, ấp chiến lược và gom dân là nhiệm vụ công tác quyết định nhất trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tính mạng, tài sản của 14 triệu đồng bào miền Nam, duy trì và mở rộng phong trào đấu tranh cách mạng là vấn đề mấu chốt trong việc bẻ gãy kế hoạch Stalay -Taylo”. Nghị quyết nhấn mạnh: ”Đó là công tác trọng tâm hàng đầu của các cấp uỷ, ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng, của tất cả các lực lượng chính trị và vũ trang” [52].
Đại hội là một sự kiện chính trị quan trọng, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân miền Nam đoàn kết trong sự nghiệp chống đế quốc Mỹ và tay sai. Hàng triệu người trên khắp miền Nam đã tổ chức mít tinh hoan nghênh Uỷ ban Mặt trận và bày tỏ niềm tin tưởng vào chính sách đúng đắn, chính nghĩa của Mặt trận .
* Đại hội Mặt trận DTGPMNVN lần thứ hai [54], [62]
Đại hội Mặt trận  diễn ra từ ngày 1-1 đến ngày 8-1-1964 tại một địa điểm gần Xóm Giữa ( Tây Ninh ). Có 150 đại biểu tham dự đại hội. Đây là đại hội có đầy đủ thành phần tham dự  hơn đại hội trước. Có đại biểu người Kinh, người Chăm, người miền Bắc di cư ( trong đó có một vị linh mục ), có đại biểu của các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên, có các sĩ quan chế độ Sài Gòn từng tham gia cuộc đảo chính 11-11- 1960, có đại biểu từ  nước ngoài về, đại biểu từ các đô thị ra.
Đại hội cử ra một Uỷ ban trung ương gồm 45 vị, cũng do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch, đa số các đại biểu trong đại hội trước đều được trân trọng tín nhiệm và giữ lại, trừ  các đại biểu tuổi cao sức yếu hoặc đã hy sinh trong chiến đấu. Đại hội còn giành riêng 11 ghế cho các chính đảng, đoàn thể, lực lượng yêu nước, nhân sĩ còn trong vùng tạm chiếm sẽ tham gia sau này.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đại diện  Uỷ ban trung ương Mặt trận đọc Báo cáo chính trị tại đại hội .
Báo cáo chính trị đã tổng kết tình hình hai năm đánh Mỹ : “Cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ phát động, mặc dầu với nhiều cố gắng, đã vấp phải những thất bại căn bản. Chúng bị đánh lui trên nhiều trận địa, không thể gượng dậy. Nói về chánh trị và về quân sự thì địch đang bước vào thời kỳ sụp đổ, chiến thuật trực thăng vận và “quốc sách ” ấp chiến lược tan vỡ có nghĩa là những phần chủ yếu nhất của chiến tranh đặc biệt đã lung lay. Kẻ thù đã không thể giành được thế chủ động, trái lại còn bị động hơn bao giờ hết…” [62].
Báo cáo chính trị cũng đề ra phương hướng  nhiệm vụ sắp tới  là “không ngừng thổi bùng ngọn lửa thi đua … đẩy mạnh phong trào thi đua 4 tốt của thanh niên và nhất là phong trào “thi đua ấp Bắc giết giặc lập công”  trong các giới, ở tất cả các vùng ” [62]. Nhiệm vụ sắp tới của Mặt trận là tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, chấp hành đúng đắn những chính sách của Mặt trận, bảo đảm thực hiện  Chương trình hành động  Mặt trận đã đề ra.
Ảnh hưởng của Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai  thật to lớn đối với trong nước và trên thế giới. Từ đây Mặt trận công khai là người lãnh đạo  cách mạng miền Nam, là người đại diện chân chính của 14 triệu đồng bào miền Nam. Mặc dù chưa lập được chính phủ nhưng  Mặt trận được nhiều nước trên thế giới thừa nhận, có nhiều nước tiếp nhận đại diện chính thức, thậm chí có nơi còn công nhận Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.

2.1.2. Xây dựng chính quyền và đời sống nhân dân trong vùng giải phóng

            * Xây dựng chính quyền và vùng giải phóng.
Muốn giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại bang, nhất thiết phải  đấu tranh vũ trang. Cuộc chiến đấu vũ trang phát triển đến một mức độ nào đó, tất nhiên làm nảy sinh ra vùng tự quản, vùng giải phóng của nhân dân, phân biệt với vùng bị  nguỵ quyền kềm kẹp, vùng giải phóng là căn cứ địa của cách mạng.
Ở miền Nam từ 1954 đến  trước năm 1960, Mỹ -Diệm kiểm soát tuyệt đại đa số các thôn xã. Tuy nhiên, ngay ở các vùng đồng bằng, một số thôn xã bề ngoài  thì vẫn có nguỵ quyền, nhưng vì ở đấy lực lượng của nhân dân mạnh nên sức kềm kẹp của địch bị hạn chế. Đồng thời, ở nhiều vùng rừng núi Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải Trung Bộ, địch chưa đặt nổi bộ máy nguỵ quyền của nó. Nhưng dù sao thì những nơi nầy nhân dân cũng chưa xây dựng được bộ máy tự quản của mình.
Từ 1959 - 1960, bão táp cách mạng nổi lên, trước hết là ở Nam Bộ và vùng miền núi miền Trung Trung Bộ, chính quyền Diệm sụp đổ từng mãng. Nhiều nơi nhân dân đã nổi dậy phá thế kềm kẹp của địch, nhiều nơi tự xây dựng chính quyền tự quản. Đến cuối 1960, vùng tự do (là vùng không còn nguỵ quyền) và vùng phá thế kềm kẹp ( là vùng có cơ quan nguỵ quyền nhưng bất lực ), hai loại  đã phát triển nhiều nơi. ở Nam Bộ có 1.000 xã trên tổng số 1.300 xã. Miền rừng núi Nam Trung Bộ có 5.000  thôn trên tổng số 9.000 thôn.
Năm 1961, nguỵ quyền ra sức chèo chống, cố sức lập lại những vùng tề đã bị diệt, củng cố tề ở những vùng tề bất lực, nhưng vùng tự quản của nhân dân và vùng phá thế kềm kẹp vẫn giữ được, chẳng những giữ được mà còn mở rộng. Số xã do nhân dân tự quản ở Nam Bộ là 1.070 xã, ở Nam và Trung Trung Bộ là 5.100 xã.
Năm 1962, năm Mỹ- Diệm ra sức càn quét gom dân lập ấp, năm thực hiện kế hoạch Stalây- Taylo, năm Mỹ- Diệm mở nhiều cuộc phản công lớn nhằm giành lại thế chủ động và tiêu diệt vùng tự do, tiêu diệt các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam, nhưng về cơ bản chúng bị thất bại. Cuối năm 1962, chúng ta có 76 % diện tích và 50% dân số toàn miền Nam.
Cuối tháng 11-1963, miền Trung Nam Bộ có tất cả là 498 xã ,trong đó có 86 xã giải phóng hoàn toàn, 160 xã còn đồn bốt địch , nhưng các đồn bốt đó bị giam trong một khu đất hẹp, mỗi lần lính Mỹ- Diệm muốn đi ra xa đồn thì phải xin phép  quân du kích thì mới được ra vào an toàn, 162 xã còn lại còn bị địch kiểm soát từ một nửa đến 2/3 đất đai, chỉ còn 90 xã còn ở trong vùng kềm kẹp của địch [22].
Cuối năm 1963, vùng giải phóng và phá thế kềm kẹp bao gồm một dải đất rộng lớn chạy từ cực Bắc Tây Nguyên đến tận miền Đông Nam Bộ, lưu vực sông Cửu Long xuống đến tận mũi Cà Mâu. Tuy lúc nầy chưa có tỉnh nào được hoàn toàn tự do, nhưng không phải chỉ vùng rừng núi hiểm trở, mà ngay cả vùng đồng bằng, nhiều tỉnh như Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre... địch bị dồn tới sát thị trấn, thị xã. Các vùng giải phóng và phá thế kềm kẹp chia cắt, lấn át, cài nhau với các vùng còn bị địch thống trị, bao vây chúng càng ngày càng chặt.
Vùng giải phóng là kết quả cao nhất của phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang của nhân dân. Bằng đấu tranh chính trị và vũ trang, nhân dân đã bức rút đồn bốt  hay trực tiếp hạ đồn bốt, nhân dân bức tề chạy trốn hay trực tiếp diệt tề. Nguỵ quyền bị giải tán, nguỵ quân được giáo dục, ác ôn bị trừng trị. Có nhiều nơi nhân dân tuỳ tình hình cụ thể mà dùng một phần cái vỏ nguỵ quyền xã cũ để bênh vực một số lợi ích của mình. Nhưng nói chung thì nhân dân tự quản hẳn, cấp uỷ và Mặt trận Dân tộc giải phóng thường làm nhiệm vụ quản lý làng xã tự do, lập ra uỷ ban Mặt trận để quản  lý làng xã.
Vùng giải phóng là nguồn cung cấp sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vùng giải phóng còn là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân trong các vùng, miền bị Mỹ- Diệm kiểm soát đứng lên chiến đấu để tự giải phóng. Vùng giải phóng rộng lớn bao nhiêu thì nguỵ quyền càng bị động bấy nhiêu, quân số càng thiếu, thuế càng thất thu, cho đến gạo nhiều khi cũng phải nhập cảng mới đủ cung cấp cho thị trường. Những hiện tượng khủng hoảng đó của chế độ Mỹ-Diệm liên quan sâu sắc đến sự thành lập, sự củng cố và sự phát triển của vùng giải phóng .
Từ 1964 đến 1965, vùng giải phóng càng được mở rộng và được củng cố, chiếm  ¾ diện tích và  2/3 dân số miền Nam Việt Nam .
Thời điểm lịch sử từ sau khi chính quyền Diệm bị sụp đổ cho tới trước khi đế quốc Mỹ đưa đại quân vào miền Nam Việt Nam là thời gian nguỵ quyền Sài Gòn không ổn định nhất. Đây là thời kỳ phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị liên tục lên cao, cuộc đấu tranh vũ trang và chính trị sôi nổi mạnh mẽ, đều khắp từ vĩ  tuyến 17 đến Cà Mâu, từ Tây Nguyên xuống vùng biển. Đây là thời gian nguỵ quân bị thất bại liên tiếp. Nếu từ 1962 đến 1963, địch  thụt lùi chầm chậm thì từ  cuối 1963 chúng lùi nhanh chóng, nhất là những nơi đông dân, gần biển, ven đô.
Từ cuối 1964, các đồng bằng miền Trung Trung Bộ được giải phóng, sang đầu 1965, vùng thống trị cũ của địch thu hẹp nhiều, có thể nói không một nơi nào trong thời gian nầy địch tấn công được vùng giải phóng. Trái lại, vùng giải phóng mở rộng, từ phân nửa diện tích toàn miền Nam lên đến ba phần tư với hai phần ba dân số toàn miền Nam. Địch bị dồn về các đô thị và vùng phụ cận, bị dồn về một số những con đường giao thông huyết mạch đã bị cắt đứt ra từng đoạn. Mặt trận Dân tộc Giải phóng chẵng những kiểm soát chín phần mười biên giới trên bộ giữa Việt Nam - Cam-pu-chia và Việt-Lào mà còn kiểm soát phân nửa các bờ biển của miền Nam .
Ở Tây Nguyên, vùng tạm chiếm chỉ còn ở xung quanh 4 tỉnh thành Kom Tum, Plây Ku, Buôn Ma Thuột  và Đà Lạt, ở  một phần dọc đường 14 và con đường từ Cheo Reo đi Củng Sơn, dọc theo sông Ba. Ở Trung Trung Bộ, một rẻo đất dọc theo quốc lộ 1 từ sông Bến Hải đến Đà nẵng, quanh thị trấn Hội An, Quy Nhơn. Ở Nam Trung Bộ, một rẻo đất từ biên giới phía Bắc Khánh Hoà tới Phan Rí và một lõm từ Phan Thiết tới Hàm Tân, dọc theo đường số 1. Ở miền Đông Nam Bộ, địch chỉ còn làm chủ vùng xung quanh Sài Gòn, con đường đi Vũng Tàu, đi Mỹ Tho. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng tạm chiếm còn rất ít.
Theo báo cáo của Trung ương Cục lần thứ ba (10-1965) số ấp chiến lược còn lại ta chưa phá được là 1.712 ấp chiến lược, vùng giải phóng mở rộng trên 7 triệu dân [30].
Nhìn chung, chỉ thị của Mặt trận Giải phóng cho các tổ chức vũ trang và chính trị của mình “phải làm sao cho xã liền xã, quận liền quận, tỉnh liền tỉnh” [23] đến năm 1965 bước đầu đã được thực hiện.
Trong vùng giải phóng không còn nguỵ quyền nữa. Nhân dân tự quản, chỉ có nguỵ quyền ở cấp quận, cấp tỉnh. Nguỵ quyền cấp quận, tỉnh cũng không còn tay chân ở xã nữa nên bản thân chúng không còn tác dụng cai trị mà trở thành những đối tượng để đồng bào nông thôn đấu tranh trực diện, đòi đình chỉ càn quét, khủng bố, đòi chấm dứt chính sách gom dân lập ấp chiến lược.
Vì vậy, từ sau Đại hội Mặt trận lần thứ nhất ( 16-2-1962), “Uỷ ban nhân dân tự quản tự chuyển thành Uỷ ban giải phóng ” [18, tr.407]. Uỷ ban giải phóng đảm nhiệm chức năng chính quyền ngày càng rõ nét và có hiệu quả, Uỷ ban giải phóng chăm lo nhiều mặt cho đời sống của nhân dân, nhất là trong những đợt càn quét của địch, trong việc cung cấp lương thực  và vận động tuyển mộ tân binh  cho lực lượng võ trang, một số nơi đã giành lại ruộng đất cho nhân dân đã được cách mạng tạm cấp trước đây nay bị địch cướp giật.
Trong vùng giải phóng và một phần vùng tranh chấp, Uỷ ban Mặt trận Dân tộc giải phóng và Uỷ ban nhân dân tự quản các cấp đã được thành lập từ Miền tới xã. Ở Tây Nguyên và vùng núi nhiều tỉnh duyên hải của Liên khu V cũ , song song với các Uỷ ban nhân dân tự quản, có lập những  Uỷ ban phong trào dân tộc tự trị. Uỷ ban Mặt trận và Uỷ ban phong trào tự trị không phải chỉ có ở vùng giải phóng mà có cả một số vùng tạm chiếm.
“Mục đích của ta là đánh đổ chính quyền địch, xây dựng chính quyền cách mạng của ta. Nhưng trước mắt ta chưa xây dựng được chính quyền cuả ta ở những nơi chính quyền địch tan rã. Ở các vùng miền núi và một số vùng đồng bằng, nếu chính quyền địch tan  rã  thì ta dùng các uỷ ban Mặt trận địa phương làm cả nhiệm vụ giữ gìn trật tự  trị an, hướng dẫn quần chúng đoàn kết, sản xuất, học tập, cải thiện đời sống, bảo vệ trật tự cách mạng ,v.v….đó là mầm mống của chính quyền cách mạng sau nầy  ” [58, tr.305].
* Đời sống nhân dân trong vùng giải phóng.
Thực hiện Tuyên ngôn và chương trình của Mặt trận, những nơi chính quyền Diệm bị sụp đổ thì ở đó Uỷ ban Mặt trận điều hành quản lý địa phương, Mặt trận đã đề ra nhiều biện pháp nhằm bênh vực quyền lợi thiết thực cho nông dân như: chia ruộng đất, giảm tô, xoá nợ.
Tính đến năm 1962, nông dân miền Nam Việt Nam đã giành lại được 650.000 mẫu ruộng vườn được chia hồi trước khi chiến tranh Đông Dương kết thúc (1954) mà Mỹ-Diệm và tay chân đã cướp đoạt từ 1954 đến 1959.
Đến cuối năm 1962, nông dân theo lời kêu gọi của Mặt trận đã khai hoang được 101.250 mẫu, Mặt trận cấp cho nông dân thêm 700.000 mẫu. Tính đến năm 1963, trên 2.000.000/ 3.200.000 mẫu ruộng vườn  đã về tay nông dân.
Số lượng đất được khai hoang, phần nào đã nói lên một cách sinh động sự lớn mạnh của vùng giải phóng, nói lên sự gắn bó không gì lay chuyển nổi của hàng triệu nông dân miền Nam đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nói nói lên sự tham gia tích cực của nông dân và phong trào đấu tranh vũ trang và chính trị.
Nông dân miền Nam trong vùng giải phóng cũng được giảm tô rất lớn. Mức tô những năm 1962-1963 giảm từ 40 đến 80 % so với mức tô năm 1958-1959. Ngay trong vùng mới phá thế kềm kẹp thì nông dân chỉ phải nộp thuế cho điền chủ từ 8 đến 20% .
Tính chung, ở Nam Bộ,  từ ngày Đồng khởi (1960) cho đến ngày chính quyền Diệm bị lật đổ thì số tô được giảm lên đến 10 triệu giạ lúa, nghĩa là từ 210.000 đến 230.000 tấn lúa [22].
Nơi nào nhân dân tự quản hay phá thế kềm kẹp thì Mặt trận tuyên bố xoá bỏ mọi khoản nợ của nông dân đối với tổ chức “Nông tín cuộc” của Mỹ-Diệm.
Trong vùng giải phóng, trên cơ sở ruộng đất được cấp, nông dân rất hăng hái sản xuất, trước hết là để cung cấp cho cuộc đấu tranh giải phóng, đồng thời cũng là để nâng cao mức sống của mình ngay trong khi chiến đấu.
Trong các khu giải phóng, Mặt trận đã phát động phong trào thi đua sản xuất. Quân và dân, tay cày tay súng, trồng tĩa quanh năm, đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, ngô khoai, thực phẩm,  chú trọng đến chăn nuôi và các nghề tiểu thủ công nghiệp, các nghề phụ gia đình, ra sức xây dựng nền kinh tế tự túc đến mức càng cao bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, bảo đảm nhu cầu cung cấp cho kháng chiến đến mức tối đa. Không khí sản xuất ở đồng quê giải phóng chưa lúc nào sôi động như lúc nầy, vì nó được cổ vũ bằng một động cơ tinh thần vô cùng cao quý: lòng yêu nước.
Uỷ ban Mặt trận các cấp chẳng những quan tâm đến chiến sự, trị an, mà rất quan tâm đến việc hướng dẫn đồng bào cải tiến kỹ thuật canh tác, cải tiến nghề nông. Khắp các vùng tự do Nam Bộ, kể các các vùng hẻo lánh đều có máy bơm nước, máy điện, máy nổ, đài thu thanh, ghe máy, xuồng máy… khá phổ biến.
Trong quá trình chiến đấu với giặc, ta đã phá nhiều lộ chính để ngăn chặn các cuộc hành quân của địch. Bên cạnh đó, ta tổ chức đào nhiều kênh rạch nhỏ, đắp nhiều lộ nhỏ trong các xóm ấp giải phóng để đi lại. Riêng miền Trung Nam Bộ, đến năm 1963 ta đã đào 190 con kênh dài 600 km. Ở Mỹ Tho ta đào 412 km kênh mương rút phèn, nhờ vậy ở hai quận Châu Thành và Cai Lậy đã đưa diện tích trồng lúa lên gấp 3 lần so với trước giải phóng. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1963, nông dân quận Mỏ Cày ( Bến Tre) đã lập thêm được 3.000 công vườn, trồng thêm 160 công dừa, 169 công quýt, 2.563 công mía.
Điều đáng chú ý là việc đào kênh khai mương, đắp bờ trồng cây, lên vườn không phải chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn theo kế hoạch tác chiến quân sự nữa. Kênh là đường giao thông mau lẹ cho xuồng, mương là chiến hào, cây trồng bờ mương bảo vệ việc đi lại cho cán bộ, ngăn chặn việc tấn công của  xe lội nước M113.
Vùng rừng núi từ miền Đông Nam Bộ  tới Tây Nguyên điều kiện sản xuất khó khăn: rừng núi bao la, đất đai chưa khai phá, dân cư thưa thớt, địch bao vây phá hoại, ta thiếu dụng cụ canh tác và thiếu cả muối ăn. Nhu cầu kháng chiến thì mỗi năm mỗi lớn. Do đó, phương châm của Mặt trận là khắc phục mọi khó khăn, vừa đẩy mạnh chiến đấu, vừa phát triển sản xuất, không sản xuất được gần căn cứ thì sản xuất xa, không sản xuất tập trung được thì sản xuất phân tán, phấn đấu sản xuất  đủ để tự túc lương thực.
Năm 1963, ở vùng rừng núi căn cứ, đồng bào, cán bộ và bộ đội đã trồng tới hàng triệu gốc sắn, tỉa 470 ngàn đấu bắp và 1.070 tấn lúa giống. Chăn nuôi bình quân 7 người nuôi 1 con heo.
Về tiểu công nghệ, mở nhiều lò rèn nông cụ, phát triển một số khung cửi, số bàn dệt thô sơ. Số thợ dệt lên tới 5.000, giải quyết được một phần vải mặc cho nhân dân.
Một điều đáng chú ý là trong sản xuất ở đồng bằng Nam Bộ cũng như miền núi Trung Bộ, là sự phát triển của tinh thần tập thể, tinh thần tương trợ. Lao động sản xuất tập thể trở thành một kiểu làm ăn rộng rãi và sôi nổi, một phần vì giác ngộ chính trị, một phần vì tình thế khách quan đòi hỏi, xuất hiện ngày càng nhiều tổ đổi công, tổ hợp tác.
Năm 1962, tỉnh Quảng Ngãi có 600 tổ đổi công, ở 3 tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho, Long An có gần 2.000 tổ tương trợ sản xuất. Cuối 1963, ở Mỹ Tho, các tổ vần công, tổ đổi công có 12 vạn hội viên.
Trong phong trào thi đua sản xuất, phụ nữ nông thôn luôn là lực lượng hùng hậu nhất. Ngoài việc đấu tranh chính trị và tham gia du kích bảo vệ xóm làng, các chị xung phong gánh vác mọi công việc đồng áng, quản lý gia đình để chồng con đi bộ đội giết giặc lập công. Ngoài ra các chị còn tham gia giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình neo đơn, tham gia văn nghệ, tham gia dạy học...
Mặt trận Dân tộc Giải phóng  không chỉ hết sức chăm lo giải quyết các vấn đề kinh tế, mà còn chăm lo giải quyết các vấn đề văn hoá, văn nghệ trong vùng giải phóng.
Đồng hành với cuộc kháng chiến, một nền “giáo dục dân tộc, tiến bộ, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” được phát triển mạnh mẽ trong vùng giải phóng. Ngay từ năm 1962, phong trào “học tập bình dân chống Mỹ” đã phát triển ở Nam Bộ. Bên cạnh đó hệ thống trường tiểu học, trung học được thiết lập, thu hút hàng chục vạn thanh, thiếu niên. Có thể nói không có vùng giải phóng nào là không có trường học.
Vùng giải phóng miền Tây Nam Bộ, trong năm 1962 có 1.117 trường tiểu học và trung học, gần 20 vạn học sinh. Vùng giải phóng tỉnh Bình Thuận có 17 trường phổ thông và 2 trường cho đồng bào dân tộc miền núi. Vùng giải phóng tỉnh Kom Tum và tỉnh Đắc Lắc có 7 trường dân tộc và 39 lớp bình dân . Sang năm 1963, toàn miền Nam có tới 1 triệu học sinh trong vùng giải phóng trên tổng số dân trong vùng giải phóng là 7 triệu.
Uỷ ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam đã thành lập “Ban thông tin, văn hoá, giáo dục” để chỉ đạo các hoạt động trong vùng giải phóng. Năm 1963, thành lập trường sư phạm đầu tiên trong vùng giải phóng mang tên “Trường Tháng Tám ”, viết một số sách giáo khoa các môn Văn, Sử, Địa và Toán cho cấp 1 và cấp 2. Tới năm 1965, đã có 283 loại sách giáo khoa được biên soạn, nhà in Giáo dục Giải phóng đã in trên 1.000 cuốn sách khác nhau. Học sinh vừa học vừa tham gia sản xuất, tham gia công tác chiến đấu như vót chông, rào làng, trinh sát, giao liên. Không ít học sinh trở thành dũng sĩ diệt Mỹ. Sự kiện nổi bật trong giai đoạn nầy là đặt ra chữ viết cho các dân tộc Tây Nguyên.
Sân khấu, văn nghệ trong vùng giải phóng cũng phát triển mạnh mẽ, nhiều nghệ sĩ bỏ vùng Mỹ- Diệm chạy ra vùng tự do mang theo tiếng hát lời ca phục vụ kháng chiến, nhiều diễn viên, soạn giả là chiến sĩ, nhiều nghệ sĩ xuất thân từ quần chúng. Đời sống sôi nổi vui tươi và đầy nhiệt tình cách mạng đã sản sinh ra nhiều đội văn công giải phóng.
Năm 1963, ở miền Đông Nam Bộ có 100 đội văn nghệ và tổ ca vũ ở xã, ở miền núi có 10 đội văn công dân tộc ít người. Những đơn vị Giải phóng quân đều có đoàn văn công riêng.
Các đội văn công giải phóng cũng có nhiều tiết mục rất phong phú, chương trình biểu diễn ngày càng hấp dẫn. Năm 1962, có trên 62 vở kịch nói, cải lương, tuồng. Các tiết mục như: “Lê Lợi khởi nghĩa”, “Nợ nước thù nhà”, “Lời ca bất khuất”… có nội dung tư tưởng và giáo dục sâu sắc.
Đến năm 1963 vùng giải phóng có xưởng phim Giải phóng, sản xuất được 15 bộ phim giới thiệu đủ các mặt hoạt động yêu nước của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Ở các tỉnh đều có đội chiếu bóng lưu động. Những bộ phim có giá trị tuyên truyền, cổ vũ cao như: “Miền Nam anh dũng”, “Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam lần thứ nhất”, “Tổ săn trực thăng”…Tất cả diễn viên văn công, diễn viên điện ảnh đều ý thức sâu sắc về vai trò chiến đấu của mình, coi điện ảnh là một thứ vũ khí hiện đại, sắc bén, cùng với nhân dân miền Nam hoàn thành cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.
Mặt trận báo chí, thông tin, phát thanh cũng phát triển khá nhanh. Đến năm 1963, toàn vùng giải phóng miền Nam có 40 tờ báo, 17 tờ tạp chí, 40 bản tin. Tờ “Tiên phong ” là cơ quan ngôn luận của Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam, các tỉnh đều có những tờ báo của mình. Tỉnh Quảng Nam có tờ: Giải phóng, Hừng đông, tỉnh Đăc lắc có tờ báo tiếng dân tộc : Pơlir, Pơhing rim hrơi, Nam Bộ có gần 30 tờ báo. Có 13 tờ báo văn nghệ như: Văn nghệ Giải phóng, Văn nghệ Đồng Nai.
Thông tấn xã giải phóng và Đài phát thanh giải phóng hoạt động từ 1961. Thông tấn xã giải phóng phát hành bằng  3 thứ tiếng : Anh, Pháp, Hoa, phát trên làn sóng điện tử đủ mạnh để tuyên truyền về mặt quốc tế cho cách mạng miền Nam. Đài phát thanh giải phóng có ảnh hưởng rất lớn, cả trong vùng tự do và trong vùng tạm chiếm, số người nghe đài ngày càng đông làm cho Mỹ nguỵ phải thực hiện một số biện pháp đối phó. Những người làm báo, thông tín viên Thông tấn xã giải phóng cũng như những người làm báo tiến bộ trong các thành thị tập hợp nhau thành Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ, trở thành  thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam .
Vùng giải phóng mở rộng thì cũng theo đó mạng lưới y tế cũng hình thành. Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam vận động đồng bào lập tủ thuốc gia đình, tủ thuốc thôn xóm, lập trạm y tế, nhà hộ sinh, lập các tổ nghiên cứu và sử dụng thuốc Bắc, thuốc Nam, phối hợp Đông Tây y để phòng và chữa bệnh.
Năm 1962, trong vùng giải phóng ở miền Đông Nam Bộ xây dựng 1 bệnh viện, 5 nhà hộ sinh, 36 tủ thuốc, đào tạo 165 cán bộ y tế xã, 205 hộ sinh. Năm 1963, vùng giải phóng  miền Trung Nam Bộ xây dựng thêm 78 nhà hộ sinh với 222 hộ sinh, đào tạo thêm 125 y tá. Tinh thần thầy thuốc giải phóng được nêu cao, bác sĩ tận tâm cứu chữa bệnh nhân như người mẹ chăm sóc con cái, lại còn giành thời gian để tăng gia sản xuất và vác súng chống càn, bảo vệ bệnh viện, bảo vệ bệnh nhân.
Ngành y tế giải phóng đã góp công xứng đáng vào công việc phòng chống chất độc hoá học của Mỹ rãi trên xóm làng ở nhiều tỉnh, xây dựng các chuyên đề “chống sốt rét”, “ngoại khoa dã chiến”… Hội đồng quân dân y giải phóng đã biết tổng hợp kinh nghiệm, phổ biến nghiên cứu khoa học, kết hợp Đông Tây y, làm cho công tác điều trị có nhiều tiến bộ. 
Từ 1961 đến 1965, trong vùng giải phóng đời sống của nhân dân được nâng cao, các mặt văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế bước đầu phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân lành mạnh, khác hẳn cuộc sống ngột ngạt, sa đọa trong vùng địch đang chiếm. “Đó là hậu phương giàu có và vững chắc của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta” [55, tr.23].
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, địch càn quét bắn phá liên miên, mà trong vùng giải phóng phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, văn nghệ, thông tin … rõ ràng là một thành công lớn, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào trong vùng giải phóng, đáp ứng cho công cuộc giải phóng miền Nam [22], [23].

2.1.3. Lãnh đạo các phong trào đấu tranh chính trị

 2.1.3.1. Đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động.

          Từ năm 1960, nhất là sau khi Mặt trận DTGPMNVN ra đời, phong trào đấu tranh của công nhân khu vực Sài Gòn - Gia Định bùng lên một phong trào mạnh mẽ. Năm 1960 có 227 cuộc đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động. Nhiều cuộc bãi công, bãi thị, xe thuyền ngừng chạy, tiệm buôn đóng cửa, truyền đơn giới thiệu Mặt trận rải khắp nơi, nhân dân họp mít tinh chào mừng Mặt trận ra đời.
Năm 1961, có 287 cuộc đấu tranh với 82.230 người tham gia. Trong năm nầy đáng chú ý nhất là cuộc đình công chiếm xưởng ngày 4-9-1961 của 400 công nhân hãng dầu Mỹ Stan-Voc được sự hỗ trợ của 100 nghiệp đoàn công nhân Sài Gòn, nghiệp đoàn Công nhân cao su miền Đông làm cho hàng trăm cây xăng bị tê liệt, việc cung cấp xăng dầu cho máy bay Mỹ bị ngưng trệ từng lúc. Sau hơn 3 tháng đấu tranh chủ buộc phải tăng lương cho công nhân từ 6% đến 12 % .
Năm 1962, có 324 cuộc đấu tranh, có 103.132 người tham gia, trong đó có 10 cuộc đấu tranh quyết liệt đình công, lãn công. Nổi bật nhất là cuộc bãi công ngày 17-2-1962 của công nhân hãng thâu thanh Viđêô. Năm 1962, nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, năm vạn công nhân cao su bãi công kéo về thành phố.
Năm 1963, có 505 cuộc đấu tranh, có 200.000 người tham gia, trong đó có 201 cuộc đấu tranh của công nhân các xí nghiệp, 160 cuộc đấu tranh chống đuổi nhà cướp đất, 114 cuộc đấu tranh chống các luật lệ phường khóm chiến lược và 30 cuộc của chị em tiểu thương chợ đấu tranh .
Năm 1964, có nhiều cuộc đấu tranh lớn:
Hãng Vinatexco có trên 3.000 công nhân, phần đông là nữ đã đưa 6 yêu sách đòi tăng lương, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt, ăn uống. Bọn chủ đóng cửa một số phân xưởng và sa thải một số công nhân. Do đó, toàn thể công nhân tiến hành bãi công. Chiều 14-1-1964, công nhân chiếm xưởng, địch đưa một đại đội thuỷ quân lục chiến đến đàn áp, công nhân chống trả quyết liệt không cho lính vào nhà máy. Nông dân và bà con công nhân kéo đến ủng hộ cuộc đấu tranh. Địch tăng cường lực lượng đàn áp lên cả tiểu đoàn, 18 xe GMC, 30 xe Jeep, 5 xe có vòi rồng, 3 xe Hồng thập tự, chúng đàn áp công nhân bằng lưởi lê và lựu đạn cay, dây thép gai trong suốt 5 giờ làm 2 người chết ( bị địch cướp xác đem đi mất tích) và hàng chục người bị thương. Dư luận trong và ngoài nước lên án hành động dã man của chính quyền Sài Gòn . cuối cùng chủ buộc phải tăng lương cho công nhân từ 6% đến 8% và mở lại xưởng cho công nhân đi làm.
          Ngày 10-4-1964, chủ hãng Vimytex giãn công tập thể hàng ngàn công nhân. Công nhân tập trung tại xưởng yêu cầu Trưởng Ty Lao động Gia Định can thiệp để chủ mở máy cho công nhân làm việc. Bọn địch cho một tiểu đoàn đến đàn áp bằng mã tấu, vòi rồng, lưởi lê làm cho hàng trăm chị em công nhân ngất xỉu, chủ tịch nghiệp đoàn Vương Vĩnh Lợi bị hành hung, địch bắt 19 người công nhân đòi thả những người bị bắt nếu không sẽ tuyệt thực và tự thiêu. Địch buộc phải thả những người bị bắt song không đáp ứng những yêu sách của công nhân. Công nhân tiếp tục đấu tranh bằng các hình thức đến văn phòng Ban Giám đốc, Bộ Lao động, văn phòng Tổng liên đoàn Lao động , tranh thủ dư luận báo chí, tập trung khoảng 1000 người tại công viên Quách Thị Trang đòi chấm dứt lệnh giãn công, chủ hãng phải trả lương cho công nhân, chống sa thải công nhân…
Chiều ngày 11-9-1964, Tổng Liên đoàn Lao động buộc phải tổ chức đại hội bất thường để ủng hộ công nhân Vimytex, đại hội có 1.200 đại biểu tham dự đại diện cho hơn 100 nghiệp đoàn ở đô thành. Các đại biểu lên án việc sa thải công nhân, chống lệnh khẩn cấp của chính quyền không cho nghiệp đoàn tự do hoạt động. Đại hội thông qua 5 kiến nghị trình Bộ Lao động và nhà đương cuộc với nội dung : ủng hộ cuộc đấu tranh của các nghiệp đoàn nhất là cuộc đấu tranh của công nhân Vimytex; phải được tự do hội họp ở trụ sở Tổng Liên đoàn và các nghiệp đoàn; công nhân có quyền đình công để bảo vệ quyền lợi của mình phải trả lời các yêu cầu trên trong một thời gian ngắn ; toàn thể công nhân sẽ tổng bãi công và biểu tình để thực hiện các nghị quyết trên và bảo vệ quyền lợi của công nhân .
Cuộc tổng bãi công diễn ra trong hai ngày 21 và 22-9-1964. Từ 8 giờ sáng ngày 21-9, công nhân đã tụ họp đông đảo ở các xí nghiệp kéo đến trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động. Sau đó, một vạn công nhân tham gia biểu tình đã kéo tới dinh Nguyễn Khánh, Nguyễn Khánh tránh mặt đã cho Đàm Sĩ Hiền ra tiếp. Đồng bào kéo đến tham gia lên đến 30.000 người, đại diện Tổng hội sinh viên ra trước loa phóng thanh ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân, đến 7 giờ chiều mới giải tán.
Sáng hôm sau, mọi người tiếp tục tập trung tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động. Cuối cùng chính quyền Sài Gòn cho một Phó Thủ tướng ra tiếp và làm việc với Ban lãnh đạo đấu tranh của công nhân. Chúng phải nhượng bộ và giải quyết những vấn đề sau: công nhân có quyền tự do hội họp tại trụ sở nghiệp đoàn; hứa trừng trị tên Phó tỉnh trưởng Gia Định đã đàn áp công nhân Vimytex; ra lệnh cho các chủ nhà máy, xí nghiệp không làm khó dễ cho công nhân trong những ngày tham gia tổng đình công, biểu tình, công nhân nào bị đàn áp, bị mất giấy tờ thì lấy giấy chứng thương mời cảnh sát đến lập biên bản, truy tố chủ nhân ra toà và đòi bồi thường …
Cuộc tổng đình công trên đã làm cho Sài Gòn hai ngày không có điện nước, xe buýt không chạy.
Từ 1964 đến 1965, phong trào đấu tranh vũ trang của công nhân ở đô thị và đồn điền lên cao. Trong bản báo cáo của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong Đại hội Mặt trận lần thứ hai có viết : ”Bên cạnh phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị của nhân dân ta đang ở thế công khai, hợp pháp, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và có tác dụng tấn công trực diện địch, đồng thời phân hoá, cô lập chúng ngày thêm nặng nề, còn có một phong trào có tính chất bất hợp pháp đối với địch, mạnh mẽ, đi vào hình thức cao của nó là hoạt động vũ trang”.
Chiến tranh đã diễn ra ở sát thành phố Sài Gòn, tiếng vang của những trận Hiệp Hoà, Bến Lức, Nhuận Đức, Biên Hoà dội vào Sài Gòn. Trong thành phố Sài Gòn phong trào đấu tranh chính trị lên cao đến độ 10 năm nay chưa từng thấy. Cuộc đấu tranh nổ ra trong các đô thị dưới nhiều hình thức làm rung động “hậu cứ an toàn”của Mỹ- ngụy.
Hàng ngũ công nhân cung cấp cho phong trào cách mạng những chiến sĩ anh hùng như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang đã làm cho quân thù khiếp đãm hồn vía.  Nguyễn Văn Trỗi thực hiện kế hoạch nổ mìn, giết chết Mac Namara, bộ trưởng chiến tranh của Mỹ, không may bị giặc bắt. Những phút cuối cùng của đời anh hết sức oanh liệt, báo chí nhiều nước đăng tin ca ngợi. Anh lên án đế quốc Mỹ và chết trong những tiếng của anh hô “Đã đão đế quốc Mỹ ”, “Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”.
Tại nhiều hội nghị quốc tế, nhất là những hội nghị của thanh niên gương sáng của các anh Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang được hoan nghênh nhiệt liệt.
Trong nhiều thành phố, ở các khu lao động, nhân dân tổ chức tự vệ để chống ruồng bố, chống bắt lính, chống đốt nhà. Tại các đồn điền, đặc biệt là các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ, công nhân phản đối lệnh của nguỵ quyền bắt công nhân “huấn luyện quân sự chống cộng”, phản đối tổ chức “đội tự vệ chống cộng”. Ngược lại, đông đảo công nhân tham gia phong trào tòng quân. Theo Thông tấn xã Giải phóng thì không có đồn điền nào mà không có công nhân gia nhập Quân giải phóng, riêng đồn điền cao su Dầu Tiếng có đến 1.000 trên 5.000 công nhân tham gia các đơn vị Giải phóng quân. Công nhân các đồn điền đã xây dựng lực lượng vũ trang tự vệ của mình ngay trong các đồn điền, lập làng chiến đấu, đào hầm chống phi pháo, đấu tranh chống gián điệp, chống bắt lính.
Sự ra đời và phát triển các hoạt động vũ trang của công nhân trong các đô thị, trong các đồn điền mà địch còn kiểm soát là một yếu tố mới của tình hình cách mạng miền Nam từ năm 1964, điều nầy góp phần làm cho “hậu cứ”của địch càng mất an toàn [72].

2.1.3.2. Phong trào nông dân đấu tranh chống bình định và lập ấp chiến lược.

Dồn dân lập ấp chiến lược được Mỹ – nguỵ xác định là biện pháp chiến lược, đồng thời là mục đích của “chiến tranh đặc biệt” nói riêng và cuộc chiến tranh xâm lược nói chung mà Mỹ quyết tâm thực hiện bằng được với bất cứ giá nào. Dưới danh nghĩa là “bảo vệ làng xã”, chính quyền Diệm đã “đuổi các gia đình nông dân  và thậm chí là cả làng khỏi những vùng đất cha ông họ để lại và cho họ tái định cư ở khu vực lớn hơn, dễ bảo vệ hơn mà nhiều lúc điều kiện không tốt hơn là mấy so với các trại tập trung”[10, tr.324]. Do vậy, phong trào đấu tranh của nông dân trong thời gian nầy là “làm thất bại kế hoạch gom dân, lập ấp chiến lược của địch”              [31, tr.313], phá phần lớn các ấp chiến lược, giành nhân lực, vật lực cho cách mạng, làm chủ núi rừng và phần lớn đồng bằng.
Từ năm 1961, Mỹ- Diệm tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét trên khắp miền Nam để phục vụ trực tiếp cho việc dồn dân lập ấp chiến lược. Mục tiêu cụ thể được đặt ra lúc đầu là thành lập 16.000/17.000 ấp chiến lược trên toàn miền Năm (1961), sau đó điều chỉnh xuống còn 10.000 ấp (1962), cuối năm 1963 chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì chính sách ấp chiến lược vẫn tiếp tục nhưng với cái tên gọi khác là ấp tân sinh, thực chất đây chỉ là sự thay đổi mang tính hình thức.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương cục, uỷ ban Giải phóng các cấp, nhân dân miền Nam tham gia mặt trận chống phá bình định, kiên quyết thực hiện “một tấc không đi, một ly không rời”, kết hợp đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận, phối hợp  lực lượng nổi dậy của quần chúng bên trong ấp chiến lược với lực lượng vũ trang tấn công từ bên ngoài để phá thế kìm kẹp của địch. Với phương châm “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám giặc”, thực hiện “mang nắp hầm bí mật vào ấp chiến lược”. Trung ương cục  và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch. Trong suốt 3 năm, từ 1962 đến 1964, cuộc đấu tranh chống càn quét và phá ấp chiến lược của nhân dân miền Nam diễn ra cực kỳ quyết liệt.
Phá ấp chiến lược Hoà Nhật [22], Châu Thành, Biên Hoà là một điển hình trong phong trào phá ấp chiến lược của nhân dân Nam Bộ. Theo báo Quân đội nhân dân ngày 17-7-1962, nhân dân Hoà Nhật đấu tranh làm trể nãi việc dồn dân lập ấp chiến lược của bọn Mỹ- Diệm, nhưng cuối cùng chúng cũng lập được ấp chiến lược Hoà Nhật. Đồng bào đã bảo toàn được lực lượng chính trị của mình ngay trong khi đã bị dồn vào ấp chiến lược.
Tháng 5-1962, sau khi hoàn thành ấp chiến lược bọn ác ôn rút đi lập ấp chiến lược khác, để lại quyền kiểm soát cho dân vệ và một số quân đóng đồn ngay trong ấp. Lúc nầy đồng bào tiến hành phá ấp chiến lược. Hàng đêm nhiều khúc hàng rào bị nhổ lên, bị xô ngã xiêu vẹo, nhiều đoạn hào bị lấp. Ban trị sự ấp chiến lược và dân vệ đi lùng bắt người đi xâu để rào lại thì bà con chạy nhà này sang nhà khác hoặc cáo ốm không đi làm. Địch khủng bố thì mọi người nhất tề chống lại, chúng phải ngừng tay. Mặt khác, đồng bào cho người ra ngoài ấp tìm liên lạc với lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh, quận ,đồng thời tìm hiểu tình hình địch.
Đêm 15-6-1962, tự vệ vũ trang hoạt động từ bên ngoài ấp, bắn vào lô cốt ở cổng ấp, đồng bào trong ấp reo hò vang dậy. Nhân dân phát loa cảnh cáo bọn dân vệ ,thanh niên cộng hoà và tề, chúng khiếp vía rút chui vào đồn, hoặc tìm nơi ẩn náu. Lợi dụng tình thế , 200 gia đình thu xếp đồ đạc, trời chưa sáng thì đồng bào đã đạp rào ra khỏi ấp chiến lược . Sáng hôm sau , bọn nguỵ chưa hoàn hồn thì những tin đồn về Giải phóng quân, về chiến khu Đ, thấy truyền đơn của Mặt trận càng làm cho chúng hoảng sợ, đồng bào ra vào cổng không bị kiểm tra ngặt nghèo nữa.
Đêm 16-6-1962, Giải phóng quân bắn từng loạt súng máy vào đồn, cứ sau một loạt súng máy thì đồng bào bắt đầu phát loa binh vận, và kết thúc mỗi bài binh vận ngắn là một đợt reo hò vang dậy của đồng bào.
Mờ sáng ngày 17-6-1962, thêm 109 gia đình phá nát hàng rào ấp chiến lược, rầm rộ kéo ra. Lực lượng vũ trang của bọn Mỹ- Diệm cản lại nhưng không ngăn nổi đồng bào, một số dân vệ còn tiếp tay cho đồng bào bỏ ấp. Bà con trong ấp ra thì bà con ngoài ấp đã chực sẵn đón mừng, tất cả họ mít tinh tố cáo tội ác Mỹ- Diệm. Ngày hôm đó, binh lính Mỹ- Diệm bỏ đồn, đồng bào hai xã Tân Hiệp và Tân Hoà hợp sức với nhau san bằng ấp chiến lược Hoà Nhật, cuốc đường lộ dẫn về Hoà Nhật để ngăn chặn việc trở lại của binh lính Mỹ- Diệm. Đồng bào ai về nhà nấy, dựng chòi, rào làng, vừa làm ăn vừa bố phòng chống địch.
Cuộc biểu tình chống gom dân lập ấp chiến lược của đồng bào 13 xã ở Gò Công là phong trào tiêu biểu của nhân dân Nam Bộ.
Sáng ngày 9-4-1962, trên 10.000 người dân 13 xã vùng Gò Công kéo vào thị xã đấu tranh với quận trưởng đòi huỹ bỏ việc lập ấp chiến lược [22]. Từng đoàn người từng 300 người một, theo những con đường khác nhau kéo vào thị xã, xếp hàng đứng chen chúc trước dinh quận trưởng. Các nẽo đường chật ních người, xe cộ không chạy được. Bọn nguỵ quyền xua 100 quân và cảnh sát ra khủng bố, bắt 4 phụ nữ và 2 nông dân đem giam, lùa đồng bào vào giam ở sân vận động. Chúng lột hết khăn và nón của đồng bào, bắt phơi nắng và bắt đóng 100 đồng mới được thả về. Không ai chịu đóng tiền.
Đồng bào bị giam, một số ác ôn ra oai đánh đập đồng bào, một số lính khác thì lại ủng hộ dân biểu tình, quần chúng nhân dân thị trấn Gò Công đem rất nhiều cơm nước vào tiếp tế cho đồng bào bị giam. Đồng bào bị giam la rầm lên đòi thả ra. Cuộc đấu tranh giằng co đến 4 giờ chiều, địch bị buộc phải thả 6 người đã bị bắt hồi sáng sớm. Bọn chúng đem máy phóng thanh đến sân vận động xuyên tạc, nói xấu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng bào la rầm lên phản đối, địch vẫn giam đồng bào suốt đêm ở sân vận động.
Sáng ngày 10-4-1962, 4.000 đồng bào khác từ nông thôn kéo vào tiếp viện, mang nhiều khẩu hiệu, yêu sách y như hôm qua và thêm khẩu hiệu đòi thả những người bị giam ở sân vận động. Lần nầy địch ngăn đón, đánh đập dữ  dội hơn, địch vẫn giam giữ những người ở sân vận động suốt đêm thứ hai. Chúng định phơi nắng, phơi sưong, bỏ đói, bỏ khát đến khi đồng bào xuống nước, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết đấu tranh.
Qua ngày 11-4-1962, hàng mấy nghìn đồng bào khác nữa, lần nầy không phải chỉ có các chị, các bà mà còn có các ông lão và rất nhiều trẻ con ùn ùn kéo ra Gò Công, đứng chật hết các nẽo đường. Hưởng ứng với dân, các tiệm ngừng bán, xe cộ ngừng chạy. Đồng bào thị trấn tiếp tế hết lòng cho cho đồng bào đấu tranh. Một số khá đông binh sĩ ủng hộ đồng bào vào đưa kiến nghị tại văn phòng quận trưởng,bọn ác ôn không làm sao ngăn được.
Trước khí thế đấu tranh của nông dân, được đồng bào thị trấn ủng hộ, được một số binh sĩ của chúng cũng đồng tình, địch đành chịu thua sau 3 ngày đấu tranh giằng co và kịch liệt, chúng phải nhận đơn, thả tất cả mọi người và hứa giải quyết mọi yêu sách của đồng bào.
Từ năm 1963, phong trào phá ấp chiến lược trở thành cao trào cách mạng trên toàn miền Nam. Đến tháng 12-1963, phá được 3.800 ấp chiến lược, trong đó có 1.200 ấp chiến lược trở thành vùng giải phóng.
Cuối năm 1964, “quốc sách ấp chiến lược” của địch bị phá sản, hơn 80% ấp chiến lược đã bị phá. Địch chỉ còn giữ được những ấp chiến lược ở ven các thành phố, thị xã, thị trấn, trên các trục giao thông chiến lược và cạnh các căn cứ quân sự lớn “các đô thị, ngay cả Sài Gòn, một trong những chỗ dựa của đế quốc Mỹ và tay sai, đến nay cũng không còn là hậu phương an toàn của chúng nữa” [73, tr.15].
Cuối năm 1964, Mắc Namara, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã phải thừa nhận :“ Trong số đất đai của 22 tỉnh trong số 43 tỉnh, Việt cộng kiểm soát tới hơn 50% hoặc nhiều hơn thế ”.
Cuối năm 1965, quân và dân miền Nam đã phá được tổng số là 5.800 ấp chiến lược, số ấp chiến lược địch kiểm soát năm 1965 là 2.200/12.000 ( chiếm 18 % ). Số dân địch kiểm soát năm 1965 là 6/16 triệu dân [23].

2.1.3.3. Đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và chính quyền tay sai [70], [72]

Diệm- Nhu thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo , dành “chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia tô”. Điều nầy gây bất bình trong giới tăng ni Phật tử. Vụ Diệm triệt hạ cờ Phật giáo và cuộc đàn áp đẫm máu Phật tử trước đài phát thanh Huế  đêm 8-5-1963 làm 9 người chết và 14 người bị thương  đã đốt bùng lên ngọn lửa đấu tranh rộng khắp trên nhiều tỉnh thành phía Nam.
Ngày 11-6-1963, Hoà thượng Thích Quãng Đức tự thiêu đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh chống Diệm -Nhu ở Sài Gòn - Gia Định. Phong trào đấu tranh chống anh em Diệm - Nhu là một mặt trận đấu tranh bao gồm đông đảo các giai cấp các giới và đồng bào lao động kể cả một số trí thức có tên tuổi, lực lượng ngòi pháo xung kích là thanh niên, học sinh. Diệm- Nhu đã tự lột mặt nạ dân tộc, dân chủ giả hiệu, chúng cho cảnh sát tấn công các trường học, ra lệnh thiết quân luật ( 21-8-1963) bao vây và tấn công tất cả các chùa lớn ở miền Nam. Tại chùa Xá Lợi, một vị sư đánh chuông báo động đã bị lính đâm chết, một ni cô dùng dây leo từ lầu xuống bị tên giám đốc cảnh sát dùng dùi cui đập vỡ sọ. Trong đêm đó, ở Sài Gòn, có hàng ngàn vị sư bị bắt trong đó có Hoà thượng Thích Kim Khiết. Hành động khủng bố phát xít của Diệm- Nhu như dầu đổ vào ngọn lửa đấu tranh làm cho phong trào dâng lên mạnh mẽ. Ngay trong hàng ngũ chính quyền và quân đội Sài Gòn có sự phân liệt, một số lên tiếng công kích chống chính sách của chính quyền Diệm. Đại sứ, giáo sư Bửu Hội đề nghị Liên hiệp quốc cử phái đoàn sang Việt Nam xem xét vụ Phật giáo. Ngày 25-10-1963, phái đoàn Liên hiệp quốc đến Sài Gòn mở cuộc điều tra.
Ngày 12-6-1963, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng tổ chức lễ truy điệu hòa thượng Thích Quảng Đức, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc diễn văn nêu rõ hành động anh dũng của hòa thượng Thích Quảng Đức, lên án Mỹ- Diệm đã đàn áp, khủng bố đồng bào các tôn giáo ở miền Nam, kêu gọi tăng ni Phật tử và đồng bào các tôn giáo tiến lên đánh đổ chúng để bảo vệ các quyền tự do dân chủ, bảo vệ tôn giáo.
Từ ngày 5-8-1963 dến ngày 16-9-1963, tại Sài Gòn - Gia Định có  mười triệu lượt đồng bào tham gia biểu tình chống đàn áp Phật giáo. Đế quốc Mỹ buộc phải “thay ngựa giữa dòng”. Ngày 1-11-1963, giới quân sự do tướng Dương Văn Minh cầm đầu đã làm cuộc đão chính chấm dứt cuộc đời cùng chế độ độc tài gia đình trị Diệm- Nhu. Nhân dân thành phố Sài Gòn - Định tiếp tục đấu tranh đòi thủ tiêu mọi tàn tích của chế độ cũ, trừng trị bọn ác ôn.
Phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang sôi sục ở các vùng nông thôn đã dội vào các thành thị miền Nam, làm cho chính quyền Sài Gòn ngày càng chao đảo, nội bộ mâu thuẫn, lục đục. Tư tháng 11-1963 đến tháng 6- 1965 chúng đã 10 lần làm đảo chính để thanh toán lẫn nhau.
Sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định liên tục xuống đường đốt xe Mỹ, đánh lại cảnh sát dã chiến, đòi huy bỏ “Hiến chương Vũng Tàu”, đòi giải nhiệm nội các Trần Văn Hương .

2.1.3.4. Phong trào dân tộc tự quyết

Ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ ném bom các căn cứ của ta ở miền Bắc, chúng chuẩn bị đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Khu uỷ Sài gòn - Gia định phân công đồng chí Phạm Trọng Danh, Bí thư Ban Cán sự Thanh niên, học sinh, sinh viên phối hợp với ban Trí vận Mặt trận vận động các lực lượng, các cá nhân tiêu biểu, trí thức trẻ, nhân sĩ yêu nước tạo thế hỗ trợ cho tổ chức công khai ra đời. Tháng 12-1964, sau nhiều cuộc họp chuẩn bị về cương lĩnh, chương trình hành động, Phong trào dân tộc tự quyết mở đại hội tuyên bố đấu tranh và công bố thành viên của phong trào bao gồm các kỹ sư, luật sư, bác sĩ, giáo sư, luật gia, ký giả. Luật sư  Nguyễn Long làm chủ tịch, Kỹ sư Hồ Gia Lý làm phó chủ tịch , các uỷ viên: giáo sư  Tôn Thất Dương Kỵ, Võ Đình Cường, Nguyễn Quý Hương, Ngô Thị Ngọc Sương, Kỹ sư Tô Văn Cang, Trần Văn Đước, Kỹ sư Hồ Văn Trương, Vũ Đình Bổng. Hàng ngày các thành viên và những người đấu tranh đến trụ sở trao đổi công việc, phong trào được mở rộng với sự tham gia của Võ Văn Khắc và Nguyễn Quang Minh ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm uỷ viên khối công nhân, Nguyễn Thừa Nghiệp ở Liên hiệp Nghiệp đoàn thành phố, Phan Kim Phụng Châu trưởng Châu Gia Định Hội Hướng đạo Việt Nam. Trong số những người thường đến trụ sở còn có Á Nam Trần Tuấn Khải, nhà giáo Phan Đình Lý (cháu nội Phan Đình Phùng ) và các học sinh, sinh viên...
Bản cương lĩnh của phong trào được in vào Nội san Tự quyết số 1 ( 1.000 bản in roneo ). Nhân dịp miền Trung lụt lớn, phong trào đã in 2.000 tờ “kêu gọi khẩn thiết cứu trợ”, đông đảo sinh viên, học sinh tụ họp trước trụ sở phong trào, sau đó phân làm 4 đoàn đi lạc quyên ở 4 khu vực : trước Quốc hội nguỵ, trước chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ, đường Trần Hưng Đạo, vừa lạc quyên sinh viên học sinh vừa phát lời kêu gọi của phong trào dân tộc tự quyết. Chính quyền Sài Gòn ra lệnh đình chỉ cuộc lạc quyên mọi người chuyển thành tuần hành với lực lượng là sinh viên, học sinh và đồng bào. Phong trào dân tộc tự quyết là một đòn bất ngờ đối với Mỹ- nguỵ [60].

2.1.3.5. Uỷ ban vận động hoà bình

Chi bộ Phong trào dân tộc tự quyết đã phối hợp với cánh Trí vận để thành lập Uỷ ban vận động hoà bình. Đây là một tổ chức tập hợp được đông đảo các trí thức có tên tuổi. Bác sĩ  Phạm Văn Huyến làm chủ tịch, ông Cao Minh Chiến phó chủ tịch, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ phó chủ tịch. Các uỷ viên: Giáo sư Trần Hữu Khuê, nhân sĩ Trí Độ, thầu khoán Nguyễn Văn Hanh, Nữ sĩ Ngọc Sương, Dược sĩ Nguyễn Văn Liễn, Giáo sư Dương Minh Thới, Thẩm phán Trần Thúc Linh, Thẩm phán Đỗ Quang Huê, Nhà văn Thanh Nghị, Giáo sư Trần Quang Diệu, Giáo sư Đặng Văn Ký... Trong Uỷ ban còn có những vị là uỷ viên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Luật sư  Trịnh Đình Thảo ( bí danh là Như Sơn), Nguyễn Văn Vỹ ( bí danh là Huỳnh Đàn), Đính Xáng ( bí danh là Nguyễn Thạch), Kỹ sư  Tô Văn Cang ( bí danh là Trần Nam Sơn), Giáo sư Nguyễn Văn Cứng ( bí danh là Phước Thăng), Giáo sư TônThất Dương Kỵ ( bí danh là Dương Kỳ Nam), phát ngôn viên của uỷ ban là nữ luật gia Ngô Bá Thành.
Uỷ ban ra quyết nghị hoà bình kêu gọi hai phe tham chiến ở miền Nam chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Bản quyết nghị có khoãng 100 chữ ký của các nhân sĩ, trí thức Sài gòn. Uỷ ban đã cử phái đoàn đi gặp Ban Quốc tế giám sát về đình chiến để chuyển quyết nghị cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và gặp thủ tướng Phan Huy Quát để đưa quyết nghị hoà bình.
Sáng ngày 24-2-1965, Uỷ ban vận động hoà bình tổ chức họp báo để ra mắt tổ chức và công bố bản quyết nghị hoà bình. Giáo sư Đặng Văn Ký là phát ngôn viên chính thức. Sau buổi họp báo, địch bắt trên 16 người trong đó có luật sư Nguyễn Long, Giáo sư Trần Văn Khuê, bà Ngô Bá Thành, Giáo sư Đặng Văn Ký, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, ông Cao Minh Chiến…
Ngày 10-3-1965, vì không đủ chứng cớ buộc tội “Việt cộng”, địch tống xuất qua cầu Hiền Lương những người mà chúng cho là cầm đầu Uỷ ban: Bác sĩ Phạm Văn Huyên, ông Cao Minh Chiến, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ…rồi thả hầu hết những người bị bắt.
Ngày 6-8-1965, Toà án quân sự mặt trận xét xử 16 người trong nhóm hoà bình. Toà tuyên án: phạt tù 10 năm khổ sai Giáo sư Nguyễn Văn Khuê, Luật sư Nguyễn Long, Nguyễn Quý Hương. Luật sư Trịnh Đình Thảo được tha bổng [60].

2.2. Hoạt động ngoại giao của Mặt trận

2.2.1. Các phái đoàn Mặt trận đi thăm hũu nghị các nước

Từ ngày thành lập đến năm 1965, đã có 78 lần phái đoàn của Mặt trận hoặc của các đoàn thể trong Mặt trận đi dự lễ kỹ niệm, đi thăm hữu nghị nhiều nứớc trên thế giới : các nước xã hội chủ nghĩa, nhiều nước dân tộc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ la-tinh, một số nước Tây Âu. Càng về sau thì số đoàn đi thăm càng nhiều [23].
          Năm 1961, đoàn đầu tiên của  Mặt trận  là  đoàn của Liên hiệp Công đoàn giải phóng do Huỳnh Văn Tâm làm trưởng đoàn đi thăm Liên Xô.
Năm 1962, có 10 đoàn, trong số nầy có đoàn do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Tổng thư ký Uỷ ban trung ương Mặt trận dẫn đầu đoàn đại biểu đi thăm các nước Tiệp Khắc (tháng 6), Liên Xô (tháng 7), Cộng hoà dân chủ Đức và Hungary ( tháng 8), Inđônêsia (tháng 9), thăm Trung Quốc và miền Bắc (tháng 10), thăm Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên (tháng 11).
Năm 1963, có 16 đoàn đi thăm 10 nước, đặc biệt là các nước châu Phi: Ga na, Ghi nê, Ma li, Ai Cập.
Năm 1964, có 22 đoàn đi thăm 12 nước, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa.
Năm 1965, có 29 đoàn, đi thăm và dự lệ kỹ niệm ở 24 nước, trong đó có Pháp, Cam pu chia, Công gô (B), Bắc Ka- li- man- tan.
Các đoàn dại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng đều được các nơi đón tiếp nồng nhiệt, mức đón tiếp và nhiệt tình năm sau cao hơn năm trước. Hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước Á, Phi, Mỹ la tinh đón tiếp các đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam theo cấp cao nhất của Đảng, chính phủ hay Mặt trận của các nước ấy, vị trí chính trị của Mặt trận được đề cao, vai trò của Mặt trận được đánh giá cao. Thủ tướng Phi -đen Cat- xtơ-rô tiếp đoàn đại biểu Mặt trận ngày 26-7-1963 tuyên bố:”Tôi xin cám ơn nhân dân miền Nam và các chiến sĩ giải phóng miền Nam vì cuộc chiến đấu ở miền Nam Việt Nam tượng trưng cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, một cuộc chiến đấu cao nhất trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc  hiện nay trên thế giới…. Cuộc đấu tranh của miền Nam Việt Nam là một bài học lớn đối với châu Mỹ la tinh, chúng tôi noi gương anh hùng của nhân dân miền Nam Việt Nam  ”.
Như vậy đến năm 1963, so với yêu cầu chính trị về công tác đối ngoại của Mặt trận thì chúng ta đã những thành tựu đáng kể.
Nhân dịp đi dự lễ 26-7 tại Cu -ba, đoàn miền Nam đã ký tuyên bố tay không với các đoàn đại biểu nhân dân 8 nước châu Mỹ la tinh: U-ra- guay, Pa-ra-goay, Bra-zin,Vê-nê-zu-ê-la, Cô-lôm-bi, Pa-na-ma, Đô-mi-nic.
Chuyến đi thăm hữu nghị các nước châu Phi sau khi Mặt trận phát hành bản tuyên bố lịch sử 22-3-1965, đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được Tổng thống các nước Ma-li, Ghi-nê, Công gô ( B) đón tiếp trọng thể và được điều kiện thuận lợi nhất để giới thiệu tình hình miền Nam Việt Nam cho nhân dân các nước đó, làm cho nhân dân và chính phủ các nước đó thêm tin tưởng và quyết tâm ủng hộ Mặt trận.
78 lần đoàn Mặt trận đi thăm các nước là 78 đòn chính trị đánh vào kẻ thù, là những chiến dịch tuyên truyền góp phần đẩy đế quốc Mỹ vào thế  cô lập, góp phần nâng cao vị trí pháp lý của Mặt trận như là người đại diện chân chính, duy nhất của 14 triệu nhân dân miền Nam Việt Nam.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuy chưa lấy danh nghĩa là chính quyền, nhưng đã có những phái đoàn đại diện thường trực ở nứớc ngoài tương tự như những sứ quán hay tổng đại diện. Mặt trận  đã có 8 cơ quan đại diện thường trực ở 4 châu ( Cu-ba, Trung Quốc, In-đô-nê-xia, An-gê-ry, Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hung-ga-ry). Theo luật sư Nguyễn Hữu Thọ:”Nhiều chính phủ đã đối xữ với Uỷ ban trung ương Mặt trận như đối xữ với một chính phủ và tiếp đón các phái đoàn của chúng ta như tiếp đón những phái đoàn ngoại giao chính thức của một quốc gia”.
Cu-ba là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên đón nhận cơ quan thường trực đại diện Mặt trận và công nhận quy chế đại sứ quán cho cơ quan đại diện Mặt trận         ( 1962).
Đầu năm 1963, Mặt trận đặt cơ quan đại diện tại Algiérie và Tiệp Khắc. Tiếp đó, các cơ quan đại diện  và các phòng thông tin của Mặt trận  lần lượt  thành lập ở Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Rumani, Mông Cổ, Lào, Campuchia ...sau đó là Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Pháp và nhiều nơi khác .
Những hoạt động ngoại giao tích cực của Mặt trận đã lập được mối quan hệ quốc tế rộng rãi, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân các nước.Trong Đại hội Mặt trận lần thứ hai, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tổng kết :”Ngày nay, nhân dân các nước không phải chỉ ủng hộ mục đích chính nghĩa của chúng ta mà còn ủng hộ cả hình thức đấu tranh vũ trang của chúng ta ” [62].

2.2.2. Đại biểu của Mặt trận tham dự các diễn đàn hội nghị quốc tế

Từ năm 1961 đến 1965, Mặt trận đã cử đại biểu tham dự 66 cuộc hội nghị quốc tế của : công đoàn, thanh niên, phụ nữ, luật gia, nhà báo, tôn giáo, hoà bình thế giới, điện ảnh, đoàn kết Á- Phi, đàm phán  về biên giới Việt Nam - Cam pu chia, hội nghị nhân dân Đông Dương, thanh toán chủ nghĩa thực dân, chống căn cứ quân sự ở nước ngoài, kinh tế, khoa học …Trong số 66 cuộc hội nghị nầy, có 37 cuộc hội nghị quốc tế thế giới, 29 cuộc  hội nghị quốc tế khu vực. Cũng như các đoàn đi thăm nước ngoài, số đoàn đi dự hội nghị quốc tế mỗi năm mỗi tăng: năm 1961 có 1 lần, 1962 có 7 lần, 1963 có 14 lần, 1964 có 21 lần, 1965 có 23 lần [23].
Càng ngày dư luận tiến bộ trên thế giới càng nhận thấy rõ và đúng rằng vấn đề chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đã trở thành vấn đề trung tâm của thế giới liên quan đến vận mệnh của loài người, rằng cách mạng dân tộc và dân chủ ở miền Nam Việt Nam chống Mỹ và tay sai có một tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng thế giới trong giai đoạn hiện đại, vì nhân dân Việt Nam trực tiếp đánh vào tên sen đầm chủ chốt của thế giới ngày nay. Cho nên, càng về sau thì các cuộc hội nghị quốc tế, dù thế giới, dù khu vực, đều xem việc bàn về vấn đề chống Mỹ xâm lược, ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam ,như là một trong những chân giá trị của mình. Xét sâu hơn, có thể thấy được rằng vấn đề chống Mỹ xâm lược Việt Nam cuối cùng không còn mang tính chất của những cuộc vận động đơn thuần mà đã thấm sâu vào cuộc đấu tranh hằng ngày của giai cấp công nhân, nhân dân tiến bộ thế giới. Hầu như không có một hội nghị thế giới, khu vực, quốc gia nào của đảng cộng sản, của công đoàn, của tổ chức dân chủ tiến bộ mà không có thảo luận về vấn đề Việt Nam, về vấn đề tìm những phương pháp và hình thức thích hợp để mở rộng và tăng cường đoàn kết và giúp đỡ nhân dân Việt Nam đấu tranh chống Mỹ. Các đoàn của Mặt trận xem trong sự hoạt động của các hội nghị quốc tế như là diễn đàn để mình tố cáo Mỹ-nguỵ, để mình làm sáng tỏ thêm hơn nữa các chủ trương đường lối của Mặt trận, để thông báo xác thực về tình hình chiến thắng của quân dân miền Nam, cố làm cho mọi người thiện chí thấy rằng hoạt động của Mặt trận là phù hợp hoàn toàn với mục tiêu chung của nhân loại yêu chuộng tự do, dân chủ, hoà bình, công lý, rằng con đường Mặt trận đang đi là con đường tất yếu, tất thắng của các dân tộc đang bị đế quốc áp bức hiện nay. Tại các cuộc hội nghị quốc tế, các đoàn của Mặt trận không bỏ lỡ một cơ hội nào để giương cao ngọn cờ chống Mỹ, chống đế quốc thực dân cũ và mới, phát triển những ý kiến có sức mạnh của nhân dân miền Nam, kiên quyết ủng hộ mọi phong trào phản đế  ở  Á, Phi, Mỹ la tinh, ở Đông Á, ở Cam pu chia và Lào. Các đoàn của Mặt trận đóng góp tại các hội nghị quốc tế, những quan điểm được lắng nghe về việc đánh giá đế quốc Mỹ, về mối quan hệ đúng đắn giữa đấu tranh giải  phóng dân tộc và đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới, về sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân trong thời đại kỹ thuật và vũ khí phát triển cao độ hiện nay… nghĩa là các đoàn của Mặt trận đề ra trước các hội nghị quốc tế quan điểm của mình, kinh nghiệm của nhân dân Việt Nam về một loạt vấn đề thuộc loại nóng hổi nhất của thời đại. Những chiến thắng liên tiếp của quân và dân miền Nam Việt Nam càng làm cho tiếng nói của các đoàn Mặt trận tại các cuộc hội nghị quốc tế được chú ý, được cất cao lên. Và luôn luôn, các cuộc hội nghị quốc tế đều có nghị quyết lên án Mỹ, ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam, hoan nghênh Mặt trận Dân tộc giải phóng.
Từ 1962, có nhiều nghị quyết của các hội nghị quốc tế, trong đó tiêu biểu là:
Nghị quyết tháng 10-1962 của Hội luật gia Á- Phi họp ở Cônakry (Ghi nê ) lên án đế quốc Mỹ :”Hội nghị trịnh trọng tuyên bố rằng cuôc xâm lược vũ trang ở miền Nam Việt Nam là trái với Hiệp nghị Giơnevơ, trái với hiến chương Liên hiệp quốc, trái với luật pháp quốc tế. Hội nghị cũng tuyên bố rằng cuộc xâm lược ở miền Nam Việt Nam có tính chất một cuộc chiến tranh thuộc địa rõ rệt, đồng thời là một sự uy hiếp nghiêm trọng trực tiếp đối với hoà bình và an ninh của các nước Đông Nam Á, đối với hoà bình ở viễn Đông và thế giới”.
Hội nghị luật gia Á - Phi ở Cônakry trong khi lên án Mỹ thì nhấn mạnh vào tính chất chính nghĩa và hợp pháp của cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam: ”Phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam là một phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc, chống đế quốc xâm lược và bè lũ phản quốc, đó là một cuộc đấu tranh chính nghĩa để tự vệ mà bất cứ dân tộc nào bị áp bức, bị nô dịch cũng làm như vậy. Hội nghị tuyên bố rằng cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, với Hiến chương Liên hiệp quốc, với bản Tuyên ngôn nhân quyền, với nghị quyết khoá 15 của Hội đồng Liên hiệp quốc về việc xoá bỏ chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện”. Nghị quyết tháng 10-1962 của Hội luật gia Á- Phi là một thắng lợi chính trị đối ngoại lớn của phong trào cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam .
Nghị quyết tháng 2-1963 của Phong trào đoàn kết Á-Phi họp tại Mô-si đã nhất trí thông qua nghị quyết :”Chính phủ Mỹ phải từ bỏ chính sách và những hành động xâm lược miền Nam Việt Nam và phải rút hết quân đội, cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ, cũng như mọi vũ khí và dụng cụ chiến tranh ra khỏi miền Nam Việt Nam ”, đòi “chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, phải tức khắc đình chỉ các cuộc càn quét”, và tuyên bố “ủng hộ các chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng và kêu gọi nhân dân toàn thế giới đoàn kết ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam anh dũng”. Như thế, so nghị quyết Cônakry với nghị quyết Mô-si, từ năm 1962 sang 1963, người ta thấy có một sự tiến bộ rõ rệt trong dư luận quốc tế về vấn đề chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Tại Cônakry, nghị quyết lên án Mỹ xâm lược, khẳng định tính chính nghĩa, hợp pháp của cuộc kháng chiến ở miền Nam. Tại Mô-si, nghị quyết đề ra yêu sách cụ thể: Mỹ phải rút quân đội, cố vấn, vũ khí, còn nhân dân thế giới thì cần hiệp sức ủng hộ nhân dân miền Nam.
Tháng 11-1964, Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, có 64 đoàn đại biểu tham dự đại diện cho 50 nước và 12 tổ chức quốc tế, họp tại thủ đô Hà Nội. Hội nghị tuyên bố: ”Hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam Việt Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, giành độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hoà bình và trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc…Cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam anh hùng là một tấm gương sáng và là một nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với các dân tộc bị áp bức. Một dân tộc bị áp bức, dù nhỏ nhưng đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh cho một đường lối đúng đắn, lại được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới thì hoàn toàn có thể chiến thắng được chủ nghĩa đế quốc, dù là đế quốc Mỹ…”.
Qua nội dung của những nghị quyết trên, chúng ta có thể nhận thấy dư luận quốc tế từ chổ ủng hộ chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam đến chổ tin tưởng rằng nhân dân miền Nam sẽ chiến thắng quân xâm lược Mỹ và tay sai, đi từ ủng hộ mục tiêu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đến chổ tán thành các phương pháp đấu tranh mà Mặt trận chủ trương để đạt mục tiêu đó. Các nghị quyết quốc tế đó đã đề cao và xác lập vai trò, uy tín , vị trí của Mặt trận trên trường quốc tế, và hơn nữa, đã rút ra từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam Việt Nam một số chân lý có tính chất phổ biến cho phong trào nhân dân thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc và bảo vệ hoà bình.
Năm 1964 còn được đánh dấu bằng một sự kiện có ý nghĩa chính trị và pháp lý lớn: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam gửi đại biểu đi dự Hội nghị đàm phán về biên giới với chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia. Như vậy là, mặc nhiêh chính phủ Cam-pu-chia  công nhận địa vị pháp lý của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là người đại diện chân chính cho nhân dân miền Nam. Hơn nữa, Quốc trưởng Vương quốc Cam-pu-chia  Xi-ha -nuc  nhiều lần lên tiếng khẳng định vai trò, vị trí pháp lý duy nhất của Mặt trận, và kiên quyết bác bỏ quyền đại diện của chính phủ bù nhìn Sài Gòn.
Từ ngày 1 đến ngày 9-3-1965, tại Phnôm Pênh đã diễn ra hội nghị Nhân dân Đông Dương, Tham dự Hội nghị có các đoàn đại biểu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Cộng đồng xã hội bình dân Campuchia, Neo Lào Hắc xạt, lực lượng trung lập Lào yêu nước và các đoàn thể tổ chức khác thuộc ba nước Đông Dương. Hội nghị đã cực lực lên án đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, gây ra cuộc chiến tranh đầy tội ác chống nhân dân Việt Nam, can thiệp vũ trang vào Lào và đe doạ xâm lược Campuchia. Hội nghị đã đưa ra Nghị quyết chung, khẳng định tình đoàn kết của nhân dân Đông Dương trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và thông qua ba nghị quyết riêng về Việt Nam, Lào và Camphuchia.
Hội nghị Nhân dân Đông Dương đã đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào chống kẽ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Thắng lợi nầy của ba dân tộc chúng ta là một đòn mạnh mẽ đánh vào chính sách can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định :”Đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mở rộng do Mỹ gây nên, nhân dân ba nước chúng ta đoàn kết chặt chẽ chống đế quốc Mỹ, thì chúng ta nhất định thắng lợi” [67, tr.153].
Năm 1965, nhất là sau khi Mặt trận đưa ra bản tuyên bố 5 điểm ngày 22-3-1965 và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố lập trường 4 điểm, sau sự kiện vịnh Bắc bộ, sau sự kiện Mỹ đổ quân vào miền Nam và đánh phá miền Bắc bằng máy bay. Càng ngày có càng nhiều tuyên bố của những hội nghị quốc tế hưởng ứng bản tuyên bố của Mặt trận.
Ngày 22-3-1965, nhằm thể hiện rõ quyết tâm chiến đấu và thiện chí hoà bình của nhân dân ta, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố lập trường 5 điểm:
       1. Vạch rõ Mỹ là kẻ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, kẻ gây chiến và xâm lược cực kỳ thô bạo.
2.Nhân dân miền Nam quyết đánh đuổi đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, thực hiện một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình, trung lập.
3.Nghĩa vũ thiêng liêng của quân và dân miền Nam là đánh đuổi đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc.
4.Nhân dân miền Nam Việt Nam tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới và tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận mọi sự giúp đỡ, kể cả vũ khí và dụng cụ chiến tranh của bạn bè khắp năm châu.
5.Toàn dân đoàn kết, toàn dân vũ trang, tiếp tục anh dũng xông lên, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ và bọn Việt gian bán nước.
Sau khi bản tuyên bố ngày 22-3-1965 công bố đã có 22 chính phủ, 22 tổ chức quốc tế và khu vực, 446 đảng phái và đoàn thể quần chúng, 27 đảng cộng sản và công nhân thuộc 92 nước trên thế giới lên tiếng đồng tình với Mặt trận, ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam ( so với 9 tổ chức hồi năm 1962, 12 tổ chức năm 1963, 17 tổ chức năm 1964 ).
Nghị quyết về Việt Nam của Hội nghị nhân dân Đông Dương (3-1965) họp tại Phnôm Pênh ca ngợi sự lãnh đạo của Mặt trận và cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, rút quân và thủ tiêu các căn cứ quân sự để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.
Nghị quyết của 67 đoàn đại biểu các nước Á, Phi, Mỹ la tinh và châu Đại Dương họp hội nghị quốc tế các nhà giáo tại An-giê-ri ( 4-1965).
Nghị quyết của 109 đoàn đại biểu sinh viên, thanh niên thuộc 54 nước tại cuộc “họp mặt sinh viên, thanh niên quốc tế về hoà bình và hiểu biết lẫn nhau chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh”, họp tại Béc-linh ( 5-1965).
Nghị quyết 35 nước và tổ chức  quốc tế dự “hội nghị quốc tế bàn về việc thanh toán chủ nghĩa thực dân ở châu Mỹ la tinh”, họp ở La Ha-van( 5-1965).
Nghị quyết của hội nghị 20 Đảng Cộng Sản và công nhân các nước Tây Âu và Bắc Âu ( 6-1965).
Tháng 5-1965, Hội nghị đoàn kết nhân dân Á-Phi lần thứ 4 họp tại Ga-na quyết định:
“Hoàn toàn ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuôc đấu tranh chống mọi sự xâm lược của đế quốc Mỹ, nhằm giải phóng miền Nam , bảo vệ miền Bắc, bảo vệ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của đất nước và độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như hội nghị Giơnevơ đã quy định, nhiệt liệt hoan nghênh những chiến thắng rực rỡ mà nhân dân miền Nam đã thu được và tin chắc rằng đế quốc Mỹ sẽ thất bại ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình…Hoàn toàn ủng hộ bản tuyên bố ngày 22-3-1965 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phản ánh ý chí kiên quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam đấu tranh chống bọn xâm lược Mỹ tới thắng lợi cuối cùng và một lần nữa khẵng định rằng Mặt trận DTGPMNVN là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam ”.
Ngoài các hoạt động trên diễn đàn các hội nghị, đoàn Mặt trận đã có nhiều hoạt động bên ngoài hội nghị, đi đến những văn bản ký kết, những tuyên bố chung có giá trị chính trị cao. Đoàn cũng đã vận động các tổ chức quốc tế công nhận các đoàn thể trong Mặt trận là hội viên, là thành viên trong ban chấp hành các tổ chức quốc tế. Đoàn cũng đã vận động được các tổ chức quốc tế thành lập những “Ủy ban Quốc tế đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam ”, tạo mọi điều kiện để các tổ chức quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam trong công cuộc chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai.
Từ 1963 đến1965, có nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam trong cuộc chống đế quốc xâm lựơc và tay sai.
Năm 1963 có 103 tổ chức quốc tế và quốc gia lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ- Diệm rãi chất độc hoá học ở miền Nam Việt Nam . 10 tổ chức quốc tế và 82 tổ chức quốc gia trên 24 nước hưởng ứng ngày 20-7-1963. 103 tổ chức( trong đó có 7 chính phủ: Trung Quốc, Cu-Ba, Triều Tiên, Liên Xô, Lào, Cam-pu-chia, Xây lan) phản đối Mỹ- Diệm khủng bố Phật giáo, sinh viên, học sinh miền Nam Việt Nam. 12 tổ chức quốc tế và 330 tổ chức quốc gia của 50 nước hưởng ứng ngày kỷ niệm 3 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cũng là ngày quốc tế đoàn kết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam .
Năm 1964, sự ủng hộ của quốc tế đối với nhân dân miền Nam càng rộng lớn hơn. Có 27 tổ chức quốc tế và 370 tổ chức quốc gia của 64 nước ( trong đó có 14 nước xã hội chủ nghĩa, 11 nước châu Á ,16 nước châu Phi, 11 nước châu Mỹ la tinh, 10 nước Tây Âu, Bắc Âu và Bắc Mỹ, 2 nước châu Đại Dương) lên tiếng ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhân dân miền Nam Việt Nam .
Đẹp đẽ vô cùng và to lớn nhất xưa nay là những con số ghi tên quân chí nguyện các nước sang chiến đấu bên cạnh nhân dân Việt Nam. Chỉ đến tháng 5-1965, đã có 35 nước có người ghi tên tình nguyện, trong đó có Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cu Ba. Có nhiều kỹ sư, bác sĩ, cựu chiến binh đến cơ quan đại diện thường trực của Mặt trận ghi tên xin tình nguyện. Mặt trận đã tiếp nhận hàng vạn lá đơn xin tình nguyện.

2.2.3. Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ hình thành

Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ, một đế quốc đầu sỏ trên thế giới đã trở thành vấn đề lớn, một trong những vấn đề trung tâm của thời cuộc quốc tế, có quan hệ đến tình hình hoà bình hay chiến tranh của thế giới, cho nên về phía mình nhân dân miền Nam Việt Nam có ý  thức rằng mình đang đứng trên tiền tuyến nóng nhất của nhân loại tiến bộ đấu tranh cho độc lập dân tộc, hoà bình dân chủ  và chủ nghĩa xã hội, còn về phía nhân dân thế giới thì bè bạn từ khắp năm châu mỗi ngày thêm đông đúc càng thấy rõ nghĩa vụ đối với cuộc cách mạng dân tộc dân chủ chống Mỹ và tay sai ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, một mặt trận nhân dân thế giởi ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam chống Mỹ xâm lược đã hình thành.

2.2.3.1.Các nước xã hội chủ nghĩa , là lực lượng nòng cốt của Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ [23].

Trung Quốc là nước ở trong vị trí và tình nghĩa “môi hở răng lạnh” với Việt Nam. Trung Quốc nhạy bén trong sự giúp đỡ cho cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam. Huống chi, Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam là nhằm biến miền Nam Việt Nam thành pháo đài để chống phe xã hội chủ nghĩa. Trong khi so sánh lực lượng giữa ta và địch ta còn yếu, nhiều nước còn chưa tin vào khả năng chiến thắng của ta, thì Trung Quốc đã kiên quyết nói lên lòng tin tưởng vào tương lai thắng lợi của cách mạng miền Nam. Ngày 29-8-1963, Mao Trạch Đông nói: ”Tôi tin chắc rằng, nhân dân miền Nam Việt Nam, bằng cách đấu tranh, nhất định có thể thực hiện được mục tiêu giải phóng miền Nam, góp phần vào việc hoà bình thống nhất nước nhà ”.
Ngày 28-3-1965, Trần Nghị, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, trong một bức công hàm gửi cho Việt Nam đã khẳng định: ”Hai nước Trung Quốc và Việt Nam khắng khít với nhau như môi với răng, vui buồn hoạn nạn có nhau, ủng hộ nhân dân Việt Nam anh em chống sự xâm lược của Mỹ là nghĩa vũ quốc tế thiêng liêng của nhân dân Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ tuyên bố ngày 22-3-1965 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam. Nhân dân Trung Quốc sẽ dốc hết lực lượng của mình, giúp đỡ mọi sự cần thiết về vật chất, bao gồm cả vũ khí và dụng cụ chiến tranh, cho nhân dân miền Nam Việt Nam anh hùng ”.
Một cao trào “giúp Việt chống Mỹ” được phát động trong toàn dân Trung Quốc, mở đầu bằng cuộc mít tinh 1,5 triệu người tại Bắc Kinh ngày 10-2-1965, có cả các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước tham dự. Cao trào “giúp Việt chống Mỹ” biểu hiện khắp nơi bằng học tập, sản xuất và tập luyện quân sự với  ý thức Trung Quốc là hậu phương, Việt Nam là tiền tuyến.
Liên Xô cũng rất quan tâm đến tình hình Việt Nam, đã ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ngày 3-8-1962, Uỷ ban đoàn kết Á - Phi của Liên Xô đã ký tuyên bố chung với Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam xác định: ”Cuộc đấu tranh thần thánh của nhân dân miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập là hoàn toàn phù hợp với Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, với bản tuyên bố của Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 15 về thủ tiêu chủ nghĩa thực dân”. “Kiên quyết đòi đế quốc Mỹ phải đình chỉ tức khắc cuộc vũ trang xâm lược của chúng và rút hết quân đội, cố vấn quân sự, vũ trang và phương tiện chiến tranh của Mỹ cũng như  chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam ”.
Đầu năm 1964, Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Brê -jê - nep gửi điện cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ mối cảm tình sâu sắc của nhân dân Liên Xô đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam và chúc nhân dân miền Nam đạt nhiều thắng lợi.
Ngày 29-4-1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Xô Viết tối cao Liên Xô tuyên bố: “Công việc của miền Nam Việt Nam phải do nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết lấy theo cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, người đại diện chân chính của  ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam, người đại diện duy nhất hợp pháp của nhân dân miền Nam Việt Nam ”.
Chính phủ Triều Tiên tuyên bố sẽ cung cấp cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam vũ khí và thiết bị đủ đủ để trang bị cho một lực lượng Quân giải phóng và các đơn vị vũ trang nhân dân miền Nam tương đương với quân Nam Triều Tiên mà đế quốc Mỹ đưa sang đánh thuê, chết thay cho chúng ở Nam Việt Nam. Mặt trận Dân chủ thống nhất Tổ quốc Triều Tiên kêu gọi thanh niên và binh lính Nam Triều Tiên bị đưa sang Việt Nam hãy quay súng chống lại đế quốc Mỹ, chạy sang hàng ngũ Quân giải phóng.
Các nước Mông Cổ, Ba Lan, Rumani, Hungary, Tiệp Khắc, Cộng hoà dân chủ Đức, Anbani, Cuba… đều “Hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam, đại biểu cho nguyện vọng của nhân dân miền Nam và là người đại diện duy nhất hợp pháp của nhân dân miền Nam ”.
Tóm lại, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa anh em, người trước người sau, đã tỏ rõ nhiệt tình ủng hộ cách mạng miền Nam. Nhiệt tình của bè bạn được thể hiện bằng những hành động cụ thể viện trợ cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cho nhân dân Việt Nam chống Mỹ. Đặc biệt từ sau bản tuyên bố 22-3, phong trào đồng tình và ủng hộ đó trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lực lượng toàn phe  xã hội chủ nghĩa là chổ dựa mạnh nhất của nhân dân Việt Nam chống Mỹ. Phe xã hội chủ nghĩa đúng là nòng cốt vững chắc của Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược.

2.2.3.2. Các nước  Á- Phi - Mỹ La tinh ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Việt Nam là một trong những nước thuộc địa của phương Tây đã nổi lên làm cách mạng dân tộc và dân chủ thành công, đánh đuổi thực dân, khôi phục độc lập, khai trương cao trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai. Cho nên dân tộc Việt Nam có cái vốn uy tín lớn trong các nước Á- Phi - Mỹ La tinh. Cuộc đấu tranh vũ trang và chính trị của nhân dân miền Nam Việt Nam là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới, cho nên cuộc cách mạng của ta sớm được các  nước Á- Phi - Mỹ La tinh đồng tình và ủng hộ.
Campuchia là nước bị hai bù nhìn của Mỹ (Thái Lan và nguỵ quyền Sài Gòn ) kẹp vào giữa và quấy phá thường xuyên. Từ năm 1963, Quốc trưởng Campuchia Norodom Xi ha nuc đã can đảm công khai gửi thư cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tỏ ý mong muốn miền Nam sớm được giải phóng để cùng Campuchia xây dựng sự hợp tác và hữu nghị giữa hai dân tộc. Năm 1964, chính phủ Campuchia tiến hành hội đàm tay đôi với Mặt trận Dân tộc Giải phóng  về vấn đề biên giới và như thế Campuchia mặc nhiên thừa nhận vị trí pháp lý duy nhất của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Quốc trưởng Xi ha nuc nói: ”Chính quyền Sài Gòn là chính quyền bù nhìn, ví phỏng họ có tôn trọng biên giới Campuchia đi nữa, thực tế điều ấy cũng chẳng có giá trị gì, vì đó chỉ là một chính quyền tay sai của Mỹ”.
          Hưởng ứng bản tuyên bố ngày 22-3-1965, Quốc trưởng Xi ha nuc gởi thư cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nói rõ: ”Nhân dân Campuchia hoàn toàn ủng hộ bản tuyên bố ngày 22-3 của Mặt trận và hoàn toàn đoàn kết với những người anh em Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa chống đế quốc  Mỹ ”.
          Lào là một dân tộc láng giềng của Việt Nam, có thiện cảm với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Lào cũng là nơi đang có cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Cho nên giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng  và Neo Lào Hắc -xạt có sự gắn bó với nhau. Từ khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam   ra đời, không có một sự kiện chính trị, một chiến thắng nào của nhân dân miền Nam mà Neo Lào Hắc-xạt  không nhiệt liệt hưởng ứng.
          In -đô-nê -xi-a, dưới thời Tổng thống Xu các nô, Chính phủ và nhân dân In -đô- nê -xi-a có thiện cảm với nhân dân miền Nam chống Mỹ và tay sai. Kỷ niệm 3 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng  (20-12-1963), In -đô- nê -xi-a đã đón tiếp nồng nhiệt đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng  do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu. Nhân dịp nầy, Mặt trận dân tộc In-đô-nê-xi-a và Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam đã  ra bản tuyên bố chung, có đoạn viết: ”Nhân dân In-đô-nê-xi-a hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam, nhằm giải phóng miền Nam, tống cổ đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam, thực hiện độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất đất nước. Mặt trận dân tộc In-đô-nê-xi-a cho rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là người đại diện chân chính và duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam ”.
          Các nước An-giê-ry, Ma-li, Ghi- nê, Công -gô( B), Cộng hoà Ả Rập Thống Nhất  đều có các phong trào ủng hộ cuộc  chiến tranh chống Mỹ của nhân dân miền Nam Việt Nam, các nước đều tuyên bố “Hoàn toàn đứng về phía nhân dân Việt Nam anh hùng, triệt để ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam nhằm giải phóng đất nước, đòi rút quân Mỹ khỏi Nam Việt Nam ”.
          Nhiều đảng phái chính trị, nhiều đoàn thể của nhân dân các nước Á- Phi - Mỹ La tinh  đã lên tiếng hưởng ứng bản tuyên bố 22-3-1965 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Có thể nói, không một nước nào mà không có chính đảng và đoàn thể quần chúng ra tuyên bố ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ.
          Khắp các nước châu Mỹ La tinh bùng cháy ngọn lửa nhân dân chống Mỹ. Ở nhiều nước, phòng thông tin, sứ quán mỹ bị đập phá, đốt cháy. Du kích Vê-nê-du-ê-la học tập gương Nguyễn Văn Trỗi. Thanh niên Mếch -xich, Cô-lôm-bi-a ghi tên tình nguyện sang miền Nam Việt Nam chiến đấu. Phụ nữ U-ra-goay thành lập “Uỷ ban Việt Nam ”. Các Đảng cộng sản Cô-lôm-bi, Si- li, Pê-ru ra nghị quyết ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam. Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Vê-nê-du-ê-la gửi thư cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng  nhấn mạnh rằng: “Sự nghiệp chính nghĩa giải phóng dân tộc của miền Nam Việt Nam không chỉ là sự nghiệp của nhân dân các bạn mà là sự nghiệp của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là của nhân dân Vê-nê-du-ê-la”. Khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam thì “Ủy ban châu Mỹ La tinh ủng hộ Việt Nam ” tại La Ha-van tuyên bố: nguyện tăng cường gấp trăm lần các hoạt động để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam .

2.2.3.3. Nhân dân tiến bộ các nước tư bản châu Âu ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Ở Pháp, nhân dân lao động vốn có cảm tình với cách mạng Việt Nam, nước Pháp là nước ký Hiệp định Giơnevơ nhưng chính phủ Pháp từ bỏ trách nhiệm thực hiện nghị quyết ấy. Từ năm 1963, Đảng cộng sản Pháp, Tổng liên đoàn lao động, các tổ chức sinh viên, thanh niên, phụ nữ Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Nam Việt Nam và ủng hộ Mặt trận Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam. Phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ lên cao từ đầu năm 1965, đặc biệt là từ sau khi có bản tuyên bố 22-3-1965 của Mặt trận. Cuộc vận động quần chúng ở Pháp chống Mỹ, biểu hiện tập trung nhất là trong ”Ngày toàn nước Pháp ủng hộ Việt Nam ”( 6-4-1965), ngày ấy ở hầu hết mấy trăm thành phố lớn đều có mít tinh, biểu tình và sau đó có nhiều đoàn đại biểu từ khắp nơi trên nước Pháp về Pa ri, đến đại sứ quán Mỹ đưa kiến nghị phản đối Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam và phá hoại bằng máy bay nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhiều thành phố lập “Uỷ ban ủng hộ Việt Nam ”, những ủy ban đó làm công tác tuyên truyền, lấy chữ ký, quyên góp tiền bạc và thuốc men gửi tặng Mặt trận. Đại hội lần thứ 35 của Tổng liên đoàn lao động Pháp gửi tặng Quân giải phóng 1,5 triệu Phơ - răng thuốc men và kèm theo thư cổ vũ, cam kết với nhân dân miền Nam là sẽ cùng với nhân dân thế giới tiếp tục đấu tranh chống Mỹ.
Ở Thuỵ Điển, thanh niên biểu tình đập phá đại sứ quán Mỹ, hạ quốc huy, quốc kỳ Mỹ. Một tổ chức sinh viên phát hành ”Bản tin Việt Nam ”. Ngày 29-8-1965, “Uỷ ban Thuỵ Điển ủng hộ Việt Nam ” được thành lập có 60 nhân vật nổi tiếng tham gia.
Ở  Ý, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Ý, trong tinh thần hoàn toàn và triệt để ủng hộ bản tuyên bố ngày 22-3-1965 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Các tầng lớp nhân ngày càng thống nhất hành động và có  nhiều hình thức phong phú ủng hộ hai miền Nam Bắc Việt Nam đấu tranh chống Mỹ. Phong trào rầm rộ nhất là những tháng 3,4-1965. Trong hai tháng đó có tất cả 4.000 cuộc biểu tình khắp nước Ý. Ngày chủ nhật 11-4-1965 có đến 3.000 cuộc mit tinh. Tại thành phố Mi - lan, 3 ngày sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng  tuyên bố bản tuyên bố 5 điểm, Đảng cộng sản Ý tổ chức cuộc biểu tình khổng lồ 7 vạn người để hưởng ứng. Hàng trăm nhà trí thức nổi tiếng ở Rôm ký kiến nghị chống Mỹ xâm lược  Nam Việt Nam. Nhiều cuộc quyên góp của Đảng cộng sản phối hợp với các bác sĩ Ý để mua thiết bị giúp một bệnh viện dã chiến của Việt Nam .
Ở Anh, “Phong trào đòi tự do cho các thuộc địa”, Hội Anh- Việt hữu nghị, Hội đồng hoà bình Anh, Đảng cộng sản Anh… đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, đã tổ chức hàng chục cuộc đi bộ và mít tinh lớn để ủng hộ Việt Nam. Ngày 30-6-1965, 5 vạn người dân Anh đã từ khắp nơi kéo về Luân Đôn, tuần hành, lên án đế quốc Mỹ và ủng hộ nhân dân hai miền Nam Bắc Việt Nam, đòi chính quyền Uyn-xơn không được theo đuôi Mỹ. Phong trào nhân dân Anh phản đối Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam là một phong trào chẳng những gồm đông đảo nhân dân lao động, mà gồm cả hàng trăm nghị sĩ Công đảng, gồm nhiều phần tử trí thức có ảnh hưởng lớn, tiêu biểu nhất là nhà triết học nổi tiếng Bec -tơ -răng Rut -xen. Cụ Rut- xen từ nhiều năm đã liên tục, kiên trì lên án đế quốc Mỹ trên các tờ báo lớn ở Anh, Mỹ, tiếng nói của cụ có ảnhh hưởng rộng.
Ngoài ra, ở các nước Na uy, Phần Lan, Tây Đức, Hà Lan,Thuỵ Sĩ, Bỉ, Hy Lạp…đều có phong trào ủng hộ Việt Nam , đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam .
Nhìn chung, phong trào nhân dân Tây Âu ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam chống Mỹ mạnh nhất là ở những xứ nào có đảng cộng sản mạnh, có giai cấp công nhân giác ngộ nhờ một truyền thống đấu tranh lâu dài, có những tầng lớp trí thức tiến bộ đông đảo. Nhân dân Tây Âu thấy được rằng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam là một sự đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình thế giới, họ thấy rằng nếu không may đế quốc Mỹ thắng trận ở miền Nam Việt Nam thì thế lực phát xít sẽ trỗi dậy rất nguy hiểm ở Trung Âu, ngọn lửa chiến tranh có thể mở rộng do kế hoạch phiêu lưu của giới quân phiệt Lầu Năm góc  mà lan rộng ra, các thế lực phát xít có nguy cơ trỗi dậy.
Phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ ở Tây Âu mạnh lên sau ngày 22-3-1965, sau bản tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, phong trào trở thành mạnh mẽ, có tính quần chúng rộng rãi, với những yêu sách rõ hơn và cao hơn trước: “Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam ”, “Phải thừa nhận và thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng”, “Giôn xơn là kẻ giết người”…Các nước Tây Âu đấu tranh có tổ chức, hành động thống nhất trên một khu vực gồm nhiều nước, làm cho đế quốc Mỹ bị cô lập trên thế giới.

2.2.3.4. Nhân nhân tiến bộ Mỹ ủng hộ Việt Nam.

Từ khi Mỹ tiến hành xâm lược Việt Nam thì phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ bắt đầu xuất hiện. Năm 1962, xuất hiện những kiến nghị, những thư ngỏ của giới trí thức và các nhà tu hành, song các kiến nghị và thư ngỏ ngày càng nhiều, hành động ký tên và yêu sách của nhân dân  ngày càng thêm đông .
Từ tháng 4-1962, thư ngỏ của 16 nhà trí thức Mỹ gởi Tổng thống Ken- ne- dy, trong 16 người nầy có nhà bác học nổi tiếng thế giới là J. Pau-linh. Đến ngày 1-3-1963, thư ngỏ của 62 nhà trí thức, nhân sĩ gửi Ken- ne- dy với nội dung đòi chấm dứt chiến tranh ở Nam Việt Nam. Một tháng sau ,lại có một thư ngỏ có ký tên 650 trí thức và nhân sĩ.
Từ tháng 6 đến tháng 8-1963, trong lúc ở Sài Gòn, Huế, phong trào đấu tranh của Phật tử sôi nổi chống chính quyền Ngô Đình Diệm và bị Diệm đàn áp dữ dội thì nhiều mục sư, linh mục Mỹ lên tiếng phản đối tội ác của nhà cầm quyền Mỹ đã làm chổ dựa cho Diệm, có 15.000 nhà  tu hành cả nước Mỹ cùng lên tiếng .
Đầu năm 1965, khi Mỹ tiến hành chính sách “leo thang”, một mặt phá hoại miền Bắc bằng máy bay ném bom, mặt khác đưa từng đơn vị trung đoàn, sư đoàn quân sang miền Nam Việt Nam, điều nầy gây một lo ngại lớn, một xúc động mạnh trong nhân dân Mỹ, từ đấy cuộc vận động phản chiến ở Mỹ mới thực sự phát triển thành một phong trào. Đến đây phong trào mở rộng ra các trường đại học, tầng lớp sinh viên và  nhiều tầng lớp khác trong xã hội Mỹ. Các cuộc biểu tình tuần hành chống chiến tranh diễn ra sôi nổi trên khắp nước Mỹ.
Lúc đầu, phong trào phản chiến chủ yếu bùng nổ trong các trường đại học như : Ann Arbor, Berkeley, Columbia, Stanford…nhưng càng về sau, phong trào lôi kéo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên trong độ tuổi quân dịch và gia đình của họ. Trí thức tiến bộ tham gia hăng hái, nhân sĩ phản chiến ngày càng đông.
Phong trào phản chiến ở Mỹ biểu hiện dưới nhiều hình thái phong phú và sáng tạo, làm cho nó có tiếng vang lớn trong và ngoài nước Mỹ. Từ phong trào đăng báo những bản tuyên bố, ký tên, thư ngỏ… đến những cuộc bãi khoá, bãi thực trước cơ quan Liên hiệp quốc, và những cuộc biểu tình, những cuộc ngăn chặn quân Mỹ sang Việt Nam trước những căn cứ quân sự của Mỹ. Những cuộc tự thiêu theo gương các vị hoà thượng ở Việt Nam đã tự thiêu để phản đối chính quyền Diệm. Cảm động nhất là những cuộc hiến máu gửi cho nhân dân miền Nam Việt Nam đang bị súng đạn Mỹ sát hại.
Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ gây thêm tinh thần phản chiến trong quân lính Mỹ và ảnh hưởng tích cực đến phong trào ở Tây Âu ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược.
Nhìn chung, sau 5 năm hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng  trên mặt trận đối ngoại, phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân miền Nam chống Mỹ có những bước tiến đáng kể. Không có một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nào trên thế giới, trong thời hiện đại, được nhân dân thế giới ủng hộ đông đảo và nhiệt tình như cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Thành phần tham gia phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ không phải chỉ có tầng lớp công nông, không phải chỉ có các dân tộc bị áp bức mà bao gồm nhiều tầng lớp xã hội, nhiều chính giới, nhiều chính phủ các nước, kể cả nhân dân nước Mỹ và các nước phương Tây. Nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, không chỉ ủng hộ về tinh thần, về chính trị, mà còn ủng hộ về vật chất phù hợp với điều kiện của Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân  miền Nam.
Mặt trận nhân nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ từng bước hình thành và phát triển, tạo điều kiện cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam thắng lợi hoàn toàn. 

2.3.  Hoạt động quân sự 

2.3.1. Giải phóng quân  Miền Nam  Việt Nam ra đời

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, quân đội và chính quyền tập kết ra Bắc, những người kháng chiến cũ ở lại dùng hình thức đấu tranh chính trị  đòi nguỵ quyền miền Nam thi hành các điều khoãn của hiệp định Giơnevơ. Nhưng ngược lại, bọn Mỹ -Diệm lại chủ trương dùng bạo lực phản cách mạng để tiêu diệt những người kháng chiến cũ, đàn áp các phong trào đòi cơm áo, tự do, thống nhất .
Từ 1954 đến 1960, không lúc nào ngớt những cuộc bố ráp, càn quét, hành quân lớn nhỏ nhằm tiêu diệt các lực lượng đối lập với nguỵ quyền. Như thế, dưới chế độ Mỹ - Diệm, ai muốn sống thì lại phải đứng lên cầm vũ khí.
Từ 1956 đến 1957, các lực lượng giáo phái lần lượt bị quân đội Mỹ -Diệm tiêu diệt, một số còn lại tồn tại được một thời gian nhờ sự giúp đỡ của những người kháng chiến cũ và nhân dân. Tuy vậy, thực lực của các đơn vị nầy không nhiều và chỉ ở một số vùng ở miền Trung và Đông Nam bộ. Những người kháng chiến cũ, cùng với nhân dân tiếp tục đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế.
Từ 1957 trở đi, nhiều anh em kháng chiến cũ bị Mỹ – Diệm khủng bố , không thể ở lại làng xóm cũ, phải tập trung nhau lại thành những đơn vị nhỏ, chế tạo vũ khí để tự vệ, xây dựng các ”Làng rừng”, họ làm công tác tuyên truyền vũ trang và bắt đầu trừng trị những tên ác ôn.
Từ 1959, Mỹ - Diệm càng đẩy mạnh bạo lực vũ trang phản cách mạng, nhân dân nhiều nơi đã đứng lên  thành lập các đội vũ trang, đặc biệt là dân tộc  Kơ - ho ở miền núi Trung Bộ , một số nông dân ở miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ ,vùng chiến khu Đ cũ đã   nổi dậy diệt các đồn lẻ của địch và trừng trị bọn ác ôn.
Sau nghị quyết Trung ương 15( 1-1959), nhiều đội vũ trang tự vệ được thành lập, đặc biệt là trong cao trào Đồng khời 1959-1960 ,nhiều địa phương đã tự chế tạo vũ khí, tấn công đồn giặc cướp vũ khí , xây dựng các đội vũ trang để hổ trợ phong trào đấu tranh chính trị.
Ngày 20-12-1960, Mặt trận DGPMNVN ra đời.
Từ 1960, cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân miền Nam Việt Nam phát triển thành một cuộc chiến tranh thực sự. Cuộc chiến tranh cách mạng phải có lực lượng vũ trang của nhân dân. Cho nên, Giải phóng quân miền Nam  ra đời làm nhiệm vụ cách mạng.
Tháng 1-1961, Tổng quân uỷ Trung ương ra chỉ thị :”Quân giải phóng miền Nam là một bộ phận của quân đội nhân dân Việt Nam , do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo…..Mục tiêu chiến đấu của nó là kiên quyết thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, giải phóng miền Nam  khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng, tiến lên xã hội chủ nghĩa…” [61].
Ngày 15-2-1961, các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam thống nhất dưới một danh nghĩa chiến đấu chung là “Giải phóng quân miền Nam Việt Nam”. Giải phóng quân miền Nam Việt Nam tuyên bố tán thành mục đích và chương trình của Mặt trận DTGPMNVN , được uỷ ban Trung ương lâm thời của Mặt trận công nhận là thành viên của Mặt trận và được trao quân kỳ có hàng chữ: “Giải phóng quân anh dũng, chiến thắng”. Mặc dù là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng Quân giải phóng có một sứ mạng lịch sử vô cùng  quan trọng, thực sự là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai của chúng .
Cùng với việc thống nhất các lực lượng vũ trang, Bộ tư lệnh các lực lựơng vũ trang giải phóng miền Nam cũng được thành lập. Ban quân sự Miền là cơ quan giúp Trung ương cục chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng ở chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ . Hệ thống chỉ huy quân sự được xây dựng từ Miền đến tỉnh - huyện - xã . Các quân khu cũng được thành lập. Đồng chí Phạm Thái Bường là chính uỷ đầu tiên và đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến là tư lệnh đầu tiên của Quân giải phóng.
Tháng 9-1961, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương thông qua đồ án xây dựng lực lượng vũ trang cho chiến trường miền Nam, theo kế hoạch  nầy, bên cạnh  việc phát triển lực lượng tại chỗ, sẽ đưa vào miền Nam khoảng 3 đến 4 vạn cán bộ, chiến sĩ đã được huấn luyện chính quy trên miền Bắc.
Tại các thôn, ấp giải phóng, được các tổ chức cách mạng giác ngộ và động viên, hàng nghìn thanh niên đã tình nguyện tham gia vào lực lượng Giải phóng quân. Năm 1963, ta đã tuyển được 26.000 thanh niên vào lực lượng Giải phóng quân, miền Bắc chi viện 8.719 quân, nâng tổng số quân toàn miền Nam lên 133.650   cán bộ, chiến sĩ [66].
Năm 1964, các địa phương toàn miền Nam đã động viên được 25.960 thanh niên vào lực lượng Giải phóng quân, miền Bắc chi viện 17.475 cán bộ ,chiến sĩ . Đến cuối  1964, lực lượng Giải phóng quân lên tới 294.000 người. Tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta : năm 1961 tỷ lệ lực lượng ta và địch là 1/13 (22.000/293.850), đến năm 1963 là 1/3 (133.650/429.300), đến năm 1964 chỉ còn là ½ ( 294.000/ 588.216).
Thực hiện kế hoạch quân sự  5 năm ( 1961- 1965) của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng , nhiều xã giải phóng thành lập được trung đội du kích tập trung, mỗi huyện, tỉnh giải phóng đều thành lập 1 đến 2 đại đội bộ đội địa phương. Quân khu có 11 tiểu đoàn chủ lực .
Chia chiến trường miền Nam thành các quân khu: Quân khu 5 ( Trị - Thiên- Nam Trung Bộ ),Quân khu 6 ( cực Nam Trung Bộ ), Quân khu 7 ( miền Đông Nam Bộ ), Quân khu 8 ( miền Trung Nam Bộ ), Quân khu 9 ( miền Tây Nam Bộ ), Quân khu Sài Gòn- Gia Định.
          Ngày 2-8-1961, tại chiến khu Dương Minh Châu, trung đoàn chủ lực đầu tiên mang tên Q761 đã được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành của Quân giải phóng miền Nam. Lực lượng Dân quân tự vệ miền Nam ( 1959- 1964 ) : 179.000. Tỷ lệ so với dân số 1,25.
Từ 1964, thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, quân chính quy miền Bắc được đưa vào chiến trường, khối chủ lực Miền bắt đầu được hình thành.
Sau khi Quân giải phóng củng cố và xây dựng, quân ta mở chiến dịch Đông-Xuân 1964-1965 thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng Bình Giả đã chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc của Quân giải phóng miền Nam.
Việc thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng đã đánh dấu một bước phát triển mới về mọi mặt của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, đưa vai trò của đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới .
Như vậy, từ năm 1961- 1965 Quân Giải phóng vừa chiến đấu vừa xây dựng đã truởng thành và lớn mạnh vượt bậc, phát triển từ lực lượng chính trị của quần chúng và được sự chi viện thường trực của miền Bắc đã hình thành 3 thứ quân hoàn chỉnh. Tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực trong các chiến dịch đã giành được thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực ngụy, làm thay đổi nhanh chóng so sánh lực lượng giữa ta và địch, góp phần cùng toàn dân đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

2.3.3.Chống Chiến  tranh  đặc biệt” (1961-1965 )

              2.3.3.1. Âm mưu “chiến tranh đặc biệt”.

Từ cuối 1960, hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm bị thất bại, đế quốc Mỹ bị động thay đổi chiến lược, chuyển sang dùng “chiến tranh đặc biệt” để đối phó với cách mạng miền Nam, chiếm lại những địa bàn và vùng dân cư đã bị mất trong phong trào Đồng khởi của ta.
Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là chiến lược đầu tiên trong ba lọai chiến tranh của chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ. Đặc điểm của chiến lược nầy là sử dụng lực lượng phản cách mạng tại chổ cộng với sự cung cấp đến mức cao nhất những phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ và hệ thống cố vấn Mỹ . Nội dung cơ bản của chiến lược nầy là: càn quét, dồn dân lập ấp chiến lược trên quy mô lớn theo chiến thuật “tát nước bắt cá”.
Mỹ- Diệm coi việc lập ấp chiến lược là “quốc sách”, là “xương sống” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt ”. Biện pháp chiến lược là tổ chức hành quân càn quét và gom dân, theo kế họach Xtalây- Taylo bình định miền Nam trong vòng 18 tháng ( từ giữa 1961 đến cuối 1962), lập 16.000 ấp chiến lược. Sau đó kế họach Giôn xơn-Mc Namara bình định miền Nam trong vòng 2 năm ( 1963-1964), tăng cường các cuộc hành quân và bình định có trọng điểm.
          Để thực hiện kế hoạch trên, Mỹ- Diệm tiến hành nhiều thủ đoạn, biện pháp khốc liệt và đẫm máu. Chúng mở hàng chục nghìn cuộc hành quân lớn nhỏ, càn quét dài ngày, dùng bom đạn đánh phá ác liệt, rãi chất độc hóa học, chà đi xát lại từng khu vực để lùa dân vào ấp chiến lược. Chúng huy động máy bay trực thăng, xe cơ giới, thiết giáp để lùa dân đến những nơi lập ấp. Trong các cuộc càn quét, địch đã áp dụng nhiều chiến thuật mới như “bủa lưới phóng lao”, “phượng hòang vồ mồi”,”trên đe dưới búa”…đánh vào các khu căn cứ của ta nhằm tiêu diệt bộ đội và du kích, đánh úp vào các cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc giải phóng.
2.3.3.2.Các chiến thắng tiêu biểu của Quân giải phóng [38], [69], [76]
Từ khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam thống nhất thành Quân Giải phóng miền Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền đã tổ chức nhiều cuộc chống càn và phá ấp chiến lược có hiệu quả.
Tính chung trong năm 1961, quân và dân miền Nam đã tiến hành đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị rộng khắp tên cả 3 vùng chiến lược, đã đánh 15.525 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 28.968 tên địch ( có 41 tên Mỹ ), bắt 3.259 tên, thu 6.000 súng các loại. Cùng với các cuộc tấn công quân sự, có 33,8 triệu lượt người đã xuống đường đấu tranh chính trị trực diện với địch. Cuộc đấu tranh chính trị và binh vận của nhân dân đã làm cho 14.500  binh sĩ ngụy đào ngũ và rã ngũ. Vùng giải phóng được củng cố và giữ vững, hàng ngàn thanh niên tham gia Quân giải phóng.
Năm 1962, Quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến 35.000 tên (có 400 tên Mỹ ), làm rã ngũ 32.000 tên, lật đổ 18 đầu tàu hỏa, phá sập 312 cầu, cống, bắn hỏng 12 tàu xuồng và bắn rơi nhiều máy bay địch.
- Chiến thắng  Ấp Bắc ( 1963) [47, tr. 10-19]
Ấp Bắc là một ấp nhỏ, có khoảng 600 dân thuộc  xã Tân Phú Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang ). Đây là địa bàn lịch sử có truyền thống cách mạng kiên cường. Nhân dân Ấp Bắc và xã Tân Phú Trung sớm đi theo Đảng tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ kháng Pháp từ 1940. Trong chín năm kháng chiến, đây luôn là một trong những căn cứ địa quan trọng của miền Tây Nam Bộ, là một trong những điển hình của phong trào đấu tranh chống Pháp xâm lược. Trong kháng chiến chống Mỹ , Ấp Bắc là một trong những vùng giải phóng quan trọng ở phía Bắc đồng bằng sông Cửu Long. Đây là địa điểm dừng chân để củng cố , bổ sung lực lượng, trang bị, vũ khí của các đơn vị Quân giải phóng sau mỗi đợt hoạt động trên chiến trường khu VIII.
Xung quanh Ấp Bắc là những cách đồng bằng phẳng, có hệ thống kênh rạch và đường bộ xung quanh thuận lợi cho việc đi lại của các phương tiện cơ động cả đường bộ lẫn đường thuỷ. Vườn cây trái hai bên bờ kênh tạo thế che khuất cho du kích và nhân dân. Hệ thống hầm hào công sự, trận địa liên hoàn, bảo đảm cho du kích và bộ đội có thể cơ động bí mật để yểm trợ và phối hợp tác chiến đánh địch càn quét.
Thực hiện chủ trưong của Khu 8, chọn mục tiêu và đánh một số trận để tìm ra phương thức tác chiến phù hợp để chủ động đối phó với các chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch, tạo một điển hình làm cơ sở thúc đẩy phong trào đấu tranh chống càn quét, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược trên toàn khu phát triển và giành thằng lợi.
Cuối tháng 12-1962, các đơn vị đã bí mật “ém quân” tại xã Tân Phú Trung. Lực lượng của ta gồm 2 đại đội chủ lực Miền và 1 trung đội bộ đội địa phương, dựa vào hệ thống công sự, hầm hào, trận địa của các ấp chiến đấu. Ta tổ chức phòng ngự với quyết tâm : Nếu đụng địch, phải bám chắc công sự, chiến đấu đến cùng.
Về phía Mỹ-nguỵ, qua mạng lưới trinh sát, điệp báo phát hiện được quân chủ lực Khu VIII về Ấp Bắc, Bộ tư lệnh hành quân của địch quyết định mở cuộc hành quân mang mật danh ”Đức Thắng 1/63” nhằm “tiêu diệt và bắt gọn Việt cộng” ở Ấp Bắc, xoá căn cứ đứng chân của Quân giải phóng và dồn dân lập ấp chiến lược.
Lực lượng của địch huy động gồm: 3 tiểu đoàn bộ binh,1 tiêu đoàn dù, 2 đại đội biệt động quân, 3 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ, 13 thiết giáp M113, 13 giang thuyền chiến đấu, 6 máy bay khu trục B26, 15 máy bay trực thăng (10 CH21, 5 HU1A), 4 máy bay trinh sát L19, 7 máy bay vận tải C47 và các cụm pháo binh của sư đoàn 7 bố trí trên lộ 4. Toàn bộ lực lượng đặt dưới sự chỉ huy của Bùi Đình Đàm (Tư lệnh sư đoàn 7), Lâm Quang Thơ ( tỉnh trưởng Định Tường)và cố vấn Mỹ J.Van (cố vấn sư đoàn 7) cùng vời 51 cố vấn Mỹ [17], [38].
Rạng sáng ngày 2-1-1963, quân địch điều động 2 đại đội bảo an, 2 đại đội biệt động quân, 2 đại đội bộ binh chia làm ba mũi theo lộ 4 , kênh Nguyễn Tấn Thành và lộ Mỹ Hạnh Trung tấn công vào Ấp Bắc. Sau ít phút cơ động toàn bộ quân địch rơi vào trận địa phục kích của bộ đội và du kích, hàng chục binh sĩ địch bị loại khỏi vòng chiến, 1 giang thuyền bị đánh chìm và một chiếc khác bị hỏng nặng. Đợt tiến công đầu tiên bị quân dân Ấp Bắc đánh bại.
7 gờ 30 phút sáng 2-1-1963, sử dụng chiến thuật trực thăng vận, quân địch huy động 10 máy bay trực thăng chở quân, 5 máy bay trực thăng vũ trang yểm trợ đổ 2 tiểu đoàn bộ binh xuống sau ấp tạo thế bất ngờ và hình thành 2 gọng kìm hòng bao vây tiêu diệt quân ta. Với kinh nghiệm đã được đúc kết về thời điểm bắn máy bay chở quân, ta chờ khi máy bay chuẩn bị tiếp đất bộ đội và du kích đã tấn công máy bay, một chiếc bị bắn hạ tại xóm Bàn Rô, một chiếc bị rơi xuống cách đồng Cà Dăm, số quân nguỵ vừa ra khỏi máy bay bị tấn công dữ dội phải tự xé lẻ đội hình tìm chổ khuất để chống chống đỡ một cách yếu ớt. Để cứu nguy cho quân đổ bộ, quân địch tăng cường bắn pháo và máy bay trực thăng vũ trang tập trung đánh vào trận địa của ta càng lúc càng ác liệt hơn . Kết quả thêm 3 chiếc máy bay bị bắn rơi và nhiều quân nguỵ bị loại khỏi vòng chiến. Đợt tấn công thứ hai của địch vào ấp Bắc bị đánh bại.
Như vậy, trực thăng vận, một trong những chiến thuật tân tiến từng gây bao lúng túng, hoang mang cho quân và dân miền Nam trong suốt hai năm 1961, 1962 đến đây đã bị quân và dân Khu VIII tìm ra phương thức đối phó hiệu quả, một khả năng thực tế đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch đã được mở ra cho toàn thể quân và dân miền Nam.
12 giờ 15 phút, chỉ huy quân địch quyết định đưa 3 tiểu đoàn tấn công vào ấp Tân Thới, sau ít phút chiến đấu ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng một trung đội, số sống sót mạnh ai nấy chạy cố thoát ra khỏi khu vực chiến sự. Đợt tấn công lần thứ ba vào Ấp Bắc vẫn không mang lại kết quả.
13 giờ 30 phút, bằng chiến thuật thiết xa vận , quân nguỵ sử dụng 13 xe M113 và một tiểu đoàn bộ binh mở đợt tấn công thứ tư vào Ấp Bắc. Với ý chí “kiên quyết bám trụ, bám trụ đến cùng”, 75 cán bộ, chiến sĩ đã bí mật , kiên trì chờ đợi. Quân ta đã tiêu diệt hai xe M113, đánh hỏng một số xe khác, đẩy lùi quân nguỵ ra khỏi tuyến phòng ngự. Đợt thứ tư của quân nguỵ đánh vào Ấp Bắc bị ta đánh bại.
Với việc đánh bại đợt tấn công lần thứ tư của địch vào Ấp Bắc, khả năng đánh bại thiết xa vận, một trong hai biện pháp chiến thuật mới của Mỹ, nguỵ trong chiến tranh đặc biệt đã được mở ra cho quân và dân miền Nam.
18 giờ 5 phút, địch sử dụng 5 máy bay vận tải C47 thả dù tiểu đoàn dù số 8 xuống ấp Tân Thới, thiết giáp và bộ binh tấn công vào Ấp Bắc. Quân ta dùng biện pháp bắn tỉa quân dù khi đang còn lơ lững trên không, dùng súng phóng lựu tiêu diệt xe tăng M113, toàn bộ quân địch trên cả hai mặt trận đều bị tiêu diệt, lực lượng hai bên ở trong thế xen kẽ các đơn vị hoả lực yểm trợ của địch không hoạt động được , toàn đội hình của địch rối loạn và từ từ rút ra khỏi trận địa.
Sau khi đợt tấn công thứ năm thất bại, địch rút ra vòng ngoài, bao vây dự định ngày hôm sau sẽ tấn công tiếp.
Sau một ngày chiến đấu căng thẳng, ác liệt, nhiệm vụ được giao đã hoàn thành xuất sắc, Ban chỉ huy trận đánh quyết định rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Ấp Bắc. Đúng 22 giờ quân ta bằng nhiều con đường rút ra khỏi Ấp Bắc.
Kết quả: qua một ngày chiến đấu ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 450 sĩ quan và binh lính ( trong đó có 11 cố vấn Mỹ ), bắn rơi 5 máy bay, phá huỷ 3 xe thiết giáp M113 và 1 giang thuyền.
Thắng lợi Ấp Bắc đã gây tiếng vang lớn trong phong trào chống Mỹ-nguỵ trên toàn miền Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào đấu tranh chống Mỹ nói chung, đấu tranh chống phá ấp chiến lược nói riêng trong chiến tranh đặc biệt của quân và dân miền Nam. Như vậy, phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến lược muốn phát triển và giành thắng lợi phải gắn liền với phát triển đấu tranh vũ trang, đánh bại các chiến thuật mới của địch.
Với thắng lợi Ấp Bắc đầu năm 1963, quân ta đã tìm ra được phương thức  tác chiến phù hợp để đối phó có hiệu quả với trực thăng vận, thiết xa vận của địch. Đến đây, quân và dân miền Nam đã bắt đầu “gỡ” được tình trạng dao động về tinh thần và ‘ngại” chiến đấu với các cuộc hành quân càn quét có sử dụng các biện pháp chiến thuật mới của Mỹ- nguỵ.
- Chiến dịch Bình Giã ( 2-12-1964 đến 3-1-1965) [17], [68].
Cuối năm 1964 ở miền Nam, Mỹ-nguỵ âm mưu đẩy mạnh những cố gắng cuối cùng trong khuôn khổ “chiến tranh đặc biệt”để cứu vãn tình thế chúng đang thua. Với kế hoạch “bình định có trọng điểm”, địch đã biến khu vực Bình Giã, Đức Thạnh, Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ thành 4 chi khu quân sự. Lực lựơng địch tại đây có 4 tiểu đoàn Biệt động quân( 30,33,35,38), 2 tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến   ( 4 và 1 ), 2 tiểu đoàn Dù ( 5,6), và 3 tiểu đoàn Bảo an, một chi đoàn cơ giới M113, 2 trung đội Pháo binh 105mm.
Về phía ta, cuối năm 1964, Bộ Chính trị giao cho Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng chuẩn bị kế hoạch chiến lược, tranh thủ thời cơ đánh bại quân nguỵ trước khi Mỹ tăng cường lực lượng ồ ạt vào miền Nam nứơc ta. Ngày 11-10, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho các chiến trường mở đợt hoạt động trên toàn miền Nam.
Cuối tháng 11, Bộ chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công trên địa bàn 4 tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hoà, Bình Thuận. Mục đich Chiến dịch là diệt một bộ phận sinh lực địch, phá kế hoạch bình định trọng điểm của địch, phá ấp chiến lược, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng căn cứ, đánh bại chổ dựa cơ bản của Mỹ trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.
Bộ chỉ huy Miền chỉ định đồng chí Trần Đình Xu làm Tư lệnh, đồng chí Lê Văn Tưởng làm Chính uỷ, đồng chí Nguyễn Hoà làm Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Minh Hà Bí thư tỉnh Bà Rịa và một số đồng chí trong Thường vụ Quân khu 7 tham gia Đảng uỷ Chiến dịch.
Lực lựơng tham gia chiến dịch gồm : 2 Trung đoàn bộ binh (761,762), 2 tiểu đoàn bộ binh của Quân khu 7( 800,500), tiểu đoàn pháo binh 186 của Quân khu 6. đại đội 445 tỉnh Bà Rịa, đoàn pháo binh Biên Hoà có 4 sơn pháo 75mm, súng cối từ 60mm đến 82mm có 53 khẩu, ĐKZ loại 57 mm và 75mm có 41 khẩu, súng phòng không có 8 khẩu 12.7mm cùng lực lượng dân quân trên địa bàn chiến dịch.
Ngày 15-11-1964, Bộ Tư lệnh chiến dịch thông qua quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo chiến dịch là đánh chắc thắng. Với phương châm : tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ phong trào chính trị phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng bằng lực lượng ba thứ quân. Phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận bảo đảm đánh chắc thắng, tiêu diệt gọn từng đơn vị địch, xây dựng lực lượng ta, mở rộng căn cứ, xây dựng phong trào cách mạng. Phương thức tác chiến chủ yếu là đánh điểm diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự làm chính. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật như phục kích, tập kích và vận động tiến công, đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch trên quy mô chiến dịch.
Lần đầu tiên Bộ chỉ huy Miền tập trung các đơn vị cấp Trung đoàn với hoả lực trợ chiến cơ động, chiến đấu trên địa bàn xa hậu phương, cùng với lực lượng Quân khu 6,7 , số lượng lên đến 7.000 quân. Phải dựa nguồn cung cấp tại chổ của nhân dân, phải huy động đông đảo quân chúng tham gia chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho bộ đội đồng thời phải giữ được bí mật. Bộ Tư lệnh chiến dịch tổ chức ra một số đoàn bảo đảm: Đoàn K.10 ở Phước Tuy, Đoàn 1.500 ở Lộc An xây dựng bến nhận hàng. Ở Bà Rịa tổ chức đoàn quân khu E chuyên lo thu gom lương thực trong vùng địch tạm chiếm. Tỉnh uỷ Bà Rịa cử một đồng chí trong cấp uỷ chuyên lo móc nối thu gom lương thực, thực phẩm. Bảo đảm quân y thì dựa vào bệnh xá tỉnh, huyện. Với sự nổ lực trên ta đã chuẩn bị được 500 tấn vũ khí, 217 tấn gạo, thuốc men cho thưong binh đạt 71% so với yêu cầu, kịp thời đáp ứng cho chiến dịch mở đúng thời gian dự kiến.
Theo kế hoạch chiến dịch chia làm hai đợt: Đợt 1, tiến công ấp chiến lược Bình Giã và một số cứ điểm để khơi ngòi đánh bại quân địch giải toả. Đợt 2, tập trung toàn bộ lực lượng đánh những trận quyết định, đánh quân đổ bộ đường không.
Rạng sáng ngày 2-12-1964 ta mở đầu chiến dịch, pháo binh ta tập kích vào chi khu Đức Thạnh, đại đội 445 bất ngờ tập kích ấp Bình Giã, trận đánh bất ngờ không thành, quân ta rút ra khỏi khu vực Bình Giã.
Ngày 7-12-1964, quân ta trở lại tấn công ấp Bình Giã, pháo kích chi khu Đức Thạnh, tấn công chi khu Đất Đỏ. Quân địch tổ chức cuộc hành quân “Bình Tuy 33”để giải vây cho cho Đức Thạnh. Khi địch quay về trên lộ 2, Trung đoàn 762 đã chặn đầu, khoá đuôi bao vây tiêu diệt chúng. Được máy bay chi viện, quân địch chống trả quyết liệt. Bộ binh ta siết chặt vòng vây, tiêu diệt từng bộ phận của địch. Sau gần 1 giờ chiến đấu, ta bắn bị thương 7 máy bay phản lực, diệt chi đoàn thiết giáp số 3, phá huỹ 14 xe M113, diệt 107 tên địch (có 9 cố vấn Mỹ), trận then chốt của chiến dịch thắng lợi giòn giã.
Ở hướng Hoài Đức, Tánh Linh, tiểu đoàn 186 đánh chiếm ấp chiến lược Mê Pu, địch đưa quân từ Hoài Đức lên chi viện, ta chặn đánh làm thiệt hại nặng một đại đội Bảo an, một đại đội Dân vệ. Ngày 17-12, ta chủ động kết thúc chiến dịch đợt 1.
Đêm 27-12, để kéo địch ra giải toả, ta đánh chiếm Bình Giã. Sáng ngày 28-12 địch cho máy bay đổ bộ tiểu đoàn 30 Biệt động quân xuống trảng trống phía Tây Nam Đức Thạnh, hình thành 3  mũi tiến vào Bình Giã, quân ta chặn đánh quyết liệt nhưng khoá đuôi không chặt nên địch chạy thoát về La Vân.
Trưa ngày 28-12, địch tiếp tục dùng 28 máy bay trực thăng vũ trang hộ tống cho 50 máy bay đổ quân xuống phía Đông Bắc Bình Giã, hoả lực phòng không của ta bắn rơi 5 máy bay chở đầy quân địch. Địch chuyển hướng đổ quân xuống phía Đông Nam Bình Giã, trung đoàn 761 chia làm hai hướng tấn công tiêu diệt địch , đến 18 giờ ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt gần hết tiểu đoàn 33 của địch, bắn rơi 11 máy bay lên thẳng. Đây là trận thắng then chốt thứ hai của chiến dịch.
Ngày 30-12, địch dùng 30 máy bay đổ quân xuống La  Vân bị ta bắn rơi 1 máy bay, chết 4 lính Mỹ.
Ngày 31-12, ta phục kích tiêu diệt tiểu đoàn 4 Thuỷ quân lục chiến, diệt 600 tên địch. Đến 18 giờ ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Đây là trận thắng then chốt thứ ba của chiến dịch.
Phối hợp với hướng chủ yếu, ngày 1-1-1965, tiểu đoàn 4, trung đoàn 762 phục kích diệt diệt gọn một đoàn xe 10 chiếc trên Đường 15. Ngày 3-1, trung đoàn 762 phục kích trên Đường số 2 diệt 16 xe, đánh thiệt hại tiểu đoàn 35 Biệt động quân.
Nhân cơ hội địch ở trong các ấp chiến lược hoang mang, ta tiến công đánh chiếm ấp Mê Pu, Sùng Nhơn, Đậm Rim, Tà Bao làm tan rã lực lượng dân vệ ở các ấp nầy. Ngày 3-1-1965 Bộ Tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch.
Kết quả: ta tiêu diệt 2 tiểu đoàn (33 Biệt động quân, 4 Thuỷ quân lục chiến) và chi đoàn thiết giáp M113, đánh thiệt hại 6 tiểu đoàn khác, diệt 1.700 tên, bắt 293 tên, thu 100 máy thông tin và hơn 1.000 súng các loại, phá huỷ 45 xe quân sự, bắn rơi 56 máy bay các loại.
Chiến dịch Bình Giã thắng lợi góp phần tạo bước ngoặc trong so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta. Nhận định về sự kiện đánh dấu bước ngoặc quyết định làm thay đổi cục diện Chiến tranh đặc biệt, Tổng bí thư Lê Duẫn đã nói: “…đến trận Bình Giã, thì Mỹ thấy thua ta trong Chiến tranh đặc biệt” [13].
Tiếp theo chiến thắng Bình Gĩa, có chiến thắng Ba Gia ở Quảng Ngãi: trong thời gian ngắn, Quân Giải phóng đã đánh ngoài trời tiêu diệt gọn nhiều tiểu đoàn địch. Rồi đến Phước Long – Đồng Xoài, chủ lực ta vừa đánh địch ngoài trời, vừa đánh địch trong công sự kiên cố. Trận đánh chiếm cứ điểm chi khu Đồng Xoài ( 9-6-1965) đã nâng trình độ tác chiến của Quân Giải phóng lên một bước cả về kỹ thuật chiến đấu của bộ đội lẫn chỉ huy hợp đồng binh chủng, liên lạc, trinh sát nhanh chóng chính xác, diệt điểm, diệt viện, nghi binh kết hợp ngăn chặn địch từ xa, dự kiến phản ứng của địch và dự đoán nơi địch đổ quân tạo thành thế diệt địch ngay từ phút đầu.
ï Nhìn chung, từ khi ra đời 1960 đến 1965, Mặt trận Dân tộc giải phóng đã lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai trên cả 3 lĩnh vực : chính trị, quân sự và ngọai giao đạt nhiều kết quả.
Hệ thống ủy ban Mặt trận phát triển từ Trung ương đến địa phương, vùng giải phóng mở rộng, số ấp chiến lược địch kiểm soát năm 1965 chỉ còn 2.200/12.000 ấp, số dân địch kiểm soát chỉ còn 6/16 triệu người [66, tr.240].
Trên mặt trận ngoại giao chúng ta thắng lớn, hầu hết các dân tộc trên thế giới đều ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam, nhiều đoàn thể, nhiều tổ chức chống Mỹ xâm lược Việt Nam hình thành, uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng ngày càng có vị trí trên trường quốc tế.
Về quân sự, Quân Giải phóng càng ngày càng trưởng thành, bước đầu chủ động mở các chiến dịch tiêu diệt quân địch, kết hợp ba thứ quân  tấn công địch trên cả ba vùng chiến lược. Quân địch bị tiêu diệt trên khắp các chiến trường, từ 1961- 1964, quân Mỹ chết 303, quân ngụy chết, bị thương và bị bắt  301.800, quân ta diệt 1.433 máy bay, 273 xe tăng và 522 tàu thủy [2].
          Từ 1965, “chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mỹ buộc phải thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến, mở rộng chiến tranh ra cả nước để cứu nguy cho ngụy quyền tay sai.
                                                   hïg

Không có nhận xét nào: